Ca dao tục ngữ về phẩm chất con người

TỤC NGỮ VỀ CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI

I/ TÌM HIỂU CHUNG VỀ VĂN BẢN

Kho tàng tục ngữ Việt Nam rất phong phú và đa dạng, trong đó mảng tục ngữ về con người và xã hội, tập trung ở các đề bài: gia đình, kinh nghiệm ứng xử, lịch sử, xã hội, phương châm sống,

Những câu tục ngữ viết về con người và xã hội thường rất giàu hình ảnh, các biện, pháp nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, tính hàm súc về nội dung biểu hiện. Sức mạnh của tục ngữ ở việc chú trọng, tôn vinh những giá trị cao đẹp của con người, đưa ra những lời nhận xét, khuyên răn về những phẩm chất và lối sống mà con người cần phải có trong cuộc sống.

Nội dung các câu tục ngữ chủ yếu chỉ quan hệ giữa người với người trong xã hội, thường được tuân theo một chuẩn mực đạo đức luân lí nhất định. Chuẩn mực đạo đức đó đã được cộng đồng chấp nhận vá được người dân lao động sử dụng như một nguyên tắc sống và giao tiếp hằng ngày.

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

Đọc kĩ văn bản và chú thích để hiểu các câu tục ngữ và một số từ trong văn bản..

Câu 1: Một mặt người bằng mười mặt của.

Có ý nghĩa khẳng định và đề cao giá trị của con người, ta cũng gặp trong nhiều câu tục ngữ khác như: Người sống, đống vàng; Người ta là hoa đất.

Câu tục ngữ này có thể được áp dựng trong nhiều trường hợp: như phê phán, phản bác những kẻ coi trọng của cải hơn con người; động viên, an ủi những người bị mất mát, thiệt hại về tiền của, và thông qua đó chỉ cho họ thấy rằng của cải đáng quý, nhưng con người còn đáng quý hơn cả. Còn người còn của, con người sẽ làm ra của cải vật chất.

Câu 2: Cái răng, cái tóc là góc con người.

Nêu lên hai nét đẹp của con người, cái răng cái tóc là phần thể hiện hình thức, tính nết con người.

Câu tục ngữ không chỉ nêu lên nét đẹp của con người mà còn nhắc nhở chúng ta biết giữ gìn chăm sóc từng yếu tố thể hiện hình thức, tính nết tốt đẹp của con người.

Câu tục ngữ còn nhắc con người chú ý về hình thức bên ngoài, thông qua hình thức bên ngoài ta có thể soi xét một phần của góc con người, với cách hiểu này câu tục ngữ như một lời khuyên mọi người trong cách đánh giá một con người.

Câu 3: Đói cho sạch, rách cho thơm.

Câu tục ngữ khuyên con người phải sống trong sạch dù có khó khăn về vật chất, dù hoàn cảnh nào cũng phải giữ gìn phẩm giá, nhân cách của mình.

Câu 4: Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Câu tục ngữ nêu lên bài học về cách thức giao tiếp ứng xử trong cuộc sống, cần phải học các hành vi ứng xử có văn hóa.

Câu tục ngữ là lời nhắn nhủ mọi người rằng: mỗi hành vi cử chỉ đều nói lên tư cách, phẩm chất của con người. Trong cuộc sống ta phải học tất cả những điều này để có cách giao tiếp có văn hoá, một nét sống cần thiết của con người trong xã hội.

Câu 5: Không thầy đố mày làm nên.

Câu tục ngữ khẳng định vai trò to lớn của người thầy trong sự nghiệp giáo dục. Qua đây còn thể hiện sự thách thức đối với những người luôn tự đề cao mình, không biết nhớ ơn công lao dạy dỗ của thầy cô giáo.

Câu tục ngữ nhắc con người phải biết quý trọng và biết ơn công lao dạy dỗ của thầy cô giáo phê phán những ai vô lễ với người đã dạy dỗ mình nên người.

Câu 6: Học thầy không tày học bạn.

Xuất phát từ thực tế, không chỉ học các kiến thức từ sách vở mà có thể học từ chính những người bạn của mình. Bạn bè là những người cùng tuổi vì vậy việc học hỏi sẽ dễ dàng hơn, từ đó ta có thể thay đổi rèn luyện những mặt còn yếu kém.

Hai câu tục ngữ 5 và 6 nêu lên mối quan hệ thầy trò, bình luận, đánh giá vai trò của người thầy và xác định việc tiếp thu, học hỏi từ bạn bè được nhân dân đúc kết. Mới đọc tưởng chừng hai câu tục ngữ đối lập nhau nhưng thực tế lại bổ sung chặt chẽ cho nhau, mỗi câu đề cao và nhấn mạnh vai trò của một đối tượng. Câu thứ nhất đề cao vai trò của người thầy, câu thứ hai đề cao việc học bạn. Chủ thể được nói đến trong mỗi câu đều có ưu thế riêng: thầy dạy ta kiến thức, dạy ta những điều hay lẽ phải song để mở mang kiến thức đó ta phải học hỏi thêm bạn bè.

Trong cuộc sống bản thân mỗi người cần phải biết kết hợp cả hai hình thức là học thầy và học bạn, có như vậy thì mới phát triển toàn diện.

Tục ngữ Việt Nam có những câu có ý tương hỗ, bổ sung ý nghĩa cho nhau như: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn/ Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân.

Bán anh em xa mua láng giềng gần/ Một giọt máu đào hơn ao nước lã.

Cả hai câu, câu nào cũng đề cao việc học, chỉ có học tập biết tìm thầy mà học thì con người mới có thể thành tài, có khả năng đóng góp cho xã hội và sống mới có ý nghĩa.

Câu 7: Thương người như thể thương thân.

Răn dạy con người hãy yêu thương người khác như chính bản thân mình vậy. Trong cuộc sống ai cũng có lúc gặp phải khó khăn cần sự giúp đỡ và chia sẻ, vì vậy con người cần có trái tim đồng cảm, chia sẻ giúp đỡ đùm bọc nhau, phải có lòng nhân ái, đó là đức tính tốt của con người.

Câu 8: Ăn quả nhớ kể trồng cây.

Nghĩa của câu tục ngữ: Được hưởng thành quả phải nhớ ơn người tạo ra thành quả đó.

Câu tục ngữ nhắc nhở con người khi được hưởng thành quả nào thì phải biết quý trọng và nhớ tới công ơn của người đã tạo dựng những thành quả đó. Con người sống phải biết trước sau, phải có tình nghĩa và có cách cư xử có đạo đức.

Câu 9:

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nền hòn núi cao.

Câu tục ngữ mượn chuyện cây cối, sự vật để nói chuyện con người: trong cuộc sống nếu chỉ có một mình thì không làm được gì nhưng khi con người biết hợp sức lại thì công việc sẽ tiến hành tốt hơn.

Sức mạnh của khối đoàn kết trong thời đại nào cũng được đề cao, nếu con người sống tách rời tập thể sẽ bị cô lập, không thể vững bước đi lên trong cuộc sống. Mỗi cá nhân cần biết đoàn kết, giúp đỡ nhau như vậy mới tạo thành cộng đồng vững mạnh.

Như vậy:

Tục ngữ viết về con người và xã hội có từ lâu đời, nó có những đặc sắc riêng về nghệ thuật, là sự diễn đạt bởi các hình thức so sánh:

Các câu 1, 6, 7 có sử dụng biện pháp so sánh, một và mười, câu 6 là khồng bằng (không tày). Câu 7 là so sánh bằng (như thể),

Nhờ biện pháp so sánh các hình ảnh, sự vật được nói đến trở nên cụ thể, người đọc như cảm nhận được một cách trực tiếp, hơn thế nữa nhờ việc sử dụng so sánh mà câu tục ngữ trở nên dễ thuộc, dễ nhớ.

Nghệ thuật ẩn dụ với những hình ảnh quả, núi cao ở câu: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao để liên hệ với con người. Dựa trên sự tương đồng về ý nghĩa mà phép so sánh ngầm này cho người đọc nhận ra nét nghĩa sau văn bản.

Cách dùng từ và câu có nhiều nghĩa ở trong ca dao rất phố biến, cụ thể trong bài ở các câu 2, 3, 4, 8, 9 có thế hiểu theo nhiều nét nghĩa. Câu Cái răng, cái tóc là góc con người không những chỉ răng và tóc mà còn nói về hình thức nói chung, từ đó có cách nhìn nhận và đánh giá nhân cách con người.

IV/ TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

1/ Tục ngữ, ca dao là phần phong phú nhất trong văn học dân gian của dân tộc ta. Đây cũng là phần có giá trị nhất về mặt trí tuệ, tình cảm và nghệ thuật biểu hiện. Do đặc điểm nội dung và hình thức ngắn gọn, có vần, dễ nhớ nên nó luôn luôn được nhân dân vận dụng, truyền miệng qua nhiều thế hệ. Chính vì vậy, nó luôn được trau chuốt mà vẫn giữ được cái hồn, cái hình mặc dù có thay đổi một vài từ khi đến cư trú ở các địa phương khác nhau.

Tục ngữ là lời ăn tiếng nói của nhân dân đã được đúc kết lại dưới những hình thức tinh giản mang nội dung súc tích. Tục ngữ thiên về biểu hiện trí tuệ của nhân dân trong việc nhận thức thế giới, xã hội và con người. Nói như Gorki: Tục ngữ diễn đạt rất hoàn hảo toàn bộ kinh nghiệm sống, kinh nghiệm xã hội lịch sử của nhân dân lao động (Gorki bàn về văn học, NXB Văn học, H. 1965, tập I, trang 229). Đồng thời tục ngừ cũng biểu hiện thái độ ứng xử và tình cảm của nhân dân đối với những vấn đề của cuộc sống. Tục ngữ thể hiện một phần quan trọng của tư liệu khoa học dân gian và triết lí dân gian. Gắn với lao động, với tự nhiên và những thăng trầm của lịch sử, xã hội, nhân dân đã bộc lộ một cách sâu sắc kinh nghiệm sống, lối sống, tư tưởng đạo đức của mình.

Trong tục ngữ, qua những nhận xét tinh tế về thời tiết; về những kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, những phê phán sắc sảo: Nén bạc đâm toạc tờ giấy; Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ;những tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa: Người ta là hoa đất; Người sống, đống vàng; những đức tính quý báu của nhân dân: Có công mài sắt, có ngày nên kim; Đói cho sạch, rách cho thơm; những chân lí từ ngàn đời: Năm ngón tay có ngón dài, ngón ngắn; Nước chảy đá mòn; Tre già mãng mọc ý nghĩa của tục ngữ trước hết là ở nội dung. Tuy nhiên ý nghĩa của thể loại này còn ở chỗ biểu hiện được cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ dân tộc, ở chỗ chứng minh được rằng ngôn ngữ văn học dân gian là mẫu mực về tính chính xác, tính sinh động và tính hình tượng. Qua tục ngữ có thể thấy cách nhân dân phát huy những ưu điểm của tiếng Việt về mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ pháp để biểu hiện tư tưởng của mình. Thông qua việc sáng tác tục ngữ, nhân dân đã rèn đúc, mài giũa ngôn ngữ dân tộc và làm cho nó ngày càng tinh xảo, chính xác, trong sáng và phong phú hơn.

Mỗi câu tục ngữ đều dùng hình ảnh, sự việc, hiện tượng cụ thể để nói lên ý niệm trừu tượng, dùng cái cá biệt để nói lên cái phổ biến vì vậy ở mỗi câu tục ngữ thường có hai nghĩa: nghĩa đen (nghĩa hẹp) và nghĩa bóng (nghĩa rộng). Cái cụ thể, cá biệt tạo nên nghĩa đen; cái trừu tượng, phổ biến tạo nên nghĩa bóng. Đặc biệt là ở những câu tục ngữ nói về quan niệm, lối sống và đạo đức của nhân dân: Môi hở răng lạnh; Chó cắn áo rách; Đục nước béo cò; Năng nhặt chặt bị;

Hình ảnh trong tục ngữ là những hình ảnh từ cuộc sống phong phú nhiều màu, nhiều vẻ được nhân cách hóa rất linh hoạt và sinh động: Đũa mốc chòi mâm son; Khố son bòn khố nâu hầu hết các câu tục ngữ đều có vần, nhiều nhất là vần lưng (yêu vận) nên nhịp điệu nhanh, mạnh, vững chắc: Được làm vua, thua làm giặc; Trăng mờ tốt lúa nỏ, trăng tỏ tốt lúa sâu; Chê thằng một chai, lấy thằng hai nậm; Gái một con trông mòn con mắt còn những câu không vần thường giữ được tính chất nhịp nhàng theo cách cấu tạo cân đối của các vế: Già néo đứt dây, Vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Cũng có những câu không vần, không đối nhưng vẫn giàu chất nhạc, chất hàm súc của thơ: Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết; Nằm trong chăn mới biệt chăn có rận, Dao sắc không gọt được chuôi;

Nghệ thuật tục ngữ biểu hiện đầy đủ lối suy nghĩ dân gian của dân tộc về giới tự nhiên và đời sống xã hội đồng thời cũng biểu hiện cách nói của dân tộc ta qua nhiều thế hệ, trong tiến trình lịch sử lâu dài. Nếu như tục ngữ thiên về lí trí, đúc kết kinh nghiệm về cuộc sống thì ca dao lại thiên về tình cảm (nội dung trữ tình) và ca dao là một thể loại đã thể hiện được hết cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ văn học dân gian. Cũng như tục ngữ hoặc bất cứ thể loại văn học nào khác, ý nghĩa chủ yếu có thể thấy ở ca dao vẫn là về mặt nội dung, có điều là nội dung ấy thường đượm chất thơ. Nếu cho rằng một đặc điểm của thơ là ở chỗ biểu hiện một cách cô đúc nhất tư tưởng và tình cảm thì cũng có thể coi tục ngữ như là một dạng của thơ.

(Mã Giang Lân, Lời giới thiệu Tục ngữ ca dao Việt Nam)

2/Tục ngữ là những câu nói hoàn chỉnh, đúc kết kinh nghiệm của nhân dân về thiên nhiên và lao động sản xuất, về con người và xã hội. Tục ngữ thiên về trí tuệ nên thường được ví von là trí khôn dân gian. Trí khôn đó rất phong phú mà cũng rất đa dạng nhưng lại được diễn đạt bằng ngôn từ ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, giàu hình ảnh và nhịp điệu. Có thể coi tục ngữ là văn học nói dân gian nên thường được nhân dân vận dụng trong đời sống sinh hoạt, giao tiếp cộng đồng và xã hộí hay hẹp hơn như lời ăn tiếng nói và khuyên răn.

Tục ngữ được hình thành từ cuộc sống thực tiễn, trong đời sống sản xuất và đấu tranh của nhân dân, do nhân dân trực tiếp sáng tác; được tách ra từ tác phẩm văn học dân gian hoặc ngược lại; được rút ra tác phẩm văn học bằng con đường dân gian hóa những lời hay ý đẹp hoặc từ sự vay mượn nước ngoài.

Giữa hình thức và nội dung, tục ngữ có sự gắn bó chặt chẽ, một câu tục ngữ thường có hai nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng. Tục ngữ có tính chất đúc kết, khái quát hóa những nhận xét cụ thể thành những phương châm, chân lí. Hình tuợng của tục ngữ là hình tượng ngữ ngôn được xây dựng từ những biện pháp so sánh, nhân hóa, ẩn dụ,

Đa số tục ngữ đều có vần, gồm hai loại: vần liền và vần cách. Các kiểu ngắt nhịp: trên yếu tố vần, trên cơ sở vế, trên cơ sở đối ý, theo tổ chức ngôn ngữ thơ ca Sự hòa đối là yếu tố tạo sự cân đối, nhịp nhàng, kiến trúc vững chắc cho tục ngữ. Hình thức đối: đối thanh, đối ý. Tục ngữ có thể có một vế, chứa một phán đoán, nhưng cũng có thể gồm nhiều vế, chứa nhiều phán đoán.

Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

___

Xem thêm:

Hướng dẫn ôn tập chủ đề Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuấttại đây.