Ca sĩ trần thị bích ngọc là ai?

Bích Ngọc cho tôi ấn tượng từ Vietnam Idol 2015, một giọng hát trong, khỏe và một vẻ ngoài mũm mĩm hết sức đặc biệt.

Bẵng đi một thời gian khá dài, tháng 3-2017 cô gái ấy 'trình diện' khán thính giả MV rất thơ "Dream Girl". Đó cũng chính là tên gọi cho dự án dài hơi của Ngọc trong năm nay, đánh dấu khả năng sáng tác của cô á quân năm nào.

Ngoại hình ư? - Chuyện nhỏ!

Luôn luôn tồn tại một mặc định, những cô gái, dù là diễn viên, ca sĩ, người mẫu hay dancer,… miễn là muốn dấn thân và tỏa sáng trong lĩnh vực nghệ thuật thì nhất định phải có ngoại hình ưa nhìn. Vẻ ngoài càng đẹp, tỷ lệ được nhắc nhớ của bạn càng cao. 

Bởi, cô gái đó sẽ trở thành hình mẫu cho rất nhiều người trẻ khác, khiến người ta phải trầm trồ ngưỡng vọng. Trong thời đoạn phần nhìn luôn được chú trọng hơn phần nghe, âm nhạc được chú trọng đến yếu tố giải trí hơn thì mặc định kia càng được củng cố.

Bích Ngọc có bao giờ tự ti với ngoại hình của cô không? "Dạ có nhưng là hồi còn bé tí kia. Bạn bè trong lớp trêu em quá chừng, đặt cho em nhiều biệt danh không hay xíu nào, thậm chí không thèm chơi với em nữa. Em về khóc lóc với mẹ, mẹ bảo: 'Con không thấy là như vậy mình trở nên đặc biệt sao? Các bạn trêu con là vì các bạn cũng muốn như con mà không có được.' Nhờ sự động viên đó mà em tự tin hẳn lên. Hồi em đi thi, cũng có một anh nhà báo sợ em tủi thân, ảnh nói với em rằng, giữa bầy thiên nga mà mình Ngọc là vịt bầu thì người nổi bật chắc chắn là Ngọc. Vậy nên hãy cố gắng tỏa sáng bằng chính giọng hát của mình. Em giống ba em, tròn tròn mũm mĩm, nó thuộc về di truyền rồi, không ốm được. Kiểu hít không khí thôi cũng tròn nữa chị!" - Ngọc hồn nhiên, cười tít mắt.

Bích Ngọc - đang thể hiện khả năng vừa sáng tác vừa hát, điều gần như phổ biến với thế hệ ca sĩ trẻ hiện nay

"Có thực sự là tự tin không khi gần đây Ngọc vừa giảm cân rất đáng kể?" - tôi hỏi. "Khoảng thời gian sở hữu thân hình quá khổ, vừa hát vừa nhảy trên sân khấu với em như một cực hình. Thứ nhất là mệt, thứ hai là động tác không dứt khoát. Cho nên động lực lớn nhất để em giảm cân không phải vì những bình luận không hay của mọi người. Em nhận ra mình nên yêu cơ thể mình. Khi mình khoẻ mạnh thì sẽ có một tinh thần tốt và năng lượng tích cực để làm mọi thứ chứ không hẳn là giảm cân để bản thân trông nuột nà, thon gọn. Em không thích gầy gò quá và em cũng không ốm được vì ăn uống và nấu ăn là niềm đam mê rất lớn với em, như âm nhạc vậy. Em nghĩ, cách tốt nhất để giảm cân mà vẫn duy trì sức khỏe là tập luyện và có chế độ ăn uống hợp lý, khoa học, hạn chế các chất đường, bột, chất béo thay vì ép xác. Người ta cần ăn uống để sinh hoạt và xem như nó như một thú vui trong cuộc sống thì mới thú vị" - Ngọc phản hồi. 

Và tiếp lời: "Có rất nhiều nữ danh ca trên thế giới sở hữu thân hình không mảnh mai nhưng cả thế giới đều dành cho họ sự yêu quý. 

Như Beyonce, như Adele. Họ cũng đã truyền cho rất nhiều cô gái, trong đó có em cảm hứng sống tích cực, biết mình là ai, tự tin vào chính mình. Người phụ nữ đẹp em nghĩ là khi chính họ cảm thấy tràn đầy hứng khởi, yêu cuộc sống và tự tin vào chính vẻ đẹp của cơ thể mình chứ không phụ thuộc vào nhận xét hay đánh giá của người khác, đẹp theo những quy chuẩn mà số đông đặt ra".

Đây là thông điệp tích cực không chỉ Bích Ngọc mà còn rất nhiều cô gái có ngoại hình mũm mĩm khác đang dần khẳng định tài năng và vị trí của họ trong làng giải trí Việt như dancer Huỳnh Mến, diễn viên - ca sĩ Âu Bảo Ngân,… Tất cả họ, tiếp cho người đối diện và khán giả nguồn năng lượng tích cực, bất tận khi tiếp xúc hoặc xem họ trình diễn; là minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ trên hành trình tìm kiếm và chinh phục giấc mơ, vượt qua rào cản.

Giấc mơ thời thơ ấu

Điều thú vị nhất của Bích Ngọc trong hai năm sau giải thưởng á quân tại Vietnam Idol 2015 là việc cô theo học tại trường nhạc của nghệ sĩ Thanh Bùi - một trong số ít nghệ sĩ có tâm, có tư duy làm nghề lâu dài, có chiều kích rộng mở ra thế giới. 

Bao giờ cũng vậy, nếu chỉ soi vào mình, bạn sẽ chỉ nhìn thấy một cái chấm. Nhưng nhìn rộng ra, bạn sẽ thấy được cả những khoảng không ngoài dấu chấm ấy. Thấy thế giới thật rộng mở, muốn hòa vào dòng chảy đó mà không lạc lõng. Người thầy giỏi là người khơi dậy đam mê, cho học trò niềm tin và khơi dậy những khả năng còn ẩn lấp. 

Với Bích Ngọc, đó là việc đào sâu và hiểu hơn về âm nhạc, về con đường rất dài ở phía trước và khả năng ghi lại những xúc cảm của cô trước đời sống nhiều gia vị. 

"Em còn nhớ rất rõ lúc em hát trong một talkshow truyền hình, khán giả tinh ý lắm, bảo hát không gì khác so với lúc trên sân khấu Idol. Em bị gồng quá, cứ nghĩ hát vậy là tốt nhưng thầy đã chỉ cho em hiểu, mỗi ca khúc khi hát trong những không gian khác nhau, người trình diễn sẽ có những xúc cảm khác nhau. Điều người nghe cần là người trình diễn nắm bắt và thể hiện được những xúc cảm ấy qua bài hát. Thầy còn cho em niềm tin để viết nhạc - điều mà trước đây chưa bao giờ em nghĩ mình làm được." - Ngọc bộc bạch.

"Thầy đã dạy tôi, mình bỏ ra bao nhiêu công sức sẽ được nhận lại bấy nhiêu".

"Như Thanh từng nói hai năm trước trong cuộc thi Vietnam Idol 2015, sẽ có một ngày Bích Ngọc trở thành diva của Việt Nam, Thanh tin điều đó. Bích Ngọc ngày xưa là một viên ngọc quý nhưng còn thô, Thanh chỉ tạo điều kiện, định hướng để cho Bích Ngọc tự mài giũa và toả sáng" - nghệ sĩ Thanh Bùi chia sẻ về cô học trò của anh.

"Hồi em còn nhỏ, mỗi lần trường có chương trình văn nghệ, nhiều bạn sợ sân khấu chứ em mê lắm. Em yêu cái cảm giác mình đứng hát, bên dưới có biết bao người đang lắng nghe mình. Nhưng tốt nghiệp phổ thông, mẹ em nhất quyết không cho em thi hay học bất cứ thứ gì liên quan đến âm nhạc cả. Mẹ bảo xem đó là một niềm vui thì được còn nghề là phải ổn định và chắc chắn. Mẹ bươn trải nuôi hai anh em từ hồi bé đến giờ nên em hiểu nỗi lo và cảm giác của mẹ. Sợ mẹ buồn, em thi vào kiến trúc, có liên quan đến nghệ thuật một chút, coi như an ủi đam mê của mình. Ai dè, ở trường là cả 'động' văn nghệ luôn. Em như cá gặp nước. Trước khi đi thi đoạt giải, em có hai lần từ Cần Thơ lên Sài Gòn đăng ký Idol nhưng đều rớt. Cho tới năm 4, em lên Sài Gòn học, đăng ký thì nữa thì đậu. Em ráng tốt nghiệp nhưng quả quyết xin mẹ cho em đi theo giấc mơ của mình. Lúc ấy mẹ mới đồng ý" - Ngọc hoài niệm về hành trình đến với giấc mơ.

"Thời điểm đoạt giải rồi, em hoang mang lắm, em không biết làm gì với âm nhạc. Em luôn tự đặt cho mình câu hỏi, sẽ làm gì tiếp đây? Liệu em có thể đi đường dài được với nó không hay chỉ là một đóm đuốc lóe sáng rồi vụt tắt? Em sợ mình không hiểu được âm nhạc. Bây giờ thì mọi thứ đã khá hơn. Em biết sâu hơn được một chút về âm nhạc và trải đều năng lượng cho mỗi ngày. Em nghĩ thành quả lớn nhất em làm được trong hai năm qua là hiểu được chính mình, biết mình cần gì và muốn gì, không ngại thử thách. Thú thật với chị, em chưa biết con đường âm nhạc sắp tới của em sẽ định hình theo phong cách nào. Nhưng trước mắt, em muốn mình được thỏa mãn bản thân bằng cách thử sức ở các thể loại. Có sao đâu vì mình còn trẻ. Và tuyệt đối không được sợ sai. Chỉ có đi qua thử thách mới trưởng thành, và cũng chỉ có rèn luyện hằng ngày mới giúp mình sẵn sàng nắm bắt khi cơ hội đến. Em đã chuẩn bị để sẵn sàng cho hôm nay. Thầy đã dạy em rằng không có gì là "zero to hero" hết, mình bỏ ra bao nhiêu công sức sẽ được nhận lại bấy nhiêu. Khi đã có một nền tảng tốt mình sẽ mạnh mẽ để làm mọi thứ vì ước mơ!"

Khi Ngọc tâm sự với tôi những điều này, ánh mắt cô nhanh nhạy, lộ nét thông minh, lém lỉnh mà vô cùng trong trẻo. Tôi không cố làm khó Ngọc bằng những câu hỏi lắc léo, đánh đố dù cô luôn trong tinh thần sẵn sàng: "Chị cứ làm khó em để em có thêm kinh nghiệm". Bởi tôi muốn thấy, muốn được gần bản thể thật nhất của Ngọc.

Và Ngọc đã hiện ra trước mắt tôi, hồn nhiên nhưng cũng đầy quyết tâm, tự tin trong khát khao chinh phục giấc mơ đời mình. Không biết, độ hai ba năm nữa gặp lại, Ngọc sẽ thay đổi như thế nào. Nhưng tôi tin, người có khí chất, có đam mê và hăng say lao động, nhất định sẽ tiến rất xa trên con đường thênh thang.

Đường mình đã chọn thì cứ đi thôi bởi suy cho cùng trong cõi nhân gian phù phếm này, không phải cốt yếu là làm được điều mình thích hay sao, không phải quan trọng nhất vẫn là làm được điều mình đã chọn hay sao. Lấy đó làm vui, may thì thành không may thì không thành, nhưng mà có sao đâu chứ bởi mỗi sớm mai luôn có ánh mặt trời, bởi mỗi khi thức dậy soi gương vẫn thấy may mắn vì mình giữ vẹn nguyên một ao ước, phải không Bích Ngọc?

Hoàng Linh Lan

Bà là nghệ sĩ Trần Thị Bích Ngọc - một đào hát nổi danh với giọng ca cải lương mê đắm lòng người. Cuộc đời bà từng vào Nam ra Bắc, lăn lộn khắp chiến trường, hát cho đồng bào, chiến sĩ nghe. Trong căn phòng nhỏ của bà đấy ắp những ký ức. Những tấm Huân chương Kháng chiến, Huy chương Chiến sĩ văn hóa đã bạc màu vì thời gian.

Khát vọng tự do

Cuộc đời bôn ba của bà Bích Ngọc hiếm có những giây phút bình yên. Ngay cả lúc này đây, khi tôi ngồi trò chuyện cùng bà, khi sức khỏe của bà đã ở tuổi gần đất xa trời thì nỗi buồn, những trăn trở vẫn còn vẹn nguyên trong bà. Bà sống bằng ký ức. Hay chính ký ức đã giúp bà đi qua những tháng ngày biến động của đời mình. Trên tường treo đầy những bức ảnh một thời xuân sắc, một thời tiếng hát của bà vang lên khắp các chiến trường khói lửa.

Giọng nói của bà ngắt quãng, khó nhọc vì chứng bệnh tiểu đường biến chứng. Câu chuyện bà kể đôi khi nghẹn đắng. Nước mắt chực trào ra. Có lẽ chưa bao giờ bà cảm thấy cô đơn như lúc này. Dù cuộc đời bà có những lúc cùng cực, dâu bể, nhưng lúc đó bà còn tuổi trẻ, còn nhan sắc và còn tiếng hát. Bây giờ bà chỉ còn lại một nỗi khắc khoải, cả đời cống hiến cho sân khấu cải lương, nhưng hồ sơ nghệ sĩ ưu tú của bà vẫn thiếu những tấm huy chương vàng… Làm sao có những tấm huy chương, khi những nghệ sĩ lăn lộn trong kháng chiến gần như cả cuộc đời mình.

Bà Bích Ngọc sinh ra ở Hưng Yên. Tuổi thơ bà cô đơn, bố mất sớm. Một sự tình cờ của số phận đã đưa Bích Ngọc đến với cải lương. Bà đi theo đoàn cải lương Đồng Ấu Nhật Tân, sau này đổi tên thành đoàn Bình Minh ở Nam Định. Bích Ngọc học hát từ những ngày còn nhỏ đó. 15 tuổi bà trở thành vợ lẽ của Trưởng đoàn Nguyễn Thanh An. Một cuộc hôn nhân không có tình yêu, nhưng nếu muốn học hát, muốn được truyền những ngón nghề, bà buộc lòng chấp nhận. 15, 16 tuổi, bà Bích Ngọc đã là mẹ của hai cậu con trai.

Nghệ sĩ Bích Ngọc thời trẻ.

17 tuổi, Bích Ngọc xinh đẹp rực rỡ, giọng ca mê đắm trở thành đào chính của đoàn cải lương Bình Minh với vở cải lương cổ như "Hà xã tắc", "Nghi Xuân tấn lực", "Quách Hải thọ tôn tiễn cưỡi trâu bay"… Người dân Nam Định yêu mến gọi Bích Ngọc là Chim sơn ca Thành Nam. Nhan sắc và tài năng mang đến cho bà nhiều hạnh phúc nhưng cũng là nguyên cớ của những bất hạnh, đắng cay.

Bà như con chim bị nhốt vào lồng son, cần tự do, cần được bay trên bầu trời cao rộng để cất cao tiếng hát của mình. Kiếp làm lẽ khiến bà chịu đủ thiệt thòi, nhiếc móc, ghen tuông. "Tôi cần phải tự giải phóng cuộc đời mình. Làm nghệ sĩ biểu diễn mà không được tự do, diễn mà phải giả tạo thì không thể hay được. Tôi phải tự giải phóng cuộc đời mình để đi theo con đường nghệ thuật", bà tâm sự. Và đến năm 1964, bà quyết định ly hôn, hai bàn tay trắng dắt cậu con trai thứ 2 vào Nghệ An, bắt đầu lại cuộc đời mình.

Đời lênh đênh chìm nổi

Tôi hỏi bà Bích ngọc, điều gì đã cho bà sức mạnh đó, dám từ bỏ mọi danh hoa phú quý để tìm một chân trời tự do. Bà trầm lặng, tình yêu với nghề, với sân khấu đã giúp bà có được sức mạnh. Hai mẹ con rời nhà hát Bình Minh vào đoàn cải lương Hòa Bình ở Nghệ An [bà là hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu từ năm 1962]. Những năm 1965, bà đi biểu diễn xung kích cho các công nông trường, xí nghiệp.

Chiến tranh ác liệt, một số đoàn văn công phải ngừng hoạt động, diễn viên phải tự lo cho cuộc sống của mình. Bà đi làm cấp dưỡng cho cửa hàng ăn. Rồi lưu lạc ra Bắc, kiếm sống qua ngày bằng tiếng hát. Trong chuyến trở ra Bắc lần đó, bà may mắn gặp được người quen, đã đưa bà về chăm sóc. Bích Ngọc trở lại với nghề, về tổ cải lương của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ở đó, tiếng hát ngọt ngào của Bích Ngọc vang lên trên làn sóng của đài, những "Miền Nam trong trái tim ta", và những điệu ca cổ "Điệu xuân tình", "Điệu Bắc sơn trà", "Cô giao liên"… Có một kỷ niệm mà đến bây giờ bà Bích Ngọc còn nhớ mãi, đó là lần bà được cử vào hát phục vụ Bác Hồ giao thừa năm 1969. Bích Ngọc biểu diễn tiết mục "Cô hàng xóm" của tác giả Hoàng Văn Trọng - một mình thể hiện 5 vai với 5 giọng hát khác nhau. Lần đó, bà Bích Ngọc đã được Bác Hồ tặng cam với nhiều khen ngợi.

Nghệ sĩ Bích Ngọc bây giờ.

Cuộc sống của người nghệ sĩ trong những năm tháng chiến tranh luôn ở trong tâm thế sẵn sàng lên đường. Họ là những nghệ sĩ - chiến sĩ. Bà Bích Ngọc cũng nhận lệnh vượt Trường Sơn vào chi viện cho miền Nam làm nòng cốt cho Đoàn văn công Đồng Tháp khu 8T2. Hai mẹ con Bích Ngọc - mẹ hát, con đàn đã mang tiếng hát của mình, vượt qua cái chết, qua mưa bom bão đạn vào chiến trường khói lửa, hát cho bộ đội nghe.

Bà nói, bà chưa bao giờ quản ngại gian khổ, ngay cả khi cận kề cái chết. Những ai đã từng tham gia cuộc đi bộ vượt Trường Sơn gian khổ, hiểm nguy vào những năm tháng đó, không thể không xúc động trước hình ảnh hai mẹ con bà - mẹ hát, con đàn. Một tình cảm thực sự cao quý của một người mẹ - nghệ sĩ như bà. Nhưng với bà đó là những năm tháng hạnh phúc. Rồi trong những ngày xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, bà đã có mặt, mang lời ca tiếng hát của mình phục vụ bộ đội.

Có lần bà đang hát ở tỉnh Pusan-Campuchia, bỗng phía dưới có một anh bộ đội lên tiếng hỏi: "Có phải Bích Ngọc của Nam Định không?". Nhận ra người quen ở nơi mà sự sống chỉ trong gang tấc, xúc động lắm, anh em bộ đội đã đứng lên công kênh Bích Ngọc.

Cuộc đời bà Bích Ngọc gắn liền với những vai diễn trong những vở cải lương nổi tiếng, Thúy Kiều trong "Thúy Kiều- Kim Trọng", Thoại Khanh trong "Thoại Khanh - Châu Tuấn", công chúa Quỳnh Nga trong "Thạch Sanh - Lý Thông", công chúa Mỵ Châu trong "Mỵ Châu - Trọng Thủy"… Trong kháng chiến, bà hát tân nhạc, chèo cổ… Bà kể, có lẽ gia tài lớn nhất trong cuộc đời bà là tình yêu của khán giả.

Dù ở miền Bắc hay miền Nam, ở dọc Trường Sơn trên đường tình nguyện đi B, ở chiến hào chống Mỹ hay ở giữa vùng lúa bình yên, ở đâu bà cũng đều nhận được tình yêu của khán giả dành cho mình. Bà kể, có lần khi đến với các đồng bào huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, bà lấy mui thuyền làm sân khấu nổi phục vụ đồng bào.

Giấy chứng nhận Huân chương kháng chiến hạng nhì của bà Bích Ngọc.

Còn người dân chèo thuyền mủng tới xem chật kín. Năm 1979, khi đó nghệ sĩ Bích Ngọc cùng các diễn viên đoàn cải lương Tuồng cổ Tiền Giang II ra biên giới phía Bắc tỉnh Hoàng Liên Sơn, lên tận đồn Simacai 201 giáp biên giới Việt- Trung biểu diễn phục vụ bộ đội và các huyện thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Cả cuộc đời cống hiến, bà Bích Ngọc không đòi hỏi cho riêng mình điều gì. Với bà, được hát, được phục vụ đồng bào, đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ. Và sau những dịch chuyển, bà trở về Tiền Giang, dành trọn những năm tháng còn lại cho việc cố vấn, chỉ đạo nghệ thuật và truyền dạy cho các thế hệ học trò. Nhiều học trò của bà, NSND Mạnh Tưởng, NSƯT Bùi Thị Hằng, NSƯT Ngọc Chi đã thành danh, trở thành NSND, NSƯT,  còn bà, người thầy lặng lẽ ấy vẫn đang sống những năm tháng cuối đời trong cô đơn, bệnh tật và không có một danh hiệu nào. Bà bị chứng bệnh tiểu đường tai biến.

Giọng nói khó nhọc, ngắt quãng. Năm 2013, bà Bích Ngọc bị ngã, và từ đó cuộc sống của bà phụ thuộc vào cả chiếc nạng gỗ. Cơ thể bệnh tật, đau yếu. Đau đớn hơn khi cậu con trai từng theo mẹ vào chiến trường năm ấy đã ra đi vì căn bệnh ung thư ở tuổi 39. Bà gần như trở thành người cô độc. Tôi hỏi bà, vì sao một nhan sắc như bà không tìm cho mình một chỗ dựa trong cuộc đời dài dằng dặc ấy.

Bà cười, làm nghệ sĩ, cuộc đời là những chuyến đi. Đâu ai nghĩ quá nhiều đến chuyện riêng tư. Rồi chưa hết, cuộc đời bà còn trải qua nhiều nỗi phiền muộn. Nhưng bà Bích Ngọc nói, trong những lúc tuyệt vọng nhất của cuộc đời, bà đã nương mình theo tiếng hát. Âm nhạc đã cứu rỗi cuộc đời bà, mang đến cho bà niềm tin để sống.

Hơn 37 năm gắn bó, cống hiến cho sân khấu cải lương, tiếng hát của Bích Ngọc đã vang lên trên mọi trận tuyến. Với bà Bích Ngọc, hạnh phúc là được hát phục vụ đồng bào. Nhưng tuổi già, người nghệ sĩ đó đang sống trong cô đơn, bệnh tật.

Tôi rời khỏi căn phòng nhỏ của bà Bích Ngọc mang theo nỗi ám ảnh về số phận  một con người, một cuộc đời tài sắc vẹn toàn nhưng đã phải hứng chịu bao dâu bể. Điều gì giúp bà sống được đến ngày hôm nay, nếu không phải là tình yêu sân khấu, nếu không phải là lý tưởng sống trọn vẹn và cống hiến của bà. 

Việt Hà

Video liên quan

Chủ Đề