Các bước dạy nghe tiếng Anh

GD&TĐ -Thực tế giảng dạy ở trường phổ thông, các tiết dạy nghe thường gặp nhiều khó khăn bởi đa phần giáo viên hoặc chưa hiểu rõ bản chất của việc dạy kỹ năng nghe hoặc chưa làm chủ được các thủ thuật dạy nghe.

Chia sẻ về cách tiến hành một bài dạy nghe hiểu đạt hiệu quả,cô giáo Lê Thị Phước - Trường THPT Triệu Sơn 4 (Thanh Hóa) cho rằng, giáo viên nên tiến hành theo 3 bước:

Bước 1: Before - Listening (trước khi nghe)

Ở giai đoạn này, giáo viên cần áp dụng một số thủ thuật dạy học giúp học sinh suy nghĩ, thảo luận, khám phá về chủ đề mình sắp sửa nghe, làm sao lôi cuốn được sự hứng thú của học sinh, tạo ra nhu cầu muốn nghe cho các em.

Thiết lập ngữ cảnh (Set up the context): Yêu cầu học sinh quan sát tranh, ảnh, gợi ý bằng cách đưa ra câu hỏi có liên quan đến nội dung bài nghe cho học sinh đoán về chủ đề mình sắp nghe.

Tiến hành bài nghe có hiệu quả, giáo viên cũng cần soạn ra yêu cầu, nhiệm vụ, tập trung vào nội dung trọng tâm, quan trọng để việc nghe có mục đích cụ thể

Cô Lê Thị Phước

Dạy hoặc giải thích cho nghĩa từ vựng (Pre, teach): Chỉ cần dạy những từ chủ động (active) khoảng từ 3 - 5 từ mỗi bài hoặc từ phần Listen and repeat.

Những từ mới còn lại để các em tự đoán nghĩa trong quá trình nghe hoặc bỏ qua. Giáo viên cũng nên giải quyết khó khăn về phát âm, kiến thức văn hoá cần thiết để học sinh có thể nắm bắt.

Cuối cùng, giáo viên cần cho học sinh biết các em được nghe bao nhiêu lần  (thường nghe từ 2 - 3 lần).

Tiếp theo, có thể áp dụng 1 trong 3 thủ thuật sau vào giai đoạn trước khi nghe.

Ordering Statements/Pictures: Thông thường cho những bài nghe có nội dung như một câu chuyện hoặc về một quá trình. Dùng bảng phụ hoặc máy chiếu giới thiệu đến học sinh một số (5 - 7) câu văn hoặc bức tranh về nội dung bài nghe, yêu cầu các em sắp xếp lại theo  trình tự như dự đoán của chúng về nội dung câu chuyện hay quá trình đó.

True/False Statements Predictions: Dùng cho những bài nghe là 1 đoạn văn, 1 bài khoá hay đoạn hội thoại. Cũng sử dụng bảng phụ hoặc máy chiếu đưa ra một số câu nhận định, yêu cầu học sinh dự đoán đúng sai dựa vào kiến thức sẵn có.

Open Predictions: Dùng cho những đoạn trích ngắn có tính chất liệt kê, miêu tả. Có thể dùng câu điền với các chỗ trống (gap) là các số liệu hoặc tính chất, đặc điểm Có thể là các bảng biểu với các cột số liệu, thông tin còn thiếu. Yêu cầu học sinh dự đoán các số liệu, thông tin đó. Có thể dùng  Networks/Brainstorm thay thế.

Ngoài ra có thể dùng thủ thuật Pre - Questions bằng cách đưa ra một số câu hỏi gợi ý về chủ đề sắp nghe để học sinh suy nghĩ và dự đoán về nội dung bài hoặc yêu cầu học sinh tự đặt một số câu hỏi mà các em hy vọng bài nghe sẽ trả lời.

Bước 2: While - Listening (trong khi nghe)

Đây là khâu quan trọng yêu cầu học sinh phải hiểu được nội dung chính của bài thông qua việc tiến hành một số bài tập cơ bản.

Khi học sinh tiến  hành bài tập ở phần Before- listening xong, giáo viên yêu cầu học sinh mở sách đọc các bài tập để kiểm tra thông tin dự đoán của mình là đúng hay sai, thừa hay thiếu để sửa chữa qua đó các em cũng đã phần nào hiểu được nội dung chính của bài nghe (Checking).

Tiếp theo học sinh cần làm thêm một trong những bài tập để khắc sâu kiến thức, ví dụ: Gap-Filling (Nghe từ trong bài điền vào chỗ trống); Comprehension questions (Nghe và trả lời hệ thống câu hỏi);

Multiple Choice (Nghe và lựa chọn đáp áp đúng); Identifying specific information (Nhận biết thông tin); True/ False questions (Chọn câu trả lời đúng sai);

Listening and numbering pictures (Nghe và sắp xếp các bức tranh); Completing a dialogue (Hoàn thành đoạn hội thoại).

Hoàn thành các bài tập trên, học sinh đã hiểu cụ thể, chi tiết bài nghe, bước tiếp theo sẽ giúp các em có cơ sở phát triển tư duy và tái hiện nội dung bài nghe.

Ưu điểm của dạy nghe theo phương pháp ba bước là giúp cho học sinh có thể đạt kết quả học tập một cách toàn diện và theo một trình tự lôgíc: Đi từ biết - hiểu - áp dụng - phân tích - tổng hợp - đánh giá.

Cô Lê Thị Phước

Bước 3: After  Listening (sau khi nghe )

Đây là khâu cuối cùng của bài học, học sinh phải làm thêm một số dạng bài tập nữa để củng cố kiến thức và mở rộng khả năng tư duy của mình, cụ thể:

Gap - Filling: Dùng từ trong bài điền vào chỗ trống.

Survey: Hỏi đáp về vấn đề trong bài nghe trong thực tế lớp học hoặc ngoài cuộc sống.

Trasformation Writing: Dựa vào các thông tin trong bài viết về một vấn đề tương tự.

Recall/Retell: Nói lại, kể lại nội dung bài nghe.

Với bất cứ dạng bài tập nào, ở bước nào, khi đưa ra giáo viên phải tiến hành theo quy tắc sau:

Set the scene: Đưa ra tình huống bài nghe.

Give time for students to do: Cho học sinh thời gian (1 - 10 phút) để làm bài tập.

Collect information from Ss./ Get feed back from Ss: Lấy thông tin phản hồi từ học sinh.

Check and correct: Kiểm tra thông tin và sửa chữa.

Trong quá trình tiến hành các bài tập có thể lồng vào các trò chơi như: Lucky Number, Simon Say, Guessing Game ,Introductions , Right-Left, Information   để tăng tính sôi nổi của các hoạt động và gây hứng thú cho học sinh khi học nghe.

Cô Lê Thị Phước cho rằng, để khắc phục khó khăn trong khi nghe, giáo viên có thể sử dụng các thủ thuật sau đây :


Giới thiệu chủ đề, các nội dung có liên quan đến bài nghe, giải thích các khái niệm mới hoặc khó đối với học sinh khi thấy cần thiết;


Giới thiệu qua tranh ảnh, bằng cách đưa câu hỏi có liên quan đến nội dung cho học sinh đoán trước nội dung bài nghe;


Trong khi nghe đưa ra một số câu hỏi hướng dẫn; đồng thời chia quá trình nghe thành từng bước: Nghe lần đầu (nghe ý chính, đại ý); nghe lần hai (nghe chi tiết hơn )


Nếu bài nghe dài, chia bài thành từng phần ngắn, có yêu cầu cụ thể cho từng phần để học sinh dễ nghe hơn và không nản.


Cô Lê Thị Phước lưu ý: Một trong những điều cần thiết khi nghe là kỹ năng dự đoán tình huống sắp nghe. Khi nghe, giáo viên cho học sinh đoán điều gì sắp xảy ra theo tình huông hoặc ngữ cảnh nhất định nào đó. Có thể tiến hành hoạt động này đối với các bài là một đoạn hội thoại hay một câu truyện.

Video liên quan