Các yếu tố ảnh hưởng của sức khỏe môi trường

Khói thuốc lá

Những phân tử độc hại trong khói thuốc lá có thể lơ lửng nhiều giờ sau khi hút. Nếu hít thở khói thuốc này thường xuyên có thể gây hại cho sức khỏe bạn theo nhiều cách.

Ung thư: Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 3000 người không hút thuốc lá nhưng chết do bệnh ung thư vì sống trong môi trường có nhiều khói thuốc gây ra. Những bệnh ung thư thường gặp là: ung thư xoang, ung thư cổ tử cung, ung thư vú và ung thư bàng quang.

Bệnh tim mạch: Hút thuốc thụ động cũng có hại cho tim mạch của người không hút thuốc như gây ra bệnh tim động mạch vành, tổn thương thành mạch, và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Có đến 35.000 người không hút thuốc lá chết vì bệnh tim mạch do khói thuốc mỗi năm tại Mỹ.

Bệnh phổi: Bệnh phổi mãn tính như viêm phế quản, hen suyễn có liên quan đến hút thuốc lá thụ động. Việc hạn chế hút thuốc thụ động không lại là chuyện dễ dàng. Hiện nay nhiều quốc gia đã đưa ra những luật nghiêm ngặt để ngăn cấm việc hút thuốc lá nơi làm việc, quán ăn hay những nơi công cộng và xử phạt gắt gao.

Độc chất trong nhà

Nhà chúng ta đang ở chứa vô số chất độc: chúng ở trong các vật liệu xây dựng, hóa chất trong sơn quét nhà, bụi mạt và các chất thải trong sinh hoạt hàng ngày như nấu nướng…

Các yếu tố ảnh hưởng của sức khỏe môi trường

Bụi mạt

Là những con ve rất nhỏ, mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy, chúng sống trong nệm giường, khăn trải giường, thảm… Thức ăn của chúng là những tế bào chết rơi rụng từ cơ thể con người hoặc vật nuôi và các chất hữu cơ tìm thấy nơi chúng sống. Khi trưởng thành chúng lột bỏ lớp vỏ ra, lớp vỏ này cùng chất thải gây dị ứng cho  một số người làm ngứa mũi, mắt, thậm chí có thể gây cơn hen nặng. Loài mạt chỉ sống được trong môi trường có độ ẩm trên 70%, vì vậy giữ môi trường trong nhà khô ráo, vệ sinh chăn mền, hút bụi thường xuyên là biện pháp ngăn ngừa bụi mạt.

Các yếu tố ảnh hưởng của sức khỏe môi trường

Bụi mạt là những con ve nhỏ sống trong nệm giường, thảm gây hen và những bệnh hô hấp cho con người

Nấm mốc sinh ra độc tố

Tuy không phải là tất cả nhưng nhiều loại nấm mốc có thể sản sinh những độc tố có thể tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe như:

Hệ mạch máu: làm tăng tính dễ vỡ của mạch máu, gây xuất huyết trong mô tế bào (ví dụ aflatoxin, satratoxin, roridins).

Hệ tiêu hóa: tiêu chảy, nôn ói, xuất huyết tiêu hóa, hoại tử gan, xơ gan (aflatoxin) hoặc ăn mòn niêm mạc tiêu hóa như T-2 toxin, gây chán ăn như vomitoxin.

Hệ hô hấp: suy hô hấp, xuất huyết ở phổi (trichothecenes).

Hệ thần kinh: run, chứng thất điều vận động, trầm cảm, nhức đầu (ví dụ tremorgens, triclothecenes).

Hệ niệu: gây độc cho thận (ochratoxin, citrinin).

Hệ sinh dục: vô sinh, rối loạn kinh nguyệt (T-2 toxin, zeazalenone).

Hệ miễn dịch: bị suy giảm  (nhiều loại mycotoxins).

Các yếu tố ảnh hưởng của sức khỏe môi trường

Vệ sinh nhà cửa, hút bụi và lau chùi thường xuyên là biện pháp ngăn ngừa bụi mạt

Độc tố từ các đồ dùng trong nhà

Chiếm đến 90% trường hợp ngộ độc ở Mỹ . Các hóa chất độc hại thường được tìm thấy trong chất keo dính, sơn, nguyên liệu làm thảm trải sàn, nệm ghế, sản phẩm làm từ gỗ, sản phẩm vệ sinh cá nhân, mỹ phẩm, thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa.


KHÁI NIỆM VÀ ĐỊNH NGHĨA VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ SỨC KHOẺ MÔI TRƯỜNG

Theo Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam (1993), môi trường được định nghĩa như sau: “Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên”.    

Sức khỏe môi trường bao gồm những khía cạnh về sức khỏe con người, bao gồm cả chất lượng cuộc sống, được xác định bởi các yếu tố vật lý, hóa học, sinh học, xã hội và các yếu tố tâm lý trong môi trường (theo định nghĩa trong Chiến lược Sức khỏe Môi trường Quốc gia của Australia - 1999). 

Hay nói cách khác: Sức khoẻ môi trường là tạo ra và duy trì một môi trường trong lành, bền vững để nâng cao sức khoẻ cộng đồng.

Môi trường lý học:

Môi trường lý học nếu vượt qua các giới hạn tiếp xúc bình thường có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ. Môi trường lý học bao gồm thời tiết và khí hậu (nhiệt độ cao, thấp, thay đổi thất thường, độ ẩm không khí, gió) các loại bức xạ ion hoá và không ion hoá, sóng điện từ, các loại bức xạ laser, tiếng ồn và rung xóc,...

Môi trường hoá học:

Các yếu tố hoá học có thể tồn tại dưới các dạng rắn, lỏng và dạng khí. Cũng có các dạng đặc biệt như bụi, khí dung, hơi khói... Các yếu tố hoá học có thể có nguồn gốc từ tự nhiên trong môi trường đất, nước, không khí, thực phẩm và cũng có thể phát sinh từ các hoạt động sống, sinh hoạt và sản xuất của con người.

Môi trường sinh học:

Các yếu tố sinh học cũng rất phong phú, từ các sản phẩm động thực vật đến các loài nấm mốc, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và côn trùng. Chúng có thể là các tác nhân gây bệnh song cũng có thể chỉ là các vật chủ trung gian truyền bệnh, các sinh vật vận chuyển mầm bệnh một cách cơ học. Các yếu tố sinh học cũng tồn tại trong đất, nước, không khí và thực phẩm.

Môi trường xã hội:

Điều kiện kinh tế - xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ hoặc gián tiếp trên quá trình ô nhiễm, năng lực khống chế ô nhiễm bảo vệ sức khoẻ, đến các ứng xử khác nhau của cộng đồng đối với môi trường.

Cùng với quá trình phát triển của kinh tế, xã hội tạo ra các cơ hội mới trong khống chế các tác động âm tính lên sức khoẻ, đồng thời cũng có thể nảy sinh nhiều nguy cơ mới qua thay đổi lối sống, cách ứng xử môi trường và gia tăng các stress trong sinh hoạt và lao động sản xuất.

Chế độ chính trị của một quốc gia cũng như sự bình ổn trong khu vực là yếu tố tác động tới môi trường. Chiến tranh, mất công bằng xã hội, tệ nạn phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng giới, bất ổn về chính trị -xã hội luôn là các yếu tố tàn phá môi trường và gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. 

Nghiên cứu các môi trường hoá học, sinh học, lý học phải đặt trong các bối cảnh môi trường xã hội.

KHÁI NIỆM VỀ QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG

Quản lý môi trường là tổng hợp các giải pháp kỹ thuật và giải pháp hành chính nhằm bảo vệ môi trường không bị ô nhiễm hoặc khống chế mức ô nhiễm trong các giới hạn cho phép, không gây tác hại cấp tính hay mạn tính lên sức khoẻ. Trong các trường hợp không thể bảo vệ được môi trường khỏi các nguy cơ ô nhiễm, quản lý môi trường cũng còn nhằm vào các giải pháp bảo vệ các đối tượng tiếp xúc, hạn chế các hậu quả của ô nhiễm và giải quyết các hậu quả trên sức khoẻ.

Quản lý bằng các giải pháp kỹ thuật đối với môi trường đất, nước, không khí và thực phẩm:

Đất, nước, không khí và thực phẩm có mối liên hệ khăng khít với nhau. Đất có thể chứa các yếu tố hoá học, sinh học và lý học. Các yếu tố này thường xâm nhập vào các nguồn nước sinh hoạt để rồi từ đó tác động đến sức khoẻ  con người. Từ đất, các cây trồng, lương thực hay động vật là nguồn thức ăn cho người và các động vật khác cũng có thể bị ô nhiễm. Các yếu tố ô nhiễm trong đất lại cũng có thể từ các nguồn nước thải, rác thải cũng như khói bụi có chứa các yếu tố hoá học và sinh học độc hại.

Bảo vệ đất, nước, không khí và thực phẩm không bị ô nhiễm nhiều khi phải tiến hành song song. Ví dụ, muốn nguồn nước giếng đào sạch phải ngăn ngừa ô nhiễm từ các hố xí mất vệ sinh. Muốn thực phẩm sạch phải áp dụng các biện pháp khống chế ô nhiễm nguồn nước, đất và cây trồng. Các nguồn tài nguyên bị khai thác không có tổ chức sẽ dẫn tới phá vỡ mối cân bằng sinh thái và cũng tạo ra các nguy cơ ô nhiễm. Trong sinh hoạt, bảo vệ môi trường khỏi các nguồn ô nhiễm bao gồm tổng hợp các giải pháp khống chế ô nhiễm như: quản lý chất thải rắn, chất thải lỏng và khói bụi từ các nguồn phát sinh, quá trình vận chuyển và quá trình thu gom xử lý.

Trong sản xuất, bảo vệ môi trường lao động bao gồm việc sử dụng các trang thiết bị vệ sinh nhằm khống chế không cho phát sinh ô nhiễm, làm loãng, ngăn ngừa phát tán ô nhiễm ra môi trường. Nếu các giải pháp trên không thực hiện được hoàn chỉnh, phải bổ sung các biện pháp phòng hộ cá nhân.  Cả trong sản xuất và sinh hoạt đều phải chú ý tới việc quản lý sức khoẻ cộng đồng, phát hiện sớm các tác hại ở giai đoạn còn khả năng hồi phục để điều trị hoặc phục hồi chức năng nếu hậu quả trên sức khoẻ là không chữa được.

Giám sát môi trường và giám sát sinh học là các hoạt động nhằm theo dõi, phát hiện tình trạng ô nhiễm, tình trạng thấm nhiễm và tình trạng sức khoẻ bất thường để từ đó có các phản ứng kịp thời. Các phương pháp dự báo, các kỹ thuật đo lường giám sát môi trường và sinh học cần được sử dụng phù hợp với đặc điểm địa lý, dân cư, kinh tế, xã hội của một địa bàn, một địa phương và quốc gia. Ví dụ, khí xả các động cơ có sử dụng xăng pha chì là nguồn ô nhiễm rất nguy hiểm với sức khoẻ cộng đồng, đặc biệt là sức khoẻ trẻ em. Quản lý nguy cơ này có thể bằng rất nhiều giải pháp: Cấm sử dụng xăng pha chì, tăng cường giao thông công cộng, giám sát mức ô nhiễm chì trong không khí, khám sàng lọc phát hiện tình trạng thấm nhiễm chì quá mức ở trẻ em và phát hiện các trường hợp nhiễm độc chì để điều trị sớm.

Quản lý môi trường bằng chính sách, chiến lược, các giải pháp hành chính và luật lệ:

Quản lý môi trường không chỉ bằng các giải pháp kỹ thuật đơn thuần mà cần các giải pháp mang tính tổng thể, luật và hành chính. Do nguồn gốc của ô nhiễm môi trường là từ quá trình sản xuất, các quá trình khai thác tài nguyên, các hoạt động của đời sống hàng ngày của từng địa phương, từng nhóm dân cư, từng gia đình và từng cá thể nên việc quản lý môi trường có rất nhiều bên liên quan (stakeholders) chứ không riêng gì ngành y tế.

ở tầm cỡ quốc tế cũng có rất nhiều các tổ chức tham gia vào việc hoạch định các chính sách bảo vệ môi trường toàn cầu. Ví dụ: Chương trình Nghị sự 21 về Phát triển bền vững của Đại hội đồng Liên hiệp Quốc thông qua tại Rio de Janeiro tháng 6 năm 1992. Mỗi quốc gia lại phát triển chính sách môi trường riêng của mình. Ngay các địa phương cũng cần có các chính sách riêng để cụ thể hoá chính sách quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề tại địa phương. Không có chính sách phù hợp sẽ thiếu khả năng kiểm soát môi trường tổng thể cũng như khó phát triển các giải pháp kỹ thuật; có chính sách song chính sách đó không được thể hiện bằng các văn bản pháp luật, bằng các quy định hành chính thì hiệu lực của chính sách sẽ rất giới hạn.

ở nước ta, Luật Bảo vệ môi trường đã được ban hành năm 1993. Dưới luật là các nghị định của Chính phủ nhằm hướng dẫn việc thực hiện luật. Dưới các nghị định là các thông tư của chính phủ hoặc của các bộ ngành quy định chi tiết hơn các điều khoản nhằm đưa luật vào cuộc sống. Nhiều thông tư lại phải ban hành dưới dạng thông tư liên bộ mới có hiệu lực vì có những điều luật yêu cầu nhiều ngành và nhiều lĩnh vực tham gia.

Trong từng bộ ngành, Bộ trưởng có thể ban hành các văn bản chỉ đạo ngành dọc của mình, như các quyết định và các chỉ thị. Tại từng địa phương, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành cũng ban hành các văn bản chỉ đạo trên địa bàn dựa trên các văn bản của Chính phủ, bộ ngành và căn cứ vào các quyết định của Hội đồng nhân dân cũng như cơ quan Đảng bộ địa phương.

Qua hệ thống các văn bản pháp luật như trên đảm bảo cho các giải pháp kỹ thuật được thực thi về mặt hành chính. Bên cạnh đó, để kiểm soát việc quản lý môi trường còn có sự tham gia của hệ thống thanh tra chính phủ và các bộ ngành, các địa phương.

Các nhiệm vụ cơ bản của ngành y tế trong quản lý môi trường:

Hiện nay, từ trung ương đến địa phương đã thành lập cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. ở cấp trung ương có Bộ Tài nguyên và Môi trường, ở cấp tỉnh có Sở Tài nguyên và Môi trường, ở cấp huyện có Phòng Tài nguyên và Môi trường và đến tận cấp xã (địa chính). Đây là các cơ quan quản lý cả về kỹ thuật và hành chính đối với môi trường. Bên cạnh đó còn có các cơ quan quản lý nhà nước về y tế dự phòng. ở tuyến trung ương có Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm), ở tuyến tỉnh có Sở y tế (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh), cấp huyện có (Trung tâm Y tế dự phòng huyện/Đội Y tế dự phòng) và cấp xã có Trạm y tế xã. Đây là các cơ quan tham gia quản lý các vấn đề sức khoẻ môi trường. Như vậy, hiện nay vẫn song hành hai hệ thống của hai bộ ngành cùng tham gia quản lý môi trường cho dù đã có sự phân định ranh giới nhưng hoạt động chồng chéo ở tuyến tỉnh là khó tránh khỏi. Ngành y tế chịu trách nhiệm chính trong giám sát các yếu tố môi trường trực tiếp tác động đến sức khoẻ cộng đồng và sức khoẻ người lao động. Trong khi đó, ngành môi trường và tài nguyên quản lý ở tầm vĩ mô hơn như: đánh giá tác động môi trường, tham gia phê duyệt các quy hoạch phát triển sản xuất, công nghiệp, dân sự, đô thị v.v... Các hoạt động giám sát môi trường cũng được cơ quan này thực hiện chủ yếu ở ngoài nhà máy.

Các bộ, ngành sản xuất cũng có một số trung tâm y tế lao động. Đây cũng là các hệ thống quản lý môi trường lao động chịu sự giám sát và chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ của các vụ, viện thuộc ngành y tế.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo 10 nhiệm vụ đối với các cơ sở y tế như sau:

Đề xuất và phổ biến các biện pháp dự phòng để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Cung cấp các cơ sở cũng như tham mưu với chính quyền các chính sách, chiến lược bảo vệ sức khoẻ khỏi các nguy cơ từ ô nhiễm môi trường. Thông tin cho các bộ ngành khác cũng như các cơ sở sản xuất và các cộng đồng dân cư về các vấn đề sức khoẻ liên quan tới môi trường. Đồng thời, khuyến khích các sáng kiến nhằm cải thiện môi trường, thay đổi hành vi có lợi cho sức khoẻ.

Nâng cao năng lực của cộng đồng trong xử lý các tác động của môi trường lên sức khoẻ, bao gồm các giải pháp phòng bệnh do chính quyền địa phương và người dân thực hiện.

Tiến hành đánh giá các nguy cơ từ môi trường và tác động của môi trường trên sức khoẻ. ở đây, bao gồm các hoạt động theo dõi môi trường, phát hiện những yếu tố độc hại đối với sức khoẻ từ môi trường sản xuất, môi trường sinh hoạt công cộng và môi trường gia đình. Phát hiện các nguy cơ do các hoạt động của các ngành khác, nhất là các ngành sản xuất có sử dụng nhiên liệu và nguyên liệu phát sinh độc hại.

Tiến hành các giám sát dịch tễ học đối với các bệnh có liên quan đến môi trường. Thông báo hiện trạng cũng như những dự báo về tình hình sức khoẻ và các yếu tố độc hại từ môi trường cho những người có thẩm quyền ra các chính sách phát triển kinh tế -xã hội.

Đào tạo cán bộ vệ sinh phòng dịch cho các tuyến và các ngành liên quan.

Cung cấp các dịch vụ cũng như triển khai các chương trình, dự án về kiểm soát môi trường độc lập hoặc phối hợp với các ngành sản xuất khác. Ví dụ: triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn (cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)...

Sẵn sàng tham gia cùng các bộ ngành, địa phương khác trong việc ứng phó với các thảm họa tự nhiên cũng như thảm họa do con người gây ra.

Phối hợp với các cơ quan hữu quan để đưa ra các tiêu chuẩn tiếp xúc cho phép, các giới hạn và chuẩn mực vệ sinh, chuẩn bị các văn bản có tính pháp quy trong bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phối hợp đánh giá tác động môi trường (EIA) và chủ động đề xuất các  giải pháp dự phòng, các quy trình theo dõi tình hình sức khoẻ một cách có  hệ thống.

Đề xuất và tiến hành những công trình nghiên cứu trong lĩnh vực sức khoẻ  môi trường và các giải pháp phòng ngừa.

Xem tiếp: Quản lý sức khoẻ môi trường (P2)

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

Các yếu tố ảnh hưởng của sức khỏe môi trường
  facebook.com/BVNTP

Các yếu tố ảnh hưởng của sức khỏe môi trường
  youtube.com/bvntp