Cách để tăng CASA

Theo dự báo, trong tương lai, ngân hàng không còn dễ dàng lấy được vốn rẻ khiđầu tư cũng như tiết kiệm của người dân ngày càng thông minh hơn. Vì vậy, việc thu hút nguồn vốn rẻ của ngân hàng cũng trở nên khó khăn hơn, sự cạnh tranh cũng cao hơn.

Tỷ lệ CASA của nhiều ngân hàng sụt giảm

Báo cáo tài chính quý II của 24 ngân hàng đã công bố cho thấy, có tới 14 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm trong kỳ.

PGBank là một ví dụ. Tỷ lệ CASA của nhà băng này đã giảm mạnh 45% trong kỳ, chỉ còn gần 3,3 nghìn tỷ đồng, tương đương tỷ lệ CASA là 11,5%, so với mức 21% hồi đầu năm.

Cách để tăng CASA

Trong 6 tháng đầu năm, một số ngân hàng thương mại có tỷ lệ CASA sụt giảm.

Tương tự, lượng tiền gửi không kỳ hạn tại LienVietPostBank đã giảm 22% trong năm qua, khiến tỷ lệ CASA hiện giảm xuống chỉ còn 10,7%, so với mức 14,6% hồi đầu năm.

Một số thành viên khác cũng ghi nhận lượng tiền gửi này giảm mạnh, bao gồm Eximbank giảm 2,29%, HDBank giảm 1,94%, OCB giảm 1,25%

Ngoài ra, nhiều nhà băng sở hữu tỷ lệ CASA ở mức khá thấp, dưới 10% như: VietBank chỉ 3,1%, BacABank: 3,7%, Kienlongbank: 5,7%, Vietcapitalbank: 6,1%, SeABank: 8%, NamABank: 8,7%

CASA là một cấu phần quan trọng trong huy động vốn của các ngân hàng thương mại, bởi đây là loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, hiện chỉ quanh mức 0,1 - 0,2%/năm. Vì vậy, ngân hàng nào sở hữu tỷ lệ CASA càng lớn thì càng có nhiều cơ hội cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). Đây cũng là tiền đề giúp ngân hàng có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay.

Với những giá trị này, những năm vừa qua, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam chứng kiến cuộc đua ngày càng quyết liệt về tăng tỷ lệ CASA.

Theo đó, nhiều nhà băng đã đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin. Đồng thời, chuyển hướng tập trung sang cho vay bán lẻ, liên tục đưa ra các chính sách miễn các loại phí giao dịch, miễn phí chuyển tiền và rút tiền để hút khách hàng sử dụng dịch vụ của mình.

Chẳng hạn, tỷ lệ CASA của Techcombank đã tăng 55,1% trong vòng 12 tháng vừa qua và đạt 133,4 nghìn tỷ đồng, là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đạt được mức này.

Để có được thành công như vậy, Techcombank tập trung vào sự gắn kết khách hàng thông qua các giải pháp thanh toán và số hóa, bao gồm việc đẩy mạnh sản phẩm thẻ tín dụng phục vụ nhu cầu thanh toán hàng ngày và miễn phí giao dịch trực tuyến để thúc đẩy giao dịch, cũng như thiết lập một hệ sinh thái khách hàng cá nhân với các đối tác lớn.

Các chuyên gia cho rằng, trong cuộc đua CASA, những nhà băng có quy mô nhỏ, các dịch vụ ngân hàng số cũng chưa mạnh, sức cạnh tranh sẽ giảm, khó thu hút được nguồn vốn giá rẻ này.

Không còn dễ hút được vốn rẻ?

Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, các ngân hàng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chi phí giá vốn thấp do chính sách tiền tệ nới lỏng được kỳ vọng sẽ duy trì trong nửa cuối năm 2021 để hỗ trợ nền kinh tế. Một số ngân hàng có tỷ lệ CASA cao và còn nhiều dư địa mở rộng đối với mảng ngân hàng bán lẻ như Vietcombank, MB, Techcombank hay VietinBank sẽ cải thiện NIM.

SSI Research điều chỉnh giả định mức tăng NIM của Techcombank từ 5,27% lên 5,45% do chi phí vốn giảm đáng kể trong nửa đầu năm nhờ lãi suất huy động trung bình giảm, tăng tỷ lệ CASA và huy động được nguồn vốn lãi suất thấp từ các tổ chức tài chính khác.

Trước diễn biến phức tạp của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều tỉnh thành trên cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, nhiều thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân thay đổi, trong đó phương thức mua sắm truyền thống được thay thế bằng thanh toán trực tuyến. Đây chính là cơ hội để các ngân hàng có dịch vụ ngân hàng số đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng tăng hút tiền gửi không kỳ hạn.

Công ty Chứng khoán ACBS nhận định, tình trạng giãn cách xã hội thúc đẩy xu hướng thanh toán trực tuyến, khiến tỷ trọng CASA tăng lên, giúp chi phí vốn của các ngân hàng giảm mạnh. NIM vẫn còn dư địa cải thiện khi CASA tiếp tục tăng lên nhờ đẩy mạnh số hóa và các chiến dịch khuyến mãi thúc đẩy giao dịch trực tuyến.

Tuy vậy, lãnh đạo nhiều ngân hàng lại cho rằng, người gửi tiền sẽ ngày càng thông minh hơn và ngân hàng không còn dễ dàng hút được vốn rẻ.

Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB cho hay: MB không hy vọng lấy được vốn rẻ khi đầu tư cũng như tiết kiệm của người dân ngày càng thông minh hơn. Trong tương lai, việc đầu tư thông minh của người dân sẽ thay đổi, các sản phẩm có cấu trúc phù hợp thời gian và hợp lý sẽ chiếm ưu thế hơn CASA.

Thực tế, sau khi lãi suất huy động rơi xuống vùng thấp kỷ lục kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều ngân hàng thương mại đã xác định và mở rộng "vùng vốn rẻ" thay vì chỉ là CASA. Lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn tính theo tuần và dưới 3 tháng được xác định là "vùng vốn rẻ", lãi suất ở vùng này được nâng lên để tạo số dư lớn hơn. Theo đó, việc thu hút hoặc suy giảm tỷ lệ CASA có một phần bị tác động theo hướng dịch chuyển qua lãi suất.

Huyền Anh