Cách định giá doanh nghiệp trong Shark Tank

Tại tập 15 của Shark Tank Việt Nam mùa 4, Hồ Sĩ Duy - nhà đồng sáng lập ứng dụng Medigo đã đến gọi đầu tư 1,85 tỉ đồng cho cho 1% cổ phần công ty. Theo Sĩ Duy, đây là nền tảng kết nối nhiều dịch vụ y tế với nhau, là đơn vị duy nhất ở Việt Nam hiện nay cho phép đặt thuốc xuyên đêm và giao hàng siêu tốc.

Hồ Sĩ Duy - nhà đồng sáng lập ứng dụng Medigo.

Hoạt động từ năm 2019, đến nay, Medigo đã có hơn 150.000 người sử dụng, nhận được hơn 2.500 đánh giá trên các kho ứng dụng với điểm số trung bình là 4,9 sao. Từ 2 nhà thuốc ban đầu, hiện tại nền tảng này đang hợp tác với hơn 150 nhà thuốc và một chuỗi nhà thuốc lớn tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Medigo cũng đang hợp tác với 2 đơn vị vận chuyển để giao hàng.

Medigo đã trải qua 2 vòng gọi vốn với tổng số tiền đầu tư là hơn 300.000 USD, số cổ phần còn lại của các nhà sáng lập là 88%. Vòng đầu tiên có định giá post-money [giá trị công ty sau khi gọi vốn] là 9 tỉ đồng; vòng thứ 2 là 40 tỉ, nếu đạt KPI sẽ được đầu tư tiếp 800.000 USD với định giá công ty là 115 tỉ.

Nghe vậy, shark Hưng liền thắc mắc: “Nền tảng của bạn là app [ứng dụng] thôi, cần đầu tư gì lắm tiền thế?”.

Hồ Sĩ Duy cho biết, startup có nhiều hướng đi và cần chi phí phát triển đội ngũ, mở rộng ứng dụng trên các thành phố và chi phí marketing. Mỗi tháng, nền tảng này “đốt” 280 triệu. GMV [tổng lượng giá trị giao dịch] hàng tháng tính cả tiền bán thuốc và tiền ship là khoảng 800 triệu. Doanh thu của Medigo đến từ việc thu 5 - 10% tiền hoa hồng với nhà thuốc. Dự kiến tháng 9 - 10 năm nay sẽ hòa vốn.

Dàn "cá mập" tại Shark Tank mùa 4 tập 15.

Shark Hưng chỉ ra rằng, mô hình kinh doanh của startup quá ngách vì nhu cầu mua thuốc sau 11h đêm quá bé, trong khi đó thuốc không kê đơn là những loại thuốc không quá cấp bách. Nhận định vai trò của Medigo trong hệ thống là làm nền tảng đặt hàng hộ, shark Hưng gợi ý: “Bạn có thể kết hợp với bác sĩ kê đơn, hay khám chẩn đoán lâm sàng cấp thuốc, kết hợp giữa bán thuốc, nhà thuốc với hệ thống bác sĩ”.

Ngoài ra, shark Hưng cũng cho rằng, vòng 2 của Medigo định giá 115 tỉ nếu đạt KPI, nhưng KPI chưa đạt được mà startup đã đến Shark Tank gọi vốn với định giá 185 tỉ là điều phi lý cho nhà đầu tư. Chính vì vậy, shark Hưng quyết định không đầu tư. 

Shark Liên, shark Phú cũng lần lượt từ chối đầu tư vì không thuộc lĩnh vực sở trường.

Shark Louis thì băn khoăn: “Nếu mà bạn làm giao hàng đêm và ban ngày về dược không thôi, tôi cảm thấy thị trường không đủ sức cạnh tranh. Nếu mà một công ty dược lớn mở một chi nhánh là có thể nuốt bạn liền”.

Đáp lại, Sĩ Duy nhận định: “Theo em được biết, để một nhà thuốc hoạt động được cả đêm lẫn ngày, thường nếu chỉ dựa vào lượng user [người dùng] xung quanh nhà thuốc là không đủ để nhà thuốc đó hoạt động, chắc chắn sẽ lỗ. Vì vậy cần công cụ hỗ trợ như ứng dụng để tăng bán kính phục vụ của nhà thuốc đó lên về đêm. Em nghĩ đó là một lượng đánh đổi cũng phải cân nhắc rất nhiều”.

Shark Louis tiếp tục đặt ra câu hỏi về quy mô thị trường nhưng đại diện startup không nhớ con số chính xác.  Do đó, dù rất thích ngành này nhưng cảm thấy không đủ sức thuyết phục nên shark Louis từ chối đầu tư và đưa ra lời khuyên: “Các bạn startup sau lên đây trình bày thì phải mạnh mẽ hơn, phải biết câu hỏi này sẽ giúp các shark quyết định quyết liệt”.

Shark Nguyễn Hòa Bình một lần nữa phải dùng từ "ngáo giá" trên sóng Shark Tank.

Shark Bình nhận định: “Mô hình kinh doanh của em bản chất là sàn thương mại điện tử nhưng chuyên bán thuốc. Với sàn thương mại điện tử, điều bắt buộc là phải scale [mở rộng] nhanh. Nhưng anh thấy startup của em hoạt động được 1,5 năm mà scale đến bây giờ, sau 18 tháng GMV mới được 800 triệu/tháng là quá nhỏ.”.

Nói về định giá, “cá mập” công nghệ cho đây là startup "ngáo giá" nhất kể từ đầu mùa Shark Tank mùa 4: “Hệ số định giá một công ty ecommerce [thương mại điện tử] dựa trên GMV thông thường là 1 lần GMV năm. Giá trị startup của em theo công thức định giá theo GMV thì chỉ đáng khoảng 10 tỉ đồng thôi. Mà em chào các shark 185 tỉ là cao hơn 18,5 lần so với giá trị thực theo đúng công thức định giá của ngành”.

Shark Bình cũng phân tích, thị trường mà startup đang nhắm đến là “ngách của ngách của ngách” và nhận định: “Đi vào thị trường quá ngách như vậy thì dù mình có là số một, không ai làm giống mình vì người ta không thèm làm”. Do đó, shark Bình từ chối đầu tư và khuyên startup nên xem lại mô hình kinh doanh.

Một startup trong mảng kính mắt đang ứng dụng trải nghiệm thử kính online như một cách để chuyển đổi số đã lên truyền hình gọi vốn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư trên sóng truyền hình cho rằng ứng dụng chuyển đổi số của công ty gần như là không có, thậm chí chỉ là "làm màu".

WeeHours, một startup công nghệ bán lẻ kính mắt đã lên sóng để gọi vốn 5 tỷ đồng cho 10% cổ phần trong tập đầu tiên Shark Tank Việt Nam mùa 4.

Ông Đinh Ngọc Nam Anh, đồng sáng lập kiêm CEO của WeeHours, cho biết đơn vị hiện đang kinh doanh mảng kính mắt online và sử dụng giải pháp công nghệ giúp khách hàng thử kính online, tránh tình trạng mua một chiếc kính không vừa với khuôn mặt.

Đại diện của công ty cho biết hệ thống hiện đang có hai cửa hàng và mỗi cửa hàng có thể đạt hòa vốn 5-7 tháng, thời gian ngắn hơn nhiều so với chuỗi bán lẻ truyền thống là 1-2 năm.

Hai người đồng sáng lập startup WeeHours, ông Trịnh Anh Đức [trái] và ông Đinh Ngọc Nam Anh [phải]. [Ảnh: Shark Tank].

Doanh thu tháng gần nhất đạt 900 triệu đồng, phần lợi nhuận chiếm 15% [~135 triệu đồng].

Dẫu vậy WeeHours tự định giá công ty đạt 50 tỷ đồng [kêu gọi 5 tỷ đồng cho 10% cổ phần, tương đương 45 tỷ đồng trước đầu tư]. Con số này căn cứ vào doanh thu dự kiến trong năm 2021 là 10 tỷ, với tỷ lệ tăng trưởng như hiện tại, các nhà sáng lập tự tin tới năm 2022, doanh thu đạt tổng cộng 50 tỷ đồng.

Hiện, công ty có 25 nhân công, lương từ 5-7 triệu đồng, chi phí hai cửa hàng chiếm khoảng 20%, tương ứng 180 triệu đồng. 

Sau khi nghe phần trình bày của WeeHours, Shark Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Sunhouse, cho rằng công ty không thể nào đạt lợi nhuận 15% như tính toán. Bởi chỉ tính riêng tiền chi trả cho 25 nhân công với mức lương 5-7 triệu đồng đã tiêu tốn của startup tối thiểu 125 triệu đồng mỗi tháng.

Ông Phú đưa ra lý do thêm là bởi startup chưa tính tới khoản chi phí nhân công và quản lý khi mở rộng quy mô. Ông cũng xem xét về khả năng sinh lời và thấy không hiệu quả nên nhanh chóng rút lui.

Shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech cũng cùng đồng tình và bày tỏ định hướng phát triển của WeeHours có phần "mông lung", bởi sản phẩm tuy ngon-bổ-rẻ nhưng các đối thủ không thể cạnh tranh thì cũng có thể sao chép mô hình. Bên cạnh đó, ứng dụng chuyển đổi số của startup là thử kính online không có nhiều ý nghĩa, thậm chí là "phiền phức".

Shark Hưng trải nghiệm thử kính online trên máy của WeeHours. [Ảnh: Chụp màn hình].

"Cuối cùng khách hàng vẫn phải tới cửa hàng để thử kính thật. Chẳng ai đặt mua một chiếc kính online, ướm vào mắt như một trò chơi", Shark Bình nêu quan điểm và cho rằng ứng dụng chuyển đổi số của startup chỉ là "làm màu".

Theo Shark Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch CenGroup, mặt hàng kính không tiêu dùng nhiều như quần áo, cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định mua. Bên cạnh đó, trải nghiệm thử kính trên máy thực tế của startup không thú vị.

Ông kết luận thương vụ của WeeHours không có khả năng phát triển đột biến, yếu tố công nghệ hàm lượng không cao, vì thế không đầu tư.

Shark Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Intracom Group, lại đề cập đến việc khách hàng sẽ quan tâm đến chất lượng kính, mắt kính và các chỉ số khúc xạ, không phải là gọng kính.

Ông cho rằng số lượng người thích gọng kính của WeeHours sẽ giảm dần. Với tham vọng đặt ra một quy mô công ty quá lớn trong khi đầu tư ít và sự hiện hữu công nghệ không quá nổi trội, ông Việt quyết định từ chối đầu tư.

Cuối cùng là Shark Đỗ Thị Kim Liên, Nhà sáng lập Ứng dụng bảo hiểm công nghệ Lian. Bà cho rằng sản phẩm phải đạt một số tiêu chí về thời trang và chất lượng, so với các hãng kính lớn khác, WeeHours không đạt được các tiêu chí đó. Đồng thời bà cũng đề cập đến tính đột phá của WeeHours là không có, vì vậy bà cũng quyết định không đầu tư.

Ông Hòa Bình đưa ra kết luận, kính online là mảng khó để chuyển đổi số. Bởi một chiếc kính thời trang hay kính thể thao hoàn toàn có thể dễ dàng mua về nếu giá phải chăng và thử online… tuy nhiên không nên sáng tạo những thứ trong một "chiếc hộp chật hẹp". 

Tựu trung lại, cả 5 nhà đầu tư đều không rót vốn cho WeeHours và hai nhà sáng lập ra về với hai bàn tay trắng. Tuy nhiên Shark Bình cho rằng nếu công ty có thể thay đổi theo hướng ông tư vấn, Chủ tịch NextTech sẽ quay lại đầu tư vào năm sau.

Tường Vy

Video liên quan

Chủ Đề