Cách học của thủ khoa khối A

Không đi học thêm bên ngoài, thời gian học của Vũ Đức Anh [SN 2001], học sinh lớp 12T1, Trường THPT Quảng Xương 1 [huyện Quảng Xương, Thanh Hóa] chủ yếu ở trường và tự học tại nhà, thế nhưng em vẫn đạt thành tích cao trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 với số điểm 29,05 điểm/3 môn xét tuyển đại học [Toán: 9,8; Vật lý: 9,25; Hóa học: 10], trở thành thủ khoa khối A của cả nước.

Thời gian học của Vũ Đức Anh chủ yếu là ở trường và tự học ở nhà.

Sinh ra trong gia đình có 2 anh em. Đức Anh là anh cả trong gia đình, em trai Đức Anh năm nay mới 5 tuổi. Bố mẹ Đức Anh đều là lao động tự do. Từ hôm biết tin Đức Anh đạt thủ khoa khối A cao nhất cả nước, ngôi nhà nhỏ của gia đình em ở thôn Thịnh Vạn, xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa luôn rộn ràng tiếng cười bởi người thân, làng xóm đến hỏi thăm, chúc mừng.

Chị Lê Thị Hương [SN 1978, mẹ Đức Anh], cho biết: Ngay sau khi hoàn thành kỳ thi THPT Quốc gia, Đức Anh xin bố mẹ vào TP Hồ Chí Minh để đi làm thêm với công việc treo biển quảng cáo cùng với chú [em ruột của bố Đức Anh] để kiếm thêm thu nhập.

Thủ khoa khối A , Vũ Đức Anh cùng em trai.

Kể về cậu con trai của mình, chị Hương cho biết: Từ nhỏ Đức Anh đã thể hiện tố chất thông minh. Suốt 12 năm học, năm nào Đức Anh cũng đạt học sinh giỏi. Em có tính kiên trì, gặp bài toán khó, Đức Anh luôn tìm cách để giải bằng được. Khi còn học tiểu học, Đức Anh thường nhờ mẹ đi đến các nhà anh, chị lớp lớn để hỏi bài. Có lần gặp bài toán khó quá, mẹ dẫn đi khắp trong làng nhưng không anh, chị nào giải được, Đức Anh về nhà ngồi vào bàn học đến khuya, quyết tâm làm bằng được mới thôi.

Thời gian học ở nhà của Đức Anh chủ yếu là buổi tối. Đức Anh thường ngồi vào bàn học từ 19h đến 24h. Dịp ôn thi THPT Quốc gia, em thức khuya hơn để học, khoảng 1-2h sáng mới đi ngủ.

Đức Anh là người sống rất tình cảm, luôn vui vẻ, hòa đồng với mọi người. Ngoài giờ học ở trường, Đức Anh cũng có niềm đam mê với môn bóng đá. Buổi chiều sau khi ở trường về, Đức Anh thường tham gia đá bóng cùng các bạn trong thôn. Những hôm bố mẹ bận đi làm về muộn em lại giúp mẹ làm việc nhà. Đặc biệt, Đức Anh thường xuyên giúp mẹ chăm sóc cậu em trai nhỏ. Do bố mẹ bận đi làm nên việc cho em ăn, ngủ, tắm rửa... thường do Đức Anh chăm lo.

Ngay khi đi thi THPT Quốc gia về, Đức Anh đã tự chấm điểm các môn thi của mình và cũng dự kiến được điểm thi. Vì vậy, kết quả điểm thi không mấy bất ngờ với em cũng như gia đình. Thế nhưng, khi biết tin em đạt thủ khoa khối A của cả nước thì gia đình rất bất ngờ và vui sướng.

Đức Anh chia sẻ: Hôm xem thống kê điểm số thí sinh thi THPT Quốc gia 2019 của một số tờ báo, em thấy tổng điểm 3 môn xét tuyển khối A của mình cao nhất cả nước đã vô cùng bất ngờ nhưng vẫn chưa tin. Đến khi có thống kê và công bố chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì em thật sự vui sướng.

“Khi có thông tin chính thức Đức Anh đạt thủ khoa, cả đêm hôm đó vợ chồng tôi không ngủ được. Khi nhận được tin vui, Đức Anh không có nhà mà đang ở TP Hồ Chí Minh nên gia đình chỉ biết gọi điện chúc mừng con và chia sẻ niềm vui với con. Gia đình cũng còn nhiều khó khăn, vợ chồng tôi đều là lao động tự do, thời gian làm việc không cố định, tuy nhiên, tôi luôn sát cánh bên cạnh con, ưu tiên giành thời gian cho con, động viên con trong suốt quá trình học tập. Có được thành tích như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân Đức Anh, còn nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô giáo nhà trường đã luôn tạo điều kiện, kèm cặp cho Đức Anh trong suốt những năm học THPT” – Chị Hương tâm sự.

Vũ Đức Anh cùng mẹ và em trai.

Chia sẻ về phương pháp học, Đức Anh cho biết: Thời gian học của em chủ yếu ở trường và ở nhà, em không hề học thêm ở bên ngoài trường học. Ngoài thời gian học chính khóa, học thêm ở trường, em chủ yếu là tự học, tự nghiên cứu tài liệu. Em tập trung nắm bắt kiến thức các thầy cô truyền tải trên lớp. Về nhà, em được các thầy giáo cung cấp tài liệu với các dạng bài toán nâng cao để luyện tập. Em không phải mua các loại sách tham khảo ở ngoài. Các thầy giáo thường tự biên soạn các dạng bài tập, rồi in ra để em tự hoàn thành. Ngoài ra, em cũng luôn tìm hiểu các dạng bài tập ở trên mạng Internet và tìm hiểu những cách giảng hay ở đó để bổ sung thêm kiến thức cho mình.

Cũng theo Đức Anh, để đạt điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia, không chỉ nắm chắc kiến thức cơ bản mà còn phải luyện nhiều, làm nhiều dạng đề; phải làm đi làm lại nhiều lần các dạng bài. Thời gian thi trắc nghiệm ngắn, đòi hỏi thí sinh phải làm bài nhanh, thời gian suy nghĩ không nhiều nên nếu đã quen với các dạng bài trong đề thi thì sẽ làm tốt bài thi và đạt kết quả cao.

Đức Anh thích tìm tòi, nghiên cứu, khám phá. Từ nhỏ, em thường tò mò tháo lắp các đồ vật trong nhà để nghiên cứu. Cũng từ sở thích về ngành kỹ thuật nên Đức Anh đã chọn đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào Khoa Công nghệ thông tin - Khoa học máy tính của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Dự định sắp tới, Đức Anh sẽ tiếp tục ôn luyện môn Tiếng Anh và Toán cao cấp để thi vào lớp tài năng của Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Nhận xét về Vũ Đức Anh, thầy Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1, cho biết: Đức Anh là một học sinh thông minh và có năng khiếu đặc biệt hơn so với các bạn trong lớp. Em luôn say sưa, chăm chỉ trong quá trình học tập; là một học sinh ngoan, luôn hòa đồng, tích cực tham gia mọi hoạt động của lớp, nhà trường, được bạn bè và thầy cô yêu mến. Thành tích Đức Anh đạt được trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn là của nhà trường.

Cũng theo thầy Lê Văn Dỵ, kỳ thi THPT Quốc gia 2019, ngoài Đức Anh đạt thủ khoa khối A cao nhất cả nước, Trường THPT Quảng Xương còn có 9 em đạt tổng điểm 3 môn xét tuyển Đại học từ 27 điểm trở lên, đứng thứ 2 toàn tỉnh; nếu tính 28 điểm trở lên thì có 4 em, đứng thứ nhất toàn tỉnh.

Hoàng Giang

Nguyễn Văn Kiên, một trong hai thủ khoa khối A của cả nước đạt số điểm 29,75 năm 2020 đã đưa ra một vài lời khuyên cho các sĩ tử trong giai đoạn ôn thi nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Năm 2020, Nguyễn Văn Kiên [1999] đã trở thành thủ khoa khối A sau 3 năm bỏ học đi làm thợ may và một số công việc khác.

Thời điểm quay trở lại, Kiên gần như quên hết mọi thứ. Bắt đầu lại từ con số 0, cậu học trò người Thái Bình đã phải lên mạng tự tìm tòi kiến thức của những năm lớp 8, lớp 9. Đến tận năm lớp 11, Kiên mới có thể đuổi kịp các bạn trong lớp.

Cuối kỳ I năm lớp 12, Kiên đã học xong hết chương trình và đầu tư thời gian cho việc luyện đề. Kiên cho biết, việc chăm chỉ luyện đề, nhất là trong giai đoạn nước rút, đã giúp cậu ghi nhớ hầu hết các dạng bài tập ở cả 3 môn.

Nhờ vậy, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, cậu đã đạt tổng điểm 29,75, trong đó môn Toán đạt 10 điểm, môn Hóa học đạt 10 điểm và môn Vật lý đạt 9,75 điểm.

Với kết quả này, Kiên đã thi đỗ vào ngành Khoa học máy tính của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Kiên đã có một vài chia sẻ tới các thí sinh chuẩn bị tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Nguyễn Văn Kiên, một trong hai thủ khoa khối A của cả nước năm 2020

Cần ôn có trọng tâm

Để làm tốt bài thi, theo Kiên, thí sinh cần phải nắm vững kiến thức nền tảng. Đặc biệt, trong giai đoạn nước rút, thí sinh cần ôn luyện có trọng tâm, không ôn lan man. Khi đã có nền tảng vững chắc, người học mới bắt đầu ôn tới những bài tập nâng cao hơn.

Ở môn Toán, học sinh có thể chia thành các chủ đề, ví dụ trọng tâm cần ôn là hàm số, hình học không gian hay số phức,… Đây đều là những phần nội dung chắc chắn sẽ xuất hiện trong đề thi nên thí sinh cần phải nắm thật vững.

Ở môn Vật lý có khá nhiều công thức, nếu học thuộc vẹt sẽ rất khó nhớ. Do đó, theo Kiên, học sinh có thể tự chứng minh công thức, nhờ đó sẽ rất dễ nhớ. Với những phần lý thuyết rất dài, học sinh có thể tóm tắt lại cho dễ nhớ, nhưng vẫn cần đảm bảo phải đủ ý. Ngoài ra, việc luyện đề nhiều cũng sẽ giúp học sinh nhớ sâu hơn phần lý thuyết này.

Với môn Hóa có tới 40 – 50% là lý thuyết nên học sinh chỉ cần nắm chắc nội dung này cũng sẽ được 4 – 5 điểm. Phần bài tập trải dài từ lớp 11 đến lớp 12, cả về vô cơ và hữu cơ, cho nên, thí sinh cũng cần phải luyện đề thật nhiều để quen với dạng bài.

Rèn tâm lý thật vững bằng cách làm quen tâm lý phòng thi

Kiên cho rằng, điều dẫn tới những kết quả không mong muốn trong kỳ thi chính là vấn đề tâm lý. Do đó, ở giai đoạn nước rút, các sĩ tử cần phải rèn cho mình tâm lý thật tốt thông qua việc luyện đề.

Nam thủ khoa chia sẻ, giai đoạn trước kỳ thi 1 tháng, mỗi ngày, cậu thường luyện 3 đề cho cả 3 môn Toán, Lý, Hóa.

“Dù làm đề ở nhà nhưng em vẫn hẹn giờ và rút ngắn thời gian làm bài. Ví dụ, với môn Lý, Hóa, em chỉ bấm thời gian khoảng 40 - 45 phút và ép mình làm trong khoảng thời gian ấy để tăng tốc độ làm bài cũng như rèn phản xạ. Hay với môn Toán, em cũng chỉ đặt giờ trong 75 – 80 phút. Nhờ vậy, khi đi thi, em đã chủ động được thời gian và tốc độ làm bài cũng nhanh hơn”.

Ngoài ra, theo Kiên, bí quyết của cậu là luôn mang theo bên mình một cuốn sổ riêng, ghi lại tất cả những bài tập khó và công thức tính nhanh của cả 3 môn học và đọc lại khi rảnh rỗi.

Tận dụng Facebook, tìm bạn đồng hành

Giai đoạn sắp thi, Kiên thường cố gắng học sớm, khoảng từ 7h30 đến 11h30 đêm rồi đi ngủ thay vì thức tới 2 – 3 giờ sáng như các bạn. Thời gian đó, cậu chủ yếu tập trung vào việc luyện đề. Giữa thời gian làm bài các môn, cậu thường dành ra khoảng 5 phút nghỉ ngơi, giúp đầu óc thư thái trước khi làm môn tiếp theo.

Dù “cày” khá cật lực, nhưng Kiên vẫn rất chú ý tới “sức khỏe tinh thần”. Vào 5h30 chiều mỗi ngày, cậu vẫn thường rủ các bạn chơi thể thao như đánh bóng chuyền, cầu lông giúp đầu óc sảng khoái và minh mẫn hơn.

Bên cạnh đó, Kiên cho biết, giai đoạn nước rút, nhiều bạn thường tránh xa mạng xã hội. Nhưng theo cậu, điều này lại là thiệt thòi khi các bạn không thể tiếp cận với kho tư liệu phong phú.

“Có nhiều thầy cô livestream phương pháp ôn tập, cách làm bài rất hay mà học sinh có thể tham khảo. Ngoài ra, có rất nhiều hội nhóm chia sẻ bài tập, đề thi và các lưu ý hay. Vì thế, năm lớp 12, em đã tham gia vào khá nhiều nhóm học trên Facebook”, Kiên nói.

Ngoài ra, cậu cũng cho rằng, giai đoạn ôn thi, mỗi người có thể tìm cho mình một người bạn đồng hành cùng học, cùng vạch ra mục tiêu và nỗ lực thực hiện. Điều đó sẽ tạo ra động lực để cả hai cùng phấn đấu.

Có chiến lược làm bài trong phòng thi

Đối với đề thi thường chia ra các câu ở mức độ từ cơ bản đến nâng cao. Do đó, theo Kiên, trước khi làm bài, thí sinh cần dành ra 2 phút để đọc lướt đề xem có thể làm được những câu nào. Những câu nào khó, thí sinh nên đánh dấu lại để làm sau; khi đã làm chắc chắn  những câu dễ mới quay trở lại làm những câu khó.

Khi đọc đề, đọc đến đâu thí sinh cần gạch chân các từ quan trọng đến đó để tránh bị lừa, đặc biệt là các đơn vị. Mắt nhìn đề, tay gạch chân ra từ quan trọng, đầu hình dung ra cách giải bài sẽ giúp thí sinh tiết kiệm thời gian. Với những câu dễ, ít cần tính toán, Kiên thường giải luôn vào đề để không mất thời gian chuyển sang giấy nháp.

“Em thường cố gắng làm những câu dễ thật nhanh, sau đó soát lại thêm một lần nữa. Thường câu dễ sẽ nằm ở 30 câu đầu đối với Lý, Hóa và 35 câu đầu đối với Toán”.

Kiên cũng đưa ra lời khuyên cho các sĩ tử, hãy chắc chắn rằng mình đã làm được 70% mục tiêu đề ra trong khoảng 1/2 thời gian đầu. Khi ấy, thí sinh mới có đủ tự tin để chiến đấu tiếp 30% còn lại.

Trong thời gian làm bài, nếu cảm thấy căng thẳng, thí sinh nên dừng lại hít thở thật sâu để lấy lại sự bình tĩnh.

Ngoài ra, Kiên cũng cho rằng thí sinh không nên quá phụ thuộc vào máy tính cầm tay vì một số bài có thể cho ra kết quả rất nhanh, nhưng cũng có những bài dùng máy tính không thể cho ra kết quả.

Ngoài ra, theo Kiên, học sinh cũng cần học cách tính nhẩm nhanh vì đôi khi, nhiều phép tính dễ cũng cần bấm máy tính sẽ gây mất thời gian trong quá trình làm bài.

THÔNG TIN NHANH NHẤT VỀ KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT 2021

Thúy Nga

Mỗi năm đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT luôn có thay đổi để phù hợp với mục đích kỳ thi.

Theo kế hoạch, bắt đầu từ tuần sau, thí sinh sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, trong đó 2 ngày thi chính thức sẽ diễn ra vào 7 - 8/7. Dự kiến đến ngày 26/7, điểm thi sẽ được công bố tới các thí sinh.

Các thủ khoa khối A các năm đã chia sẻ kinh nghiệm về những lỗi thường gặp, dễ bị mất điểm và cả những bí quyết để đạt đạt điểm ở bài thi môn Toán thi tốt nghiệp THPT.

Video liên quan

Chủ Đề