Cách ngâm rượu quả anh túc

Dùng cây lá, củ rê, thậm chí lấy cả những bộ phận được coi là quý của một số động vật quí hiếm để ngâm rượu không còn là lạ với các đấng nam nhi. Mặt hàng rượu ngâm được bày bán nhan nhản với những lời quảng cáo “trên trời” cùng công dụng cải lão hoàn đồng, tăng cường sinh lực khiến nhiều đệ tử lưu linh rơi vào tình huống khóc dở mếu dở. Hiện nay, dân “nhậu” đang truyền tai nhau một loại rượu có tên “rượu 138” có công dụng hơn cả thuốc viagra. Vậy thực hư của thứ rượu này là gì, phóng viên báo SK&ĐS đã có chuyến thâm nhập thực tế vào vùng rượu này ở Trạm Tấu - Yên Bái.

Đường vào hang... 138

Rượu 138 được dân nhậu dùng ngay tên của Kế hoạch 138 mà lãnh đạo tỉnh Yên Bái giao cho hai cơ quan ban ngành là: Sở Nông nghiệp và Công an tỉnh cùng với các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải kiểm soát, xử phạt những người trồng cây thuốc phiện. Bởi vậy “Rượu 138” hay còn gọi là rượu ngâm anh túc - rượu thuốc phiện đều là một.

Cách ngâm rượu quả anh túc

Uống rượu ngâm anh túc gây hậu quả khó lường cho sức khỏe.

Con đường từ thành phố Yên Bái lên Trạm Tấu ghập ghềnh sỏi đá. Phải mất gần năm giờ đồng hồ vật lộn với những khúc cua, những con dốc, Trạm Tấu cũng hiện ra như một phố huyện nghèo trong truyện ngắn của một nhà văn nổi tiếng. Trên những sườn đồi, thấp thoáng phía xa xa là những thửa ruộng bậc thang với ngút ngàn màu xanh bình yên đang thì con gái. Anh bạn làm ở báo Yên Bái trong lúc dừng xe chờ người dẫn đường đã hẹn từ trước bảo: Mùa này, có thể mua rượu ngâm anh túc được. Để tới được địa điểm có thứ rượu này cần có người dẫn đường. Theo sau xe người dẫn đường chạy lắt léo trên những con đường nhỏ, vòng vèo, lởm chởm đá dẫn ngược thẳng lên đỉnh đồi, được một quãng xa: “Nghỉ một tẹo rồi đi bộ. Đường này không đi được xe” - Ty “lỳ”, người dẫn đường nói. Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, tôi bắt chuyện gã: “Từ đây vào còn bao xa nữa đại ca?”; “Đi khoẻ cũng mất cả tiếng đồng hồ”. Rút bao thuốc mời gã một điếu, tôi tiếp: “Em cũng muốn thửa một ít về gọi là làm quà. Đi đường, có sợ bị vồ không?”; “Cứ đóng vào cái hộp, bỏ vào túi xách về thì bố đứa nào biết mà kiểm tra”. Rồi gã cũng khuyến cáo: “Nhưng cứ xách nhiều thì chưa biết lối nào mà lần. Loại rượu cấm mà!”.

Vượt qua mấy quả đồi, chúng tôi cũng có mặt ở một bản người Mông mà theo gã dẫn đường cho biết, đây là cái lò của thứ rượu ngâm cây anh túc, cũng bình yên như biết bao bản của người Mông khác mà tôi đã từng bước chân đến. Bước chân vào một ngôi nhà nằm ngay đầu bản, Ty “lỳ” sau một tràng toàn tiếng Mông, quay qua chúng tôi: “Mua nhiều không? Ở đây là cái lò của rượu rồi đấy. Nếu thích thì vào tận nơi xem họ làm. Giá cho mỗi bình 5 lít là 1,5 triệu đồng/bình”. Trong gian bếp rộng chừng trên chục mét vuông, hương thơm của nồi rượu hoà quyện với khói bếp tạo nên một không khí quyện nồng, khó tả. Chỉ tay ra mảnh sân trước mặt, gã nói: “Loại cây này sau khi được mang về, nếu nhiều quá thì phơi khô, chặt ra rồi đóng vào bình. Khi ngâm, lấy nước rượu đầu tiên nồng độ chừng trên 45 độ C cho vào rửa qua một lượt (như chúng ta tráng trà trước khi uống) rồi mới đổ rượu vào ngâm. Chỉ cần sau một tuần là uống được, lúc này rượu đã mang một màu đen đen, đặc sánh. Còn ai muốn thì để càng lâu, các hợp chất từ cây, rễ, quả anh túc tiết ra càng ngon hơn. Chủ nhà này cho biết, rượu ngâm từ cây anh túc uống rất tốt, chữa được nhiều bệnh lắm. Dân đào vàng ở đây thường dùng loại rượu này để chống sốt rét rừng hay giảm đau mỗi khi gặp tai nạn. Dân buôn lại đồn nhau rằng muốn sinh con trai thì cứ uống vài chén rượu loại này trước lúc “hành sự” là có liền?!

Dùng quá liều, có hại cho hệ thần kinh

Anh Sa Huy Hoàng, thành viên ban triệt phá tái trồng cây thuốc phiện tỉnh Yên Bái, cho biết: “Mùa cây thuốc phiện thường kéo dài từ tháng Ba đến tháng Tư. Hiện tượng người dân trồng cây thuốc phiện chủ yếu diễn ra ở xã Tà Si Láng, huyện Trạm Tấu. Sở dĩ nơi đây trồng cây thuốc phiện là do địa hình xa, nhiều núi vực hiểm trở, đi lại khó khăn. Mỗi lần triệt phá, người trong ban phải huy động gần 20 người, mất ít nhất một tuần, có khi cả tháng để băng rừng, rà soát, tiếp cận với dân. Tuy nhiên, người dân thường không cộng tác với tổ triệt phá, còn những đối tượng trồng cây thuốc phiện lại có nhiều mánh khóe để đối phó với các cơ quan chức năng”.

Trước đây, khi triệt phá, đoàn công tác chỉ phát bỏ, chặt nhỏ rồi bỏ khô cây thuốc phiện. Khi đội triệt phá đi khỏi, họ lại hò nhau đem rễ, thân, quả cây thuốc phiện về nhà. Đầu tiên họ chọn những cây còn tươi để chiết xuất lấy nhựa, hoặc cuốn lại hút như hút thuốc lào. Loại khô, họ đem ngâm rượu uống và bán cho lái buôn hoặc những người có nhu cầu.

PV báo Sức khỏe & Đời sống đem vấn đề này trao đổi với GS.TS. Trương Việt Bình, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, được biết: Trong một số bài thuốc đông y, chỉ có nhựa chích từ quả cây anh túc được chiết xuất thành thuốc phiện sẽ được dùng với số lượng rất nhỏ nhằm để phối hợp điều trị một số chứng bệnh. Nhựa cô đặc từ quả anh túc hay còn gọi là thuốc phiện vốn vẫn được dùng như một biệt dược để khống chế những cơn đau, tăng hưng phấn, kích thích chức năng tiêu hóa. Nếu dùng quá liều lượng sẽ gây nghiện, có hại cho hệ thần kinh. Còn đối với việc dùng thân, rễ, lá cây anh túc để ngâm rượu, ông Bình khẳng định, loại rượu này chẳng có tác dụng gì đặc biệt cả. Theo ông Bình, vẫn biết các hoạt chất gây nghiện của cây anh túc tồn tại ở cả thân, lá, rễ nhưng với hàm lượng rất nhỏ khi đem ngâm với rượu chắc chắn không thể chữa khỏi các loại bệnh như những người bán thứ rượu này quảng cáo. Uống rượu ngâm cây anh túc mà sinh được con trai lại càng hoang đường. Ông Bình cũng khuyến cáo người sử dụng loại rượu ngâm anh túc hay bất kỳ loại rượu ngâm từ thảo mộc có nguy cơ dễ bị ngộ độc cao nếu dùng quá liều lượng. Sẽ nguy hiểm hơn nếu những loại rượu đó được ngâm, tẩm chui, không được kiểm soát.

PHI HỒNG