Cách thanh toán Kredivo

Nền tảng fintech Kredivo thuộc sở hữu của FinAccel đang mở rộng hoạt động kinh doanh sang thị trường Việt Nam với ứng dụng công nghệ cho vay trực tuyến Buy Now Pay Later.

Ứng dụng Buy Now Pay Later được Kredivo ra mắt tại thị trường Việt Nam thông qua hợp tác chiến lược với Phoenix Holdings. Đối tác được lựa chọn để triển khai ứng dụng là VietCredit (Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt).

Cụ thể, Kredivo đã thành lập liên doanh với Phoenix Holdings nhằm cung cấp thẻ tín dụng kỹ thuật số phục vụ người tiêu dùng Việt Nam trong hoạt động mua sắm, thanh toán không tiền mặt.

Việc mở rộng hoạt động kinh doanh cho vay trực tuyến qua app tại thị trường Việt Nam diễn ra ngay trước khi công ty mẹ Kredivo là FinAccel lên kế hoạch phát hành công khai lần đầu (IPO) trên sàn Nasdaq, Mỹ.

Cách thanh toán Kredivo

Kredivo ra mắt ứng dụng cho vay 'Buy Now Pay Later' tại Việt Nam ngay trước khi công ty mẹ FinAccel IPO ở Mỹ (Ảnh: Kredivo)

Đầu tháng 8 này, FinAccel đã tuyên bố kế hoạch sáp nhập với một công ty séc trắng (SPAC) để IPO tại Mỹ vào quý I/2022. Không riêng FinAccel, hàng loạt kỳ lân khởi nghiệp Đông Nam Á, bao gồm Grab đang thúc đẩy các cuộc đàm phán SPAC để IPO tại Mỹ trong năm nay. Tuy nhiên, tiến độ IPO đang bị chậm lại do sự giám sát kỹ lưỡng của các cơ quan quản lý.

Ứng dụng Buy Now Pay Later do Kredivo cung cấp được kỳ vọng sẽ thu hút những người tiêu dùng Việt Nam không có tài khoản ngân hàng hay đang gặp khó khăn tài chính do dịch Covid-19 bùng phát thời gian qua. Việt Nam có "một thế hệ vàng để tạo động lực và tiềm năng cho nền tảng di động và kỹ thuật số", Giám đốc điều hành Phoenix Holdings Nguyễn Lân Trung Anh cho biết.

Theo kế hoạch hiện tại, ứng dụng thương mại điện tử Buy Now Pay Later sẽ chính thức đi vào hoạt động từ quý IV/2021 và triển khai theo từng giai đoạn khác nhau, bắt đầu từ dịch vụ cung cấp các giải pháp thanh toán hóa đơn và cho vay cá nhân để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của khách hàng.

Hoạt động tiêu dùng bằng tiền mặt vẫn phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, chính phủ đã nỗ lực thúc đẩy hoạt động thanh toán không tiền mặt thông qua khuyến khích người dân mở tài khoản ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp cũng cho phép người dân mua hàng trả góp không lãi suất các mặt hàng từ xe máy đến tủ lạnh thông qua thẻ tín dụng.

Ông Valery Crottaz, Giám đốc Điều hành của Kredivo nhận định: Sau Indonesia, chúng tôi quyết định chọn Việt Nam làm thị trường phát triển tiếp theo và tin tưởng rằng đây là lựa chọn hợp lý bởi Việt Nam có nhiều điểm tương tự Indonesia. Ngoài sự tương đồng về đặc điểm dân số học và thói quen tiêu dùng; tại Việt Nam, nhóm người có thu nhập ổn định tăng trưởng nhanh, mức độ thâm nhập của thẻ tín dụng còn tương đối thấp; hơn nữa, thị trường thương mại điện tử (e-commerce) tại Việt Nam đang trên đà trỗi dậy mạnh mẽ.

Ngoài Kredivo, nhiều công ty khởi nghiệp khác đã bước chân vào thị trường tài chính tiêu dùng còn non trẻ của Việt Nam với các mô hình kinh doanh đa dạng. Chẳng hạn, ứng dụng Nano được thành lập bởi cựu CEO Uber Việt Nam Dũng Đặng cho phép người lao động được trả lương hàng ngày dựa trên số giờ làm việc tích lũy thay vì đợi đến cuối tháng. Hay Trusting Social hợp tác với Ngân hàng Quốc tế VIB nhằm công bố ứng dụng chấm điểm tín dụng và duyệt hạn mức thẻ tín dụng nhanh bằng công nghệ Big Data và AI.

Phía Kredivo cho biết họ sử dụng công nghệ AI để đánh giá rủi ro trước khi phát hành thẻ tín dụng kỹ thuật số, theo đó khách hàng có thể được xét duyệt thẻ trong vòng vài phút.

Việt Nam hiện là thị trường nước ngoài đầu tiên mà Kredivo hướng tới. Sau đó, Kredivo có kế hoạch mở rộng sang các thị trường tiềm năng trong khu vực như Thái Lan và Philippines trong năm tới, theo tiết lộ của nhà đầu tư FinAccel.