Câu chuyện về phong cách làm việc của Hồ Chí Minh

Học tập phong cách làm việc đúng giờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua mẩu chuyện “Thời gian quý báu lắm”

Thứ năm - 24/06/2021 10:43


Bác Hồ, vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam, cả cuộc đời Người luôn dành trọn tình yêu thương cho quê hương, đất nước, Bác luôn quên mình vì dân tộc, luôn nghĩ cho đồng bào. Nét nổi bật trong phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm việc đúng giờ, tiết kiệm thời gian tối đa và phân bổ thời gian để giải quyết công việc một cách hợp lý, khoa học, tôn trọng công việc và tôn trọng con người. Trong một ngày, Người giải quyết rất nhiều công việc từ tiếp cán bộ, tiếp khách ngoại giao, đi thăm cơ sở, họp Bộ Chính trị, nghiên cứu tài liệu, viết báo…

Việc tranh thủ thời gian từng giờ, từng phút để giải quyết hiệu quả một khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp trên cương vị một người lãnh đạo đất nước và phân bổ thời gian hợp lý, khoa học đã giúp Người tiết kiệm được nhiều thời gian. Người thường nhắc cán bộ, đảng viên phải luôn luôn biết quý trọng thời gian, phải làm việc đúng giờ và không nên lãng phí thời gian. Người nói “Thời giờ tức là tiền bạc”, “Một tấc bóng là một thước vàng”, “Ai đưa vàng bạc vứt đi là người điên rồ, thì ai đưa thời giờ vứt đi là người ngu dại”. Và câu chuyện “Thời gian quý báu lắm” là một trong những cách thể hiện phong cách làm việc khoa học đó của Bác. Câu chuyện như sau:

Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại Lễ tốt nghiệp khoá V Trường huấn luyện Cán bộ Việt Nam, Người thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”.

Trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí cấp Tướng đến làm việc với Bác sai hẹn mất 15 phút, tất nhiên là có lý do: mưa to, suối lũ, ngựa không qua được. Bác bảo với người tướng trên rằng:

- Chú làm Tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai đi bao nhiêu?. Hôm nay chú đã chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các phương án, nên chú đã không giành được chủ động.

Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi:

- Chú đến chậm mấy phút?

- Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!

- Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.

Bác quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu, vì vậy thường không bao giờ để bất cứ ai phải đợi mình.

Năm 1953, Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh chị em trí thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go. Tin vui đến làm náo nức cả lớp học, mọi người hồi hộp chờ đợi.

Bỗng chuyển trời đột ngột, mây đen ùn ùn kéo tới, rồi một cơn mưa dồn dập, xối xả, tối đất, tối trời,hai ba tiếng đồng hồ không dứt. Ai cũng xuýt xoa, tiếc rẻ: mưa thế này, Bác đến sao được nữa, trời hại quá.

Giữa lúc trời đang trút nước, lòng người đang thất vọng, thì từ ngoài hiên lớp học có tiếng rì rào, rồi bật lên thành tiếng reo át cả tiếng mưa ngàn, suối lũ:

- Bác đến rồi, anh em ơi! Bác đến rồi!

Trong chiếc áo mưa ướt sũng nước, quần sắn đến quá đầu gối, đầu đội nón, Bác hiện ragiữa niềm ngạc nhiên, hân hoan và sung sướng của tất cả mọi người.

Về sau, anh em được biết: giữa lúc Bác chuẩn bị đến thăm lớp thì trời đổ mưa to. Các đồng chí làm việc bên cạnh Bác đề nghị Bác cho báo hoãn đến một buổi khác. Có đồng chí đề nghị tập trung lớp học ở một địa điểm gần nơi ở của Bác...

Nhưng Bác không đồng ý: “Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì biết đến khi nào? Thà chỉ một mình Bác và một vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cho cả lớp học phải chờ uổng công!”.

Câu chuyện như một cảnh trong bộ phim tư liệu về một bài học triết lý sâu sắc về sử dụng hiệu quả quỹ thời gian, luôn làm việc đúng giờ. Và càng quý thời gian của mình bao nhiêu, Bác càng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Chúng ta có thể thấy, thời gian là yếu tố quan trọng không thể thiếu, có thời gian là có tất cả. Thời gian qua đi không lấy lại được, như C.Mác nói: “Mọi tiết kiệm, suy cho cùng là tiết kiệm thời gian”, không có thời gian thì chúng ta không làm được việc gì cả. Từ xưa, dân gian cũng đã có câu: “Thì giờ là vàng bạc”. Do vậy cần phải có một kế hoạch, tự mình rèn luyện thói quen kỷ luật để luôn làm việc đúng giờ, không lãng phí thời gian của mình và mọi người.

Qua mẫu chuyện kể trên về Bác, mỗi Kiểm sát viên với vai trò và trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó thì luôn ghi nhớ và học tập phong cách làm việc đúng giờ của Bác, phải biết quý trọng thời gian trong công việc, phải luôn chủ động trong công việc, không trì hoãn, chay ì, trễ nãi làm ảnh hưởng đến công việc của bản thân và tập thể, phải phấn đấu cải cách lề lối làm việc ngày càng một khoa học hơn, cố gắng rút ngắn thời gian xử lý công việc để tiết kiệm thời gian, giảm bớt chi phí; trong công tác không nên dùng thời gian vào những công việc riêng của bản thân.

Học tập phong cách làm việc đúng giờ của chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ giúp công việc của chúng ta được trôi chảy, nhanh chóng và góp phần Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Giữ đúng giờ là việc nhỏ, nhưng việc nhỏ chúng ta không thực hiện nghiêm túc thì việc lớn cũng sẽ khó thành.

Ngày nay, đất nước đã và đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, phấn đấu đưa nước ta phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại. Để thực hiện mục tiêu đó, trong mỗi chúng ta cần phải học tập và làm theo tấm gương của Bác, đặc biệt là thực hiện lời dạy của Bác về tiết kiệm và sử dụng hiệu quả thời gian. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần tích cực thi đua lao động, học tập, sản xuất, tranh thủ thời gian, thời cơ thách thức để thúc đẩy nền kinh tế nước nhà phát triển. Mỗi người chúng ta sử dụng hiệu quả thời gian bằng cách sắp xếp kế hoạch cụ thể, chi tiết và tác phong hiện đại, để sao không bị lãng phí thời gian một cách vô ích. Không chỉ tiết kiệm cho riêng mình mà quan trọng hơn là làm việc đúng giờ. Một con người hiện đại chính là biết quý trọng thời gian và cũng là biện pháp để chúng ta rèn luyện phẩm chất tốt đẹp của con người mới xã hội chủ nghĩa./.


Tác giả bài viết: Trương Hoài Phong sưu tầm

Nguồn tin: Chi bộ 3 - Đảng bộ Viện KSND thành phố Cần Thơ

Phong cách Hồ Chí Minh - Chuyện thật như huyền thoại

Cập nhật: 16:41 01-02-2017

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các học sinh Trường trung học Trưng Vương, Hà Nội [19-5-1956]. Ảnh tư liệu

Đại hội XII của Đảng chủ trương: Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Học tập và làm theo phong cách Bác Hồ được coi là một nội dung mới. Vậy phong cách là gì? Có thể hiểu đó là phong cách sống, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo. Thật ra, ở Bác, tư tưởng, đạo đức và phong cách hòa quyện với nhau làm một.

Phong cách sống

Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Con người của Bác, đời sống của Bác giản dị như thế nào, mọi người chúng ta đều biết: bữa cơm, đồ dùng, cái nhà, lối sống… Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao! Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ việc rất lớn: việc cứu nước, cứu dân đến việc rất nhỏ, trồng cây trong vườn, viết một bức thư cho một đồng chí, nói chuyện với các cháu miền nam, đi thăm nhà tập thể của công nhân, từ nơi làm việc đến phòng ngủ, nhà ăn”...[1]

Chuyện kể về Bác Hồ có nhiều. Hàng trăm hàng ngàn chuyện. Chuyện có thật mà cứ như truyền thuyết[2].

Tết Độc lập đầu tiên [Bính Tuất 1946] và nhiều Tết sau ngày miền bắc giải phóng [từ năm 1955 trở đi], đêm 30 nào, Bác cũng dành thời gian đi thăm gia đình đồng bào các giới. Có lần, Bác đi vào một ngõ hẹp của Thủ đô, thăm nhà một nữ lao công tên là Chín, chồng mất sớm, một mình phải tần tảo nuôi năm con. Thấy Bác bước vào, chị Chín ngẩn người trong giây lát. Rồi như chợt tỉnh, chị chạy lại ôm choàng lấy Bác, khóc nức nở. Bác vuốt nhẹ mái tóc chị: “Năm mới sắp đến. Bác đến thăm thì thím phải vui lên chứ. Sao lại khóc?”. Chị Chín vẫn nghẹn ngào: Có bao giờ… có bao giờ Chủ tịch nước lại tới nhà chúng con… mà bây giờ mẹ con cháu lại được thấy Bác ở nhà mình. Bác trìu mến nói: Bác không đến thăm những người như mẹ con thím thì còn đến thăm ai?

Năm 1950, Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới. Anh em cảnh vệ kiếm được con ngựa, mời Bác cưỡi. Bác bảo: Chúng ta có bảy người, ngựa chỉ có một con, Bác cưỡi sao tiện. Anh em khẩn khoản mãi, không nỡ từ chối, Bác trả lời: Thôi được, các chú cứ mang ngựa theo để nó đỡ hộ ba-lô, gạo nước và thức ăn. Trên đường đi, ai mệt thì cưỡi. Bác mệt, Bác cũng sẽ cưỡi.

Cuối năm 1961, Bác về thăm xã Vĩnh Thành [Yên Thành, Nghệ An], một xã có phong trào trồng cây tốt. Tại một ngọn đồi thấp, Bác đứng nói chuyện với nhân dân. Càng gần trưa, nắng càng gắt. Nhìn Bác đứng giữa nắng, ai cũng thấy xót lòng. Đồng chí chủ tịch huyện cho tìm mượn được chiếc ô định giương lên che cho Bác. Bác quay lại hỏi: Thế chú có đủ ô cho tất cả đồng bào không? Thôi cất đi. Bác có phải là vua đâu.

Phong cách sống của Bác Hồ là thế.

Phong cách làm việc và lãnh đạo

Phong cách làm việc và lãnh đạo của Bác cũng rất độc đáo.

Năm 1947, tại chiến khu Việt Bắc, Bác viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Một tác phẩm nói về việc chỉnh đốn Đảng mà trong đó, không có bất cứ từ ngữ nào to tát như chỉnh phong, chỉnh đốn đảng phong, học phong, văn phong… Bác viết dung dị, dễ hiểu. Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Để làm tròn nhiệm vụ ấy, Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải sửa đổi lối làm việc, sửa đổi từ tư tưởng, đạo đức đến tác phong; phải tự phê bình và sửa chữa, sửa đổi công tác cán bộ và cách lãnh đạo,…

Bác nói như vậy và đã làm đúng như vậy.

Là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Bác mong muốn Đảng giữ vững đường lối kháng chiến, kiến quốc và sự lãnh đạo đúng đắn của mình. Chính phủ phải hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Trung ương Đảng và Chính phủ đều phải sinh hoạt có nền nếp.

Sau những buổi làm việc căng thẳng, bao giờ Bác cũng tìm cách tạo ra bầu không khí tươi vui. Năm 1948, nhân ngày phong Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bác vui vẻ ra câu đối: “Giáp phải giải Pháp”. Nhiều vị có mặt gặp thế bí. Ông Tôn Quang Phiệt nhìn Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến liền đọc vế đối: “Hiến tài hái tiền”. Bác khen vế đối hay, đạt cả ý lẫn lời. Bác tặng tác giả một điếu thuốc.

Một dịp khác, tại Hội nghị kháng chiến hành chính bàn về thuế nông nghiệp [1953], Bác lên nói chuyện và đến phần kết thúc, chỉ định luật sư Phan Anh lẩy Kiều. Luật sư hưởng ứng ngay: Diệt thù giải phóng quê ta/ Ấy là nghĩa nặng, ấy là tình sâu. Bác tiếp luôn: Đành lòng chờ đó ít lâu/Chầy ra thì cũng năm sau vội gì.

Câu lẩy Kiều của Bác khác nào một “câu sấm”. Đúng một năm sau, năm 1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ.

Sau ngày miền bắc hoàn toàn giải phóng, vẫn với phong cách làm việc và lãnh đạo ấy, Bác cầm nhịp cho cuộc chiến đấu mới của nhân dân ta: Xây dựng miền bắc vững mạnh; đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất nước nhà; xây dựng Đảng xứng tầm đội tiên phong lãnh đạo.

Bác nói: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Trước lúc đi xa, Bác để lại Di chúc cho đời sau. Trước hết nói về Đảng: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Sức truyền cảm lớn

Phong cách Hồ Chí Minh có sức truyền cảm lớn, ngay cả với bạn bè thế giới.

Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô Vô-rô-si-lốp, trong chuyến thăm Việt Nam năm 1957, sau khi thăm xã giao nhà riêng của Bác Hồ, vốn là căn nhà trước đây người thợ điện trong Phủ Toàn quyền cũ ở, đã thốt lên với người cùng đi: “Tôi không thể tưởng tượng được rằng một vị Chủ tịch nước, một nhà lãnh đạo nổi tiếng lại chỉ ở một cái nhà xoàng xĩnh như vậy. Hay là có chuyện đùa gì đây?”. Được trả lời đó là nhà thật, Chủ tịch bỗng trầm tư: “Nếu quả thật như vậy thì chúng ta phải suy nghĩ về những lâu đài, biệt thự của chúng ta tại Mát-xcơ-va”.

Chủ tịch Thượng nghị viện Chi-lê Xan-va-đo A-gien-đê [sau này là Tổng thống], sau khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tháng 5-1969, nhận xét: “Chưa bao giờ chúng tôi thấy sự giản dị và sự vĩ đại lại được kết tinh ở một con người như Hồ Chí Minh”.

Nhà báo, nhà văn Mỹ Đây-vít Hăm-bớc-xtơn, trong cuốn sách “Hồ” của mình, do nhà xuất bản Răng-đôm Hao-xơ ở Niu Oóc ấn hành năm 1971, viết:

“… Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này- hơi giống Găng-đi, hơi giống Lê-nin, hoàn toàn Việt Nam. Có lẽ hơn bất cứ người nào khác ở thế kỷ này, đối với dân tộc của ông, và đối với cả thế giới, ông là hiện thân của một cuộc cách mạng. Thế nhưng đối với hầu hết nông dân Việt Nam, ông là biểu tượng của cuộc sống, hy vọng, đấu tranh, hy sinh và thắng lợi của họ. Ông là một người Việt Nam lịch sự, khiêm tốn, nói năng hòa nhã, không màng địa vị, luôn ăn mặc quần áo giản đơn nhất - cách ăn mặc của ông không khác mấy người nông dân nghèo nhất- một phong cách mà phương Tây đã chế giễu ông trong nhiều năm, cười ông thiếu nghi thức quyền lực, không có đồng phục, không theo thời trang. Cho đến một ngày họ mới tỉnh ngộ và nhận thấy chính cái giản dị ấy, cái sùng bái sự giản dị ấy, cái khả năng hòa mình vào nhân dân ấy là cơ sở cho sự thành công của ông”.

Thủ tướng Nê-ru, sau cuộc tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ tháng 2-1958, nói: “Chúng ta được tiếp xúc với một người. Người đó là một phần của lịch sử châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta đã gặp một mảng lịch sử của lịch sử. Do đó, có lẽ chúng ta không chỉ được tăng thêm về suy nghĩ mà còn được tăng thêm về tầm vóc. Được gặp người ấy là một người từng trải khiến chúng ta trở nên tốt hơn”.

Nhà báo Ô-xtrây-li-a Uyn-phrết Bớc-sét viết: “Người ta không thể trở thành Hồ Chí Minh, nhưng ở Cụ Hồ, mỗi người có thể học một số điều làm cho mình trở thành tốt hơn”.

Xuân Đinh Dậu 2017

[1]: Sách Học tập đạo đức Hồ Chí Minh, NXB CTQG 2007, Tr.293-294.

[2]: Những mẩu chuyện trong bài báo này đều trích từ những tập sách do nhiều nhà xuất bản ấn hành.

Theo Nhân Dân

Tin liên quan


Video liên quan

Chủ Đề