Cây sẽ như thế nào khi phun paraquat

Mỗi năm, các tỉnh Tây Bắc sử dụng trên 500 tấn thuốc diệt cỏ. Đa phần thuốc diệt cỏ mà bà con sử dụng đều không rõ nguồn gốc xuất xứ và họ cũng không lường trước được tác hại của nó tới sức khỏe con người, động vật, và gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đất, nước. Tuy nhiên các cơ quan vẫn lúng túng chưa có biện pháp quản lý.

Cây sẽ như thế nào khi phun paraquat

Lạm dụng thuốc trừ cỏ gây hệ lụy vô cùng nghiêm trọng.

Nhức nhối thuốc diệt cỏ

Tại nhiều thôn, bản ở vùng cao, bà con nông dân khi bắt đầu một vụ mùa mới thay vì làm cỏ theo cách truyền thống lại phun hóa chất diệt cỏ để tiết kiệm thời gian, công sức. Theo thống kê, trên địa bàn 5 tỉnh Tây Bắc gồm: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái, hiện có trên 1.000 cửa hàng, đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật, đó là chưa kể các cửa hàng nhỏ lẻ ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Người dân vô tư mua, bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà không lường hết được hệ lụy vô cùng nghiêm trọng của việc làm này. 

Trong một lần lên công tác tại Lào Cai, đi qua một số xã chúng tôi thấy thay vì rẫy cỏ trên những cánh đồng theo cách truyền thống người dân lại phun bằng thuốc trừ cỏ. Nhìn những màn thuốc dày đặc rải xuống đất tôi không thể tưởng tượng  được thứ hóa chất độc hại đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của chính người phun cũng như gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn đất, nguồn nước. Càng nguy hiểm hơn sau khi phun xong nhiều người vứt ngay vỏ thuốc ở đầu bờ ruộng, nương, thậm chí là vứt luôn xuống mương nước. 

Đợi một người dân phun thuốc xong, tôi hỏi:-Phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ nhiều như vậy chị có nắm được các nguyên tắc là đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng thành phần và đúng liều lượng không? Chị cười bảo, mình chả biết quy tắc gì đâu, cứ ra chợ người ta hướng dẫn phun thế nào thì làm theo đó. Làm lâu rồi cũng quen, ước lượng thôi, thường 1 lọ thuốc diệt cỏ giá 15.000 đồng là phun cho khoảng một ha, cỏ chết khô cả rễ. Nếu làm cỏ bằng tay thì rẫy cật lực cả buổi cũng chỉ được một mảnh to bằng cái sàn nhà. 

Hỏi thêm về thuốc trừ sâu, chị bảo mỗi vụ ngô nhà mình thường phun 2 lần, lần thứ nhất là khi mới trồng và lần thứ hai khi cây ngô lớn hơn gang tay. Tuy nhiên nếu mùa vụ nào sâu bệnh nhiều thì lại phải phun thêm. “Mỗi khi đi phun thuốc mình cũng thấy người rất khó chịu và đau đầu vì mùi thuốc sâu nồng nặc, nhưng ở đây nhà nào chẳng làm thế có phải riêng nhà mình đâu” – chị chia sẻ.

Khi tôi vào chợ Trịnh Tường (xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, Lào Cai) thấy có đến mấy điểm bày bán thuốc diệt cỏ. Mua bán loại thuốc này vô cùng đơn giản, người bán cần, người mua lập tức đưa ra, cũng chẳng cần phải hỏi tác dụng hay cách sử dụng. Thường vào vụ làm nương, mỗi ngày có hàng chục lít thuốc diệt cỏ được các cửa hàng bán ra. 

Còn tại Bản Chiêng, xã Đôn Phong (Bạch Thông, Bắc Kạn) chuyện sử dụng thuốc diệt cỏ ở đây đã trở thành phổ biến, cứ phát cỏ nương rẫy, bà con lại dùng. Theo lời người dân, nếu cứ tính theo diện tích mảnh nương trước đây phải mất hàng chục công để thuê phát cỏ, nhưng nay chỉ cần 2 người cùng một máy bơm thuốc trừ sâu thì việc làm sạch cỏ hoàn thành chỉ trong vòng một buổi sáng. Sau vài ngày phun thuốc cỏ sẽ bị cháy khô, có thể đốt và bắt tay vào trồng vụ mới được. 

Nghe bà con nói thì câu chuyện có vẻ rất đơn giản, không hệ lụy, không nguy hiểm gì cả nhưng có chứng kiến một mảnh nương rộng được người dân dùng thuốc diệt cỏ mới thấy sự khủng khiếp của nó. Chỉ vài ngày sau cỏ cháy rụi, ngay cả những loại cỏ “khó nhằn” như cỏ tranh cũng khô rụi như vừa bị một đợt hỏa hoạn tràn qua. Đa phần thuốc diệt cỏ ở đây được bà con sử dụng là loại Lyphoxym và Gfaxone. 

 Điều đáng lo ngại là thuốc diệt cỏ vừa phun xong được vài ngày người dân đã vào canh tác, rất nguy hiểm. Theo lời ông Cà Văn Thỏa - Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La thì ông  vô cùng khẩn thiết đề nghị Nhà nước có quy định chặt chẽ trong việc quản lý loại thuốc này. Vì xã ông có trên 2.200 héc ta ngô và mía, thì toàn bộ diện tích này người dân đều dùng thuốc diệt cỏ khi đến mùa. Do vậy nó ảnh hưởng vô cùng lớn đến môi trường, nguồn nước và sức khỏe của người dân khi bà con phun thuốc bừa bãi.

Hủy hoại môi trường

Mỗi năm, các tỉnh Tây Bắc sử dụng trên 500 tấn thuốc diệt cỏ. Đa phần thuốc diệt cỏ mà bà con sử dụng đều không rõ nguồn gốc xuất xứ và không lường trước được tác hại của nó tới sức khỏe con người, động vật, và gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đất, nước. 

Các cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo, hoạt chất trong thuốc trừ cỏ là loại cực độc song chỉ hấp thu qua cây trồng một tỷ lệ nhỏ, còn lại thấm vào đất, hòa vào nước gây ô nhiễm nguồn đất, nước và mất cân bằng hệ sinh thái. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình hình sâu bệnh trên cây trồng ngày càng diễn biến phức tạp. 

Hệ quả nhãn tiền của việc lạm dụng thuốc diệt cỏ phải kể đến câu chuyện của gia đình ông Hoàng Văn Quỳ ở xã Xuân La (Bắc Kạn). Theo lời kể của ông thì gia súc trong nhà như bò khi ăn phải cỏ mới phun thuốc đã  bị sẩy thai, vịt không đẻ trứng, suối gần như không còn tôm, cá. 

Trước thực trạng việc mua bán và sử dụng tràn lan thuốc diệt cỏ đã và đang dẫn đến hệ lụy hủy hoại sức khỏe con người, hủy hoại môi trường,  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 278 về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Theo quyết định này gần 50 đầu mục thuốc có chứa hợp chất Paraquat lên đến 95% sẽ chỉ được sản xuất, nhập khẩu tối đa 1 năm, buôn bán, sử dụng tối đa 2 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực.

Quyết định mặc dù đã được ban hành, tuy nhiên đến nay hầu như vẫn chỉ dừng lại ở việc tập huấn, tuyên truyền, nhắc nhở chứ chưa có giải pháp mạnh nào để giải quyết triệt để. Chính vì thế việc mua bán, sử dụng thuốc diệt cỏ vẫn diễn ra phổ biến. Tại một số địa phương sau một thời gian dài thấy sử dụng thuốc diệt cỏ bất lợi cho môi trường, sức khỏe của người dân, chính quyền đã khuyến cáo người dân phải sớm thay đổi thói quen này bằng cách mua máy cắt cỏ cầm tay, vừa tiện sử dụng, làm cỏ nhanh lại không ảnh hưởng tới môi trường.

Tuy nhiên, góp phần hạn chế tình trạng này, biện pháp cần thiết vẫn là làm tốt công tác tuyên truyền. Có thể lồng ghép việc tuyên truyền tại các lớp dạy nghề hay tập huấn cho nông dân để bà con mua, sử dụng thuốc diệt cỏ không rõ nguồn gốc, tránh những thiệt hại cho sản xuất, môi trường và sức khỏe cộng đồng. Được biết, thời gian qua để  giúp các cơ quan chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và bà con nông dân trong tỉnh lựa chọn và sử dụng thuốc diệt cỏ, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi,đã có định hướng sử dụng một số loại thuốc trừ cỏ có hiệu quả. Theo đó, nếu dùng thuốc lưu dẫn để diệt cả mầm và gốc cỏ thì nông dân nên dùng một trong các loại thuốc như: Roundup 480SC, Vibphosate 480DD, Niphosate 480SC, Dream 480SC, Bravo 480SC... các loại thuốc này phải phun trước khi sạ ít nhất 15-20 ngày. 

Nguồn: daioanket.vn