Đánh giá kỹ năng giao tiếp trong thực thi công vụ

Ảnh minh họa: internet

Nhận thức được vấn đề trên, trong những năm gần đây, Chính phủ, các bộ, ngành và nhiều địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy định về giao tiếp, ứng xử của CBCC. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề giao tiếp, ứng xử của CBCC vẫn đang là chủ đề được dư luận quan tâm, bởi lẽ, dù đã có nhiều quy định, nhưng dường như vấn đề giao tiếp, ứng xử trong hoạt động công vụ ở Việt Nam vẫn chưa có được sự chuẩn mực như mong muốn.

Có nhiều cách giải thích cho thực trạng trên, trong đó có ý kiến cho rằng các quy định hiện nay về giao tiếp, ứng xử của CBCC nhiều nhưng chưa phát huy hiệu quả. Bài viết này với mong muốn bàn về những quy định giao tiếp, ứng xử của CBCC đã được ban hành để góp phần lý giải và đề xuất một số ý kiến xây dựng chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của CBCC trong hoạt động thực thi công vụ.

1. Khái quát một số quy định hiện hành về giao tiếp, ứng xử của CBCC

Theo kết quả khảo cứu, trước khi có Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước, đã có một số cơ quan ban hành các văn bản cá biệt về việc thực hiện văn hóa công sở, trong đó có một số quy định về giao tiếp, ứng xử của CBCC, như Bộ Văn hóa - Thông tin[2], Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây [cũ]... Ngoài ra, nhiều cơ quan còn quy định về vấn đề này thông qua Quy chế làm việc. Năm 2005, trong Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội khóa XI thông qua đã có quy định về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Năm 2007, Quy chế văn hóa công sở của Thủ tướng Chính phủ được ban hành. Quy chế đã dành hẳn Chương II để quy định về vấn đề Trang phục, giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức [từ Điều 5 đến Điều 11]. Từ đó, các cơ quan, tổ chức nhà nước từ trung ương đến địa phương đã căn cứ vào Quy định của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng và ban hành quy định về văn hóa công sở và quy tắc giao tiếp, ứng xử của CBCC khi thi hành công vụ. Cho đến nay, theo kết quả khảo sát, nhiều bộ đã ban hành Quy tắc ứng xử của CBCC[3] hoặc có một số quy định về giao tiếp, ứng xử của CBCC trong Quy chế văn hóa công sở.

Đến năm 2010, Luật cán bộ, công chức đã được Quốc hội khóa XII thông qua và cũng dành riêng một mục [Mục 3, Chương 2], gồm 3 điều [15,16,17] để quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của CBCC. Ngoài ra, tại Mục 4, Luật này còn có thêm Điều 18 quy định những việc công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ. Điều này thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ, đồng thời phản ánh sự quan tâm của các cơ quan đối với vấn đề giao tiếp, ứng xử của CBCC.

Dưới đây là Bảng thống kê những văn bản do Quốc hội, Chính phủ và một số cơ quan trung ương ban hành có quy định về giao tiếp, ứng xử của CBCC:

Thời điểm thống kê:

2. Về hình thức và kết cấu văn bản

Hầu hết các văn bản có quy định về giao tiếp, ứng xử của CBCC đều được ban hành dưới hình thức Quy chế văn hóa công sở hoặc Quy tắc giao tiếp, ứng xử. Theo thống kê, trong 12 cơ quan cấp bộ đã ban hành văn bản thì có 2/12 theo hình thức thứ nhất, 10/12 theo hình thức thứ hai. Các quy chế và quy tắc nói trên đều được ban hành dưới hình thức là quyết định của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, riêng Bộ Y tế được ban hành theo hình thức thông tư.

Về kết cấu, qua khảo sát Quy tắc giao tiếp, ứng xử của 10 bộ cho thấy, ngoài phần đầu [quy định các nguyên tắc chung] và phần cuối [điều khoản thi hành] là tương đối giống nhau, còn lại cấu trúc các chương, mục bên trong có liên quan trực tiếp đến các chuẩn mực về giao tiếp, ứng xử của CBCC lại không thống nhất. Có bộ kết cấu theo các mối quan hệ của CBCC như: quy tắc ứng xử với lãnh đạo, đồng nghiệp, công dân [Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…]; có bộ lại kết cấu theo hoàn cảnh giao tiếp như: khi thi hành nhiệm vụ, khi tiếp công dân [Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội…]; có bộ lại kết hợp cả hai cách cấu trúc trên. Ngoài ra, mặc dù một số nội dung tương tự nhau, nhưng cách đặt tên chương, mục và tiểu mục cũng khác nhau.

3. Về nội dung

Qua tìm hiểu, hầu hết các Quy chế và Quy tắc giao tiếp, ứng xử đều quy định những vấn đề cơ bản sau đây: 1] Những việc CBCC phải làm và không được làm và 2] Các chuẩn mực hành vi giao tiếp, ứng xử của CBCC khi thi hành công vụ [bao gồm thái độ, tác phong, cử chỉ, hành vi, ngôn ngữ và trang phục].

Trong nội dung thứ nhất, hầu hết các bộ đều tham khảo quy định về những việc CBCC phải làm và không được làm trong Luật cán bộ, công chức [2008] và Luật Phòng, chống tham nhũng [2005]. Một số bộ căn cứ vào đó và có quy định cụ thể, chi tiết hơn [như Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn], nhưng có một số bộ chỉ đơn thuần là sao chép lại.

Ví dụ: Những việc CBCC không được làm:

- Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.

- Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật; lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn.

- Sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi.

- Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.

Ở nội dung thứ hai, tuy có khác nhau, nhưng hầu hết các văn bản đều quy định về những vấn đề sau:

- Quy tắc giao tiếp, ứng xử của CBCC khi thực thi nhiệm vụ, khi tiếp công dân.

- Quy tắc giao tiếp, ứng xử của CBCC với cấp trên, cấp dưới, với đồng nghiệp và khách.

- Quy tắc giao tiếp, ứng xử của CBCC với các cơ quan báo chí, tổ chức nước ngoài…

Riêng Bộ Y tế có thêm quy định về giao tiếp, ứng xử của cán bộ y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh; Bộ Công an quy định về giao tiếp, ứng xử của cảnh sát khu vực; Kiểm toán nhà nước quy định về giao tiếp, ứng xử cho các kiểm toán viên…

Trong các Quy tắc ứng xử, hầu hết các văn bản đều quy định những nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp, ứng xử [tôn trọng đối tượng giao tiếp, tuân thủ pháp luật…]; quy định thái độ cần có khi giao tiếp [thân thiện, cởi mở, hợp tác…]; quy định về tác phong [nhanh nhẹn, tích cực…]; quy định về cử chỉ, hành vi [cách bắt tay, cách đi đứng…] và lời nói [lịch sự, rõ ràng…].

Ví dụ: Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 8, Quy chế văn hóa công sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2012 quy định về chuẩn mực ứng xử của CBCC khi thi hành nhiệm vụ, công vụ: “Ứng xử có văn hóa, nhã nhặn, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của công dân khi giải quyết công việc, hướng dẫn, giải thích rõ ràng, tận tình, cụ thể về các quy định để công dân hiểu và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; không sách nhiễu, trì hoãn, chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà, tỏ thái độ hách dịch khi giải quyết công việc với công dân”.

Tại khoản 2 Điều 11 Quy chế văn hóa công sở của Văn phòng Chính phủ quy định: “Trong giao tiếp và ứng xử, công chức Văn phòng Chính phủ phải có thái độ lịch sự, tôn trọng. Ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, mạch lạc, không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt”.           

Về trang phục của CBCC, hầu hết các cơ quan đều quy định lễ phục và trang phục ngày thường, yêu cầu gọn gàng, lịch sự như quy định trong một số văn bản về lễ tân nhà nước. Một số cơ quan như Y tế, Công an có thêm quy định về đồng phục. Nhiều cơ quan có thêm quy định về việc đeo thẻ công chức trong giờ làm việc. 

Ngoài ra, hầu hết các văn bản đều có quy định rõ về trách nhiệm thực hiện và biện pháp xử lý đối với những trường hợp vi phạm.

4. Một số nhận xét và khuyến nghị

Qua xem xét hình thức và nội dung của các quy định nói trên, có thể thấy việc ban hành các quy định về giao tiếp, ứng xử của CBCC đã đáp ứng một phần những yêu cầu đặt ra của quá trình cải cách hành chính. Mặc dù nội dung của các quy định chưa thật sự bao quát hết các khía cạnh khác nhau của hoạt động giao tiếp, ứng xử công vụ song đã giúp cải thiện đáng kể những bất cập trong giao tiếp hành chính của một bộ phận CBCC nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan. 

Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, việc ban hành các quy định về giao tiếp, ứng xử của CBCC còn một số bất cập sau:

Một là, số lượng các văn bản quy định về văn hóa giao tiếp, ứng xử của các cơ quan nhà nước hiện nay tương đối nhiều, nhưng thiếu tập trung, thống nhất.

Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở [năm 2007], đã có hàng chục quy chế, quy tắc về giao tiếp, ứng xử của CBCC được các bộ, ngành và nhiều cơ quan ở trung ương, địa phương ban hành, nhiều nhất là năm 2008. Tuy nhiên, về mặt hình thức cũng như kết cấu văn bản chưa có sự thống nhất. Qua khảo sát nội dung của các văn bản nói trên, chưa thấy sự phân cấp rõ ràng trong các quy định của Chính phủ và các cơ quan cấp dưới. Vì vậy, mặc dù có rất nhiều điều luật, nhưng muốn trả lời được câu hỏi: chuẩn mực chung cho hoạt động giao tiếp, ứng xử của mọi CBCC trong thực thi công vụ là gì thì phải tìm ở nhiều văn bản khác nhau và cũng chưa bao quát hết.

Hai là, trong các văn bản có nhiều quy định trùng lặp và chồng chéo.

Theo quy định, văn bản của cấp dưới cần cụ thể hóa các quy định trong văn bản của cấp trên. Nhưng xem xét nội dung của một số quy tắc giao tiếp, ứng xử do các bộ ban hành cho thấy nhiều quy định trong Luật cán bộ, công chức, Luật Phòng, chống tham nhũng và Quy chế văn hóa công sở do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã được lặp lại khá nhiều. Mặt khác, do cấu trúc các chương, phần chưa hợp lý, nên nhiều hành vi đã được quy định ở phần này lại được quy định tiếp ở các phần sau, tạo ra sự chồng chéo không cần thiết.

Ba là, các quy định chủ yếu mới là những nguyên tắc, những yêu cầu cơ bản, tính cụ thể chưa cao, nên việc thực hiện của CBCC và việc xử lý vi phạm của các cơ quan sẽ gặp khó khăn.

Ví dụ, trong các văn bản có rất nhiều quy định có tính nguyên tắc như:

Khi thực thi công vụ, quan hệ công tác với các cơ quan, tổ chức, công dân, CBCC phải có thái độ nghiêm túc, đúng mực, thân thiện và hợp tác; trang phục gọn gàng, lịch sự… Tuy nhiên, như thế nào là nghiêm túc, đúng mực, thân thiện, hợp tác gọn gàng, lịch sự thì lại hầu như chưa được quy định cụ thể. Vì vậy, trong thực tế, cùng một hành vi nhưng sẽ có những nhận xét, đánh giá không thống nhất. Việc thiếu các quy định cụ thể chính là nguyên nhân làm cho các quy định tuy nhiều, nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả trong thực tế.

Bốn là, chế tài của các quy định chưa rõ ràng và chưa đủ mạnh.

Hầu hết phần Tổ chức thực hiện hoặc trong mục Điều khoản thi hành của các Quy chế và Quy tắc nói trên đều có quy định: “Cá nhân, đơn vị thực hiện tốt quy định này sẽ được khen thưởng, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, những quy định của pháp luật không được dẫn chiếu hoặc thiếu cụ thể nên trên thực tế việc khen thưởng và xử lý vi phạm gần như rất khó thực hiện. Do vậy, khi có những phàn nàn từ người dân hoặc xảy ra sai phạm, các cơ quan thường áp dụng biện pháp phê bình, nhắc nhở. Hậu quả của cách xử lý này là làm giảm uy tín của các cơ quan và các hành vi tương tự có thể tái diễn.

Sở dĩ có những hạn chế trên là do việc ban hành các quy định phần nào còn nặng về “giải quyết tình thế”. Vì vậy, một số cơ quan ban hành các quy định khi chưa dựa trên kết quả khảo sát, nghiên cứu thực tế, chưa tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chính là CBCC và công dân. Trên thực tế, cách làm của một số cơ quan là giao cho một nhóm soạn thảo, rồi đưa ra xin ý kiến trong các cuộc họp chung, sau đó trình lãnh đạo ký ban hành. Cách làm này nặng về hình thức, chưa phát huy được trí tuệ của các cơ quan, chuyên gia và nhân dân; thiếu cơ chế phản biện khách quan.

Để góp phần xây dựng và thực hiện “Chuẩn mực giao tiếp, ứng xử công vụ”, xin đề xuất một số biện pháp sau:

Thứ nhất, cần xây dựng, ban hành Bộ quy tắc ứng xử chung cho CBCC và áp dụng cho tất cả các cơ quan nhà nước.

Nếu vấn đề giao tiếp, ứng xử của CBCC được nhìn nhận như là một trong những yếu tố cơ bản của “Văn hóa công vụ” thì Nhà nước cần phải xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử chung cho tất cả CBCC. Trên cơ sở hệ thống, chọn lọc và bổ sung các quy định hiện hành, việc biên soạn Bộ quy tắc này cần được giao cho một cơ quan đảm nhiệm [do Chính phủ ban hành hoặc Chính phủ có thể giao cho Bộ Nội vụ]. Nội dung của Bộ quy tắc ứng xử cần bao quát tất cả các vấn đề về giao tiếp, ứng xử công vụ, trong đó xác định rõ các nguyên tắc, yêu cầu, tiêu chí đánh giá và những quy định cụ thể về thái độ, tác phong, cử chỉ, hành vi, ngôn ngữ và trang phục của CBCC khi thực thi công vụ. Bộ quy tắc cần quy định những hành vi được phép hoặc không được phép khi CBCC giao tiếp, ứng xử với cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp, khách đến giao dịch, đặc biệt là ứng xử với người dân, đối tác nước ngoài… Trong Bộ quy tắc cũng cần xác định rõ chế tài [khen thưởng và mức độ xử lý khi vi phạm]. Ngoài ra, khi xây dựng Bộ quy tắc này, cơ quan soạn thảo cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi ngay từ khi chuẩn bị đến lúc ban hành, đặc biệt là ý kiến của chính các CBCC và đối tượng giao tiếp liên quan. Trước khi ban hành, Bộ quy tắc dự thảo cần được áp dụng thử nghiệm trong thực tế để kiểm chứng và thu thập ý kiến phản hồi từ nhiều phía, để chỉnh sửa, bổ sung và ban hành chính thức.

Nếu xây dựng được Bộ quy tắc này, tất cả các CBCC, dù ở cơ quan nhà nước nào cũng phải tuân thủ và có hành vi giao tiếp, ứng xử theo chuẩn mực chung. Những CBCC làm tốt sẽ được biểu dương, khen thưởng và nếu có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý như nhau.

Thứ hai, trên cơ sở Bộ quy tắc ứng xử chung, các cơ quan, tổ chức sẽ nghiên cứu, ban hành các nguyên tắc, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử thể hiện tính đặc thù riêng của từng ngành, từng địa phương.

Để tránh trùng lặp, những nguyên tắc và chuẩn mực chung sẽ được dẫn chiếu đến Bộ quy tắc ứng xử chung. Nếu ngành nào hoặc địa phương nào thấy không nhất thiết phải ban hành Quy tắc riêng thì có thể áp dụng theo Bộ quy tắc chung.

Thứ ba, trong Quy tắc về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử công vụ, các quy định cần được thiết kế thành 3 cấp: 1] Những nguyên tắc cơ bản; 2] Những chuẩn mực chung cho từng đối tượng và 3] Những quy định cụ thể, chi tiết đến từng hành vi cho từng đối tượng và trong phạm vi cho phép n

PGS. TS. Vũ Thị Phụng - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

---------------------------------

Ghi chú:

[1] Nội dung bài viết được trích từ kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, mã số QGTĐ.13.11.

[2] Ngày 10/7/2005, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ban hành Công văn số 3079/BVHTT-VP về xây dựng văn minh công sở.

[3] Những Bộ đã ban hành Quy tắc ứng xử của CBCC: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế…

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương Đảng [khóa XI] về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

2. Quyết định số 129/2007/QĐ- TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước và Quy tắc ứng xử của CBCC do các Bộ ban hành.

3. Nguyễn Trọng Điều, Đinh Văn Tiến [đồng chủ biên], Đào Thị Ái Thi, Trần Anh Tuấn [2002]: Giao tiếp ứng xử trong hành chính, Nxb Công an nhân dân.

4. Võ Bá Đức: Cẩm nang văn hóa ứng xử và giao tiếp công sở, Nxb Văn hóa thông tin, H.2012.

5. PGS,TS. Nguyễn Văn Lê: Văn hóa đạo đức trong giao tiếp ứng xử xã hội, Nxb Văn hóa thông tin, H.2004.

6. TS. Vũ Duy Yên: Nhận thức về đạo đức và các chuẩn mực giá trị xã hội của CBCC nhà nước - Tạp chí Quản lý nhà nước số 145, 2008.

7. Nguyễn Thị Thu Vân [chủ biên]: Giáo trình Kỹ năng giao tiếp hiệu quả trong hành chính, Nxb. Học viện Hành chính quốc gia, H.2005.

tcnn.vn

Video liên quan

Chủ Đề