Giám sát sai sót trong kê đơn thuốc ngoại trú

1. Sai sót trong sử dụng thuốc là gì?

Sai sót trong sử dụng thuốc (SST – tên tiếng Anh là medication error) là những sai sót có thể phòng ngừa được, gây ra việc sử dụng thuốc không hợp lý hoặc gây nguy hại cho bệnh nhân.

Theo một nghiên cứu năm 2013, ít nhất 210.000 người Mỹ đã tử vong mỗi năm do hậu quả trực tiếp của SST, đưa SST trở thành nguyên nhân gây tử vong thứ ba tại nước này, chỉ xếp sau bệnh tim mạch và ung thư . Tại châu Âu, ME và các biến cố bất lợi liên quan đến chăm sóc y tế xảy ra trên 8–12% trường hợp nhập viện, 23% công dân châu Âu tuyên bố từng trực tiếp bị ảnh hưởng bởi SST.

2. Có những loại SST nào?

  • Sai sót trong chỉ định thuốc: sai sót trong lựa chọn loại thuốc (sai chỉ định, chống chỉ định, tiền sử dị ứng, chống phối hợp với thuốc đang điều trị và các yếu tố khác).
  • Sai sót do chỉ định thiếu thuốc: bệnh nhân không được dùng loại thuốc cần thiết.
  • Sai do thừa thuốc: Sử dụng loại thuốc không cần thiết cho bệnh nhân đó.
  • Sai thời gian: bệnh nhân dùng thuốc ngoài khoảng thời gian cho phép hoặc thời điểm uống thuốc không phù hợp.
  • Sai liều: bao gồm dùng liều quá cao hay quá thấp hơn liều điều trị, quên liều, đưa thêm liều không đúng như chỉ định hoặc không nhớ liều dùng cho bệnh nhân
  • Sai dạng bào chế: dùng cho bệnh nhân loại thuốc không đúng dạng bào chế thích hợp
  • Sai trong chuẩn bị thuốc: thuốc được pha chế hoặc thao tác không đúng trước khi sử dụng
  • Sai kĩ thuật dùng thuốc: quy trình không phù hợp hoặc không đúng kỹ thuật sử dụng thuốc
  • Sai khi dùng thuốc biến chất: dùng thuốc hết hạn hoặc hư hỏng
  • Sai trong theo dõi: thiếu sót trong việc đánh giá chế độ điều trị và phát hiện các vấn đề trong sử dụng thuốc hoặc không sử dụng dữ liệu lâm sàng hoặc xét nghiệm phù hợp để đánh giá đầy đủ đáp ứng của bệnh nhân với thuốc được kê đơn.
  • Sai trong tuân thủ điều trị: bệnh nhân thiếu tuân thủ điều trị với thuốc được kê đơn
  • Sai sót khác: những sai sót không phân loại được theo các nhóm trên

3. SST có thể gây ra những hậu quả gì?

  • Gây tăng tác dụng phụ của thuốc
  • Giảm hiệu quả điều trị
  • Kéo dài thời gian nằm viện
  • Gây tăng chi phí điều trị
  • Làm giảm lòng tin của bệnh nhân với chất lượng điều trị bệnh của cơ sở y tế.

4.  Các yếu tố nguy cơ gây SST?

Những yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra SST được liệt kê trong Bảng 1.

Bảng 1:  Yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra SST
Yếu tố Đối tượng cụ thể
Yếu tố liên quan đến bệnh nhân - BN > 65 tuổi. - Nhiều bệnh - Có vấn đề về tuân thủ điều trị - Thay đổi về tâm thần như lú lẫn, đãng trí, trầm cảm. - Vừa mới thay đổi nơi điều trị (chuyển viện, chuyển khoa lâm sàng).
Yếu tố liên quan đến thuốc - BN dùng thuốc có giới hạn điều trị hẹp - BN dùng thuốc cần theo dõi nồng độ thuốc trong máu - BN dùng kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn nghiêm trọng. - BN gặp ADR hay tương tác thuốc quan trọng
Yếu tố liên quan đến chế độ dùng thuốc BN có chế độ dùng thuốc phức tạp + Dùng nhiều thuốc (> 5 thuốc) + Các dùng thuốc phức tạp (thuốc khí dung)

5. Một số biện pháp để phòng tránh sai sót trong sử dụng thuốc

Một số biện pháp hạn chế sai sót được tóm tắt trong Bảng 2.

Bảng 2: Tóm tắt một số biện pháp phòng ngừa sai sót liên quan đến

quy trình sử dụng thuốc

Giai đoạn

Người liên quan

Biện pháp phòng tránh

Kê đơn

Bác sĩ

- Khai thác kĩ tiền sử dùng thuốc của BN (đặc biệt BN chuyển nơi điều trị)

- Kê đơn phù hợp với chẩn đoán và hướng dẫn điều trị

- Kê đơn đầy đủ, rõ ràng

Sao chép đơn thuốc

Điều dưỡng

- Sử dụng phần mềm để nhập thuốc

- Lưu ý tránh nhầm lẫn các thuốc LASA

Cấp phát

Dược sĩ cấp phát cho khoa phòng

Điều dưỡng cấp phát  cho bệnh nhân

- Lưu ý các thuốc LASA.

Sử dụng thuốc

Điều dưỡng tiêm thuốc  cho bệnh nhân

Bệnh nhân

- Cần tuân thủ quy tắc “5 đúng” (Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng đường dùng và đúng bệnh nhân).

- Tránh sự gián đoạn trong quá trình sử dụng thuốc cho bệnh nhân.

- Giáo dục bệnh nhân để nâng cao hiểu biết về sử dụng thuốc, đặc biệt đối với bệnh nhân có bệnh mãn tính.

6.Một số ví dụ về sai sót trong sử dụng thuốc

Bảng 3: Ví dụ về sai sót trong sử dụng thuốc

Thông tin bệnh nhân

Sai sót thuốc

Can thiệp dược

Sai thời gian

BN 61 tuổi,nam bị nhiễm khuẩn hô hấp

Bệnh nhân được chỉ định Rocephin (ceftriaxon) 1g 1 lọ/lần x 3 lần/ngày.

Rocephin(Ceftriaxon) có thời gian bán thải là 8h nên thường dùng với 1 hoặc 2 lần trong ngày.

Giảm 3 lần/ngày thành 2 lần/ngày.

Thừa thuốc

BN 61 tuổi,nam được chẩn đoán tăng huyết áp, tai biến mạch máu não cũ. Bệnh nhân được chỉ định các thuốc sau: imidapril, Cerecaps (bèo hoa dâu), pentoxifyllin, cilostazol, Aspirin 81mg, rabeprazole

Phối hợp pentoxifyllin với cilostazol và aspirin gây tăng nguy cơ chảy máu. Trong khi tác dụng của pentoxifyllin và cilostazol là tương tự nhau.

Đề xuất dừng một trong hai thuốc pentoxifyllin hoặc cilostazol.

Chỉ định không hợp lý

BN nữ đang cho con bú, bị viêm khớp phản ứng, suy van tim. BN được chỉ định meloxicam, paracetamol, rabeprazole.

Vì meloxicam là thuốc qua được sữa mẹ, dù dữ liệu về an toàn của thuốc trên trẻ chưa được nghiên cứu. Các chuyên gia khuyên dùng các thuốc NSAIDS khác như ibuprofen, diclofenac.

Thay thế meloxicam bằng diclofenac.

Sai thời điểm

BN bị suy thận có chỉ định calcitriol: sáng 1 viên, tối 1 viên

Calcitriol thường được dùng 1 lần vào buổi sáng vì thời gian bán thải dài và vì uống vào buổi tối dễ hình thành sỏi thận.

Đề xuất uống 2 viên vào buổi sáng.

Liều cao

BN 76 tuổi, nam, bị viêm bàng quang, suy thận độ 5 có CrCl = 12,6ml/ph. Được chỉ định Levoflex 500mg x 2 lần/ngày

Levofloxacin cần điều chỉnh liều khi suy thận; CrCl 10 – 19 ml/ph: Khởi đầu: 500mg/24h.

Duy trì: 250mg/48h

Đề xuất giảm liều còn 250mg/48h

Theo dõi

BN bị suy tim có chỉ số Kali máu = 2,1 mmol/l

Khoảng bình thường Kali máu: 3,5 – 5 mmol/l.

Đề xuất bổ sung Kali bằng Kaleorid 600mg

                                                                                                                  DS. Dương Hà Minh Khuê, TS.DS. Võ Thị Hà

Tài liệu tham khảo                                                                                        

1.      National Coordianting Council for Medication Error Reporting and Prevention (NCCMERP), "About Medication Errors". Link: http://www. nccmerp. org/about–medication–errors

2.      Centers for Disease Control and Prevention, "Leading cause of death". Link: http://www. cdc. gov/nchs/fastats/leading–causes–of–death. htm

3.      James J. T. (2013), "A New, Evidence–based Estimate of Patient Harms Associated with Hospital Care", Journal of Patient Safety, 9 (3), pp.122–128.

4.      Agency for healthcare research and quality, Patient Safety network, “ Medication Errors”, Link: https://psnet.ahrq.gov/primers/primer/23/medication-errors

5.      American Society of Hospital Pharmacists, ASHP guidelines on preventing medication errors in hospital, American Journal Hospital Pharmacy, pp. 1897–1903.