Huyện Diên Khánh ở đâu

Vị trí

Diên Khánh là huyện nằm ở khu vực trung tâm của tỉnh Khánh Hoà. Bắc giáp huyện Ninh Hoà. Nam giáp huyện Khánh Sơn vàthị xã Cam Ranh. Tây giáp huyện Khánh Vĩnh. Đông giáp thành phố Nha Trang.

Thông tin sơ lược

Diện tích: 512,7 km2

Dân số: 132.100 người (2004)

Mật độ: 258 người/km2

Huyện lỵ: thị trấn Diên Khánh

Bao gồm thị trấn Diên Khánh và 20 xã là: Diên Lâm, Diên Xuân, Diên Đồng, Diên Sơn, Diên Điền, Diên Thọ, Diên Tân, Diên Hoà, Diên Lộc, Diên Phước, Diên Phú, Diên Lạc, Diên Thạnh, Diên Bình, Diên Toàn, Diên An, Suối Hiệp, Suối Tiên, Suối Cát, Suối Tân.

Lịch sử

Thời chúa Nguyễn Phúc Tần, vùng đất Diên Khánh bây giờ thuộc phủ Diên Ninh, một trong hai phủ của dinh Thái Khang. Năm 1742, chúa Nguyễn Phúc Khoát đổi dinh Thái Khang thành dinh Bình Khang, phủ Diên Ninh thành phủ Diên Khánh. Năm 1773, nghĩa quân Tây Sơn khởi binh đánh bại quân chúa Nguyễn, mở rộng căn cứ ở Bình Định, rồi tiến vào phía Nam, chiếm thành Diên Khánh dùng làm lỵ sở của dinh Bình Khang. Năm 1774, Nguyễn Ánh sai Tống Phúc Hiệp và Nguyễn Khoa Thuyên từ Gia Định theo hai đường thủy bộ tiến ra đánh Bình Khang, nghĩa quân Tây Sơn rút về giữ phần đất Phú Yên và Bình Định.

Sau những tranh chấp liên tục giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân của chúa Trịnh, chúa Nguyễn, cuối cùng, Nguyễn Huệ đã đánh tan lực lượng quân Nguyễn do Tống Phúc Hiệp chỉ huy và liên tiếp tiêu diệt hai đạo quân Nguyễn Ánh tung ra phản công. Phần đất Diên Khánh lại trở về với nghĩa quân Tây Sơn. Tháng 5/1781, Nguyễn Ánh lại cho ba đạo quân tiến ra hướng Bình Khang. Nghĩa quân Tây Sơn đã tung đội tượng binh hùng mạnh vào chiến đấu, quân Nguyễn tháo chạy tán loạn. Âm mưu chiếm lại Diên Khánh của Nguyễn Ánh bị đập tan.

Năm 1792, Nguyễn Huệ mất, nhà Tây Sơn suy yếu dần. Năm 1793, Nguyễn Ánh cùng Võ Tánh và Nguyễn Văn Trương đem quân tiến đánh Diên Khánh. Sau khi đẩy lùi nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh quyết định xây dựng Diên Khánh thành căn cứ vững chắc để duy trì vùng kiểm soát của mình. Đây là một địa bàn chiến lược quan trọng nằm dựa vào dãy Trường Sơn và hai nhánh núi như hình cánh cung vòng ra sát biển như một vành đai phòng ngự từ xa. Ngoài đường thiên lý Bắc - Nam bảo đảm vận chuyển trên bộ, sông Cái Nha Trang xuôi bến Trường Cá và cửa biển chừng 10km rất thuận lợi cho vận tải đường thủy.

Thời Minh Mạng, Diên Khánh là một trong hai phủ của tỉnh Khánh Hoà. Phủ Diên Khánh lúc này bao gồm hai huyện là Phước Điền và Vĩnh Xương. Thời Pháp thuộc, tỉnh Khánh Hoà bao gồm 2 phủ Ninh Hoà và Diên Khánh và hai huyện Vạn Ninh, Vĩnh Xương. Phủ Diên Khánh có 3 tổng: tổng Trung Châu (Bắc sông Cái), tổng Vĩnh Phước (Tây-Nam sông Cái), tổng Ninh Phước (Đông-Nam sông Cái). Tỉnh lỵ đóng tại Diên Khánh. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, năm 1946, chính quyền cách mạng quyết định xóa bỏ phủ Diên Khánh thành lập huyện Diên Khánh như ngày nay, và tỉnh lỵ Khánh Hoà cũng dời về Nha Trang.

Trong 2 cuộc kháng chiến, địa bàn huyện Diên Khánh có những thay đổi, nhiều lần nhập, tách với các xã của huyện Vĩnh Xương và Cam Ranh. Từ năm 1950-1954, nhập 2 huyện Vĩnh Xương và Diên Khánh thành huyện Vĩnh Khánh. Thời kỳ 1954-1975, huyện có lúc tạm thời chia làm 4 đơn vị: 2 huyện miền núi Vĩnh Sơn, Vĩnh Khánh (1961-1975) và 2 huyện đồng bằng là Cửu Long và Hương Giang, đồng thời nhập 1 số xã của Vĩnh Xương (Vĩnh Phương, Vĩnh Lương, Vĩnh Hải, Vĩnh Ích) cho Diên Khánh (1961-1975).

Từ 1965-1975, tách xã Diên An, Diên Toàn cho huyện thị Vĩnh Trang. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 4/1975 nhập thêm 7 xã của huyện Vĩnh Xương đổi thành huyện Khánh Xương. Tháng 3/1977, tách 7 xã của huyện Vĩnh Xương nhập vào TP Nha Trang, huyện trở lại địa giới cũ gồm đồng bằng Diên Khánh và huyện miền núi Khánh Vĩnh. Tháng 6/1985, huyện Diên Khánh lại tách làm 2 huyện: Khánh Vĩnh và huyện Diên Khánh ngày nay.

Tiềm năng

Diên Khánh là một trong những địa phương được thiên nhiên ưu đãi. Huyện có nhiều sét cao lanh để phát triển nghề gốm sứ và vật liệu xây dựng. Ngoài ra, nước khoáng chất lượng cao là nguồn tài nguyên vô tận phong phú nhất của Diên Khánh đang được khai thác phục vụ nhân sinh ở Đảnh Thạnh - Diên Tân.

Diên Khánh có KCN Suối Dầu được thành lập năm 1998, lĩnh vực đầu tư đa ngành với tổng mức vốn đầu tư 197 tỷ đồng, qui mô 150 ha có thể mở rộng đến 300 ha. Hạ tầng KCN hiện đã cơ bản hoàn chỉnh việc xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 (80 ha với tổng vốn đầu tư 99 tỷ đồng), đang triển khai đầu tư hạ tầng khu CN giai đoạn II 73ha.

Huyện Diên Khánhnằm nép mình bên dòng sông Cái thơ mộng, quanh năm mát rượi màu xanh của nước biếc non cao, của những cánh đồng bát ngát, của những vườn cây nặng trĩu quả. Người dân Diên Khánh không chỉ tự hào về địa hình núi sông hùng vĩ, về địa thế tứ linh gồm Hòn Ông, Hòn Bà, Hòn Cô, Hòn Cậu mà còn vì trên vùng đất lâu đời này, nhiều di tích văn hóa lịch sử đã được hình thành vẫn còn giữ nguyên những giá trị tốt đẹp đến ngày nay.

Thiên nhiên và con người ở Diên Khánh đã tạo ra rất nhiều kỳ quan di tích như Đại An, Am Chúa, suối Ngỗ, suối Đỗ, suối Tiên, núi Trường Tiên. Diên Khánh còn là vùng đất có nhiều chứng tích lịch sử lớn của non nước Khánh Hoà như khu lưu niệm Yersin, bia Võ Cạnh, miếu thờ Huỳnh Thúc Kháng, miếu thờ Trịnh Phong, đền thờ Trần Quý Cáp, Văn Miếu Diên Khánh...

Thành Diên Khánh là toà thành cổ do Chúa Nguyễn Ánh xây dựng năm 1793 theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự nổi tiếng vào thế kỷ XVII, XVIII ở Tây Âu. Thành Diên Khánh và thành Nội Huế là hai ngôi thành trì phong kiến nguyên vẹn còn sót lại cho đến ngày nay trên lãnh thổ Việt Nam. Thị trấn Diên Khánh còn được gọi là thị trấn Thành, cách Nha Trang 10km về phía Tây, ngay bên cạnh quốc lộ số 1 và đường sắt xuyên Việt từ Bắc vào Nam.