Khi nào hà nội hết dãn cách

Áp dụng theo nguyên tắc Chỉ thị 15

Theo đó, Chủ tịch UBND TP quyết định, từ 6 giờ 00 ngày 21-9-2021, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố theo nguyên tắc tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế cho đến khi hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng và có thông báo mới của Thành phố.

Cụ thể, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch: Duy trì hoạt động 22 chốt tại các cửa ngõ ra/vào Thành phố và 33 chốt tại các quận, huyện, thị xã giáp ranh các tỉnh lân cận để thực hiện kiểm soát người và phương tiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tiếp tục duy trì các chốt tự quản tại các khu dân cư, tổ dân phố; kiểm soát chặt di biến động của người dân; tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông vận tải: Chỉ đạo dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay quốc tế Nội Bài và vận tải hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội. Tiếp tục kiểm soát chặt, không phát sinh các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn.

Các hoạt động tiếp tục tạm dừng bao gồm: Hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy: Xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách bằng xe mô tô, trừ trường hợp: Phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia.

Hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại địa điểm công cộng và các cơ sở kinh doanh [trừ các hoạt động được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép]. Hoạt động tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự... tiếp tục tạm dừng.

TP Hà Nội từng bước nới lỏng giãn cách và linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch từ ngày 21-9.

Cơ quan đơn vị làm việc 50%, hạn chế tập trung đông người

TP Hà Nội cũng cho phép thực hiện và điều chỉnh một số hoạt động: Đối với các hoạt động chính trị, đối ngoại cấp Nhà nước trên địa bàn được thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền và đảm bảo các quy định phòng chống dịch bệnh.

Các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn [trừ các lực lượng vũ trang, cơ quan, đơn vị, lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch] bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc theo nguyên tắc 50/50 [50% tại trụ sở và 50% sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà]. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức trực tiếp của các cơ quan, đơn vị [nếu có] hoạt động bình thường, đảm bảo kịp thời giải quyết thủ tục hành chính cho các cá nhân và tổ chức theo quy định.

Các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung không quá 20 người trong 1 phòng [trường hợp hội họp đông người thực sự cấp thiết do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và phải đảm bảo thực hiện giãn cách tối thiểu, các biện pháp phòng chống dịch]; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng. Các cơ sở cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu dân sinh được hoạt động và đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày.

Ngoài xe mô tô, xe hai bánh vận chuyển bưu gửi, hàng hóa đang được phép hoạt động, cho phép xe mô tô, xe hai bánh tham gia ứng dụng công nghệ được phép hoạt động. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng xe mô tô, xe hai bánh có ứng dụng công nghệ chỉ được phép bố trí không quá 50% số lượng phương tiện hoạt động. Người giao hàng phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19, khai báo y tế hằng ngày trên ứng dụng VN-eID hoặc website: suckhoe.dancuquocgia.gov.vn; chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định. Thời gian hoạt động từ 9 giờ 00 đến 22 giờ 00 hằng ngày [áp dụng cho cả xe mô tô, xe hai bánh đang được phép hoạt động và xe tham gia ứng dụng công nghệ].

Tổ chức đám tang trong phạm vi gia đình, không quá 20 người; hạn chế các đoàn viếng, mỗi đoàn không quá 5 người...

Duy trì hoạt động sản xuất với điều kiện đảm bảo an toàn

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị người dân: Thực hiện nghiêm 5K, khai báo y tế hàng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone. Liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác...

Trường hợp di chuyển vào thành phố vì lý do công vụ, phòng chống dịch, phục vụ sản xuất phải thực hiện khai báo y tế và tuân thủ các biện pháp giám sát, cách ly y tế theo quy định của thành phố.

Đối với các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong các khu/cụm công nghiệp, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp Trưởng ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Giám đốc Sở Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo hoạt động sản xuất hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; quản lý nơi ở, di biến động của các công nhân, lao động trong khu/cụm công nghiệp đóng trên địa bàn.

Đối với các công trình xây dựng, căn cứ quy mô công trình, thẩm quyền quản lý, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp các đơn vị liên quan quản lý, hướng dẫn tổ chức hoạt động xây dựng đáp ứng yêu cầu an toàn phòng, chống dịch bệnh…

Tin, ảnh: TUẤN SƠN

Sau 2 tháng giãn cách xã hội, những vùng xanh đầu tiên đã được mở, những bát phở đầu tiên đã được bán mang về, những chiếc xe để góc nhà sau hơn 2 tháng đã được mang ra hàng bảo dưỡng... người Hà Nội như vừa đi qua một giấc ngủ dài đến ngày bừng tỉnh.

Trần bánh phở, nhúng thịt bò, chan nước dùng, thêm chanh và ớt – gần 2 tháng nay anh Huy Hùng [Nam Từ Liêm] mới được thưởng thức một bát phở đúng vị. Xếp hàng đến nửa tiếng mới nhận được 2 phát phở mang về, nhưng cũng chẳng hề gì, vì cảm giác được ăn phở, hít hà hương vị thơm ngon của bát phở bò anh đã chờ đợi qua chừng ấy thời gian giãn cách. Nhất là khi Hà Nội đang mơn mởn gió thu, thì chẳng còn gì tuyệt hơn cảm giác ấy.

Đêm 15.9, nghe tin quận mình là 1 trong 19 quận huyện được phép nới lỏng một số hoạt động, chị Ngô Thị Huyền - chủ quán "Bún chả Việt" [phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội] - cùng nhân viên lập tức chuẩn bị nguyên vật liệu để mở lại cửa hàng. Chị gom đơn của khách trên Fanpage từ tối qua [15.9] và bắt đầu trả hàng vào sáng nay [16.9]. Chị Huyền cho biết, "rất vui mừng" khi nghe tin hàng quán ở một số quận nội thành được bán mang về, bởi cửa hàng của chị mới mở được 3 ngày, chưa kịp khai trương thì "dính" dịch.

Còn chị Mai [quê Thái Nguyên] - chủ một quán bún sườn ở Tây Mỗ [Nam Từ Liêm, Hà Nội] - cho hay, chị mở quán bún ở phố Cầu Cốc [phường Tây Mỗ] từ tháng 5.2021. Tuy nhiên, đến ngày 24.7, chị phải đóng cửa quán để thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Bí bách khi phải ngồi không, trong khi mọi chi phí vẫn phải chi đều đặn. Từ tiền thuê nhà, chi phí điện nước, đến ăn uống, thêm một số loại thuốc men, các loại sản phẩm để phòng chống dịch bệnh, khiến phải "tiêu lẹm" vào khoản tiền dành dụm để đóng học cho con.

Ngày 15.9, khi nghe tin một số quận nội thành, trong đó có quận Nam Từ Liêm cho phép một số dịch vụ kinh doanh được tái hoạt động, bán mang về, chị như trút được gánh nặng. Ngay trong tối 15.9, chị cùng chồng tất bật dọn dẹp lại khu bếp, sắp xếp bàn ghế, quét lại vạch sơn giãn cách, để mở quán.

Còn với anh Nguyễn Phúc Anh [Ba Đình, Hà Nội], việc đầu tiên anh làm sau khi Hà Nội cho nới lỏng là mang “con xe” của mình đi bảo dưỡng sau 2 tháng để góc nhà đến nỗi không nổ được máy.

Chiều 16.9, 39 chốt kiểm soát phòng chống COVID-19 của Công an thành phố Hà Nội được đồng loạt tháo dỡ. Cán bộ, chiến sĩ sẽ dỡ lều bạt, thu dọn quân trang, quân dụng, phương tiện phục vụ công tác của chốt.

Đây là những gì diễn ra vào ngày 16.9, khi Hà Nội cho phép 19 quận huyện vùng xanh được nới lỏng một số hoạt động, được bán đồ ăn mang về, các sửa hàng sửa chữa xe được mở cửa. Lâu lắm rồi nếu có việc đi ngoài đường lúc 8h tối mới thấy các cửa hàng đồ ăn vẫn sáng đèn, nếu muốn vẫn có thể mua suất bún, bát phở mang về ăn tối. Đi làm về qua quán thịt nướng, anh Hùng nhắn tin về cho vợ: “Tối thịt nướng em nhé”, anh Hùng đọc xong tin nhắn vợ rep, đôi mắt ánh lên một niềm vui vì nụ cười đang giấu sau lớp khẩu trang, rồi rẽ vào quán thịt gọi: “Anh chủ quán, cho em 1 cân thịt nướng kèm đủ rau, nước chấm nhé”.

Đợt bùng phát dịch thứ 4, xảy ra từ ngày 27.4, lúc đó, Hà Nội đang ở điều kiện tất cả 8 tỉnh xung quanh đều có dịch. Người nhập cảnh vẫn đang tiếp tục về và xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp. Đến đầu tháng 5, tình hình dịch bệnh phức tạp với nhiều nguy cơ từ trong nội tại đến các tỉnh quanh Hà Nội, áp lực các chuyến bay giải cứu về phải cách ly. Mật độ di chuyển lớn vì Hà Nội là đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia nên hàng ngày có hàng chục nghìn lượt người qua lại. Do đó, Thành phố buộc phải giãn cách xã hội linh hoạt, có lúc theo Chỉ thị 15 và thực hiện Chỉ thị 16 từ 24.7, đến nay đã trải qua 2 tháng với 4 đợt giãn cách.

Dù đã có “kinh nghiệm” thực hiện giãn cách xã hội từ khi đợt dịch đầu tiên bùng phát, tuy nhiên lần giãn cách xã hội kéo dài 2 tháng này của người Hà Nội có những điều khác biệt như được phát phiếu đi chợ theo ngày chẵn lẻ, ra đường phải có giấy.

Áp dụng đầu tiên tại các chợ trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội, biện pháp phát phiếu đi chợ cho người dân theo ngày chẵn lẻ đã được Bí thư thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận và yêu cầu triển khai trên địa bàn thành phố để tránh những rủi ro về dịch tễ. Sau đó việc phát phiếu này được các quận huyện trên địa bàn thành phố cùng thực hiện. Việc phát phiếu đi chợ được duy trì qua các đợt giãn cách xã hội, việc này được đánh giá giảm lượng người đổ về các chợ được hạn chế hơn, và để đảm bảo an toàn, một số chợ còn làm các tấm chắn nilon, rào barie để hạn chế tiếp xúc nhất với người mua trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng.

Cùng với việc đi chợ theo ngày chẵn lẻ, người Hà Nội những ngày giãn cách phải thực hiện nghiêm việc ra đường phải có lý do, phải có giấy đi đường. Đó là những ngày người Hà Nội xếp hàng đến nửa đêm để xin cấp giấy đi đường, là những ngày chốt kiểm soát rơi vào tình trạng ùn ứ khi kiểm tra giấy đi đường của người dân.

Việc chấn chỉnh tình trạng này đã được thực hiện sau khi có phản ánh của người dân, báo chí cùng ý kiến các chuyên gia. Tới chiều tối 7.9, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.

Trước mắt, tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, xem xét hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một. Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.

Trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội đã xuất hiện những ổ dịch trên địa bàn thành phố như ổ dịch ở phường Văn Chương, phường Văn Miếu; Ổ dịch tại chợ Ngọc Hà, quận Ba Đình; Ổ dịch tại ngõ 24 Kim Đồng, Giáp Bát, Hoàng Mai; Ổ dịch tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng; Ổ dịch tại phố Sơn Tây, phường Kim Mã, quận Ba Đình; Ổ dịch Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân.

Trong đó, ổ dịch Thanh Xuân Trung ở quận Thanh Xuân là ổ dịch phức tạp nhất. Khởi phát từ ngày 23.8 đến nay ổ dịch này đã có gần 600 ca mắc.

Ngày 24.8, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, quận Thanh Xuân đã ban hành quyết định thành lập khu vực cách ly y tế tạm thời ngõ 328 và từ số nhà 2B đến hết ngõ 330 đường Nguyễn Trãi từ 14h00 ngày 23.8 đến 14h00 ngày 30.8 [7 ngày]. Khu vực phong tỏa có gần 700 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu.

CDC Hà Nội đánh giá, chùm ca bệnh ở quận Thanh Xuân có sự tương đồng về đặc điểm với chùm ca bệnh ở quận Đống Đa [Văn Chương, Văn Miếu] dân cư đông đúc, ngõ nhỏ, ngách nhỏ, diện tích chật hẹp nên khả năng tiếp xúc lớn.

Trong chuyến kiểm tra ổ dịch này ngày 25.8, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết: “Toàn bộ người trong khu phong tỏa đều phải coi là F1, phải xét nghiệm. Ai không thực hiện thì phải đưa đi cách ly tập trung” - Chủ tịch UBND TP nói.

Trong chuyến kiểm tra ngày 31.8 tại ổ dịch này, Thủ tướng chỉ đạo 2 việc cần làm ngay đó là di dời bớt người dân ra khỏi khu vực hiện có mật độ dân số quá đông để tránh lây nhiễm, bảo vệ các vùng xanh xung quanh. Đồng thời, thiết lập ngay trạm y tế lưu động tại phường, điều trị phân loại ngay các ca F0 theo tinh thần mỗi xã phường là một pháo đài.

Từ 18h ngày 1.9, người dân trong khu vực phong toả [chưa phải là F1] được đi cách ly giãn dân, tập trung như các trường hợp F1 tại khu Ký túc xá Đại học FPT.

Báo cáo lãnh đạo Hà Nội trong cuộc họp trực tuyến ngày 19.9, lãnh đạo quận Thanh Xuân cho biết tình hình tại ổ dịch này đã được kiểm soát. Hiện, quận đang tiếp tục lấy mẫu 2-3 ngày/lần đối với hơn 100 người già, người có bệnh lý không di chuyển cách ly tập trung được; đồng thời, tiến hành phun khử khuẩn, mời các chuyên gia dịch tễ về đánh giá độ an toàn... Quận đang xây dựng kế hoạch, dự kiến báo cáo thành phố để ngày 28.9 đón hơn 1.000 dân đang cách ly tập trung tại Thạch Thất về.

Sau đợt giãn cách thứ 3, ngày 2.9, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa có thông báo kết luận về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố. Theo đó từ sau 6.9, thiết lập 3 vùng theo nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất để kiểm soát dịch bệnh.

Trên cơ sở phân vùng, đánh giá các khu vực có nguy cơ rất cao “vùng đỏ” để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc “ai đâu ở đó” để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để, tại các khu vực nguy cơ cao “vùng cam” và nguy cơ thấp hơn “vùng xanh” điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg [15+] của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực “vùng đỏ” bảo đảm khoa học, kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Theo đó, vùng 1 là toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

Phân vùng 2 là toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Phân vùng 3 là Toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 5 quận/huyện của Phân vùng 1: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc tổ chức phân vùng để kiểm soát dịch phù hợp với mức độ nguy cơ là rất cần thiết sau 3 đợt thực hiện giãn cách toàn thành phố. Trong đó, việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thậm chí ở mức độ cao hơn đối với vùng 1 phải được tổ chức chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn.

Khi Hà Nội bước sang ngày thứ 50 trong đợt giãn cách xã hội được đánh giá là “chưa có trong tiền lệ”. Những nỗ lực bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng vẫn đang được triển khai khẩn trương, nhanh chóng nhằm sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Tuy nhiên, trái tim của cả nước vẫn đang phải đương đầu với những thách thức, những khó khăn chưa từng có của dịch bệnh, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của đợt giãn cách, vẫn ghi nhận nhiều F0 trong cộng đồng. Đợt giãn cách xã hội kéo dài kéo theo nhiều áp lực đè nặng.

Trước tình hình đó, trong Kế hoạch số 206/KH-UBND về việc xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn đến ngày 15.9.2021 trên cơ sở số vaccine được Bộ Y tế phân bổ và giao.

Trong hai chiến dịch lớn của Thủ đô, không thể không nhắc đến sự góp sức của gần 4 nghìn nhân viên y tế của 12 tỉnh, thành phố về hỗ trợ Hà Nội, tham gia công tác xét nghiệm, tiêm chủng. Với tinh thần “cả nước vì Hà Nội”, nhân viên y tế các tỉnh đã tạo thành một hệ thống dây chuyền lấy mẫu, tiêm chủng cùng với cán bộ y tế của Hà Nội thực hiện hoàn thành lấy mẫu cộng đồng và tiêm vắc xin mũi 1 cho người dân Thành phố trong thời gian thần tốc vừa qua với tinh thần hăng hái, quyết tâm nhất cùng Thủ đô khống chế dịch bệnh.

Đặc biệt, đồng hành cùng lực lượng tuyến đầu, lãnh đạo UBND TP Hà Nội từ Chủ tịch tới các Phó Chủ tịch đã thường xuyên đến nhiều điểm tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra và động viên các lực lượng. Phấn khởi khi nhận thấy trong những ngày cuối của chiến dịch, tốc độ tiêm vaccine đã được đẩy lên rất cao, số mũi tiêm ngày sau cao hơn ngày trước, có ngày cao điểm, tiêm được gần 600 nghìn liều.

Trực tiếp kiểm tra nhiều lần công tác phòng, chống dịch và lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng ở các địa bàn, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh khẳng định, Thành phố luôn nỗ lực cao nhất, tiếp thu, điều chỉnh kịp thời các giải pháp để đạt được mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe người dân, giảm số người mắc và hạn chế ca tử vong. Sự động viên kịp thời của lãnh đạo Thành phố đã giúp những cán bộ y tế vững tâm hơn để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.

Theo Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng, trong mấy ngày qua, các điểm tiêm chủng đều mở tối đa công suất. Ngành y tế luôn nhận thức tiêm nhanh nhất, sớm nhất nhưng phải an toàn nhất. Các điểm tiêm chủng đều được bố trí các bác sỹ hồi sức cấp cứu và các tổ cấp cứu lưu động bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân. Số mũi tiêm liên tục lập kỷ lục mới, cao nhất là ngày 12.9 với hơn 573.000 mũi tiêm vaccine đã khẳng định sự cố gắng vượt bậc của các lực lượng, nhất là đội ngũ y bác sĩ.

Đến nay, toàn Thành phố Hà Nội đã triển khai 17 đợt tiêm vaccine COVID-19 cho các đối tượng trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của UBND TP Hà Nội. Theo đó, 5.649.581 người trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1, đạt 93,8%; tỉ lệ tiêm so với tổng dân số đạt 67,9%. Riêng về xét nghiệm diện rộng, từ ngày 8.9-15.9.2021, đã lấy được 4.197.528 mẫu, đạt 84% kế hoạch; trong 2 ngày 16.9 và 17.9 các địa phương tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm theo kế hoạch đạt 57.788 mẫu…

Tại cuộc giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy TP với Sở Chỉ huy các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã để triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 chiều 16.9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết:

Từ đó, lãnh đạo TP đã có chủ trương sẽ kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19, các tiểu ban để giảm đầu mối. Trong đó, đặc biệt, sẽ có tiểu ban mới về việc phục hồi sản xuất kinh doanh và tiểu ban này sẽ nhanh chóng có kế hoạch cụ thể nhất”, lãnh đạo TP nói.

Ngày 15.9, Chủ tịch UBND TP đã có văn bản chỉ đạo nới lỏng ở 19 địa bàn trong trạng thái bình thường mới. Tiếp thu các phản ánh từ cơ sở, thành phố sẽ có hướng dẫn chi tiết hơn nữa để thực hiện việc này.

Đáng chú ý, Phó Chủ tịch Hà Nội cho biết, Thường trực Thành ủy có chỉ đạo điều chỉnh các biện pháp theo hướng, sẽ không triển khai chống dịch theo 3 vùng như hiện nay. Việc phong tỏa phải bám sát chỉ đạo của Thủ tướng, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thời gian tới, TP sẽ không phong tỏa quy mô lớn, chỉ thực hiện quy mô nhỏ nhất ở các điểm phong tỏa để vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa tạo điều kiện tối đa để người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Liên quan đến vấn đền nới lỏng giãn cách, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhận định: “Hà Nội nên phong tỏa, giãn cách theo ổ dịch, không giãn cách theo địa giới hành chính. Bởi giãn cách theo địa giới hành chính là biện pháp vừa chặt vừa lỏng mà không hiệu quả trong thời gian này”.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung lý giải, nếu tiếp tục giãn cách theo phường, quận/huyện đồng nghĩa có nhiều người phải thực hiện quy định giãn cách. Tuy nhiên, phương án này không phát huy được hiệu quả của giãn cách xã hội, chuyên gia nêu.

“Phong tỏa theo ổ dịch, trên 1 phường có thể có nhiều khu vực vùng đỏ. Trong khu vực này, ngành y tế quét sạch F0 nhiều vòng, mỗi vòng trong vòng 48h. Việc bóc tách F0 cần linh động, bóc tách ngay tại nhà, đưa F0 đến khu cách ly tập trung” - ông Nhung nhấn mạnh.

Đúng như lời Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu, Hà Nội đã giãn cách lần thứ 4. Doanh nghiệp và người dân đều đã mệt mỏi và mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát để phục hồi kinh doanh. Những ngày được nới lỏng, người dân ai cũng vui mừng dù vẫn còn chút lắng lo dịch bệnh quay lại, nhất là khi vừa mới đây Long Biên lại xuất hiện ổ dịch chưa rõ nguồn lây khi vừa mở cửa được 1 ngày. Các địa điểm liên quan đã được thực hiện cách ly y tế, những người liên quan được xét nghiệm. Ai cũng mong mỏi ổ dịch này không bùng phát mạnh để cuộc sống của người dân không bị xáo trộn thêm nữa.

Sau những ngày giãn cách xã hội, niềm vui với những người nông dân tại vựa rau Mê Linh [Hà Nội] là được trở lại ruộng đồng. Rau củ được thu hoạch, hàng hoá được lưu thông cũng là lúc người dân có được chút thu nhập từ công sức lao động của mình.

5h sáng, bà Nguyễn Thị Hoa khoác chiếc áo bạc màu, xùm xụp nón lá, khăn trùm kín mặt đi ra ruộng với lỉnh kỉnh dao cắt, quang gánh, dây buộc. Những ngày giãn cách xã hội, nhiều chốt kiểm soát được lập ra. Nhiều mặt hàng nông sản bị ứ đọng. Vụ thu hoạch trước, nhiều diện tích rau của gia đình bà Hoa phải bỏ đi vì không tiêu thụ hết. Bên cạnh ruộng nhà bà Hoa là một thửa ruộng khác với những thân cây hoa bị nhổ bỏ vì hàng không đến được với người mua.

“Thời gian giãn cách xã hội, dân sốt ruột lắm. Ngày nào tôi cũng xem tivi để xem bao giờ hết giãn cách, hàng hoá lưu thông bình thường như trước. Nhà tôi có 4 sào rau. Tháng trước mưa nhiều lại tiêu thụ được ít nên một phần diện tích rau đến vụ phải bỏ đi. Chi phí tiền giống, phân bón vẫn phải bỏ ra mà không thu được. Chúng tôi chỉ mong thu hoạch vụ rau này có thể đủ đôi ba nồi gạo để trang trải cuộc sống”, bà Hoa vừa cắt rau vừa tâm sự.

Niềm vui khi dịch bệnh được kiểm soát, việc giãn cách được nới lỏng đôi khi là vậy, là nụ cười bác nông dân khi được ra thăm nom chính đồng ruộng của mình, là niềm vui của chàng thanh niên được xì xụp bát phở sau 2 tháng ăn cơm, và tới đây học sinh rồi sẽ được trở lại trường học, gặp bạn bè thầy cô sau những ngày học online và lễ khai giảng trực tuyến.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng - cho biết, thời gian giãn cách xã hội vừa qua, Hà Nội đã làm rất nghiêm, quyết liệt, truy vết nhanh, khống chế được ổ dịch khi phát hiện được ca F0 đầu tiên, thực hiện phong tỏa hiệu quả. Hà Nội đã làm tốt biện pháp bảo vệ "vùng xanh", tạo ra tổ tự quản bảo vệ xóm nhỏ, ngõ nhỏ.

Tuy nhiên, người đã được tiêm vaccine COVID-19 vẫn rất cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, trong đó có 5K, ông Phu khuyến cáo.

LĐO | 21/09/2021 | 14:00

Video liên quan

Chủ Đề