Kieểm tra win trong mac

Mình vẫn hay xài con MacBook của mình để chia sẻ một số thủ thuật hay hướng dẫn nhỏ nhỏ cho Windows, và mỗi topic đều có anh em hỏi mình là MacBook chạy Win thì thấy như thế nào, có tốt không, có bị hạn chế gì không, vậy nên mình tổng hợp mấy thông tin đó lại vào trong topic này để anh em có thể tham khảo dễ dàng hơn nếu lỡ muốn mua máy Mac mà có nhu cầu gì đó với Win như mình.

Kieểm tra win trong mac


Vì sao mình cần cài Win trên Mac?

Trước khi nói về cái lợi cái chưa ngon thì giải thích với anh em một chút về nhu cầu sử dụng của mình: Khoảng 80% thời gian mình dùng máy tính là sẽ đụng tới Mac, mình chỉ làm mấy thứ đơn giản như viết bài chia sẻ vui vẻ với anh em, chỉnh hình ảnh bằng Photoshop, Lightroom, rồi làm phim bằng iMovie. Trong giờ hành chính thì mình sử dụng một số công cụ để quản trị cơ sở dữ liệu, một vài tool mã nguồn mở chạy nền Java để xử lý data, và đương nhiên không thể thiếu email, Word, Excel, PowerPoint. Đó là những thứ chiếm phần lớn thời gian của mình, và Mac có thể đảm đương hết những thứ này.

Vậy tại sao mình cần Win? Trước hết vì mình là người thích vọc, mình sẽ không phụ thuộc vào bất kì OS nào mà mình trải nghiệm tất cả mọi thứ để biết được cái hay, cái dở của từng nền tảng. Và đương nhiên xài Win là để viết bài chia sẻ với anh em nè, không lẽ anh em Win được sướng mà mình không được sao 😁 Bên cạnh đó có một số phần mềm và giải pháp chuyên dụng của mình đòi hỏi phải có Windows mới hoạt động được, không có giải pháp tương đương cho Mac (SQL Server và các công cụ lập trình, kiến trúc dữ liệu của Microsoft cho anh em nào quan tâm). Những công cụ chuyên dụng này thì thỉnh thoảng mới cần tới chứ đa phần thời gian là làm trực tiếp trên máy chủ rồi.

Kieểm tra win trong mac


Ngoài ra mình cũng thích chơi game nữa nên cũng cần Windows. Mình chủ yếu mua game từ Steam, dù game cho Mac cũng đang ngày càng nhiều lên nhưng các trò mình thích như GTA V hay Final Fantasy 8 lại không có cho Mac và chỉ có Win mới chạy được, vậy là phải cài Windows thôi.

Ở đây cái mình muốn nói đó là anh em hãy cài Windows khi có nhu cầu. Nhu cầu đó có thể là thường xuyên hoặc không thường xuyên nhưng nếu thời gian mà anh em dành cho Win nhiều quá và chỉ xài Mac chơi chơi thì có thể suy nghĩ tới việc đầu tư hẳn một cái laptop Windows sẽ có lợi hơn, mình sẽ nói kĩ vụ này ở bên dưới. Còn nếu đâu đó khoảng 30% thời gian anh em cần Win và 70% còn lại là chạy macOS thì còn chần chờ gì nữa mà không chiến.

Cài Win lên Mac có mấy cách?

Có hai cách: hoặc là bạn chỉ chạy máy ảo Windows trong macOS, hoặc bạn cài Windows như một hệ điều hành thứ hai lên trực tiếp trên ổ cứng vật lý và nó sẽ dual boot với macOS.

Cách thứ nhất: máy ảo Win trong macOS, với sự trợ giúp của các phần mềm ảo hóa như Parallel, VmWare Fusion, Virtual Box. Lúc này Windows sẽ giống như một "app" và anh em có thể xài nó song song với các ứng dụng Mac khác đang xài. Cái này thì tiện, dễ cài, nhưng bù lại hiệu năng không khai thác được hết 100% sức mạnh của máy vì phải chạy qua một lớp ảo hóa trung gian.

Cách thứ hai: cài Windows ở dạng Bootcamp. Bootcamp là một công cụ đặc biệt do chính Apple làm ra để giúp chúng ta cài Windows lên Mac dễ dàng hơn và không bị lỗi lặt vặt như khi phải làm thủ công. Bootcamp sẽ giúp bạn chia phân vùng, tải driver Win đầy đủ, thậm chí nó còn chép các file cài đặt Windows vào một vùng tạm trên ổ SSD / HDD của máy để quá trình setup diễn ra nhanh chóng hơn. Cách này cũng dễ, có điều bạn cần chuẩn bị một file ISO hoặc bộ cài USB Windows sẵn. Với những dòng máy mới, Bootcamp chỉ hỗ trợ cho Windows 10 mà thôi.

Kieểm tra win trong mac


Vì khi cài qua Bootcamp tức là bạn cài Windows lên thẳng trên ổ cứng và chạy Windows trọn vẹn không qua ảo hóa nên hiệu năng cao nhất, có thể khai thác tất cả những gì phần cứng có. Nó cũng giống như khi bạn dual boot hai bản Windows với nhau vậy, chỉ khác là giờ chúng ta dual boot Win và macOS. Driver của Apple hỗ trợ rất đầy đủ và được cập nhật liên tục nên anh em không sợ có thứ gì đó không tương thích. Duy có Touch Bar trên các máy MacBook Pro mới chỉ hiện hàng phím F1 tới F12 chứ không đổi theo app được như macOS, còn lại cổng kết nối, âm thanh, Wi-Fi đều ngon cả.

Cái hay của Bootcamp đó là bạn vẫn có thể chạy nó ở dạng máy ảo trong macOS luôn, tức là giống với các 1. Lấy ví dụ với phần mềm VmWare Fusion, nó có thể gọi phân vùng Bootcamp lên chạy máy ảo song song với các app Mac khác mà không gặp khó khăn gì nên sẽ tiện nếu bạn cần làm gì đó nhẹ nhàng, không phải chuyển qua chuyển lại giữa hai hệ điều hành tốn thời gian.

Tóm lại anh em hãy nên cài theo dạng Bootcamp vì vừa có thể chạy Win full phần cứng vừa có thể chạy ở dạng máy ảo tùy lúc, tùy sự lười :D và tùy nhu cầu nữa. Bootcamp cũng được Apple làm và hỗ trợ nên rất yên tâm.

Hiệu năng và hạn chế?

Hiệu năng của MacBook chạy Win rất tốt, không có gì phải bàn cãi và hoàn toàn có thể sánh ngang với một chiếc Windows thuần túy có cùng cấu hình. Với những chiếc MacBook Pro thì anh em có thể thoải mái tung hoành ngang dọc, MacBook Air cũng thế, còn MacBook 12" Retina mới thì chạy Win hơi yếu nhưng vẫn có thể làm tốt mấy việc cơ bản. Nói cách khác, MacBook khi chạy Win thì chẳng khác gì một cái máy Win chạy Win nên mình cũng không biết phải nói thêm gì ở đoạn này. À, được cái là thiết kế của Mac khi chạy Windows 10 rất hợp, nhìn đẹp lắm, thậm chí còn nhìn hiện đại và ngầu hơn lúc chạy macOS nữa kìa.

Về hạn chế thì mới có nhiều điểm để nói. Trước hết, MacBook chạy Win sẽ nóng hơn khi chạy macOS rất nhiều. Khi sử dụng, bạn sẽ nghe rất nhiều tiếng quạt quay trong khi bình thường bên Mac thì hiếm khi quạt phải quay nhanh tới vậy. Đời 2009 trở về trước là khổ nhất, dùng rất nóng, sau đời Retina 2012 thì tình hình đã được cải thiện và tới MacBook Pro 2016 thì quạt đã quay ít lại khi dùng Windows dạng Bootcamp. Nhưng về cơ bản là vẫn nóng hơn nhiều so với lúc xài macOS. Dùng ít thì không sao, nhưng mình lo rằng khi sử dụng trong thời gian dài sẽ làm giảm tuổi thọ của linh kiện trong máy.

Thứ hai là máy hao pin hơn rất nhiều so với lúc chạy macOS. Ví dụ, MacBook Pro 2016 15" của mình có thể xài được cỡ 7 tiếng khi dùng Mac thì với cùng những việc đó qua Windows chỉ tầm 4-5 tiếng là tèo. Một phần có lẽ vì năng lượng phải dành nhiều hơn cho quạt tản nhiệt nên mới bị như vậy, một phần khác có lẽ do hệ điều hành không được tối ưu cho phần cứng nên CPU buộc phải hoạt động nhiều hơn. Trong macOS Apple dễ dàng kiểm soát được những cơ chế quản lý điện năng và tăng giảm khi cần thiết, còn Windows thì hãng không thể can thiệp sâu đến mức lõi của OS nên đành chịu.

Thứ ba là một số tính năng đặc thù sẽ không còn chạy được trên Windows, ví dụ như Touch Bar hay cảm biến Touch ID mới. Mình khá ngạc nhiên không biết vì sao Touch ID lại không xài được với Windows 10, Windows chỉ đơn giản thông báo là máy không hỗ trợ, trong khi cảm biến này rất tuyệt vời. Tức là nếu bạn xài máy Mac chạy Win, bạn sẽ bị thiệt thòi hơn. Trong khi đó nếu mua hẳn một chiếc laptop Windows thì bạn có thể xài được cái cảm biến vân tay của máy đó rồi.

Tóm lại, bạn chỉ nên cài Win vào Mac nếu thỉnh thoảng bạn cần phải vào Windows để làm việc gì đó. Nếu có ý định mua Mac về chỉ để cài Win chạy thì không nên, vừa phí tiền, vừa không tận dụng được hết chức năng của máy, vừa hao pin và nóng hơn. Mac được tối ưu tốt nhất cho macOS, Windows giống như một kẻ ngoại đạo và chẳng thể nào tương thích 100% như cách mà Dell, HP, Asus, Acer hay Lenovo làm được vì từ lúc làm phần cứng là họ đã thiết kế nó cho Windows rồi.

Mình đã từng nhận được một số câu hỏi của mấy anh em rằng có nên mua máy Mac về chỉ chạy Win hay không vì anh em thích Win nhưng lại mê ngoại hình của Mac, thì như câu trả lời ở trên, không nên. Hiện tại trong thế giới Windows cũng có rất nhiều máy tính đẹp, mỏng, nhẹ, pin lâu không thua kém so với MacBook, ví dụ như Dell XPS 13 hay Asus ZenBook chẳng hạn. Những lựa chọn này rõ là sẽ phù hợp hơn nếu anh em cần làm việc nhiều với Windows.