Lắng nghe lời thì thầm của trái tim đọc hiểu

Mời các em học sinh cùng tham khảo Bộ 3 đề thi THPT QG năm 2021 môn Ngữ Văn – Trường THPT Gò Đen có đáp án dưới đây nhằm giúp các em nắm được cấu trúc đề thi sắp tới. Từ đó, các em sẽ có sự chuẩn bị chu đáo cho kì thi của mình tốt nhất. Mời các em cùng tham khảo nhé!

ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Thật ra, cuộc đời ai cũng có lúc không biết nên làm thế nào mới phải. Khi ấy, ba tôi dạy rằng, ta chỉ cần nhớ nguyên tắc sống cơ bản cực kì ngắn gọn: Trước hết hãy tôn trọng người khác. Rồi sau đó, nghe theo chính mình. Hãy tôn trọng. Bởi cuộc đời là muôn mặt và mỗi người có một cuộc sống riêng biệt. Chẳng có cách sống này là cơ sở để đánh giá cách sống kia. John Mason có viết một cuốn sách tựa đề “Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao”. Tôi không biết nó đã được dịch ra tiếng Việt chưa, nhưng đó là một cuốn sách rất thú vị. Nó khiến tôi nhận ra rằng mỗi con người đều là một nguyên bản, duy nhất, độc đáo và đáng tôn trọng.

Tôi luôn xem nguyên tắc ấy như một đôi giày mà tôi phải mang trước khi ra khỏi nhà. Xỏ đôi giày đó, và đi khắp thế gian, đến bất cứ nơi nào bạn muốn. Con người sinh ra và chết đi đều không theo ý mình. Chúng ta không sinh ra với ngoại hình, tính cách, tài năng hay sự giàu có mà mình muốn chọn lựa. Nhưng chúng ta đều có một cơ hội duy nhất để được là chính mình. Chúng ta có một cơ hội duy nhất để sống như mình muốn, làm điều mình tin, sáng tạo điều mình mơ ước, theo đuổi điều mình khát khao, yêu thương người mình yêu. Bạn biết mà, cơ hội đó chính là cuộc đời này – một chớp mắt so với những vì sao. Bởi thế, đừng để mình cứ mãi xoay theo những tiếng ồn ào khác, hãy lắng nghe lời thì thầm của trái tim.

(Lắng nghe lời thì thầm con tim – Phạm Lữ Ân)

Câu 1: Xác định thao tác lập luận của văn bản trên.

Câu 2: Anh/Chị hiểu như thế nào về câu nói: Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao.

Câu 3: Tại sao tác giả nói: Chúng ta đều có một cơ hội duy nhất để được là chính mình?

Câu 4: Điều anh/chị tâm đắc nhất trong đoạn trích trên là gì?

II. LÀM VĂN

Câu 1

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong phần Đọc hiểu: Đừng để mình cứ mãi xoay theo những tiếng ồn ào khác, hãy lắng nghe lời thì thầm của trái tim.

Câu 2

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau đây:

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

(Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử)

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

(Tây Tiến – Quang Dũng)

—- HẾT —-

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1:

– Thao tác lập luận: bình luận.

Câu 2:

Câu nói: Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao.            

– Bạn sinh ra là một nguyên bản: Khi sinh ra đã mang một ngoại hình, một tích cách và tài năng riêng biệt. Mình là chính mình không trộn lẫn bất kì ai.

– Đừng chết như một bản sao: khi lớn lên do tác động của môi trường sống, môi trường làm việc mà đánh mất mình, sống theo cách sống người khác; do “sung” thần tượng của mình mà “bắt chước” từ ăn mặc, nói năng,… nhưng làm sao có thể giống như “bản chính” được mà sẽ chết như bản sao. Hãy là chính mình.

Câu 3:

– Tác giả nói: Chúng ta đều có một cơ hội duy nhất để được là chính mình là vì:

– Cuộc đời của mỗi con người rất ngắn ngủi, chỉ là chớp mắt của vũ trụ. Vì vậy ta không có cơ hội để sống cuộc đời mình lần thứ hai. Cho nên hãy sống thật với chính mình, sống với những đam mê khát vọng của mình, làm điều mình tin, sáng tạo điều mình mơ ước, theo đuổi điều mình khát khao để khi từ giã cuộc đời này không có điều gì phải hối tiếc.

Câu 4:

– Thí sinh chọn điều mình tâm đắc nhất và nêu rõ vì sao thông điệp đó có ý nghĩa với mình nhất.

– Có thể chọn: Chúng ta được là chính mình. Sống như nguyên bản của mình, làm những điều mình tin, theo đuổi điều mình khát khao.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Giải thích:

– Đừng để mình cứ mãi xoay theo những tiếng ồn ào khác: là không sống thụ động; không để hoàn cảnh chi phối, tác động; không chạy theo “hiệu ứng đám đông”.

– Lắng nghe lời thì thầm của trái tim là phải biết lắng nghe tiếng nói của con tim, lắng nghe xem nó muốn gì, thích gì và hãy làm theo những gì trái tim muốn.

=> Ý nghĩa của câu nói: Hãy sống và làm theo điều con tim muốn. Hãy sống là mình, không bị tác động, chi phối những gì xung quanh.

* Bàn luận vấn đề:

– Tại sao Đừng để mình cứ mãi xoay theo những tiếng ồn ào khác. Bởi vì mình đã là nguyên bản của mình. Phải có chính kiến, bản lĩnh để mình là chính mìnhtức là không bị khách quan tác động, chi phối, không làm theo “đám đông” xung quanh mà phải làm những điều mình thích, nói những điều mình nghĩ.

– Tại sao hãy lắng nghe lời thì thầm của trái tim tức là hãy lắng nghe và làm theo những gì con tim muốn; tin vào chính mình, tin vào trí tuệ, năng lực của mình; tin vào trực giác của mình để biến thành sức mạnh tinh thần. Có vậy mới thực hiện được đam mê, khát vọng của mình.

(Dẫn chứng phù hợp với vấn đề)

– Tuy nhiên lắng nghe sự mách bảo của trái tim không có nghĩa là không biết tiếp thu cái hay của người khác. Không có nghĩa là bảo thủ chỉ tin vào chính mình không lắng nghe ý kiến của tập thể… Phê phán những ai không bản lĩnh, sống a dua, bắt chước.

* Bài học nhận thức và hành động

– Ý kiến trên là bài học cuộc sống cho tất cả chúng ta.

– Hãy học cách sống là chính mình. Tự trang bị kiến thức, kĩ năng sống, không để hoàn cảnh tác động, chi phối.

Câu 2:

1. Giới thiệu khát quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích

– Hàn Mặc Tử (1912-1940) là gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ Mới 1930 – 1945. Tuy cuộc đời nhiều bi thương nhưng ở ông luôn dồi dào sức sáng tạo. Đọc thơ Hàn Mặc Tử ta thấy rõ một tình yêu đến đau đớn hướng về cuộc đời trần thế. Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những bài thơ hay nhất của Hàn Mặc Tử nằm trong tập Thơ điên (1938). Bài thơ vừa là bức tranh thiên nhiên, con người xứ Huế, vừa là tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời, yêu người.

– Quang Dũng (1921 – 1988) là một nghệ sĩ đa tài với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn. Tây Tiến (1948) là thành tựu xuất sắc của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên nền cảnh thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, dữ dội mà cũng mĩ lệ diễm ảo của ngòi bút tài hoa, lãng mạn.

=> Hai đoạn thơ nằm phần giữa tác phẩm, gắn liền với cảnh sông nước đều là những đoạn hay, góp phần bộc lộ sâu sắc tư tưởng, chủ đề tác phẩm.

2. Phân tích

2.1. Đoạn thơ Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử

– Cảnh sông nước Hương giang với gió, mây, hoa bắp, con thuyền neo đậu. Cảnh êm đềm, lung linh như dát vàng, tắm gội ánh trăng.

– Thơ Tứ tại tâm chữ không tại cảnh (Chu Văn Sơn), chính vậy mà sắc thái của cảnh nhuốm nõi buồn li tán: gió, mây đang chia lìa; dòng nước buồn thiu; hoa bắp lay.

=> Linh hồn tạo vật như nhuốm đầy điệu hồn thi nhân.

– Nỗi niềm nhân vật trữ tình được cất lời trong ngữ điệu hỏi: Thuyền ai?/Thuyền ai đậu bến sông trăng? Có chở? Có chở trăng về? …da diết, khắc khoải của một con người trong tâm thế ngóng trông, đợi chờ. Chữ kịp chứa đựng cả tấn bi kịch của thân phận. Câu hỏi tu từ cho thấy tâm thế thi nhân dù sắp lìa xa cõi thế vẫn không thôi da diết khắc khoải khát đời, níu đời mãnh liệt.

2.2. Đoạn thơ Tây Tiến – Quang Dũng

– Cảnh thiên nhiên sông nước miền Tây với chiều sương, hồn lau nơi triền sông, hoa đong đưa mềm mại, thanh thoát. Cảnh hiện lên diễm ảo, mênh mông, hoang sơ, nên thơ và đầy quyến luyến, tình tứ. Nét vẽ mờ nhòe để cảnh được mộng hơn và nỗi nhớ giăng mắc trong cảnh.

– Thơ là tiếng lòng (Diệp Tiếp), tiếng lòng của Quang Dũng rung ngân nhiều cung bậc: từ nhớ cảnh hồn lau đến nhớ dáng người trên độc mộc, một vẻ đẹp vừa rắn rỏi, khỏe khoắn, vừa gợi mềm mại, uyển chuyển… Đó là hình ảnh thơ đẹp in thẳm vào miền nhớ khó phai mờ.

– Hai câu hỏi tu từ có thấy, có nhớ khơi nguồn cho mạch nhơ thương tuôn chảy, âm điệu thơ trở nên bâng khuâng, sâu lắng, giọng thơ trở nên tha thiết, dịu nhẹ.

2.3. Điểm tương đồng và khác biệt

* Sự tương đồng:

– Cả hai đoạn thơ đều thể hiện qua hồi tưởng, niềm gắn bó tha thiết, sâu sắc về cảnh về người

– Sử dụng thể tho bảy chữ hiện đại.

=> Chính cái tôi lãng mạn chắp cánh cho cảnh vật thêm mơ mộng, huyền ảo, lung linh.Cả hai đoạn thơ đều thấy nét bút tài hoa của hai thi sĩ.

* Sự khác biệt

– Trong Đây thôn Vĩ Dạ, hồi ức về sông nước Hương giang một đêm trăng để bày tỏ tinhd yêu sâu nặng của Hàn Mặc Tử với cảnh và người xứ Huế. Đó cũng là tình cảm nhân văn của một cái tôi Thơ Mới lãng mạn yêu đời, yêu người ngay cả khi cái chết cận kề.

– Trong Tây Tiến, nỗi nhớ về sông nước miền Tây chiều sương Châu Mộc để làm nổi bật lên vẻ đẹp ngang tàn, khí phách nhưng cũng hết sức lãng mạn, tình tứ của người lình Tây Tiến. Qua đó làm nổi bật cái tôi Quang Dũng hào hoa để say cảnh, say người xứ lầm vẫn đậm cái chất lí tưởng của một thế hệ thanh niên trong trường chinh vĩ đại của dân tộc.

—(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)—

ĐỀ SỐ 2

PHẦN I: ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

“Thay đổi là chuyện đương nhiên, vì thế hãy ngừng than vãn để nhìn nhận mọi chuyện theo hướng tích cực. Phần lớn chúng ta đều được nuôi dưỡng để lớn lên là những người biết suy tính cẩn thận.Trước khi nói phải nhớ “uốn lưỡi 7 lần”.Làm việc gì cũng phải “nhìn trước ngó sau”, phải “nghĩ cho chín”.Nhưng điều gì cũng có hai mặt. Chính thói quen suy nghĩ quá nhiều, cẩn thận quá mức đã cướp đi sự tự tin, khiến ta nhìn đâu cũng thấy người xấu, ngồi đâu cũng nghe chuyện xấu. Như vậy, khi hoàn cảnh biến chuyển và khó khăn hiện hữu, ta sẽ chỉ thêm sợ hãi và lo lắng bởi chỉ biết suy nghĩ tiêu cực. Bên cạnh đó, đặc điểm chung của những người thành công là không ngủ quên trên chiến thắng. Kể cả khi đã có những chiến tích lớn, họ vẫn không ngừng làm mới mình. Tờ báo lừng danh Washington Post có lẽ đã sớm lụi bại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của truyền thông hiện đại nếu ông chủ Jeff Bezos không nhanh chóng cải tổ lại bộ máy “già nua”. Ông cho xây hẳn một tòa soạn mới theo mô hình tân tiến nhất, lắp đặt các thiết bị hiện đại để hỗ trợ phân tích số liệu, nhu cầu đọc của độc giả… và đẩy mạnh sản xuất các tác phẩm báo chí mới mẻ bắt kịp xu hướng. Hay gần gũi hơn với chúng ta là sự thay đổi không ngừng của Facebook. Mặc dù đã có hơn một tỷ người dùng toàn cầu, Mark Zuckerberg và các cộng sự vẫn liên tục cập nhật các tính năng mới để tối đa thời gian chúng ta “lang thang” trên mạng xã hội này.Cuộc sống không ngừng biến chuyển, và chúng ta cần phải biết thích ứng linh hoạt trong mọi hoàn cảnh. Hãy nhớ rằng, bất cứ ai trên đời cũng phải thay đổi nếu không muốn bị tụt hậu. Trong quá trình đối mặt với những biến động trong cuộc đời, rào cản lớn nhất của mỗi người suy cho cùng đều là chính mình. Nếu phá vỡ được mọi xiềng xích đang kìm hãm tiềm năng bản thân, bạn nhất định sẽ có thể chinh phục chặng đường chông gai phía trước.

(Chàng tí hon, miếng pho mát và bài học về sự thay đổi, VÂN ANH SPIDERUM, theo trí thức trẻ 05/04/2017)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2. Theo tác giả, đặc điểm chung của những người thành công là gì?

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: Trong quá trình đối mặt với những biến động trong cuộc đời, rào cản lớn nhất của mỗi người suy cho cùng đều là chính mình?

Câu 4. Anh, chị có đồng tình với quan niệm: Chính thói quen suy nghĩ quá nhiều, cẩn thận quá mức đã cướp đi sự tự tin, khiến ta nhìn đâu cũng thấy người xấu, ngồi đâu cũng nghe chuyện xấu? Vì sao?

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1:

Từ nội dung văn bản Đọc – hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thau đổi bản thân.

Câu 2:

“Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” (Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Lưu Quang Vũ). Câu nói trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba trong trích đoạn kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Lưu Quang Vũ – SGK Ngữ văn 12 – NXB GD)? Từ đó liên hệ với nhân vật viên quản ngục (Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân, SGK Ngữ văn 11, NXB GD) để thấy được quan điểm của mỗi tác giả khi khắc họa nhân vật không được sống là chính mình.

—- HẾT —-

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

PHẦN I: ĐỌC HIỂU

Câu 1:

– Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2:

– Đặc điểm chung của những người thành công là không ngủ quên trên chiến thắng.

Câu 3:

– “Trong quá trình đối mặt với những biến động trong cuộc đời, rào cản lớn nhất của mỗi người suy cho cùng đều là chính mình”

– Con người luôn có xu hướng tự che giấu và tự bao biện cho những lỗi lầm, sai trái của chính mình. Khi vấp ngã họ thường tìm cách lẩn tránh, thay vì đối mặt, thường thỏa mãn với những gì mình đã có. Bởi vậy, rào cản lớn nhất để vươn đến thành công không phải những chông gai trong cuộc sống mà là chính bản thân họ. Bởi vậy, vượt qua bản thân con người sẽ dễ dàng đi đến đích của sự thành công.

Câu 4:

– Nếu đồng ý, có thể lí giải:

+ Trong cuộc sống cơ hội vụt đến rồi vụt đi rất nhanh, nếu không biết chớp thời cơ, chần chừ sẽ bỏ lỡ cơ hội thành công.

+ Liều lĩnh, dám thử sức là yếu tố cơ bản nhất để ta vượt lên những giới hạn của bản thân và đạt được thành công.

– Nếu phản đối, có thể lí giải:

+ Mọi việc cần phải suy xét kĩ lưỡng trước khi hành động, bởi chỉ cần vội vàng, hấp tấp trong một câu nói, một cử chỉ có thể dẫn đến thất bại hoàn toàn.

+ Xem xét sự vật, sự việc kĩ lưỡng để hiểu về chúng trước khi hành động sẽ đem lại cơ hội thành công lớn hơn.

PHẦN II: LÀM VĂN

Câu 1:

* Giới thiệu vấn đề

* Giải thích vấn đề

– Sự thay đổi: là những biến chuyển về suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc,… trong mỗi cá nhân khác so với giai đoạn trước.

=> Thay đổi là điều quan trọng và cần thiết để ta thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới.

* Bàn luận vấn đề

– Ý nghĩa của sự thay đổi

+ Thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh sống mới.

+ Thay đổi để không ngừng làm mới bản thân, phát hiện ra những tiềm năng vốn có bị ẩn kín do bản tính rụt rè, sợ hãi.

+ Thay đổi, táo bạo, dám thử sức là cợ hội để vươn đến thành công.

– Dẫn chứng

– Thay đổi nhưng không có nghĩa là đi ngược lại, bỏ đi những truyền thống tốt đẹp của cha ông. Thay đổi nhưng đồng thời cũng cần bảo lưu những nét tốt đẹp trong nhân cách, thay đổi để hướng bản thân đến sự hoàn thiện hơn

* Liên hệ bản thân: Em đã có sự thay đổi như thế nào?

Câu 2:

1. Giới thiệu tác giả Lưu Quang Vũ và tác phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”

– Lưu Quang Vũ được đánh giá là một trong những nhà viết kịch tài năng nhất của văn nghệ Việt Nam hiện đại. Ông có công lớn góp phần vực dậy cả một nền sân khấu lúc đó đang có nguy cơ tụt hậu. Kịch của Lưu Quang Vũ hấp dẫn chủ yếu bằng xung đột trong cách sống và quan niệm sống, qua đó khẳng định khát vọng hoàn thiện nhân cách con người.

– Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch từng gây tiếng vang rất đặc biệt trên sân khấu nước nhà những năm đầu của công cuộc đổi mới.

– Lưu Quang Vũ viết vở kịch này từ năm 1981, đến năm 1984 vở kịch mới được công diễn và công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và ngoài nước.

2. Phân tích

2.1. Giải thích

– Câu nói: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”

– Câu nói xuất hiện trong cuộc đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích.

– Câu nói cho thấy bi kịch không được sống là chính mình của nhân vật Trương Ba. Bi kịch của nhân vật chính là bi kịch không được sống là chính mình.

2.2. Phân tích bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba

a. Khái niệm “bi kịch”

– Bi kịch là trạng thái tinh thần tiêu cực, nảy sinh khi có mâu thuẫn giữa ước mơ, khát vọng với hiện thực dẫn đến tâm trạng buồn chán, đau khổ, bất lực.

b. Giới thiệu nhân vật Trương Ba:

– Hiền đức, có tâm hồn cao khiết, sống mẫu mực: yêu vợ, thương con, quý cháu, tốt bụng với láng giềng,…

– Là người làm vườn chăm chỉ, khéo léo, có tình yêu cây cỏ, nâng niu từng cảnh cây ngọn cỏ.

– Chơi cờ rất giỏi, nước cờ khoáng hoạt, thâm sâu, dũng mãnh ⟶ khí chất, nhân cách con người.

* Tình huống bi kịch của nhân vật:

– Do sự tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu: gạch sổ nhầm ⟶ chết oan.

– Được sống lại: hồn Trương Ba, da hàng thịt ⟶ khập khiễng, trớ trêu, nghịch cảnh éo le

=> Đối mặt với những đau khổ, dằn vặt.

c. Bi kịch của nhân vật:

* Bi kịch bị tha hóa:

– Trong độc thoại ở đầu tác phẩm:

+ Nhiễm thói xấu: ham uống rượu, thích bán thịt, không mặn mà với chơi cờ, những nước cờ của ông giờ thật “ti tiện” – tính cách con người ảnh hưởng.

+ Bị bọn trương tuần hạnh họe.

+ Con trai không còn tôn trọng bố, muốn bán vườn để có vốn mở cửa hàng thịt, vì: ông Trương Ba bây giờ ăn 8,9 bát cơm chứ không phải 2,3 bát như xưa.

=> Chán chỗ ở không phải của mình, sợ thân thể kềnh càng, thô lỗ của mình, muốn thoát khỏi nó dù chỉ một ít phút.  “Ôm đầu một hồi lâu rồi đứng vụt dậy” ⟶ bế tắc, mất phương hướng, đau khổ tột cùng; căng thẳng, u uất, bức bách. “Đứng vụt dậy” – không chịu đựng đc nữa, phải hành động để tự giải thoát mình. “Không, không, tôi không muốn sống như thế này mãi!” ⟶ khát vọng dồn tụ.

– Trong đối thoại với xác hàng thịt: Hồn có phụ thuộc vào xác ko?

+ Khi hồn muốn thoát khỏi xác:

  • Xác tuyên chiến trước bằng giọng nhạo báng, mỉa mai “ông không thoát ra khỏi tôi đc đâu, 2 ta đã hòa vào làm một rồi,…”.
  • Hồn: Không tin “ta vẫn giữ được một đời sống riêng nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…”, xác chỉ là xác thịt âm u, đui mù, lời nói của bản năng, của con thú, không chi phối được hồn.
  • Xác: Phủ nhận: cảm xúc khi ông đứng cạnh vợ tôi, trước các món ăn, tát thằng con ông tóe máu mồm, máu mũi,… ⟶ thô bạo.
  • Hồn: Đổ tội cho xác “tại mày”
  • Xác: nhân nhượng, nhún nhường, ra vẻ buồn rầu, rủ Trương Ba tham sự trò chơi tâm hồn – đổ hết tội lỗi cho tôi để giữ sĩ diện của kẻ nhiều chữ với điều kiện phải chiều chuộng những đòi hỏi của xác.
  • Hồn: lời nói không đồng ý, vẻ mặt bần thần chấp nhận, vì không thể làm khác ⟶ đuối lí, cuối cùng ko nói nên lời, chỉ bật ra những lời đứt quãng.

—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)—

ĐỀ SỐ 3

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

“Một đại gia đình gồm hai con trai, hai con dâu, một gái, một rể và những đứa con của họ vẫn sống chung dưới một mái nhà, ăn chung một bếp ăn. Thiên hạ thì chia ra, bà cụ lại gom vào. Vẫn rất êm thấm mới lạ chứ. Nếp nhà đã thắng được tự do của cá nhân sao? Phải nói thêm, cái nếp nhà này cũng ít ai theo kịp. Người con dâu cả vốn là con gái Hàng Bồ, đỗ đại học, là một cô gái kiêu hãnh, tự tin, không dễ nhân nhượng. Ai cũng nghĩ hai người đàn bà, một già một trẻ, cùng sắc sảo sẽ rất khó chấp nhận nhau. Vậy mà họ ăn ở với nhau đã mười lăm năm chả có điều tiếng gì. Người chị của cô con dâu đến nói với bà cô tôi: “Bác chịu được tính nó thì con cũng phục thật đấy”. Bà cải chính: “Đúng là tôi có phần phải chịu nó nhưng nó cũng có phần phải chịu tôi, mỗi bên chịu một nửa”…

[…] Năm ngoái khu phố có yêu cầu bà cụ báo cáo về nếp sống gia đình cho hàng phố học tập. Bà từ chối, khi tôi lại thăm, bà nói riêng: “Cái chuyện ấy ai cũng biết cả, chỉ khó học thôi”. Tôi cười: “Lại khó đến thế sao”? Bà cụ nói: “Trong nhà này, ba đời nay, không một ai biết tới câu mày, câu tao. Anh có học được không”? À, thế thì khó thật. Theo bà cụ, thời bây giờ có được vài trăm cây vàng không phải là khó, cũng không phải là lâu, nhưng có được một gia đình hạnh phúc phải mất vài đời người, phải được giáo dục vài đời. Hạnh phúc không bao giờ là món quà tặng bất ngờ, không thể đi tìm, mà cũng không nên cầu xin. Nó là cách sống, một quan niệm sống, là nếp nhà, ở trong tay mình, nhưng nhận được ra nó, có ý thức vun trồng nó, lại hoàn toàn không dễ.”

(Trích Nếp nhà – Nguyễn Khải, dẫn theo Tuyển tập Nguyễn Khải, tập III, NXB Văn học, 1996)

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?

Câu 2 (1,0 điểm): Nội dung chính của đoạn trích trên?

Câu 3 (1,0 điểm): Cuộc sống của gia đình “bà cô tôi” có gì đặc biệt? Anh (chị) nhận xét như thế nào về “nếp nhà” ấy?

Câu 4 (0,5 điểm): Anh (chị) có đồng tình với quan điểm hạnh phúc của nhân vật “bà cô tôi” ở đoạn trích trên không? Vì sao?

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của anh (chị) về hạnh phúc.

Câu 2: (5,0 điểm)

Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

—- HẾT —-

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản là tự sự.

Câu 2. 

Nội dung chính của đoạn trích trên:

– Cuộc sống – nếp nhà của gia đình “bà cô tôi”. Đó là cuộc sống của một gia đình nhiều thế hệ, tôn trọng và yêu thương lẫn nhau .Đồng thời cũng là nề nếp gia đình, là văn hóa ứng xử để tạo nền tảng một gia đình hạnh phúc .

Câu 3

Nội dung chính của đoạn trích trên:

– Cuộc sống – nếp nhà của gia đình “bà cô tôi”. Đó là cuộc sống của một gia đình nhiều thế hệ, tôn trọng và yêu thương lẫn nhau 

– Đồng thời cũng là nề nếp gia đình, là văn hóa ứng xử để tạo nền tảng một gia đình hạnh phúc 

Câu 4

Trình bày được suy nghĩ riêng của mình theo hướng làm rõ và khẳng định hoặc phủ định ý kiến “Hạnh phúc không bao giờ là món quà tặng bất ngờ, không thể đi tìm, mà cũng không nên cầu xin. Nó là cách sống, một quan niệm sống, là nếp nhà, ở trong tay mình, nhưng nhận được ra nó, có ý thức vun trồng nó, lại hoàn toàn không dễ.”

– Nếu lập luận theo hướng khẳng định ý kiến trên là đúng, học sinh cần nhấn mạnh: Hạnh phúc cần được vun trồng từ bàn tay của những người biết trân quý, nâng niu hạnh phúc. Hạnh phúc cá nhân không thể tách rời nếp nhà. Và để hạnh phúc của mỗi gia đình được trọn vẹn, mỗi người phải biết “chịu” nhau một chút. Hạnh phúc được ươm mầm, chắc chiu mỗi ngày, mỗi người; hạnh phúc không dễ tìm cũng không thể cầu xin.

– Nếu lập luận theo hướng phủ định ý kiến trên là đúng, học sinh cần nhấn mạnh: Cuộc sống muôn hình vạn trạng nên sắc màu của hạnh phúc cũng thật phong phú, đa dạng.

– Nếu lập luận cả theo hướng vừa khẳng định vừa phủ định ý kiến thì cần kết hợp cả hai nội dung.

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1

a. Mở đoạn: nêu vấn đề cần nghị luận: quan điểm về hạnh phúc

b. Thân đoạn:

– Giải thích khái niệm hạnh phúc:

Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lí trí.

– Trình bày quan điểm hạnh phúc của bản thân: thế nào là hạnh phúc, làm thế nào để tạo hạnh phúc và giữ gìn hạnh phúc?

+ Tạo ra hạnh phúc bằng cách trân trọng những gì bản thân đang có. Sống tích cực, có ý nghĩa; mang lại niềm vui hạnh phúc cho bản thân, gia đình và những người xung quanh.

+ Giữ hạnh phúc giống như trồng một cái cây cần được vun trồng, chăm sóc mỗi ngày. Cây hạnh phúc đó cũng chính là cây đời của mỗi người. Khi ta hạnh phúc, đời ta sẽ tỏa hương hoa.

– Bàn bạc mở rộng.

– Nêu bài học nhận thức và hành động.

c. Kết đoạn: Khẳng định giá trị và ý nghĩa của hạnh phúc đối với mỗi người, mỗi nhà.

Câu 2

I. Mở bài

– Giới thiệu tác giả Nguyễn Minh Châu

– Giới thiệu tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”

– Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận

II. Thân bài

1. Giải thích khái niệm:

– Nói đến giá trị nhân đạo là muốn nói đến:

+ Thái độ cảm thông của nhà văn đối với số phận con người, nhất là những con người nghèo khổ, bất hạnh.

+ Đó còn là thái độ ca ngợi, khẳng định của nhà văn về những phẩm chất tốt đẹp của người lao động;

+ Qua đó, nhà văn thể hiện những khao khát về một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc cho con người.

2. Những biểu hiện:

a. Giá trị nhân đạo trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” trước nhất thể hiện ở thái độ cảm thông của nhà văn Nguyễn Minh Châu đối với cuộc sống của những con người nghèo khổ nơi vùng biển.

– Nhà văn xót xa trước cảnh nghèo khổ, đông con của những gia đình hàng chài:

+ “Nhà nào cũng trên dưới chục đứa” phải sống chen chúc nhau trong những chiếc thuyền lưới vó chật hẹp.

+ Vào những vụ bắc, biển động hàng tháng, thuyền không ra biển được “cả nhà vợ chồng con cái phải ăn toàn cây xương rồng luộc chấm muối”.

– Nguyễn Minh Châu hết sức cảm thông trước tình cảnh người đàn bà hàng chài thường xuyên bị chồng đánh đập.

+ Nếu không cảm thông và xót xa cho cuộc đời bất hạnh của chị, tác giả không chú ý kĩ từng nét ngoại hình lam lũ đáng thương ở người đàn bà hàng chài

+ “Khuôn mặt mệt mỏi”, “tấm lưng áo bạc thếch và rách rưới”, “cặp mắt nhìn xuống chân”, “tay buông thõng xuống”, ra vẻ người nhẫn nhục, cam chịu.

– Hơn thế nữa, nhà văn còn muốn bênh vực cho chị, không muốn chọ bị chồng đánh đập tàn nhẫn.

+ Vì vậy, trong tác phẩm, ít nhất hai lần tác giả đã để cho Phùng xông ra bênh vực cho chị đến nỗi anh phải bị thương.

+ Chúng ta có thể hiểu, nghệ sĩ Phùng cũng chính là hóa thân của nhà văn trong tác phẩm, là nhân vật mà nhà văn Nguyễn Minh Châu gửi gắm nhiều suy nghĩ và hành động của mình.

– Nhà văn cũng cảm thông với tình cảnh của người chồng vũ phu:

+ Cũng chính vì cuộc sống quá nghèo khổ lại phải lao động vất vả để nuôi cả một gia đình đông con nên “anh con trai cục tính những hiền lành”, không bao giờ biết đánh vợ xưa kia, giờ đã trở thành một người chồng vũ phu thường xuyên đánh vợ tàn nhẫn “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”.

+ Có thể nói người đàn ông hàng chài thô bạo ấy là nạn nhân của cuộc sống đói nghèo, lam lũ. Lão lầm lì đánh vợ như một thói quen để giải tỏa tâm lí và nỗi khổ triền miên của đời mình.

– Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã phê phán mạnh mẽ hành động vũ phu của người chồng.

+ Ông muốn giúp người đọc thấy rõ tình trạng bạo lực trong gia đình như một mảng tối còn tồn tại trong xã hội ta những năm tám mươi của thế kỉ hai mươi.

+ Thông qua hình ảnh người chồng thường xuyên đánh vợ tàn nhẫn, tác giả đã báo động với mọi người về một hiện tượng nhức nhối của xã hội.

+ Đâu đó trong cuộc sống chung quanh ta vẫn còn sự lộng hành của cái xấu, cái ác.

+ Gióng lên một hồi chuông báo động về cái ác, Nguyễn Minh Châu muốn đấu tranh cho cái thiện được tồn tại. Đó chính là một trong những biểu hiện về giá trị nhân đạo của tác phẩm.

b. Nguyễn Minh Châu là nhà văn luôn đứng về cái đẹp, cái thiện. Đi tìm, phát hiện, ca ngợi, khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của con người, đó là biểu hiện sâu sắc của giá trị nhân đạo trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”.

– Trước năm 1975, trong bối cảnh lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, Nguyễn Minh Châu xây dựng những vẻ đẹp lí tưởng, yêu nước, anh hùng của con người Việt Nam thời chống Mĩ.

+ Họ là Lãm, là Nguyệt trong tác phẩm “Mảnh trăng cuối rừng” của Nguyễn Minh Châu.

+ Đó là những con người thật cao đẹp, họ biết hi sinh hạnh phúc cá nhân cho tình yêu Tổ quốc, biết gác lại những tình cảm của cá nhân mình cho cuộc kháng chiến của toàn dân tộc.

– Sau năm 1975, cuộc sống hiện ra nhiều chiều, nhiều mặt đối lập, Nguyễn Minh Châu đã đi sâu vào hiện thực để nhìn nhận cuộc sống và con người một cách đa dạng, nhiều chiều.

+ Có như vậy, ông mới phát hiện ra được những vẻ đẹp còn khuất lấp trong cái lấm láp bụi bặm của đời thường.

+ Hình ảnh người đàn bà xấu xí nhẫn nhục vẫn lóe lên vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng, một vẻ đẹp đầy nữ tính, vị tha của người phụ nữ ở một miền biển còn đói nghèo, lạc hậu.

– Qua nhân vật người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện một cái nhìn rất nhân đạo về con người.

+ Ông đã phát hiện và khẳng định nhiều phẩm chất cao đẹp ở người phụ nữ có cái vẻ bên ngoài xấu xí và cam chịu, nhẫn nhục này.

+ Bằng một cái nhìn đa dạng, nhiều chiều và sâu sắc, Nguyễn Minh Châu đã giúp ta cảm nhận được một tấm lòng vị tha và giàu đức hi sinh của chị.

– Tác giả còn giúp ta nhận ra lí do chị không thể bỏ chồng thật có lí, điều đó chứng tỏ chị không phải là mọt con người phụ nữ nông nổi, thiếu nghĩ suy, nhu nhược, hèn nhát, mà là người phụ nữ thật sâu sắc và từng trải, biết suy nghĩ, cân nhắc cho từng hành động của mình.

+ Chị cho biết: “đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có một người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sấp con mà nhà nào cũng trên dưới chục đứa”.

+ Nguyễn Minh Châu còn giúp ta cảm nhận được những khát vọng hạnh phúc trong lòng người đàn bà hàng chài nghèo khổ này.

Phải yêu thương con người lắm nhà văn mới chú ý đến từng chuyển biến nhỏ trên gương mặt của chị khi nói về hạnh phúc. Nhà văn cho ta biết, khi nói về hạnh phúc, “lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí” của chị “chợt ửng sáng lên như một nụ cười”.

– Có thể nói người đàn bà hàng chài là biểu tượng cho tình mẫu tử, biểu tượng cho khát vọng hạnh phúc gia đình.

+ Thông qua suy nghĩ của chị về gia đình và hạnh phúc, tác giả đã giúp ta hiểu ra được một gia đình hạnh phúc là gia đình trọn vẹn các thành viên, cho dù trong gia đình ấy còn nhiều cảnh ngang trái, khổ đau, nhưng chị vẫn nâng niu trân trọng từng chút hạnh phúc nhỏ nhoi mà mình có được.

+ Đó là thái độ cảm thông, cái nhìn hết sức nhân đạo của nhà văn Nguyễn Minh Châu đối với con người.

c. Giá trị nhân đạo của truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” còn thể hiện ngay trong quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu: “Nghệ thuật chân chính phải gắn với cuộc và vì cuộc đời, vì con người”

– Cách kết thúc tác phẩm đã gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ. Là tấm ảnh đen trắng nhưng mỗi lần nhìn vào Phùng đều thấy “hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai” và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy “người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh”.

+ Vậy thì, đây đâu chỉ là ảnh nghệ thuật mà chính là hiện thực cuộc đời. Nếu chỉ đơn thuần là ảnh nghệ thuật trắng đen thì sao lại có được “cái màu hồng hồng của ánh sương mai” do ánh mặt trời của ánh bình minh buổi sáng phản chiếu?

+ Và nếu chỉ là ảnh thì người đàn bà hàng chài ấy làm sao “bước ra khỏi tấm ảnh” để “bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm lên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông”.

—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)—

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Gò Đen. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Ôn Thi HSG.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !