Lời khấn khiết tịnh là gì

LỜI KHẤN KHIẾT TỊNH

[Nguyện gẫm chuẩn bị nhắc lại Lời khấn dòng]

Cầu nguyện mở đầu :

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, con xin cảm tạ Cha về ngày mới Cha ban cho chúng con. Và lúc này, Cha lại cho chúng con được hiện diện trước nhan Cha và trước Thánh Thể Chúa.

Chúng con quỳ thờ lạy Chúa Giêsu đang ngự trong bí tích Thánh Thể. Chúng con xin tôn thờ sự hiện diện thánh thiêng của Chúa, trước mặt chúng con, và trong tâm hồn từng người chúng con.

Xin Chúa ban Thánh Thần Chúa xuống soi dẫn lòng trí chúng con, thức tỉnh con tim, thúc đẩy lòng muốn, và biến đổi chúng con trong quyền năng và lửa mến của Chúa.

Trong những ngày này, dịp nhắc lại các Lời Khấn, chúng con ôn lại những điều đã thề hứa với Chúa, để sám hối và cảm tạ, và để định hướng cho những bước đi tiếp với tất cả lòng phó thác cậy trông, nhờ đó, chúng con có thể sống trung tín hơn với Chúa, trong những lựa chọn và cam kết của mình trong đời sống thánh hiến.

Con xin Mẹ Maria đến giúp con trong giờ nguyện ngắm này

1/ Đời sống độc thân khiết tịnh trong đời sống Dân Chúa

Tìm hiểu đời sống các Tổ Phụ thời Cựu Uớc, chúng ta thấy dường như vào thời Cựu Ước, đời sống độc thân không được coi trọng, khi Kinh Thánh quan niệm rằng, việc sinh con đàn cháu đống là ân huệ Chúa ban, là dấu chỉ được Chúa chúc phúc, là phần thưởng cho những người sống công chính, như trường hợp của thánh Gióp [Giop 15, 3-4]

TV 128 ca ngợi các gia đình có đông con nhiều cháu:

Hiền thê bạn trong nhà trong cửa,

Khác nào cây nho đầy hoa trái.

Và bầy con tựa ôliu mơn mởn, Xúm xít tại bàn ăn.

Đó chính là phúc lành Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.

TV 126,3:

Người làm cho đàn bà son sẻ,

Thành mẹ đông con vui cửa vui nhà

Này con cái là hồng ân của Chúa

Con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban

[Bầy con sinh hạ thời son trẻ,

Tựa nắm tên người dũng sĩ cầm tay]

Vì thế, tình trạng không sinh con được coi như dấu chỉ không được Chúa chúc phúc, và là một nỗi nhục. Như trường hợp bà Sara, trường hợp bà Anna mẹ của Samuel, và cả trường hợp bà Elidabét, mẹ thánh Gioan Tẩy Giả. Khi được Chúa ban cho có thai, các bà đã sung sướng thốt lên: Chúa đã cất nỗi nhục nhằn cho tôi.

Ngôn sứ Giêrêmia được Chúa truyền không được lấy vợ, đời sống không có con trai con gái của ông là một dấu chỉ ngôn sứ, loan báo hình phạt của Chúa cho Dân Israel vì tội bất trung của họ [Gr 16,1-4].

Nhưng đến thời Tân Ước, quan niệm này đã dần dần thay đổi. Trước hết, chúng ta thấy Gioan Tẩy Giả không lập gia đình, và nhất là Đức Giêsu và Mẹ Maria là những đấng giữ mình đồng trinh khiết tịnh.

Theo gương các ngài, vào những thế kỷ đầu, các vị ẩn tu và các trinh nữ cũng đã khấn giữ mình đồng trinh, hiến dâng đời sống cho Thiên Chúa để phụng sự một mình Người.

Vào thời Tân Ước sau này, khi Giáo hội thiết lập đời sống thánh hiến tu trì, đời sống độc thân khiết tịnh mang giá trị như một hành vi thờ phượng. Các Tu sĩ khấn giữ 3 lời khấn, để đời sống của họ trở nên một hiến lễ tôn thờ Thiên Chúa. Qua lời khấn khiết tịnh, họ tự nguyện sống độc thân, dâng cho Chúa một tình yêu trọn vẹn, không chia sẻ, để hoàn toàn thuộc về Người. Họ đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu, đi theo Người để trở thành môn đệ, cộng tác vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Do đó, đời sống độc thân của họ được gọi là độc thân vì Nước Trời, như chính Chúa Giêsu đã nhìn nhận như thế trong Phúc âm, phân biệt với những hình thức độc thân khác: hoặc do tật bẩm sinh, hoặc vì bị bắt buộc phải ở vậy. [Mt 19, 12]

2/ Bản chất lời khấn khiết tịnh của tu sĩ

Tất cả chúng ta, qua học hỏi về lời khấn ngay từ thời gian tập tu, đã hiểu rõ về bản chất lời khấn khiết tịnh vì Nước Trời mà chúng ta và các tu sĩ trong Giáo hội Công giáo khấn hứa. Ở đây chúng ta chỉ nhắc lại những yếu tố căn bản:

Giáo Luật số 599 giải thích về lời khấn khiết tịnh như sau: Lời khuyên Phúc âm khiết tịnh chấp nhận vì Nước Trời, xét như là dấu chỉ của tương lai, và nguồn mạch phong nhiêu trong một con tim không chia sẻ, bao hàm nghĩa vụ tiết chế hoàn toàn trong sự độc thân.

Hiến luật 6.3 diễn tả rõ nét hơn: Khấn khiết tịnh, chị em tự nguyện sống độc thân vì Nước Trời, trong sự tiết chế hoàn toàn, để dâng cho Thiên Chúa một tình yêu trọn vẹn không chia sẻ, và yêu thương mọi người bằng một tình yêu vị tha và cứu độ

Theo đó, bản chất lời khấn khiết tịnh của Tu sĩ gồm các đặc tính: Cam kết sống độc thân; tiết chế hoàn toàn; Dâng cho Thiên Chúa một tình yêu trọn vẹn; Và yêu thương mọi người bằng tình yêu vị tha, và để cộng tác vào chương trình cứu độ của Đức Giêsu.

Sống độc thân và tiết chế hoàn toàn

Về mặt tiêu cực, khấn khiết tịnh, người tu sĩ từ khước hôn nhân, và cam kết khước từ mọi khoái lạc nhục thể hay tình yêu phái tính có tính ích kỷ chiếm đoạt. Điều này đưa đến tình trạng sống độc thân, và tiết chế mọi hành vi dục tính đi ngược với lời khấn.

Khác với hai lời khấn kia, là nghèo khó và vâng phục, lời khấn và nhân đức khiết tịnh có cùng phạm vi. Lỗi nhân đức khiết tịnh thì cũng lỗi đến lời khấn.

Đằng khác, những tội phạm đến đức khiết tịnh không chỉ bằng hành vi, qua thân xác, qua các giác quan, nhưng còn có thể trong tâm trí, trong trí tưởng tượng. Ước muốn những hành vi dục tính trong trí khôn cũng làm ô nhơ đức khiết tịnh và lời khấn của chúng ta.

Về mặt pháp lý, lời khấn tạm làm cho kết ước hôn nhân trở nên bất hợp pháp, và lời khấn trọn đời còn có tác dụng vô hiệu hoá hôn nhân.

Dâng cho Thiên Chúa một tình yêu trọn vẹn.

Tuy nhiên, lời khấn khiết tịnh không chỉ có thế. Về mặt tích cực, cũng như hai lời khấn kia, lời khấn khiết tịnh nhằm giải thoát con tim chúng ta khỏi những gắn bó với những sự vật và con người khiến chúng ta xa rời Thiên Chúa. Khấn khiết tịnh, chúng ta cam kết chọn Chúa là Chúa duy nhất của mình để yêu mến và phụng sự. Thực hiện điều này, người tu sĩ muốn khẳng định vị thế tuyệt đối của Thiên Chúa trong cuộc sống và trong những lựa chọn căn bản của mình. Đó là một giao ước.

Như giao ước Sinai của dân Israel xưa: dân cam kết chọn Chúa là Chúa duy nhất của mình, và loại bỏ các thần tượng khác. Chính vì là Giao ước, cam kết thờ phượng và thuộc về một mình Thiên Chúa, mà Ezechiel và các ngôn sứ gọi tội tôn thờ ngẫu tượng, bất trung với Giavê Thiên Chúa của Israel, là tội ngoại tình

Mở lòng với mọi người bằng tình yêu vị tha và cứu độ:

Hiến luật dòng số 6.2 cho thấy chiều kích tích cực thứ hai của việc sống đức khiết tịnh, là mở ra đối với tha nhân:

Sống đời độc thân thánh hiến, chị em được liên kết với mầu nhiệm Thương khó và phục sinh của Chúa Kitô. Với một tình yêu rộng mở và đời sống phục vụ trong vui tươi hạnh phúc, chị em chứng tỏ cho mọi người thấy rằng đời độc thân khiết tịnh vì Nước Trời giúp chị em sống quân bình, phát triển nhân cách, và có khả năng yêu thương hết mọi người bằng tình yêu rộng mở của Chúa Giêsu

Lời khấn khiết tịnh không làm cho trái tim chúng ta trở nên khô cằn, vô cảm, nhưng giúp mở rộng khả năng yêu mến đối với tha nhân, cách riêng đối với những người chúng ta được sai đến để dấn thân phục vụ.

Cách cụ thể hơn, đức khiết tịnh được thực hiện phong phú và trở nên sung mãn trong tình huynh đệ giữa các chị em trong cộng đoàn, giúp chúng ta có thể sống an vui triển nở và siêu thoát trong cuộc đời hiến dâng của mình, như HL 8.1 đã nói đến.

Cả đời không phạm tội nghịch đức khiết tịnh, không lỗi lời khấn, không có đối tượng nào bên ngoài, nhưng trái tim chúng ta ích kỷ, chỉ quy vào bản thân, thiếu sự thông cảm, chia sẻ, yêu thương phục vụ, thì vẫn chưa thể coi là đã giữ trọn đức khiết tịnh.

3/ Đời sống độc thân là quà tặng của Thiên Chúa

Đời sống độc thân khiết tịnh theo Tân Ước, được Chúa Giêsu chính thức nói đến trong Phúc âm, khi các môn đệ đề cập đến những khó khăn trong việc trung thành sống luật hôn nhân. Tin mừng Mat-thêu ghi lại : Các môn đệ thưa Người rằng, nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ [Mt 9, 3-12]. Để trả lời họ, Chúa nói với họ: Có những người không kết hôn, vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn, vì là những hoạn nhân; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu [Mt 19,12].

Và Người nói cho mọi người hiểu bởi đâu mà người ta có thể sống đời độc thân vì Nước Trời: Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu [Mt 19,11]. Có nghĩa Người gọi đó là một ơn ban, một quà tặng, không phải cho tất cả, mà chỉ cho những ai được Người ban tặng.

Đôi khi chúng ta có thể nghĩ rằng đời sống độc thân khiết tịnh của mình là một sự hy sinh, từ bỏ bản thân, một hiến lễ chúng ta dâng tặng cho Thiên Chúa. Nhưng thực ra, phải nhận ra đó chính là một ân huệ của Thiên Chúa ban riêng cho chúng ta. Đây thực là quà tặng nhưng không, chỉ dành cho những ai Chúa muốn.

Trước quà tặng quý giá này, chúng ta chỉ biết sống tâm tình biết ơn sâu xa đối với Thiên Chúa. Chúng ta ý thức rằng không bao giờ chúng ta có thể tạ ơn Chúa cho đủ, vì hồng ân được chọn gọi để sống đời độc thân thánh hiến tu trì hôm nay.

4/ Những thách đố của người tu sĩ hôm nay muốn sống độc thân khiết tịnh

Độc thân khiết tịnh là ơn ban của Thiên Chúa, nhưng để nhận lãnh ơn ban, chúng ta, những người tu sĩ phải đánh đổi khá nhiều, phải trải qua rất nhiều thách thức và gian nan.

Việc tiết chế hoàn toàn và sống độc thân là một vấn đề đụng chạm đến bản năng của con người, đi ngược lại với bản tính tự nhiên, do đó là một thách đố. Với sức tự nhiên con người, chúng ta khó giữ được lòng trung thành với Chúa. Trong khi tu sĩ chúng ta cũng chỉ là những con người yếu đuối mỏng dòn, mang trong mình những nhu cầu và bản năng tự nhiên như bao người khác.

Hơn bao giờ hết, xã hội và thời đại chúng ta sống hôm nay thuộc thứ văn hóa chiều theo nhục cảm. Đó là một xu hướng sống hưởng thụ, tự do quá trớn, buông thả về tính dục, mất dần những giá trị luân lý đạo đức. Lối sống này được các phương tiện truyền thông và thế gian, tấn công vào tận thâm cung tâm hồn của các tu sĩ đã cam kết thuộc trọn về Chúa.

Thêm vào đó, việc tông đồ và những hoạt động của tu sĩ chúng ta ngày nay mang tính nhập thế, tích cực dấn thân vào xã hội, do đó có nhiều cơ hội gặp gỡ, tự do trong giao tiếp. Rồi những phương tiện truyền thông xã hội, những công nghệ thời đại mới cống hiến cho chúng ta rất nhiều lợi ích để thi hành sứ vụ, nhưng cũng lại là mối nguy hiểm cho đời sống và cả tâm hồn người tu sĩ.

5/ Những phương thế sống đời độc thân và tiết chế

Quả thât giữ gìn ơn gọi và trung thành với đời sống độc thân là việc phải phấn đấu cả đời.

Công Đồng Vaticanô II căn dặn rằng, để có thể trung thành với lời khuyên Phúc Âm khiết tịnh và đời sống độc thân thánh hiến, đòi hỏi người tu sĩ một sự trưởng thành cần thiết về tâm lý và tình cảm [DT 12].

Về mặt tiêu cực, GL 666 và Sắc lệnh Dòng tu cảnh giác: Phải rất dè dặt đối với tất cả những gì có thể gây nguy hại cho đức khiết tịnh của người đã được thánh hiến.

Hiến luật Dòng dựa vào những giáo huấn của Giáo hội, đã đưa ra những phương thế sống đời độc thân cách vui tươi phong phú, đó là luôn cậy dựa vào ơn Chúa, siêng năng cầu nguyện và lãnh các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, suy niệm và chiêm ngắm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô; tôn sùng đức Trinh nữ Maria, và thực thi các việc hy sinh khổ chế HL 7.1

Trong số những phương thế tự nhiên và siêu nhiên được nhắc đến trên, ở đây chúng ta nói riêng đến hai phương thế siêu nhiên thiết yếu, là gắn bó với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, và yêu mến Mẹ Maria .

Sống gắn bó với Chúa, cách riêng với bí tích Thánh Thể

Các bậc thầy dậy tu đức cho chúng ta một kinh nghiệm: trung thành với đời độc thân khiết tịnh không phải là kết quả người tu sĩ hoàn thành được bằng sức riêng mình. Những nhân đức khác chúng ta có thể đạt tới bằng nỗ lực bản thân, nhưng riêng đức khiết tịnh thì không như thế. Những kẻ thù của đức khiết tịnh đến cả từ hai phía: từ trong chính bản thân chúng ta, và cả từ bên ngoài. Không có ơn đặc biệt của Chúa gìn giữ bảo vệ, không ai có thể đứng vững trước những tấn công của thế gian, ma quỉ, xác thịt. Điều này đúng cách riêng đối với lời khấn khiết tịnh.

Nếu đời sống độc thân khiết tịnh là ơn ban, là quà tặng của Thiên Chúa, thì để có thể trung thành với đời sống ấy, chắc chắn chúng ta không thể không gắn bó với Đấng ban quà tặng, cách riêng với Đức Giêsu trong bí tích Thánh Thể

Không gắn bó với Đức Kitô, không hứng thú và kiên trì trong việc cầu nguyện, chúng ta dễ đi tìm những gì hấp dẫn lôi kéo bên ngoài mình. Một khi Đức Kitô ngày càng chiếm ngự ít chỗ trong trái tim chúng ta, thì một điều gì khác, hẳn phải lấp vào khoảng trống.

Lịch sử đời tu cho thấy nhiều bằng chứng rằng, một linh mục hay tu sĩ bắt đầu xa rời đời sống tận hiến, là khi họ đánh mất lòng yêu mến Bí tích Thánh Thể. Vì sống độc thân không chỉ là khước từ đối tượng từ bên ngoài, nhưng còn là tập trung vào đối tượng ở bên trong, là Thiên Chúa luôn hiện diện trong chúng ta.

Sùng kính và yêu mến Mẹ Maria đồng trinh

Lòng yêu mến đối với Đức Mẹ đồng trinh cũng là một trong những phương thế rất mạnh sức, giúp bảo vệ chúng ta trong đời độc thân khiết tịnh. Mẹ đã sống một đời khiết tịnh trinh trong. Giáo hội và chúng ta ca ngợi Mẹ là vườn khép kín, là mạch suối niêm phong. Mẹ là hoa thủy tiên, thắm xinh muôn mầu muôn hương, vì trọn cuộc đời Mẹ chỉ dành cho Thiên Chúa, quy hướng về một mình Thiên Chúa.

Đời sống độc thân của chúng ta bị bao vây tấn công tứ bề, bởi đủ loại mời mọc níu kéo của nền văn hóa nhục cảm. Người sống độc thân hẳn cảm thấy cô độc trong bầu khí đó. Lúc ấy chúng ta cần chạy đến với Mẹ Maria, cầu xin Mẹ phù giúp.

Nếu chúng ta ngước nhìn lên Mẹ với lòng cậy trông phó thác, vẻ đẹp dịu hiền siêu thoát của Mẹ, sẽ giúp mọi vẻ đẹp và quyến rũ khác của thế gian trở nên tầm thường.

LỜI NGUYỆN KẾT

Lạy Chúa, lịch sử Giao ước của Israel là lịch sử của sự bất trung, nhưng luôn luôn biết sám hối, trở về với Chúa, cam kết lại Giao ước, dành lại tình yêu tuyệt đối cho Người.

Chúa cũng vẫn đang chờ đợi con, vì có những lần con đã không trung thành với Chúa. Con thành tâm sám hối, xin Chúa thương tha thứ cho con.

Nhưng con cũng cảm nhận được là, mỗi lần phấn đấu với lương tâm là một lần con tiếp cận với Chúa Giêsu. Người gặp con trong những phút thinh lặng, trong những giờ quỳ trước Thánh Thể. Chính lòng thương xót của Người làm cho con thống hối ăn năn.

Khi mời gọi chúng con tự nguyện sống độc thân khiết tịnh, để hoàn toàn hiến mình cộng tác với Chúa trong sứ mệnh rao giảng và cứu độ, Chúa cũng biết rõ và thừa nhận bản tính yếu đuối của con người chúng con. Tuy nhiên, Chúa cũng muốn cho con hiểu và tin rằng, mặc dù thế, việc bền đỗ trong lời khấn hứa không phải là điều không thể! Vì có những việc dù là không thể đối với con người, nhưng không phải là không thể đối với Thiên Chúa. Lời Chúa trong Phúc âm và Lịch sử Cứu độ đã cho chúng con biết, đối với Chúa, không có gì là không thể. [Lc 1,37; Mc 10, 27; Mt 19,11;]. Điều quan trọng là chúng con phải biết khiêm tốn, cậy dựa vào quyền năng, vào ơn thánh và sự trợ giúp của Chúa. Không có Chúa, chúng con không thể đứng vững.

Với niềm tin tưởng cậy trông, chúng con khiêm tốn dâng lên Chúa những lời nguyện ước hiến dâng, trong ngày chuẩn bị lặp lại các lời khấn hứa.

Con xin phó dâng cuộc sống con cho Chúa, hôm nay và suốt đời con.

Xin Mẹ Maria đồng trinh che chở và gìn giữ con.

Con xin cám ơn Chúa Thánh Thần và Mẹ Maria, đã đến soi sáng và giúp đỡ con trong giờ Nguyện ngắm này. Amen.

M. Cécile, FMSR

Video liên quan

Chủ Đề