Luật quy định có hiệu lực từ 1 7 2023

Trụ sở Bộ Ngoại giao

Một số bất cập

Trong quá trình triển khai Nghị định số 26/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao cho thấy một số bất cập như: 

+ Công tác phối hợp triển khai đối ngoại hiện còn nhiều hạn chế; các cơ chế ủy ban liên Chính phủ, ủy ban hỗn hợp phân tán ở nhiều bộ, ngành, chưa đáp ứng được yêu cầu thống nhất quản lý đối ngoại theo tinh thần Quy chế 272

+ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định nhiệm vụ chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, gắn hội nhập quốc tế với đổi mới, hoàn thiện thể chế trong nước, do đó cần làm rõ nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra việc triển khai các hoạt động đối ngoại của Bộ Ngoại giao.

Một số nhiệm vụ khác về biên giới, lãnh thổ, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, thông tin đối ngoại, lễ tân nhà nước, lãnh sự… cũng cần được thể hiện chính xác, đầy đủ, cập nhật hơn nhằm bảo đảm bao quát, phù hợp với pháp luật chuyên ngành, tránh chồng chéo với nhiệm vụ của các Bộ, ngành liên quan, tạo thuận lợi trong triển khai hiệu quả các hoạt động chuyên môn trên thực tế.

Những nhiệm vụ mới của Bộ Ngoại giao

Về nhiệm vụ, quyền hạn, Nghị định số 81/2022/NĐ-CP bổ sung nhiệm vụ về thống nhất chủ trương bầu cử tại các diễn đàn, tổ chức đa phương để bảo đảm phù hợp với chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư.

Thể hiện rõ hơn nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kĩ năng đối ngoại hội nhập quốc tế để bảo đảm phù hợp với chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng, nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao và yêu cầu thực tế trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ các bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Nghị định bổ sung nhiệm vụ “Tham mưu, chuẩn hóa và thống nhất quản lý về việc sử dụng các ngôn ngữ nước ngoài thông dụng trong hoạt động chính trị, ngoại giao của Đảng và Nhà nước” để phù hợp với nhiệm vụ thực tế được giao cho Bộ Ngoại giao.

Theo đó, Bộ Ngoại giao là cơ quan duy nhất chủ trì thực hiện nhiệm vụ phiên dịch, biên dịch phục vụ các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, đồng thời là đầu mối tổ chức và thực hiện các hoạt động quy chuẩn hóa công tác biên, phiên dịch nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay.

Nghị định cũng bổ sung nhiệm vụ “Thực hiện cấp chứng minh thư cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, lãnh sự danh dự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên gia đình theo quy định của pháp luật.” để bảo đảm bao quát các nhiệm vụ Bộ Ngoại giao đang thực hiện trên thực tế nhưng chưa được quy định tại Nghị định cũ, phù hợp với quy định tại Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993.

Ngoài ra, Nghị định bổ sung nhiệm vụ về thực hiện đại đoàn kết dân tộc đối với người Việt Nam ở nước ngoài để bảo đảm phù hợp với Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Những điểm mới về cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao

Về cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao, hợp nhất Cục Cơ yếu và Trung tâm Thông tin thành Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin.

Chuyển đổi mô hình tổ chức của Trung tâm Biên Phiên dịch quốc gia thành Vụ Biên Phiên dịch đối ngoại.

Giải thể Vụ Thi đua - Khen thưởng và Truyền thống ngoại giao; điều chuyển các nhiệm vụ về thi đua khen thưởng và truyền thống ngoại giao cho các đơn vị trực thuộc Bộ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để thu gọn đầu mối tổ chức, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Giảm 03 phòng tại các Vụ Châu Âu và Tổ chức Cán bộ.

Cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao gồm:

1- Vụ Châu Âu;

2- Vụ Châu Mỹ;

3- Vụ Đông Bắc Á;

4- Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương;

5- Vụ Trung Đông - Châu Phi;

6- Vụ Chính sách đối ngoại;

7- Vụ Tổng hợp kinh tế;

8- Vụ ASEAN;

9- Vụ các Tổ chức quốc tế;

10- Vụ Hợp tác kinh tế đa phương;

11- Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO;

12- Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế;

13- Vụ Biên Phiên dịch đối ngoại;

14- Vụ Thông tin Báo chí;

15- Vụ Tổ chức cán bộ;

16- Văn phòng Bộ;

17- Thanh tra Bộ;

18- Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin;

19- Cục Lãnh sự;

20- Cục Lễ tân Nhà nước;

21- Cục Ngoại vụ;

22- Cục Quản trị Tài vụ;

23- Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh;

24- Ủy ban Biên giới quốc gia;

25- Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài;

26- Học viện Ngoại giao;

27- Báo Thế giới và Việt Nam;

28- Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Các tổ chức quy định từ [1] đến [25] nêu trên là các tổ chức giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Các tổ chức: Học viện Ngoại giao; Báo Thế giới và Việt Nam là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Ngoại giao.

Chủ Đề