Luật và pháp lệnh khác nhau như thế nào

Hiến pháp, luật và pháp lệnh hay các văn bản pháp luật khác đều thể hiện ý chí của nhà làm luật dưới dạng ngôn ngữ, chuyển tải ý chí này đến các chủ thể và chủ thể tiếp nhận phải hành động, xử sự phù hợp với mong muốn của nhà làm luật.
Khi thực hiện các hành vi xử sự được mô tả trong Hiến pháp, luật và các văn bản pháp luật dưới luật khác, các chủ thể thường gặp phải những mâu thuẫn hay sự mơ hồ do ngôn ngữ được sử dụng không chính xác, do mâu thuẫn giữa các quy định của pháp luật. Làm thế nào để xử lý những trường hợp như vậy? Ai có quyền được giải thích các điểm mơ hồ hay mâu thuẫn này? Nhà nước, luật sư hay mỗi chủ thể?
Không đơn thuần là việc giải thích ngôn ngữ
Giải thích pháp luật không đơn thuần là việc giải thích ngôn ngữ mà là việc xác định tính quy phạm [hay cách thức xử sự] mà một quy định pháp luật muốn chuyển tải. Giải thích một văn bản pháp luật là giải thích cách thức xử sự. Chính vì vậy, cơ quan hay người giải thích pháp luật phải tìm cách xử lý mâu thuẫn, xử lý sự mơ hồ trong quy định pháp luật. Và cần giải thích chứ không phải chứng minh các nghĩa khác nhau của nó.
Các thẩm phán khi áp dụng pháp luật cũng tạo ra những giải thích, thậm chí là những quy phạm mới, nếu họ ở là thẩm phán trong các nước theo truyền thống án lệ. Những giải thích của thẩm phán để áp dụng pháp luật, để đưa ra phán quyết đương nhiên có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, những giải thích của thẩm phán không được coi là giải thích pháp luật bởi vì thẩm phán có thể vượt ra ngoài phạm vi giải thích pháp luật thuần túy. Họ tạo ra quy phạm mới, tạo ra các lập luận mới nên khó có thể coi đó là giải thích pháp luật theo nghĩa là tìm mục đích đích thực của nhà lập pháp. Giới hạn của giải thích pháp luật là mang lại cho lời văn của quy định pháp luật ý nghĩa đích thực mà quy định đó muốn mang lại cho xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là giải thích pháp luật không cho phép thêm thắt ý nghĩa, nội dung mà bản thân quy định pháp luật không hề hàm chứa. Điều này đúng cả với giải thích luật lẫn giải thích Hiến pháp.
Trong giải thích pháp luật, mục đích về giá trị quy phạm [giá trị về xử sự] là yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt. Lời văn của một quy định pháp luật có thể được giải thích bằng ngôn ngữ được sử dụng ở thời điểm được soạn thảo hoặc ngôn ngữ ở thời điểm hiện tại. Yếu tố thời điểm sử dụng ngôn ngữ giải thích có ý nghĩa đối với những văn bản pháp luật có thời gian tồn tại hàng chục năm hoặc hàng thế kỷ. Khái niệm hoặc ngôn ngữ dùng trong những văn bản pháp luật có thể khác nhau, vì sự phát triển của ngôn ngữ học hay của luật học. Dù diễn đạt bằng ngôn ngữ nào thì mục đích của một quy định pháp luật vẫn không thay đổi theo sự biến đổi, phát triển của ngôn ngữ thể hiện nó. Vì vậy, xác định mục đích của quy định pháp luật cần giải thích là điều kiện tiên quyết của việc giải thích pháp luật. Mục đích của quy phạm pháp luật khác với ý định của người soạn thảo. Một quy định pháp luật thường có mục đích mang lại cho xã hội một giá trị nào đó chứ không phải để thực hiện ý muốn của người soạn thảo. Khi xác định mục đích của quy phạm pháp luật hay toàn bộ văn bản cần được giải thích, cần phải căn cứ vào những thông tin, những sự kiện liên quan đến mục đích ban hành quy định hay văn bản này. Điều này có nghĩa việc giải thích pháp luật không phải là những giải thích xuất phát từ tư duy chủ quan của người giải thích. Giải thích mục đích của quy định pháp luật phải dựa trên những tiêu chí để xác định được ý nghĩa mà lời văn của quy định pháp luật muốn thể hiện.
Giải thích pháp luật là một hoạt động phức tạp, đòi hỏi lao động trí tuệ không kém so với việc soạn thảo pháp luật.
Trong thực tiễn, đã có nhiều bình luận và giải thích khác nhau về một quy định cụ thể của pháp luật. Ví dụ, Khoản 5, Điều 19 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định về hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Ngoài những đòi hỏi liệt kê trong Khoản 1, 2, 3, 4, điều này còn quy định: Chứng chỉ hành nghề của giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân khác đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề. Cách hiểu và cách giải thích điều khoản này, trong thực tế đã tạo ra mâu thuẫn. Trong một doanh nghiệp, giám đốc hay tổng giám đốc có thể trực tiếp hành nghề song cũng có thể họ chỉ điều hành những cá nhân hành nghề mà họ tuyển dụng. Một doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có rất nhiều nhân viên bảo hiểm trực tiếp kinh doanh. Tổng giám đốc hay giám đốc của doanh nghiệp bảo hiểm có nhất thiết phải có chứng chỉ hành nghề bảo hiểm để được thành lập doanh nghiệp bảo hiểm không? Vấn đề này đã có rất nhiều cách hiểu khác nhau trong thực tế.
Vấn đề đặt ra là ai sẽ giải thích quy định này để làm cho việc thực hiện đúng tinh thần của quy định ấy và hành xử thống nhất. Dĩ nhiên, điều quan trọng ở đây là giá trị pháp lý của sự giải thích. Chỉ có giải thích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có giá trị pháp lý. Sự giải thích này được gọi là sự giải thích chính thức.
Vậy cơ quan nhà nước nào được phép đưa ra các giải thích chính thức? Câu trả lời phụ thuộc vào việc: quy định pháp luật cần được giải thích nằm ở trong loại văn bản pháp luật gì, Hiến pháp, luật, pháp lệnh hay các văn bản quy phạm pháp luật khác? Bài viết này chỉ đề cập đến giải thích Hiến pháp
Giải thích Hiến pháp có thể dẫn tới phủ nhận mong muốn của nhà lập pháp
Hiến pháp là luật có vai trò và vị trí đặc biệt, là luật gốc- như giới luật học trong tất cả các hệ thống pháp luật vẫn định nghĩa. Hiến pháp quy định những nền tảng chủ yếu cho việc tổ chức đời sống xã hội, những nguyên tắc cơ bản cho việc tổ chức bộ máy nhà nước, quy định chế độ chính trị, kinh tế, quyền và lợi ích cơ bản của công dân. Xuất phát từ nguyên tắc về tính tối thượng của Hiến pháp mà người ta thường đặt vấn đề về tính hợp hiến. Chính do tầm quan trọng đặc biệt của Hiến pháp nên việc giải thích Hiến pháp được tiếp cận một cách khác so với việc giải thích pháp luật.
Một trong những điểm khác biệt giữa giải thích Hiến pháp và giải thích luật là: giải thích luật nhằm mục đích áp dụng vào một tình huống cụ thể trong khi giải thích Hiến pháp là để tuyên bố một luật nào đó hay một phần của luật không phù hợp với Hiến pháp; giải thích luật là để hiện thực hóa ý chí của cơ quan lập pháp nhưng giải thích Hiến pháp có thể dẫn tới việc phủ nhận mong muốn của nhà lập pháp thể hiện trong những luật bị bác bỏ hoặc bị thay đổi.
Trong giải thích Hiến pháp, điều quan trọng nhất là việc xác định mục đích khách quan của quy định Hiến pháp hay toàn văn Hiến pháp. Mục đích của giải thích Hiến pháp là xác định mục đích thực của quy định cần giải thích nhằm loại bỏ các mục đích mà những người giải thích khác muốn áp đặt cho nó. Để đạt được điều này, cần xác định được nội hàm mà quy định được giải thích hàm chứa ở thời điểm nó được ban hành.
Việc giải thích Hiến pháp ở các nước được tiếp cận khá khác nhau cho dù những nguyên lý về giải thích Hiến pháp có thể được coi là nền tảng chung. Một số nước quy định việc giải thích Hiến pháp ngay trong bản thân Hiến pháp. Ví dụ, Hiến pháp Singapore tiên liệu những thuật ngữ, những khái nhiệm có thể dẫn đến sự hiểu không đúng hoặc gây mâu thuẫn trong cách hiểu về mục đích của Hiến pháp và quy định những giải thích cần thiết. Ví dụ Hiến pháp Singapero quy định: Nội các được hiểu là Nội các thành lập theo Hiến pháp này; Luật hiện hành có nghĩa là bất cứ luật nào có hiệu lực như là một phần của pháp luật Singapore trước thời điểm bắt đầu Hiến pháp này; Pháp luật bao gồm luật thành văn và bất cứ luật của Vương quốc Anh hay những văn bản đang hiện hành ở Singapore và tiền lệ pháp đang được áp dụng ở Singapore và bất cứ tập quán pháp hay thông lệ nào có hiệu lực pháp luật ở Singapore. Hàng loạt các giải thích Hiến pháp được quy định trong Hiến pháp Singapore.
Một số nước tuy không quy định giải thích Hiến pháp trong bản thân Hiến pháp nhưng lại ban hành luật về giải thích luật trong đó có cả Hiến pháp.
Trung Quốc có lịch sử lập hiến tương đối giống Việt Nam và hoạt động giải thích Hiến pháp cũng có những điểm tương đồng. Theo Hiến pháp năm 1954 của CHND Trung Hoa thì Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc là cơ quan nhà nước duy nhất được ban hành luật và giám sát việc thực hiện Hiến pháp. Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc được giao thẩm quyền giải thích luật và ban hành pháp lệnh.
Theo Hiến pháp năm 1982 của CHND Trung Hoa thì Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc và Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc cùng có thẩm quyền lập pháp. Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc ban hành các luật cơ bản liên quan đến các vấn đề hình sự, dân sự, tổ chức bộ máy và một số vấn đề khác, còn Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc ban hành hoặc sửa đổi luật không thuộc phạm vi thẩm quyền của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc.
Như vậy, cả Hiến pháp 1954 và Hiến pháp 1982 của CHND Trung Hoa đều trao cho Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc quyền tuyệt đối về giải thích cả Hiến pháp, luật và giám sát việc thực hiện Hiến pháp. Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc có thể hủy bỏ các văn bản pháp luật do Quốc Vụ viện hay chính quyền địa phương ban hành trái với Hiến pháp và luật. Hiện nay, tuy có một vài thay đổi nhất định trong thủ tục và trình tự giải thích Hiến pháp và luật song về cơ bản thẩm quyền giải thích pháp luật vẫn thuộc về Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc.
Ở Mỹ, việc Tòa án giải thích Hiến pháp đã xuất hiện từ năm 1803 trong vụ Marbury kiện Madison [1803]. Tòa án tối cao Hoa Kỳ cho rằng Hiến pháp là một văn bản luật, cho dù là luật tối cao. Tòa án phải giải thích Hiến pháp áp dụng như giải thích các luật khác. Nhiều nước Tây Âu, Mỹ latin thì lại thành lập Tòa án Hiến pháp để giải thích Hiến pháp và luật. Các quốc gia là đại diện điển hình cho truyền thống luật dân sự như Pháp, Đức Tây Ban Nha, Italy đều có Tòa án Hiến pháp hoặc thiết chế tương tự để xem xét tính hợp hiến của các văn bản pháp luật.
Ở các nước trên thế giới, việc giải thích Hiến pháp có thể được thực hiện theo một trong các cách sau: quy định ngay trong bản thân Hiến pháp; quy định trong văn bản riêng về giải thích pháp luật; giao cho bất cứ Tòa án nào; được giao cho Tòa án Hiến pháp; được giao cho cơ quan lập pháp hay cơ quan thường trực của cơ quan lập pháp.

>>Giải thích Hiến pháp, luật và pháp lệnh: Tìm mục đích đích thực của văn bản quy phạm pháp luật và ý chí của các nhà lập pháp [Phần cuối]

Video liên quan

Chủ Đề