Nếu cách tổ chức môi trường khi cho trẻ mầm non làm quen với các biểu tượng về toán

Vai trò của hoạt động góc đối với việc trẻ mầm non làm quen với toán.          Trong chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ ở trường mầm non, hoạt động góc là cơ hội để trẻ tiếp xúc, làm quen với toán. Ở đó trẻ có thể thoải mái luyện tập và thể hiện các kỹ năng thực hành về các biểu tượng toán mà trẻ đã có. Các góc hoạt động không chỉ giúp trẻ ôn tập, củng cố kiến thức đã học mà còn là nơi để trẻ lĩnh hội các kiến thức và kỹ năng mới.             Phần lớn ở các góc chơi, trẻ đều có thể vận dụng các kiến thức và kỹ năng tư duy về toán vào hoạt động chơi, giải quyết các tình huống xảy ra trong khi chơi. Ví dụ: Trong góc bán hàng, có khách hàng thử mũ nhưng cái mũ không vừa [mũ nhỏ] người bán hàng gợi ý cho khách “Cái mũ ấy hơi nhỏ, cái mũ này to hơn bác thử đi!”.           Trong khi trẻ tham gia hoạt động trong các góc, thường xuyên quan sát trẻ sẽ giúp giáo viên nhận ra các loại trò chơi trẻ thích chơi, các học liệu trẻ thường dùng, cách sử dụng các đồ dùng học liệu, mối quan hệ của trẻ với trẻ trong khi chơi, những biểu tượng toán nào trẻ đã có, những biểu tượng nào trẻ còn nhầm lẫn,... Từ đó giáo viên lập kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ trẻ.

          2. Yêu cầu của các góc hoạt động với việc cho trẻ làm quen với toán.

          - Trong các góc, đặc biệt là góc học tập, giáo viên cần cung cấp cho trẻ các đồ dùng, đồ chơi, học liệu đa dạng, phong phú [đa dạng về chủng loại, màu sắc, hình dạng, kích thước, chất liệu, kiểu dáng…], phù hợp với các hoạt động của trẻ [hoạt động động - tĩnh; hoạt động cá nhân -  nhóm]. Các đồ dùng, học liệu không cầu kì, đắt tiền mà có thể dùng các vật liệu trong tự nhiên, học liệu tái sử dụng hay các đồ dùng gia đình, đồ dùng cá nhân như: lá cây rụng, quả khô, vỏ sò, vỏ ốc, các loài hộp, thùng giấy, tạp chí cũ, vòng tay, túi xách, khăn, máy ảnh cũ, đồng hồ cũ… Những học liệu này là những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn không chỉ đối với trẻ các vùng nông thôn, miền núi mà ngay cả với trẻ tại các thành phố lớn.           - Trong mỗi lớp học, các mức độ phát triển về biểu tượng toán ở trẻ rất khác nhau, mỗi trẻ có nhu cầu và tiềm năng phát triển của riêng mình. Cho nên ngoài việc cung cấp các đồ dùng, đồ chơi, học liệu học toán phong phú và đa dạng thì giáo viên cần phải thiết  kế các tranh gợi ý, các bài tập, những thứ đó tạo nên nhiều cơ hội để trẻ hoạt động ở nhiều mức độ khác nhau, giúp trẻ dù ở mức độ nhận thức nào vẫn có khả năng tham gia các hoạt động hiệu quả.           - Đồ chơi, học liệu trong các góc cần được sắp xếp bố trí  sao cho trẻ dễ quan sát, thuận lợi trong sử dụng, gọn gàng, ngăn nắp, vừa tầm với trẻ, thay đổi theo khả năng, nhu cầu và hứng thú của trẻ. Môi trường ấy phải gợi cho trẻ liên tưởng đến việc sử dụng các biểu tượng, kỹ năng toán đã có vào trong các hoạt động. Ví dụ: Góc chơi gia đình có búp bê kích thước khác nhau và các đồ dùng dành cho búp bê như: giường, áo, mũ, tất … của búp bê cũng có các kích thước khác nhau.           - Đồ dùng, đồ chơi, tranh gợi ý trong các góc cần dễ làm, phù hợp với điều  kiện cơ sở vật chất của địa phương, có độ bền thích hợp và đặc biệt là dễ sử dụng.

          3. Các góc hoạt động và cơ hội học toán của trẻ.


          Mỗi góc hoạt động hay bất kỳ một hoạt động giáo dục nào giáo viên tổ chức cho trẻ thì cũng không chỉ mang lại một mục đích giáo dục mà có thể đạt nhiều mục đích giáo dục khác nhau. Chính vì vậy mà các góc hoạt động của trẻ ở trường mầm non góp phần tích cực vào việc tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện, trong đó có phát triển nhận thức – cơ hội làm quen với các biểu tượng toán sơ đẳng của trẻ. Có thể kể đến một số góc với cơ hội học toán của trẻ như sau:

          Quan sát bể cá: Trong khi quan sát cùng với trẻ, giáo viên có thể dùng các câu hỏi hướng sự chú ý của trẻ đến số lượng, vị trí, kích thước của những con cá trong bể. Ví dụ: Con nào bơi ở phía bên trái [bên phải], con nào bơi ở trên [ở dưới], có bao nhiêu con cá trong bể, bao nhiêu con đang bơi sang phía phải… Khi trẻ cho cá ăn, giáo viên có thể nói: “Chúng ta cho vào bể cá một ít mồi. Lúc đầu có 3 con cá bơi đến ăn, sau đó xuất hiện thêm 2 con nữa ăn mồi. Thế là mình có bao nhiêu con cá ăn mồi?”, “Trong bể cá này có 5 con ốc, nhưng có 2 con trốn trong đám rong. Vậy bây giờ chúng đang nhìn thấy bao nhiêu con ốc?”…           Quan sát cây non mới trồng: Khi cho trẻ gieo hạt, trồng cây, giáo viên có thể giao cho trẻ các nhiệm vụ phù hợp như:          - Quan sát và cho biết hạt khi gieo xuống đất bao nhiêu ngày sẽ mọc thành cây? [Với nhiệm vụ này trẻ có thể dùng các kí hiệu [chấm tròn, viên sỏi, thẻ số] để ghi nhớ số ngày hạt được gieo xuống đất.

        - Quan sát theo dõi sự thay đổi chiều cao của cây sau khi mọc. Để theo dõi và phát hiện ra sự thay đổi chiều cao của cây trẻ có thể dùng các thẻ tre [thẻ tre khô] để đo và mỗi lần đo trẻ lưu lại kết quả bằng cách dán chấm tròn [hoặc thẻ số] vào thẻ theo thứ tự ngày trẻ đo.
- Quan sát, theo dõi sự thay đổi của lá cây: Số lượng lá trên một cây, kích thước của lá. Ghi chép vào bảng theo dõi theo nhiều cách khác nhau.

       Khi trẻ làm các thí nghiệm tại góc khoa học, trẻ sẽ phát hiện ra nhiều điều lý thú, trẻ có cơ hội để khám phá các biểu tượng toán sơ đẳng, các mối quan hệ toán học đơn giản.       Ví dụ: trẻ làm thí nghiệm “Vật chìm, vật nổi”. Trẻ thả sỏi vào chai nước, phát hiện ra một điều kì lạ: “Ban đầu, nước trong chai không đầy, nhưng khi thả sỏi vào nước đầy lên”, “Sỏi làm cho nước nhiều lên”. Giáo viên hướng dẫn trẻ đổ nước trong chai có sỏi sang một cái chai cùng kích thước khác, điều  này giúp trẻ hiểu rằng khi cho sỏi vào chỉ làm mực nước trong chai thay đổi, còn lượng nước trong chai vẫn giữ nguyên.

Nếu cho trẻ làm thí nghiệm pha màu cho nước. Để các cốc nước có lượng nước bằng nhau, trẻ cho vào mỗi cốc nước số giọt mực khác nhau và khuấy đều lên. Chúng sẽ phát hiện ra, cốc nước nào được cho vào nhiều giọt mực thì màu nước sẽ đậm hơn, cốc nước nào cho vào ít giọt mực thì màu  nước sẽ nhạt hơn. Ngày hôm sau, khi mang cho trẻ số chai nước có kích thước và lượng nước như nhau đã được pha màu có độ đậm nhạt khác nhau và giao  nhiệm vụ cho trẻ: Tìm chai nước được pha nhiều giọt mực [ít giọt mực] nhất.

      Tại góc tạo hình, khi trẻ tham gia các hoạt động: vẽ, nặn, cắt, xé dán… hầu hết trẻ đều sử dụng đến các biểu tượng toán đã có trong việc tạo ra sản phẩm mới. Trong khi hoạt động trẻ cũng có thể khám phá ra nhiều điều. Ví dụ: nặn bánh qui từ đất nặn. Để làm được bánh tròn, trẻ dùng các khuôn tròn để đóng bánh. Từ  một khối đất nếu làm bánh mỏng - thì nhìn chiếc bánh to, còn nếu làm chiếc bánh dày hơn – thì chiếc bánh sẽ nhỏ hơn. Cũng từ một khối đất nếu làm bánh nhỏ sẽ đươc nhiều chiếc bánh. Nếu làm bánh to hơn sẽ được ít chiếc.           Cũng có thể làm ra bánh với nhiều hình dạng khác nhau: tròn, vuông, chữ nhật, tam giác, oval, trái tim,…
      Giáo viên có thể cho trẻ làm vòng cổ, trang trí váy cho búp bê, bưu thiếp, khung ảnh… theo các quy luật sắp xếp từ các hình hình học, các họa tiết; chắp ghép các hình hình học để tạo ra các bức tranh, các đồ vật hay vẽ thêm các chi tiết từ các hình hình học cơ bản để tạo ra các sự vật trong môi trường xung quanh.

      Trong góc học tập, giáo viên nên thiết kế trò chơi sử dụng những bức tranh khổ lớn trên giấy, bảng treo bằng vải, giấy, các thẻ bìa khổ nhỏ chơi với các chi tiết rời bằng xốp màu, bìa màu, vải màu có thể gắn dính để dễ dàng thay đổi số lượng, kích thước, vị trí… theo nội dung chủ đề giáo dục và các biểu tượng toán cần cung cấp, củng cố. Ví dụ: Bức tranh có nội dung truyện “Ai đáng khen nhiều hơn”, trong tranh có: Ngôi nhà của gia đình thỏ dán từ các hình hình học; Thỏ mẹ đang chuẩn bị bàn tiệc; Thỏ em đang hái hoa đồng tiền; Thỏ anh tay xách làn nấm đang dẫn gà con bị lạc về cho gà mẹ. Các hình ảnh thỏ mẹ, thỏ anh, thỏ em, bàn tiệc, gà con, hoa, nấm…đều là các chi tiết rời có gắn dính. Giáo viên và trẻ có thể thay đổi vị trí của của những chú gà con: Khi thì 2 con ở phía trước gà mẹ, 3 con ở phía sau gà mẹ; 4 con ở gần mẹ, 1 con chạy xa mẹ; 1 con trên lưng mẹ, 2 con nấp dưới cánh, 2 con đang giành nhau con giun. ..       Các trò chơi theo nhóm có thể sử dụng những thẻ bìa, tranh khổ nhỏ. Ví dụ: Trò chơi “Tìm bạn”, 2 hoặc 4 trẻ cùng chơi, mỗi trẻ có một số thẻ bìa có dán các chấm tròn, các chữ số, các nhóm đối tượng khác nhau, tự trẻ đưa ra yêu cầu về số lượng nhóm đối tượng, về hình dạng, công dụng… rồi tìm bạn cho phù hợp. Với các chi tiết gắn dính trẻ có thể tự lựa chọn hoạt động [tìm, gắn thử, kiểm tra, sửa…] có thể chơi cùng nhau, trao đổi, so sánh, lựa chọn, đối chiếu kết quả với nhau, cũng có thể cần đến sự hỗ trợ của giáo viên làm tăng cường các hoạt động phối hợp giữa giáo viên với trẻ, giữa trẻ với nhau. Tranh ảnh với các chi tiết rời tạo ra những tình huống “mở” cho phép trẻ có thể tự di chuyển các miếng ghép rời với nhiều sự lựa chọn, nhiều giải pháp khác nhau, đối với mỗi tình huống. Như vậy sẽ giúp trẻ tư duy linh hoạt, nhìn nhận các sự kiện, hiện tượng trong cuộc sống một cách mềm dẻo, tự tin hơn. Trong góc học tập có thể để các phiếu học cho trẻ chơi với chúng.Ví dụ: Tìm hình bù chỗ trống:

      Tóm lại: Trẻ hình thành kiến thức về toán trong não khi chúng tương tác với các phương tiện cụ thể, với các biểu tượng toán và các sự kiện trong các câu truyện. Hoạt động của trẻ tại các góc trong lớp mẫu giáo là hình thức phù hợp để hình thành cho trẻ các biểu tượng toán học sơ đẳng. Các biểu tượng toán mà trẻ lĩnh hội được sẽ là một công cụ cho những thành công trong cuộc sống hiện tại và tương lai của trẻ.

Tác giả: admin

Video liên quan

Chủ Đề