Nghệ thuật phục hứng trong phim Black Swan

Trong văn học nghệ thuật và điện ảnh, từ classic thường được dùng để ví von về một tác phẩm đạt đến sự hoàn hảo. Classic: một tác phẩm kinh điển! Một thước đo chuẩn mực về sự hoàn hảo cho mọi sự sáng tạo về sau! Và vở vũ nhạc kịch nổi tiếng Swan Lake [Hồ thiên nga] của nhà soạn nhạc lừng danh người Nga Pyotr Ilyich Tchaikovsky hoàn toàn là một tác phẩm mang đầy đủ ý nghĩa mà từ classic hàm chứa. Bộ phim Black Swan không có tham vọng chuyển thể tác phẩm nổi tiếng của Tchaikovsky lên màn bạc mà đơn giản nó chỉ là một nỗ lực của đạo diễn Darren Aronofsky tìm tòi một hướng đi mới để kể lại câu chuyện cổ tích của Hồ thiên nga trong cuộc sống thực. Tất nhiên, câu chuyện bi kịch cổ điển của Hồ thiên nga mang hầu hết những chi tiết khác với nguyên bản khi xảy ra trong đời thực. Câu chuyện của Black Swan là câu chuyện về sự trăn trở với nghề múa của một vũ công ballet dành trọn cuộc sống cho ballet, luôn luôn ám ảnh mình phải hoàn thiện những kỹ thuật vũ đạo để có thể đưa màn trình diễn của mình tiến đến sự hoàn hảo. Tuy nhiên, một khi càng cố gắng ép mình vào những khuôn phép để mong được hoàn hảo đó, cô càng để cho sự hoàn hảo ám ảnh cuộc sống thực của mình và ngày càng rời xa thực tế khi gần đạt đến sự hoàn hảo. Với Black Swan và cô vũ công ballet Nina [Natalie Portman], một lần nữa đạo diễn Aronofsky bọc lộ sự nhạy cảm tuyệt vời về những trăn trở với nghề, với nghiệp mà định mệnh bắt con người phải gánh lấy. Điều này đã từng được những bộ phim trước của ông đề cập đến như nhà số học ám ảnh bởi những con số trong Pi [bộ phim đầu tay của Aronofsky] hay võ sĩ biểu diễn sắp về vườn vẫn xem võ đài là cứu cánh cho cuộc sống thực đầy chán nản trong The Wrestler. Black Swan mang bố cục của một vở nhạc kịch thường thấy: có thắt nút, có mâu thuẫn, mâu thuẫn được đẩy lên cao trào và mở nút và rồi kết thúc. Màn khởi đầu của bộ phim là giấc mơ kỳ lạ của Nina khi mơ thấy mình diễn vai diễn Black Swan với những vũ điệu đầy nhục dục, gợi tình và ẩn chứa trong đó sự độc đoán đáng sợ. Những tính cách này hoàn toàn trái ngược với hình ảnh thực của Nina, một cô bé vũ công ngây thơ, hiền lành đến mức mong manh chỉ biết ăn, ngủ và ballet. Sau đó, Aronofsky từ từ để cho khán giả thấy được những mâu thuẫn nội tâm manh nha xuất hiện trong đầu cô vũ công có bề ngoài rất mong manh sau khi cô nhận được chọn làm swan queen, nhân vật chính của vở ballet được giám đốc vũ đoàn ballet Thomas [Vincent Cassel] làm mới từ vở ballet kinh điển Swan lake. Càng gần đến ngày biểu diễn, Nina càng bị ám ảnh dữ dội bởi nhiều yếu tố bên ngoài: từ cô đóng swan queen cũ đã về hưu Beth [Wyona Ryder], sự cạnh tranh mới đến từ cô vũ công mới gia nhập Lily [Mila Kunis], mâu thuẫn với người mẹ cô yêu thương con đến mức cực đoan cho đến yêu cầu khắt khe của Thomas muốn Nina phải thay đổi vẻ “hoàn hảo” mong manh đến tội nghiệp mà buông thả hơn để nhập vai black swan một cách thuyết phục. Đỉnh điểm của mâu thuẫn xảy ra ngay trong vở diễn của Nina, một điểm đến cuối cùng mà Aronofsky muốn khán giả phải nhớ tới ngay từ giấc mơ mở màn bộ phim. Darren Aronofsky xây dựng nhân vật Nina làm trung tâm cho câu chuyện và mâu thuẫn chính của phim. Việc sử dụng máy quay cầm tay và tận dụng nhiều góc quay ngang vai hướng về nhân vật đối diện để nhấn mạnh góc nhìn từ Nina. Nhiều góc quay cận cảnh sát mặt cho thấy rõ những biến đổi nội tâm liên tục xuyên suốt bộ phim của Nina. Và cho dù đó là gương mặt tươi cười hạnh phúc, nhăn nhó bất lực khi chưa thể tự phá vỡ “quy luật hoàn hảo” của mình, một khoảnh khắc sợ hãi hay một gương mặt tự tin quyết đoán thì Natalie Portman cũng không hề để khán giả phải thấy cô đang diễn vai Nina. Mọi thứ đến thật tự nhiên và thuyết phục. Black Swan còn cho thấy sự tài tình trong cách điều tiết nhịp phim và nhất là cách xử lý mâu thuẫn cao trào tuyệt vời của Aronofsky. Người xem hoàn toàn nhập tâm vào Nina: thót tim trước những hình ảnh ám ảnh mà cô gặp phải, thon thót lo sợ bất cứ điều không may nào có thể xảy đến cho Nina trước buổi diễn quan trọng và trầm trồ trước màn trình diễn tuyệt vời của cô. Vì thế người xem dễ dàng thương cảm nhân vật Nina, một nhân vật nhỏ bé yếu đuối nhưng trong sâu thẳm bên trong lại sôi sục những mâu thuẫn chực dâng trào. Thêm vào đó, sẽ thiếu sót nếu không ghi nhận soundtrack của Black Swan đóng một vai trò quan trọng trong phim. Phần soundtrack được soạn bởi Clint Mansell mang âm hưởng cổ điển của Tchaikovsky hoàn toàn dẫn dắt khán giả từ đầu đến cuối. Âm nhạc trong phim vừa giúp khán giả sống trong không khí opera vừa là chất xúc tác thể hiện từng giai đoạn của vở nhạc kịch không lời ca về hậu trường sân khấu dưới góc nhìn của Nina. Giấc mơ khởi đầu là một bản overture mở màn hoành tráng với dàn nhạc dây hòa tấu. Thể hiện mâu thuẫn và những góc khuất đen tối trong tinh thần Nina là những nốt cao của thanh vĩ cầm xen lẫn bên cạnh những nốt trầm từ thanh đại hồ cầm trong những đoạn ám ảnh làm thót tim. Tiếp theo, phần cao trào được minh họa bằng một bản hòa tấu có giai điệu réo rắt và tiết tấu nhanh khiến người xem căng thẳng hồi hộp mong chờ diễn biến tiếp theo. Và rồi khi những nút thắt đã mở thì bản nhạc solo từ dương cầm cất lên nhẹ nhàng để kết thúc vở kịch cuộc đời này. Tuy nhiên, Black Swan ấn tuợng người xem là những mâu thuẫn nội tại của Nina trước đêm diễn đầu tiên trong vai trò swan queen. Mâu thuẫn nội tâm của Nina đó bắt nguồn từ những tính cách dễ thương, hiền lành luôn cầu toàn của Nina mà mẹ cô, một cựu vũ công ballet, hết lòng vun đắp để Nina trở thành một vũ công ballet nổi tiếng và qua đó hoàn thành ước mơ dang dở của bà. Mâu thuẫn này xoáy sâu vào yếu tố liệu Nina có thể “tự đánh mất mình” để phá đi “sự hoàn hảo” trong phong cách biểu diễn của Nina để hóa thân thành một black swan hắc ám đầy quyến rũ theo lời khuyên của Thomas được hay không? Mâu thuẫn này càng làm những ám ảnh trong tinh thần Nina bùng phát mạnh mẽ khi Lily, một vũ công ballet mới tuyển của vũ đoàn xuất hiện. Lily vừa là đối thủ cạnh tranh ngầm của Nina nhưng lại vừa là hình mẫu để Nina hướng tới. Đồng thời cô cũng là niềm hứng khởi mới lạ dành cho Nina, giúp Nina có thể phần nào thỏa mãn được những ẩn ức tình dục tự nhiên ở lứa tuổi cô. Bởi, Lily mang đầy đủ những tính chất của một black swan mà Nina không có hoặc chưa hề thử làm qua: một ngoại hình đầy khiêu gợi, vẻ ngoài vui vẻ, thân thiện với mọi người đến mức lẳng lơ, sẵn sàng sống đúng với suy nghĩ của mình chứ không tự ép buộc mình vào khuôn khổ như Nina. Lily đích thị là một chất xúc tác đúng lúc Nina cần để có thể thay đổi mình. Một nguời cầu toàn cuối cùng phải dẹp bỏ những hình mẫu hoàn hảo và vì thế càng trở nên hoàn hảo trong vai diễn đòi hỏi kinh nghiệm từ đời sống thực, một điều mà Nina luôn thiếu sót. Cô chỉ sống với nghề chứ không hề sống cuộc sống thực của cô. Có lẽ sự đột phá để thay đổi hình tượng đã quá quen thuộc cũng là trăn trở và cũng là thách thức về nghề của chính đạo diễn Aronofsky nói riêng và cả giới hoạt động sáng tạo nghệ thuật nói chung. Và điều này liệu có phải là thông điệp Aronofsky muốn truyền tải hơn là câu chuyện hậu trường sân khấu ballet cũng gần như thành kinh điển. Một điều dĩ nhiên Black Swan không là một tác phẩm hoàn hảo. Và dĩ nhiên Aronofsky cũng chẳng hướng tới mục tiêu đó khi làm Black Swan. Hàng loạt sự kiện trong phim đan xen nhau làm người xem khó có thể phân biệt đâu là hiện thực đâu là phút giây của trí tưởng tượng. Với một bộ phim có kết thúc mở như Black Swan thì việc dùng đầu óc lý tính để xem nó rất có thể sẽ làm chúng ta sa vào chuyện muốn tìm hiểu điều gì đã xảy ra và số phận của Nina sẽ như thế nào. Sẽ chẳng ai biết được. Trái lại, chúng ta hãy để cho những cảm xúc của mình tự nhiên dẫn dắt mà thưởng thức bằng trái tim vở nhạc kịch Black Swan tuyệt vời những cũng đầy mê muội và ám ảnh này. Và khi đó chúng ta sẽ dễ dàng kết luận: Black Swan là một tác phẩm kinh điển!

Bài đăng trên báo SVVN


Không dễ dàng để hiểu ngay Black Swan [Thiên nga đen]. Không phải chỉ một lần đến rạp là có thể tin cậy vào cảm xúc của mình. Black Swan là sự hấp dẫn ngấm ngầm, đến sau, một sự gây mê đầy xáo trộn khi tiếp cận nó vào những thời khắc khác nhau.Và trong một mùa Oscar mà những The King’s speech, True Grit hay 127 hours nghiêng về mô tả kiểu hành động của nhân vật người hùng đậm chất Hollywood, nhất là ở khía cạnh vượt qua bản thân, thì Black Swan, tuy vẫn nằm trong âm hưởng đó nhưng trở nên gai góc, phức tạp hơn khi thăm dò đời sống tâm lí, những vỉa tầng tính cách còn ẩn giấu trong mỗi con người.

Thiên nga đen không phải là một nhân vật được trù bị sẵn. Chính xác hơn đó chỉ là một ý niệm nghệ thuật khi hình tượng thiên nga trắng đã trở nên quá quen thuộc với công chúng khán giả. Xây dựng thiên nga đen thực chất là ý thao tác phản-hình tượng, một việc làm đã trở nên quen thuộc, chẳng hạn ở văn chương hiện đại, về cái gọi là “cố sự tân biên” [chuyện xưa viết lại], nhằm thỏa mãn những cách hiểu khác nhau về một đối tượng tưởng chừng đã cạn kiệt mọi cảm hứng. Thiên nga đen, vì thế, rất dễ rơi vào sự phản cảm, phản ứng nếu dự trù nghệ thuật táo bạo ấy không được xử lí tốt trên, chí ít, hai phương diện: cung cấp, tăng cường thêm nghĩa cho hình tượng thiên nga trắng và đồng thời đứng độc lập như một hình tượng mới để hiển thị rành rẽ những nỗ lực tìm tòi, sáng tạo. Đạo diễn Darren Aronofsky, người từng thừa nhận những ảnh hưởng từ phim của R. Polanski giai đoạn đầu,  đã làm được điều này, dĩ nhiên không phải chỉ với khoảng thời gian ngắn, mà bằng cả mấy năm trời kiên trì theo đuổi ý tưởng. Và cuối cùng,  phản – thiên nga để trở thành một thiên nga hoàn hảo, đó là những gì mà vũ công Nina, nhân vật chính của bộ phim, đã trải nghiệm và mang đến sự hồi hộp, đồng cảm, thán phục từ phía  người thưởng thức.

Là một vũ công say mê nghề, Nina hiểu rằng được vào vai thiên nga là niềm vinh dự hiếm khi lặp lại. Nhưng vị đạo diễn nghệ thuật Thomas Leroy, người có tham vọng làm mới vở ballet kinh điển Hồ Thiên Nga của Tchaikovsky, lại chỉ giao cho Nina vai thiên nga trắng – một vai rất phù hợp với vóc dáng mỏng manh, khuôn mặt thanh khiết của cô. Trong khi, toàn bộ sức sống, điểm độc đáo ở vở diễn, dưới con mắt nghiêm khắc, quyết liệt của Thomas, phải là thiên nga đen – nhân vật đã tranh cướp tình yêu của người em song sinh. Lily, một nữ vũ công khác, đã được chọn để thay thế Nina khi cần thiết. Từ đây, giữa Nina, Lily và Thomas hình thành liên tục những song hành va chạm, xung đột không chỉ vì vở diễn, mà quan trọng hơn, là vì một thiên nga đen đúng nghĩa chưa xuất hiện. Thomas khiêu khích, thậm chí bằng cả sàm sỡ thân xác, để từng động tác ballet của Nina, là hiện thân dục tính, là mưu đồ khêu gợi, giành giật, là sự mạnh mẽ quyết liệt chiếm lấy. Còn Lily, ngoài đời có một cá tính mạnh, phóng túng, sẽ có đủ những tố chất đó để vào vai. Những khía cạnh tính cách thiên nga đen, từ vở diễn, đã dần dần xâm nhập vào tâm trí Nina trong đời thường khiến cô liên tục rơi vào ảo giác. Từ một Nina khép mình trong phòng riêng với đầy gấu bông, búp bê và luôn bị/được mẹ [vốn là vũ công] chăm chút từ miếng ăn giấc ngủ, Nina đã tự tách vỏ mình trong ảo giác về tình dục với Lily, trong ý muốn thay thế vị trí ngôi sao của Beth – một diễn viên tài năng vừa hết thời. Chính Nina, bằng sự dò tìm bóng tối bên trong mình, đã nhập thân vai diễn theo sự phát triển tính cách bên ngoài đời thường. Sân khấu, dù là nơi để diễn, vẫn có thể là đối ảnh của người nghệ sĩ. Kịch tính lên đến đỉnh điểm khi Nina đâm chết Lily để trở thành thiên nga đen vẫy cánh rực rỡ trên sân khấu. Nhưng đó chỉ là ảo giác, một thứ ảo giác tiết lộ tính cách thứ hai của thiên nga trắng. Nina hoàn thành xuất sắc vai diễn khi cơ thể cô kiệt sức, khi Thomas, Lily và khán giả tán dương cô không ngớt. Nina đã là nữ hoàng thiên nga mới. Và cô nhận lấy từ thiên nga một Nina khác trong chính mình. Thật khó để quên Nina trong diễn xuất của người đẹp Natalie Portman mà sự khổ công lẫn thành công tuyệt vời chỉ có thể đáp lại bằng  tượng vàng Oscar.

Cần dừng lại ở mệnh đề cái ác trong bộ phim này. Nếu quả thật kịch bản Thiên nga đen có chứa đựng một vài yếu tố được gợi hứng từ tiểu thuyết của F. Dostoievsky thì đáp số cho mệnh đề ấy có thể lần hồi từ một vài manh mối. Đầu tiên, ta thấy, Nina chỉ hướng đến vai diễn. Liền đó, cô hướng đến Beth trong ý muốn ngấm ngầm rằng mình phải có được sự ảnh hưởng như cựu ngôi sao này và thông qua vai diễn, kết thúc danh tiếng Beth trong già nua quên lãng. Cuối cùng, khi rào cản mang tên Lily xuất hiện và  có nguy cơ tước đoạt mọi cố gắng của Nina thì cô tự đồng nhất mình vào đối thủ, trỗi dậy những năng lượng tiềm ẩn để loại bỏ chính đối thủ đó. Tiêu diệt Lily sẽ là tất yếu khi Nina chỉ có một đích ngắm duy nhất là vai diễn, sân khấu. Ảo giác, dù sao, cũng phần nào phản ánh diễn tiến của ý thức, nghĩa là, Nina chủ tâm sát hại đồng nghiệp nếu có một tình huống đẩy cô vào như vậy. Cái ác đã tự hình thành, không hề xa lạ với bất kì ai, bởi nó có thể đang ẩn giấu. Cũng như F. Dostoevsky, R. Polanski, đạo diễn của Thiên nga đen không nhấn mạnh khả năng có thể trù dập được cái ác mà hướng đến việc dò thấu cái ác, tìm biết sự hiểm nguy của cái ác. Nina tượng trưng cho cái ác diễn ra trong toàn bộ khát vọng chế ngự nỗi hoang mang, lo sợ mà cá nhân nào cũng có thể vấp phải, ngay cả với những người mà nhu cầu thiên lương được coi như mục đích sống. Khi để thiên nga đen cất cánh trên sân khấu, ta hiểu rằng sự đảo lộn giá trị chỉ là một ngụ ý cho phần bóng tối của thiên nga trắng, và gợi nhớ câu nói tưởng chừng đã cũ kĩ nhưng vẫn dễ đúng với nhiều trường hợp: con người luôn có kẻ khác của chính mình. Tính chất nhị trùng [doublement] mà F. Dostoevsky từng xây dựng trong tiểu thuyết Người kép [The Double] nay đã là ngưỡng đến trong Thiên nga đen, biểu lộ những tiếng nói đồng thuận khi cho rằng sự phức tạp trong tâm lí con người là tự đa bội, tự lũy thừa mình lên đến mức không thể kiểm soát và phán xét một cách thờ ơ, phiến diện.

Pha lẫn những tiết điệu kịch tính sân khấu và màu sắc siêu thực của thể loại phim tâm lí kì dị, nghệ thuật điện ảnh Thiên nga đen cũng đã có một tính cách nhị trùng.  Nó thể hiện ở sự mực thước trong hai màu đen trắng đối lập trên sân khấu, với khuôn hình cứng, vuông vắn; vừa táo bạo, đa sắc màu trong đời thường với khuôn hình động, cảm giác không gian sâu hút, sợ hãi. Máy quay cũng không ngần ngại di chuyển và đặc tả từng vết thương, sự hoảng loạn của nhân vật trước khi thanh thoát trong từng khuôn hình thu từng động tác ballet mềm mại trên sân khấu. Ranh giới giữa ảo – thực [như cảnh Nina và Lily làm tình, cảnh Nina giết Lily] cũng được xử lí mờ nhòe vì khả năng cắt dựng tỉ mỉ, gói ghém để tạo bất ngờ. Điều đáng nói ở đây là ảo giác của nhân vật có thể đem lại những phá cách thể loại, cho phép nó hấp thụ ít nhiều phong cách siêu thực từng là đỉnh cao trước đây. Những bức tranh cất tiếng nói, ống xương cẳng chân xoay tròn và toàn thân Nina mọc lông vũ là một vài điểm nhấn tạo thành sự khác biệt đối với kênh tiếp nhận thông thường khi xem một bộ phim tâm lí thuần túy.

Bởi vậy, điều đọng lại sau cùng ấy là, khi đặt ra và giải quyết một ý niệm về thiên nga đen, bộ phim chủ động phá vỡ những ngăn cách vẫn tồn tại giữa đời thực và sân khấu, giữa vai diễn và con người đời thường. Phá vỡ điều đó tức là để hiểu và biết con người rõ hơn, bổ sung không ngừng những tiêu chí nhân văn mà nghệ thuật được coi là lĩnh vực đảm đương hàng đầu.

[Đã đăng ở Tuổi Trẻ]

Video liên quan

Chủ Đề