Nghị luận về sức mạnh của ngôn từ

Ngôn ngữ là một trong những tiến bộ vượt bậc nhất của con người so với các loài vật khác. Chúng ta có thể thấu hiểu, hành động, suy nghĩ thông qua những con chữ tưởng chừng như vô giác, vô tri. Tuy nhiên, dẫu là sản phẩm tạo ra từ bộ não con người, ngôn từ vốn rất khó để kiểm soát, đồng thời cũng ẩn chứa sức mạnh to lớn vô cùng. Tất cả điều ấy sẽ được làm rõ trong Sức mạnh của ngôn từ, quyển sách do Shin Dohyeon - Yun Naru đồng chắp bút.

Về bộ đôi tác giả Shin Dohyeon - Yun Naru

Phong cách sáng tác, giọng văn vốn được xem như dấu nhấn riêng của tác giả, đại diện cho góc nhìn của họ đối với thế giới. Việc phải nhún nhường, lược bớt phần “tôi” thường rất khó khăn. Chính vì thế, ngoại trừ những chủ đề học thuật vốn được chia sẵn thành nhiều phần riêng rẽ, hiếm khi nào các tác giả cùng chắp bút để nói về quan điểm chung trong một quyển sách. Thế nhưng, ở đây, bộ đôi tác giả Shin Dohyeon và Yun Naru đã làm rất tốt điều ấy. 

Shin Dohyeon là tác giả chuyên viết về lĩnh vực Nhân văn học. Ông học chuyên ngành Triết học, vừa học vừa viết sách. Thuở đi học, Shin Dohyeon đã đặt cho ông cái tên “người gỗ”, mong rằng ông sẽ có một cuộc sống chân thật và giản dị như một cái cây, yêu bản thân và thế giới. Các tác phẩm của ông gồm có Sức mạnh của ngôn từ và Câu văn yêu thích của Joseon.

Yun Naru đang dạy môn Ngữ văn tại một trường trung học phổ thông tại Seoul. Vì muốn viết những tác phẩm bày tỏ suy nghĩ của bản thân nên bà đã tập trung nghiên cứu Nhân văn học, bao gồm cả Triết học. Đây là nền tảng cho quá trình tìm kiếm điểm chung cũng như hợp tác sáng tác của Yun Naru và Shin Dohyeon. Cuối cùng, Sức mạnh của ngôn từ chính là kết quả của quá trình đó. 

“Sau này tôi sẽ tiếp tục học tập để viết những tác phẩm mới và sâu sắc mà không bị ràng buộc bởi suy nghĩ của người khác.” - Yun Naru.

Sức mạnh của ngôn từ - Ánh sáng xua tan đi nhiều hơn bóng tối

Xuyên suốt Sức mạnh của ngôn từ, hai tác giả đã cùng thống nhất một thông điệp chính, đóng vai trò như sợi chỉ đỏ xâu chuỗi toàn bộ nội dung trong quyển sách lại với nhau.

Ánh sáng có thể xóa đi hàng ngàn năm bóng tối (Nhất đăng năng trừ thiên niên ám). Ngay cả những hang động xa xôi chưa từng có ánh mặt trời cũng có thể được thắp sáng bằng một chiếc đèn nhỏ. Sức mạnh của ngôn từ cũng như chiếc đèn này vậy. Một lời nói thật lòng có thể chữa lành vết thương của người khác.

Dựa theo đó, Sức mạnh của ngôn từ hướng dẫn tám bước để cải thiện kỹ năng ăn nói và dùng ví dụ ngoài đời sống để chứng minh cách áp dụng các kỹ năng đó. Những nội dung này tương đương với chín chương sách, lần lượt là Rèn luyện, Quan điểm, Trí tuệ, Sáng tạo, Lắng nghe, Câu hỏi, Phương pháp đối thoại, Tự do và Thực tiễn. Quyển sách không chỉ giúp bạn xem xét lại ngôn ngữ mình thường sử dụng mà còn tạo động lực thúc đẩy bạn rèn luyện bản thân và làm chủ cảm xúc. Nói ngắn gọn hơn, Sức mạnh của ngôn từ gần giống với một biện pháp chữa lành tâm lý hơn là tính hướng dẫn, học thuật.

Nghị luận về sức mạnh của ngôn từ

“Một chiếc bát góc cạnh thì nước bên trong cũng không phẳng lặng”

Câu nói được đặt ngay trong phần mở đầu Sức mạnh của ngôn từ xuất phát từ Tuân Tử (298 - 238 TCN), triết gia thời Chiến Quốc. Dù kế thừa học thuyết của Khổng tử nhưng học thuyết của ông bị coi là tà giáo vì mang tư tưởng “Nhân chi sơ, tính bản ác.” - Tin rằng mỗi con người sinh ra đều có phần tối tăm trong mình. Ông ủng hộ một nền chính trị tuân thủ những chuẩn mực về đạo đức.

Ở đây, hai tác giả ví mỗi người sẽ có cho riêng mình một “chiếc bát ngôn từ”. Tùy thuộc vào bản tính tốt, xấu, phần nước mà chiếc bát đó đựng sẽ đầy, vơi, tròn, méo khác nhau. Vì thế, nếu bạn muốn nói ra lời hay ý đẹp, trước hết phải chắc chắn rằng mình đủ sâu sắc và hiểu biết. Ngược lại, trong trường hợp bạn đam mê sự ngông cuồng, phóng khoáng, đầu tiên cần có sẵn những tính cách ấy trong người. Sự hình dung này của Shin Dohyeon và Yun Naru khiến người đọc dễ liên tưởng đến “căn phòng gương”. Thế giới tác động đến con người, chúng ta phản ánh lại thế giới. Hoàn cảnh cuộc sống và bối cảnh cá nhân ảnh hưởng tư duy nhận thức, lời ăn tiếng nói sẽ đại diện cho toàn bộ quá trình ấy. Do đó, con người càng trưởng thành, “chiếc bát ngôn từ” càng lớn, hình dáng cũng dần cố định lại. Bởi lẽ, khi chúng ta già đi, tại một độ tuổi nhất định, những suy nghĩ, quan điểm, tính cách đã ăn sâu bám rễ trong tư tưởng, tâm hồn, kể cả có xấu xa cũng không thể “nhổ” chúng ra được nữa.

Trên thực tế, nhiều người trong xã hội không coi ngôn từ là một thứ quan trọng. Chúng ta vẫn hay thường nghe những câu như “Lời nói gió bay”, “Lời nói chẳng mất tiền mua”. Quả thực, đứng trên góc nhìn cá nhân, chúng ta thường cảm thấy khó khăn trong việc thấu hiểu cảm xúc của người khác hoặc thậm chí là cố tình phớt lờ đi. Điều này thực ra rất dễ hiểu. Nhịp sống nhanh của xã hội hiện đại đã vô tình buộc con người phải lướt qua nhau nhanh chóng. Ngay cả trên các trang mạng xã hội, lượng tin tức cũng liên tục cập nhật từng giây, bảng tin thay đổi mỗi lần ta nhấn refresh. Vậy nên, lời nói, vài từ ngắn ngủi, không đáng để đặt quá nhiều sự quan tâm.

Trong Sức mạnh của ngôn từ, theo đúng tiêu đề đặt ra, Shin Dohyeon và Yun Naru đã chứng minh rằng lời nói ra có sự tác động mạnh mẽ hơn bạn tưởng. Tôi đồng ý với điều này. Khả năng tổn hại cho tinh thần, song song đó là khả năng chữa lành của ngôn từ vô cùng lớn lao. Các anh hùng bàn phím có thể dùng sức ép dư luận và bình luận chỉ trích gây ra các bệnh tâm lý, xa hơn là tự tử, cho người đọc được. Đồng thời, chỉ bằng một câu an ủi, vài lời sẻ chia, chúng ta giúp được đối phương tin vào khía cạnh tốt đẹp của cuộc sống. 

Nghị luận về sức mạnh của ngôn từ

Vậy làm thế nào để điều khiển ngôn từ cho hợp lý? Đầu tiên, chúng ta cần sống “thật”. Bộ đôi tác giả tin tưởng, nếu bạn chấp nhận cả hai khía cạnh tốt - xấu của mình thì sẽ dễ dàng xây dựng “chiếc bát ngôn từ” hơn. Không vỏ bọc, mặt nạ nào tồn tại vĩnh viễn cả, khoảnh khắc chúng bị bóc tách ra sớm muộn cũng đến, ấy là khi bạn chẳng thể nhẫn nại lâu được nữa. Chi bằng cố gắng tạo dựng ra những điều hư ảo, hãy nghiêm túc nhìn lại trọn vẹn bản thân, thấy rõ ưu khuyết điểm của mình. Từ đó, chúng ta mới tìm ra cách khắc phục hay phương pháp rèn luyện đúng đắn.

Xã hội phân chia cuộc sống của từng người, thậm chí cơ thể họ, thành bình thường và bất thường. Có thể do họ được coi như sản phẩm. Để vượt qua định kiến xã hội này, chúng ta phải cố gắng xem cuộc sống là một tác phẩm. Bằng cách đó, bạn có thể chấp nhận “phần yếu kém” của bản thân mà mình từng cho là bất thường hay bất lợi. Có như vậy, con đường để bạn thấu hiểu và yêu thương chính mình mới mở ra. Hơn nữa, nếu bạn có thể xem cả cuộc đời của người khác là công việc, khác biệt giữa tôi và người khác tại thời điểm đó sẽ không còn là trở ngại. Thay vì vấp ngã, bạn trở nên khác biệt và tỏa sáng hơn.

Và chúng ta phải biết phản biện lại nữa. Có thể đơn giản bằng những câu hỏi hoặc cao hơn là một cuộc tranh luận. Tại sao? Bởi “chiếc bát ngôn từ” là của chúng ta. Do đó, con người không nên để bất kỳ ai khác nắn bóp, thay đổi, thậm chí đập vỡ chiếc bát ấy. Nếu điều bạn đang tin tưởng là đúng đắn, hãy dũng cảm bảo vệ nó đến cùng. Nếu trớ trêu thay bạn đặt niềm tin nhầm chỗ, vậy cũng cần giải thích cho sai lầm của mình thật nghiêm túc và kỹ lưỡng. 

Khi đối phương làm trái nguyên tắc và nói những lời không thể dự đoán, đừng để bị cuốn theo mà hãy dùng chính nguyên tắc để phản hồi. Tương tự, khi ai đó dùng lý lẽ vô nghĩa để kích động, hãy cứ bình tĩnh trả lời.

Chiến tranh rõ ràng phải có sinh tử để thắng bại nên bên cạnh tấn công trực diện, việc sử dụng mưu mẹo là hiển nhiên. Nhưng đối thoại không phải để phân thắng bại nên không cần khát khao chiến thắng và nói những điều trái với lẽ sống.

Nhưng nếu sống như thế, lời nói đôi khi sẽ nhận tác động ít nhiều từ cảm xúc hiện có. Đây là lý do dẫn đến luận điểm lớn thứ hai trong Sức mạnh của ngôn từ.

Làm chủ cảm xúc để làm gì?

Trước hết, hai tác giả bày tỏ quan điểm của mình về cụm từ “làm chủ cảm xúc” như sau:

Làm chủ cảm xúc là biết cách điều chỉnh cảm xúc sao cho phù hợp.

Làm chủ cảm xúc giúp hạn chế những lời nói mang tính khiêu khích, chọc giận, u uất. Chỉ khi đó mới có thể tự bảo vệ mình và không tổn thương người khác.

Chúng ta thường nuông chiều cảm xúc của bản thân. Điều này không xấu. Ngược lại, sống quá khắc chế sẽ càng làm tâm lý bức bối, khó chịu hơn. Nhưng không phải lúc nào nuông chiều cảm xúc cũng đúng. Tiếp nối ví dụ ở trên, sự tự do ngôn từ trên các trang mạng xã hội là một minh chứng điển hình cho việc cảm xúc không được kiểm soát đàng hoàng. Cách nhau một cái màn hình, cư dân mạng tự cho mình quyền thoải mái thể hiện cảm xúc. Thế nên, trong những cuộc cãi nhau, chửi bới nhau trên mạng, thay vì cố gắng bảo vệ quan điểm của mình, nhiều người đã đi xa hơn. Họ muốn đối phương thấy tồi tệ và nhục nhã mà không hay biết rằng mình đã đặt xuống sự tự trọng từ bao giờ.

Đối với Shin Dohyeon và Yun Nura, làm chủ cảm xúc hay giữ vững sự tự trọng trước hết là bạn đang yêu thương bản thân mình, tiếp theo là thể hiện sự đáng tin cậy và tấm lòng rộng lượng đối với thế giới. Ở đây, chúng ta tìm ra được ẩn ý bao hàm toàn bộ quyển sách này: Mọi thứ đều nên xuất phát từ lòng yêu thương.

Nghị luận về sức mạnh của ngôn từ

Yêu thương ở đây bao hàm sự tôn trọng, quan tâm và sẵn sàng hy sinh. Ta yêu thương bản thân, tức ta có lòng tự trọng vẹn nguyên không đổi; hiểu được vị thế mình đang ở đâu; làm chủ cuộc sống chính mình; quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần bản thân; cuối cùng là chấp nhận bỏ đi những phần không tốt để trở nên tốt đẹp hơn.

Mọi thứ đều như vậy. Ai không thể yêu bản thân thì không thể yêu người khác, ai không nhận ra được giá trị chính mình thì không thể hiểu được giá trị của người khác. Đó là lí do mà quá trình học cách giao tiếp phải bắt đầu từ việc thấu hiểu và yêu thương chính mình.

Ta yêu thương thế giới xung quanh, đồng nghĩa với việc thấu hiểu cho đối phương trong từng hành động; đặt đối phương ở vị trí họ xứng đáng có được mà đối đãi; không ngại ngần nhường nhịn, áp chế cái tôi trước đối phương vì mục đích chung. 

Muốn nhận lại, trước tiên phải biết cho đi. Biết lắng nghe thì mới có được lời nói và trái tim đối phương. Họ sẽ nói nhiều như bạn lắng nghe. Bạn chuyên tâm, họ sẽ thực lòng trò chuyện với bạn. Bạn chân thành lắng nghe, đối phương sẽ chân thành trò chuyện.

Bạn nghĩ lắng nghe là điều dễ dàng nhưng thực ra thì không. Lắng nghe cũng cần nỗ lực.

Động lực làm chủ cảm xúc và rèn luyện bản thân, suy cho cùng cũng bắt nguồn từ sự yêu thương như thế đó.

Lời kết - Nhiều hơn là một cuốn sách mua vì thần tượng

Thực ra, Sức mạnh của ngôn từ vốn không phải best-seller hay được đầu tư cao. Doanh thu rất bình thường vào những ngày đầu xuất bản. Quyển sách ra mắt năm 2018 nhưng mãi đến đầu năm 2019, qua một bức ảnh chụp ca sĩ V của nhóm nhạc nổi tiếng toàn cầu BTS tại sân bay, Sức mạnh của ngôn từ mới bắt đầu được người hâm mộ của nam thần tượng săn lùng, dần có sức nóng hơn. Cũng vì độ ảnh hưởng của V, quyển sách mới được dịch và xuất bản tại Việt Nam.

Nhưng Sức mạnh của ngôn từ chứa đựng nhiều hơn là một cuốn sách mua vì thần tượng. Quyển sách là những bài học thực tế nhưng không kém phần triết lý, tập trung hoàn toàn vào việc thay đổi ngôn ngữ hay thậm chí thay đổi con người, giúp chúng ta trở nên tốt đẹp và khôn khéo hơn. Shin Dohyeon và Yun Naru đã tạo ra một người bạn đồng hành, không chỉ dừng ở các giao tiếp thường ngày mà còn giúp cải thiện toàn bộ xã hội. Quyển sách với những lời lẽ đầy hòa nhã và dịu dàng sẽ là một liệu pháp “chữa lành” cho những tâm hồn bị tổn thương, đồng thời cũng trở thành một nguồn sức mạnh to lớn cho ai muốn cải thiện bản thân mình. Trong thời gian dài cách ly do tác động của dịch bệnh hay trong cuộc sống đời thường, bất kỳ khi nào bạn cảm thấy mệt mỏi và muốn buông xuôi, hãy thử đọc Sức mạnh của ngôn từ nhé!

Nghị luận về sức mạnh của ngôn từ
Nghị luận về sức mạnh của ngôn từ

----------------------------------------------------------

Tác giả: Quỳnh Giao - Bookademy

------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan toả văn hoá đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

18,147 người xem