Nghiên cứu tác hại của thuốc lá

Như chúng ta đã biết, trong khói thuốc lá có đến 7.000 chất độc hóa học, trong đó phần lớn đều là các chất độc hại, dù là hút thuốc lá trực tiếp hay hút thuốc lá thụ động do hít phải khói thuốc từ môi trường xung quanh, đều có những ảnh hưởng đến sức khỏe, càng về lâu về dài mức độ ảnh hưởng sẽ càng tăng lên, chính vì vậy, có thể nói hút thuốc lá chính là kẻ thủ của sức khỏe.

Nghiên cứu tác hại của thuốc lá

Khói thuốc lá gây ra nhiều bệnh nguy hiểm ở người

Nói về tác hại của thuốc là, nguy hiểm nhất là tác động lên tim, phổi. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, hút thuốc là là nguyên nhân chính gây ra khoảng 25 căn bệnh khác nhau cho người hút thuốc. Trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và những ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh sản.

Ở người hút thuốc lá, thường bị suy yếu chức năng niêm mạc phế quản hơn người không hút thuốc, do đó tác động từ khói thuốc hay từ  môi trường ô nhiễm gây ra các bệnh về đường hô hấp sẽ cao hơn khoảng 10 lần so với người không hút thuốc. Đồng thời cũng rất dễ dẫn đến viêm phổi tắc nghẽn mãn tính và ung thư phổi. Mức độ nguy cơ mắc bệnh phụ thuộc vào thời gian và số lượng sử dụng thuốc. Hút thuốc càng nhiều, thời gian càng dài thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Theo thống kê cũng đã cho thấy có tới 90% bệnh nhân mắc ung thư phổi, lao phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có liên quan đến thuốc lá.

Hiện nay, tình trạng sử dụng thuốc lá của thanh thiếu niên còn ở mức cao, do sự tò mò, đua đòi, thể hiện bản thân mình trước người khác mà chưa hình dung ra hết được mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của thuốc lá đối với sức khỏe. Chủng loại thuốc lá mà thanh thiếu niên thường hay sử dụng là thuốc lào, thuốc lá nung và thuốc lá điện tử. Trong khi đó, đối với thuốc lá điện tử mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe càng nghiêm trọng hơn do sử dụng bằng hóa chất trực tiếp. Ngoài ra các loại hóa chất sử dụng trong thuốc lá điện tử cũng rất dễ bị hòa trộn thêm các chất gây nghiện làm cho người sử dụng nhanh chóng lệ thuộc vào thuốc.

Đối với thanh thiếu niên, ngoài ảnh hưởng đến đường hô hấp và dễ mắc các bệnh vệ tim phổi, còn có những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe sinh sản. Hút thuốc lá có thể dẫn đến suy giảm khả năng sinh sản ở cả nam và nữ. Với nam giới, hút thuốc lá có thể làm giảm số lượng và sức khỏe của tinh trùng dẫn đến giảm khả năng thụ thai. Với nữ giới, hút thuốc lá khiến cho trứng khó di chuyển qua vòi trứng để vào tử cung, dẫn đến tổn thương AND trong trứng do đó tỷ lệ thụ thai giảm. Khi đã thụ thai cũng rất dễ dẫn đến sảy thai, thai nhi kém phát triển cả thể chất và trí tuệ.

Ngoài vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe, người sử dụng thuốc lá cũng tốn kém về kinh tế cho việc sử dụng thuốc và điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá. Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm số tiền bỏ ra mua thuốc lá trong cả nước lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Số tiền chi phí điều trị chỉ 5 trong tổng số 25 nhóm bệnh thường gặp ở người hút thuốc lá cũng lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đó là còn chưa kể đến những tổn thất về kinh tế và sức khỏe vì sử dụng thuốc lá mà dẫn đến suy giảm hoặc mất khả năng lao động.

Để chủ động phòng chống tác hại của thuốc lá, không còn cách nào khác là từ bỏ thuốc lá. Khi bắt buộc phải hút thuốc thì không nên hút tại nơi công cộng, trong nhà hay phòng làm việc vì khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí hay ám mùi vào các đồ dùng, vật dụng xung quanh, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của những người xung quanh.

Đối với những người đã sử dụng thuốc lá lâu dài, thường khó bỏ hơn so với người mới sử dụng. Việc từ bỏ thuốc lá cần lên kế hoạch, chuẩn bị tâm lý và thực hiện theo từng bước. Từ việc giảm dần số lượng thuốc là sử dụng trong ngày cho đến khi ngừng hẳn, hạn chế những tác động quá mức tới cơ thể khiến cho người sử dụng thuốc lá không kiểm soát được mà quay lại sử dụng thuốc lá như ban đầu. Mỗi lần quay lại sử dụng thuốc lá như ban đầu thì mức độ sử dụng thuốc càng nhiều hơn và việc từ bỏ thuốc lá lại càng khó khăn hơn.

Để việc từ bỏ thuốc lá tăng thêm phần hiệu quả, rất cần sự quan tâm động viên của những người thân trong gia đình. Trong những lúc thèm thuốc, những lời khích lệ của người thân trong gia đình, đặc biệt là con trẻ sẽ là liều thuốc tốt nhất để người hút thuốc tiếp tục duy trì quá trình từ bỏ thuốc lá của mình để đi đến thành công.

Hãy nói không với thuốc lá để bảo vệ sức khỏe chính mình và gia đình.

Minh Mạnh – TT KSBT