Nổi danh dốt đặc cán mai; mà sao có sách ở ngay trong lòng. là con gì?

30 tháng 6 2022

Chụp lại hình ảnh,

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 8 của Đảng Cộng sản Việt Nam, 50 cán bộ diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nói về tham nhũng trong bối cảnh nhiều quan chức cấp cao trong Đảng bị kỷ luật, khởi tố, tạm giam, trong Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực.

Nói tại hội nghị sáng 30/6, ông Nguyễn Phú Trọng trích Truyện Kiều để nói về việc chống tham nhũng trong Đảng.

"Cha ông ta đã dạy: "Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài; có tài mà cậy chi tài; chữ "tài" liền với chữ "tai" một vần!". Tránh tình trạng "chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người"; "thượng bất chính thì hạ tắc loạn!"; "cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!", báo Tuổi Trẻ trích bài phát biểu của ông Trọng.

Ông Trọng nói công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã "trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược".

Tuy nhiên, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nói rằng đấu tranh chống tham nhũng không phải là đấu đá nội bộ, phe cánh.

Chụp lại hình ảnh,

TBT Nguyễn Phú Trọng nổi tiếng với các câu nóng đánh động dư luận về nạn tham nhũng

"Chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là đấu đá nội bộ, phe cánh," ông Trọng khẳng định.

Người đứng đầu Đảng cũng nhắc lại các khẩu hiệu trong suốt chiến dịch chống tham nhũng của mình là "kiên quyết, không khoan nhượng, quyết liệt".

"Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dịch quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Nói phải 'nhốt' quyền lực vào trong 'lồng' cơ chế là với ý nghĩa như vậy", ông Trọng nói.

Ông nói chống tham nhũng là chống giặc nội xâm, tức là chống thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền tài, của cải, vật chát do người khác biếu xén, cho tặng, hối lộ với động cơ không trong sáng.

Ông Trọng nói để làm được việc đó phải xây dựng được một cơ chế "không thể tham nhũng', một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng", một cơ chế bảo đẩm để "không cần tham nhũng".

Trước đó, ông cũng đưa ra "lý luận về phòng chống tham nhũng", đó là kỷ luật, khai trừ Đảng trước rồi đến xử lý hành chính, hình sự. Điều này lý giải vì sao tại Việt Nam, khi một quan chức bị khai trừ Đảng, người dân hiểu rằng vụ án có dấu hiệu hình sự và quan chức bị khai trừ sẽ bị khởi tố.

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

170 cán bộ cấp cao do Trung ương quản lý bị kỷ luật

Báo cáo của Ban Nội chính Trung ương cho thấy từ 2012-2022, có hơn 7.390 đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam bị kỷ luật do tham nhũng.

Đặc biệt, 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý bị kỷ luật. Trong đó có 33 uỷ viên, nguyên uỷ viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, 50 cán bộ diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, trong đó có 8 uỷ viên, nguyên uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Ông Nguyễn Thành Long và Chu Ngọc Anh là hai uỷ viên trung ương mới nhất bị kỷ luật, khởi tố và tạm giam để điều tra về sai phạm liên quan đại án Việt Á.

Hàng loạt lãnh đạo CDC và Sở Y tế ở các tỉnh thành từ bắc vào nam cũng vướng lao lý với cùng tội danh nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á để hưởng hàng tỷ đồng tiền hoa hồng.

Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích từ lâu cho rằng việc kỷ luật một số lượng cán bộ khó giải quyết căn nguyên tiêu cực, tham nhũng ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang A, sống ở Hà Nội, nói với BBC năm 2019: "Bản thân bộ máy này đẻ ra tham nhũng, hay nói là cái lò này là lò đẻ ra tham nhũng thì phải vứt cái lò đẻ ra tham nhũng này đi, chứ không phải là đốt những kẻ tham nhũng, bởi vì không bao giờ đốt hết được cả, hết tên này thì nó sẽ sinh ra tên khác."

Trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 23/6 tại Hà Nội, ông Nguyễn Phú Trọng nói việc kỷ luật nhằm mục đích khiến các đương sự nhận ra sai sót, khuyết điểm đồng thời làm bài học răn đe, cảnh tỉnh người khác đừng đi vào vết xe đổ.

"Không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ đã nói, phải cắt bỏ một cành cây sâu mọt để cứu cả cây", ông Trọng nói trước cử tri.

Chủ Đề