Quy trình xử lý ổ dịch sốt xuất huyết

Quy trình xử lý ổ dịch sốt xuất huyết

SKĐS - Ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) được xác định khi tại tổ dân phố, khu phố, xóm, ấp, thôn, bản, cụm dân cư hoặc địa bàn tương đương có các ca bệnh SXH lâm sàng xảy ra trong vòng 7 ngày...

Ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) được xác định khi tại tổ dân phố, khu phố, xóm, ấp, thôn, bản, cụm dân cư hoặc địa bàn tương đương có các ca bệnh SXH lâm sàng xảy ra trong vòng 7 ngày hoặc một ca bệnh SXH được chẩn đoán xác định dương tính trong phòng xét nghiệm; đồng thời phát hiện có bọ gậy, lăng quăng muỗi truyền bệnh Aedes aegypti hoặc Aedes albopictus trong phạm vi bán kính khoảng 200m.

Xử lý ổ dịch tại địa bàn

Tại địa bàn cơ sở khi phát hiện có ổ dịch SXH thì phải xử lý ngay các biện pháp can thiệp cần thiết theo đúng quy định. Lưu ý ổ dịch SXH chỉ được xác định chấm dứt khi không có ca bệnh nào mới phát hiện trong vòng 14 ngày kể từ ngày khởi phát ca bệnh cuối cùng. Xử lý ổ dịch SXH phải được triển khai thực hiện với các biện pháp tổ chức điều trị bệnh nhân, xử lý sớm ổ dịch bằng việc phun hóa chất diệt muỗi; đồng thời giám sát bệnh nhân và muỗi truyền bệnh, truyền thông giáo dục sức khỏe và huy động cộng đồng tham gia, tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy và lăng quăng muỗi truyền bệnh.

Quy trình xử lý ổ dịch sốt xuất huyết

Xử lý ổ dịch SXH phải triển khai trong vòng 48 giờ kể từ khi xác định ổ dịch (ảnh minh họa).

Tổ chức điều trị bệnh nhân được tiến hành theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH Dengue đã được Bộ Y tế ban hành. Xử lý sớm ổ dịch SXH Dengue tùy theo quy mô của ổ dịch, nếu có một ổ dịch phải xử lý khu vực với phạm vi bán kính 200m kể từ nhà bệnh nhân, trường hợp có từ 3 ổ dịch trở lên tại một tổ dân phố, thôn, bản, ấp hay địa bàn tương đương trong vòng 14 ngày thì phải xử lý theo quy mô tổ dân phố, thôn, bản, ấp và có thể mở rộng khi dịch lan rộng; thời gian xử lý ổ dịch phải được triển khai trong vòng 48 giờ kể từ khi ổ dịch được xác định. Biện pháp phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh được thực hiện với đội phun hóa chất được thành lập căn cứ vào mức độ và quy mô xử lý ổ dịch tại địa phương, bố trí các đội phun hóa chất với máy phun đeo vai hoặc máy phun sương cỡ lớn đặt trên xe ôtô một cách phù hợp. Nếu thành lập đội máy phun hóa chất đeo vai, phải có đủ 3 máy phun còn sử dụng tốt, trong đó có 1 máy dự trữ; mỗi máy phun gồm có 3 người gồm 2 người thay phiên nhau mang máy phun để phun hóa chất và 1 nhân viên hướng dẫn, giám sát kỹ thuật phun. Trường hợp thành lập đội máy phun hóa chất cỡ lớn đặt trên xe ôtô thì mỗi máy phun cũng có 3 người gồm 1 nhân viên lái xe, 1 nhân viên điều khiển máy phun và 1 nhân viên kỹ thuật. Ngoài ra còn cần có các thành phần khác cùng tham gia như cán bộ chính quyền địa phương, cán bộ tuyên truyền, người hướng dẫn đường, cộng tác viên... Lưu ý nhân viên phụ trách kỹ thuật pha và phun hóa chất phải được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật kỹ trước khi tiến hành biện pháp. Việc sử dụng hóa chất diệt muỗi phải áp dụng theo đúng quy định của Bộ Y tế trong danh mục hóa chất được cho phép, đồng thời cũng cần xác định phạm vi, số lượng hóa chất cần dùng, bảo đảm nồng độ hóa chất phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Cách phun thuốc tại ổ dịch và vùng lân cận

Một vấn đề không kém phần quan trọng là phải chuẩn bị thực địa xử lý ổ dịch bằng bản đồ của khu vực phun, đường đi để phun phải được nghiên cứu kỹ và phân chia cho phù hợp với hướng gió và khoảng cách giữa các đường đi; chính quyền địa phương cần chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tham gia diệt bọ gậy, lăng quăng muỗi truyền bệnh tại từng hộ gia đình trong khu vực được xử lý hóa chất; phải thông báo trước cho dân cư ở khu vực phun hóa chất biết ngày phun, giờ phun hóa chất để che đậy thức ăn, nước uống; dập tắt bếp lửa và di chuyển động vật nuôi đến nơi an toàn... trước khi phun hóa chất; hướng dẫn người dân mở cửa ra vào và cửa sổ nhà ở khi phun hóa chất bằng máy phun cỡ lớn đặt trên xe ôtô, mở cửa ra vào và đóng cửa sổ nhà ở khi phun bằng máy phun hóa chất đeo vai. Thời gian phun tốt nhất là nên tiến hành vào buổi sáng sớm từ 6 - 9 giờ hoặc chiều tối 17 - 20 giờ; nhiệt độ môi trường phù hợp nhất để phun hóa chất là từ 18 - 25oC, hạn chế phun khi nhiệt độ trên 27oC; lưu ý chỉ phun khi tốc độ gió nhẹ từ 3 - 13km/giờ, không nên phun khi trời mưa hoặc có gió lớn. Khi xử lý ổ dịch, phải phun hóa chất diệt muỗi 2 đợt cách nhau 7 - 10 ngày; có thể tiếp tục phun đợt 3 nếu phát hiện có bệnh nhân SXH mới trong vòng 14 ngày hoặc chỉ số điều tra mật độ muỗi từ 0,2 con/nhà trở lên hoặc chỉ số bọ gậy Breteau từ 20 trở lên.  Sau khi phun hóa chất xong phải súc rửa bình phun, vòi phun và vệ sinh máy phun sạch sẽ bằng nước thường; không được đổ nước rửa máy xuống nguồn nước ao hồ, sông suối, kênh rạch...; đồng thời người đi phun hóa chất xong phải tắm rửa vệ sinh cá nhân, loại trừ hóa chất bám dính trên quần áo, cơ thể; chú ý hóa chất diệt muỗi sau khi pha chỉ được sử dụng trong vòng 72 giờ.

Ngoài ra, một nội dung trong xử lý ổ dịch SXH không thể bỏ qua là phải tiếp tục giám sát bệnh nhân, giám sát muỗi Aedes aegypti, Aedes albopictus truyền bệnh SXH trước và sau khi phun hóa chất diệt muỗi, phải truyền thông giáo dục sức khỏe và huy động cộng đồng hưởng ứng, tham gia các biện pháp nhất là chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng muỗi truyền bệnh để phòng chống bệnh SXH.