Samsung thâm nhập thị trường Việt Nam

Hàng loạt dự án tỷ đô của Tập đoàn Điện tử Samsung (Hàn Quốc) đã đưa Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới.

Chỉ trong năm nay, Samsung đã rót thêm 5,4 tỷ USD vào Việt Nam, nâng tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp (DN) này lên hơn 11 tỷ USD và trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điểm đáng lưu ý là trong danh sách các dự án tỷ đô được cấp phép năm 2014, Samsung chiếm đến 3 dự án với tổng vốn 5,4 tỷ USD trong tổng số 17,33 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam.

Hàng loạt dự án tỷ đô

Ba dự án của Samsung được nhắc đến gồm dự án tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (giai đoạn 2 - SEVT2), do công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên làm chủ đầu tư, đặt tại KCN Yên Bình I, tổng vốn đăng ký 3 tỷ USD. Dự án công ty TNHH Điện tử Samsung CE Complex (SECC) do nhà đầu tư Samsung Asia Pte.Ltd - Singapore đầu tư tại TP.HCM trị giá 1,4 tỷ USD . Cuối cùng là dự án có tên gọi Samsung Display ở Bắc Ninh có vốn đăng ký 1 tỷ USD .

Samsung thâm nhập thị trường Việt Nam

Việc Samsung vào Việt Nam đã giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu trong số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung ở Bắc Ninh. Ảnh: Linh Anh

Trong đó, dự án 3 tỷ USD tại Thái Nguyên được xây dựng trên diện tích hơn 70 ha, thời gian hoạt động đến tháng 5/2062, dự kiến sử dụng khoảng 30.000 lao động. Tại TP.HCM, Samsung cũng đang gấp rút triển khai dự án 1,4 tỷ USD trong Khu Công nghệ cao để nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm, thiết bị điện tử gia dụng công nghệ cao. Đây là dự án nối tiếp của công ty TNHH Samsung Vina (Savina) sau khi giấy phép liên doanh của Savina hết hạn nhưng có quy mô lớn hơn nhiều và hướng đến thị trường toàn cầu.

Việc Samsung liên tiếp triển khai các dự án lớn đang giúp Việt Nam ghi rõ dấu ấn trên bản đồ thế giới về sản xuất và cung ứng các sản phẩm điện tử, di động. Việt Nam đã trở thành mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung. Năm 2013, chỉ tính riêng dự án Samsung Vietnam Electronics (SEV) ở Bắc Ninh đã đem về kim ngạch xuất khẩu hơn 23 tỷ USD, góp phần giúp Việt Nam xuất siêu.

Thâm nhập bằng con đường liên doanh

Năm 2013, chỉ tính riêng dự án Samsung Vietnam Electronics (SEV) ở Bắc Ninh đã đem về kim ngạch xuất khẩu hơn 23 tỷ USD.

Năm 1994, Samsung bắt đầu bước chân vào Việt Nam bằng việc lập nhà máy liên doanh với doanh nghiệp (DN) trong nước có tên gọi Savina, chuyên sản xuất hàng điện tử, điện lạnh… chủ yếu phục vụ thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Savina, một trong những thành viên của đoàn đàm phán phía Việt Nam với đối tác Samsung để lập liên doanh, nhớ lại: Đó là thời điểm của làn sóng đầu tư thứ nhất trong lĩnh vực điện tử đổ vào Việt Nam. Lúc đó, Việt Nam chuẩn bị tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) nên đã mở cửa kêu gọi đầu tư. Chính sách của Việt Nam là thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhưng phải thành lập liên doanh giữa DN nước ngoài và DN bản địa, tạo nền tảng cho nền công nghiệp trong nước bám vào để phát triển.

“Chính sách chủ yếu là dùng hàng rào thuế quan hạn chế nhập khẩu, khuyến khích xuất khẩu. Khi đó, các công ty nước ngoài muốn thâm nhập thị trường Việt Nam phải xây nhà máy sản xuất vì nếu chỉ hoạt động thương mại thì hàng rào thuế quan sẽ rất cao”, ông Đạo nói. Các DN khi đó thành lập trên nguyên tắc góp vốn theo hình thức 7/3, trong đó DN nước ngoài góp 70% vốn. Với ngành điện tử, vốn góp của DN trong nước chủ yếu là đất hoặc một vài cơ sở sản xuất nho nhỏ có sẵn.

Samsung thâm nhập thị trường Việt Nam

Liên tục từ năm 1993-1995, hàng loạt công ty liên doanh giữa DN trong nước với DN nước ngoài đến từ Nhật, Hàn Quốc được thành lập. Các “ông lớn” của Nhật gồm Sony, Panasonic, JVC, Toshiba lần lượt lập liên doanh với DN nội địa như Viettronics Tân Bình, Viettronics Thủ Đức... Phía Hàn Quốc, các “đại gia” gồm Samsung, LG, Daewoo cũng lần lượt có mặt và công ty con của Samsung là Savina cũng vào Việt Nam theo hình thức này. Tháng 1/1995, nhà máy sản xuất đầu tiên của Samsung ở Việt Nam đặt tại quận Thủ Đức, TP.HCM chính thức đi vào hoạt động.

Nếu Savina được thành lập từ làn sóng đầu tư thứ nhất thì dự án tiếp theo với 100% vốn ngoại của Samsung là công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) được xem là làn sóng đầu tư điện tử thứ hai ở Việt Nam. Trong khi Savina thời điểm 1994 có vốn đầu tư 11,8 triệu USD thì dự án SEV ở Bắc Ninh tổng mức đầu tư ban đầu lên tới 670 triệu USD (hoạt động từ tháng 10/2009). Đến năm 2012, Samsung nâng tổng mức đầu tư đăng ký SEV lên 2,5 tỷ USD và phát triển thành khu tổ hợp công nghệ cao sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới.

Trong khi các DN Nhật Bản vào Việt Nam với mục đích chiếm lĩnh thị trường nội địa, thời hạn liên doanh là 10 năm (định hướng là sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường theo AFTA vào năm 2006, thuế nhập khẩu sẽ về dưới 5% giúp hoạt động thương mại, nhập khẩu hàng hóa dễ dàng) thì các DN Hàn Quốc, trong đó có Samsung, đều đặn xây nhà máy, thời hạn là 20 năm và không chỉ đơn thuần nhắm đến thị trường nội địa. Ngay khi đặt chân vào, Samsung đã đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng khi gia nhập AFTA và có lộ trình đàm phán WTO nên đã định hướng đầu tư lâu dài. “Nếu chỉ để thâm nhập thị trường nội địa, Samsung chỉ cần thời hạn liên doanh 10 năm, sau đó có thể chuyển sang làm thương mại, nhập khẩu hàng về bán chứ không cần xây mới hoàn toàn”, ông Đạo phân tích.

Thái Phương
Nguồn Người Lao Động

Samsung thâm nhập thị trường Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều ngày 20/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam. Thủ tướng khẳng định quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc  đang tiếp tục phát triển tốt đẹp mà hoạt động hợp tác, đầu tư của Samsung là một minh chứng cụ thể.

Thủ tướng đánh giá cao kết quả hoạt động kinh doanh có hiệu quả của Tập đoàn tại Việt Nam trong bối cảnh khó khăn vừa qua do dịch bệnh, đặc biệt tổng doanh thu trong năm 2021 từ các hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu tăng khoảng 14% so với cùng thời điểm năm 2020, đạt hơn 74 tỷ USD.

Samsung thâm nhập thị trường Việt Nam

Thủ tướng cho biết Chính phủ coi Samsung là một hình mẫu đầu tư thành công tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cũng đánh giá cao việc Samsung coi Việt Nam là cứ điểm toàn cầu với chiến lược đầu tư nghiêm túc, lâu dài, các dự án của Samsung nằm trong số các dự án FDI có tiến độ triển khai nhanh tại Việt Nam và chiếm tỉ trọng lớn trong doanh thu, lợi nhuận của Samsung trên toàn cầu; việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội của Tập đoàn, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và không ngừng tăng tỉ lệ nội địa hóa.

Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam coi Samsung là một hình mẫu đầu tư thành công tại Việt Nam; khẳng định luôn sẵn sàng lắng nghe, đối thoại, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có Samsung tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh, khép kín "chuỗi sản xuất trong lĩnh vực điện, điện tử" (gồm 3 lĩnh vực thế mạnh là thiết bị di động; sản phẩm bán dẫn; điện tử gia dụng) của Tập đoàn tại Việt Nam; sẵn sàng hỗ trợ Samsung tìm kiếm địa điểm phù hợp nhất để đầu tư dự án nhà máy sản xuất pin công nghệ cao.

Samsung thâm nhập thị trường Việt Nam

Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tiếp tục hỗ trợ trên diện rộng để tăng cường năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung và các hoạt động nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cho biết năm 2021, trong lúc chưa có đủ vaccine, thuốc chữa bệnh, chưa hiểu hết về biến chủng mới, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó, năng lực y tế còn hạn chế, Việt Nam bắt buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính trên diện rộng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, làm nhiều hoạt động kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng. Trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, các chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, trong đó có Samsung; Samsung cũng đã tích cực hỗ trợ Việt Nam và thúc đẩy Chính phủ Hàn Quốc cùng các đối tác khác hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống dịch.

Thủ tướng thông báo, Chính phủ vừa phát động Chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa xuân năm 2022, trong đó tập trung vào các đối tượng công nhân trong các khu công nghiệp để quản lý rủi ro tốt hơn, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Samsung thâm nhập thị trường Việt Nam

Hai bên tin tưởng quan hệ hợp tác sẽ tiếp tục đạt được những thành quả, thắng lợi mới trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tiếp tục hỗ trợ trên diện rộng để tăng cường năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung và các hoạt động nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam; tăng nhanh hơn nữa tỉ lệ nội địa hóa; tiếp tục kết nối đưa các doanh nghiệp đối tác đến Việt Nam đầu tư trong bối cảnh dòng vốn FDI trên thế giới đang tái định vị lại chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Thủ tướng nhắc lại mong muốn sớm có người Việt Nam tham gia đội ngũ lãnh đạo cao nhất của Tổ hợp Samsung cũng như tại các nhà máy, cơ sở của Samsung và đề nghị Samsung có chiến lược đào tạo cho việc này.

Ông Choi Joo Ho đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành hiệu quả của Chính phủ, những kết quả phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong năm 2021, nhất là kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng tới 23%. Ông cho biết, nhờ việc chuyển hướng kịp thời của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và các biện pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, Samsung nói riêng, Samsung đã nhanh chóng khắc phục các khó khăn rất lớn do dịch bệnh, xuất khẩu đạt gần 65,5 tỷ USD, tăng 15,8% so với 2020. Ông cũng thông báo về tiến độ các dự án của Samsung tại Việt Nam, khẳng định Trung tâm R&D sẽ được khai trương sớm hơn trong năm 2022, đồng thời nêu một số đề xuất, kiến nghị.

Thủ tướng ghi nhận các ý kiến của Samsung và giao các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Chính phủ để có các giải pháp phù hợp, hài hòa, khẩn trương giải quyết các đề xuất, kiến nghị chính đáng, hợp lý.

Hai bên tin tưởng quan hệ hợp tác sẽ tiếp tục đạt được những thành quả, thắng lợi mới trong năm 2022 và những năm tiếp theo./.

Hà Văn