So sánh 2 nhân vật mị và người vợ nhặt

* giống nhau:

- Số phận:  là những người phụ nữ bất hạnh bị hoàn cảnh khó khăn vùi dập đến nỗi mất đi những nét đẹp của bản thân mình
- Phẩm chất :

+ sức sống tiềm tàng 

+biết lao động và chăm chỉ

*Khác

-Ngoại hình :

+Mị: Mị là một cô gái xinh đẹp “Trai làng đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”

+Vợ Tràng xuất hiện với một chân dung thảm thương. Lần đầu tiên Tràng trông thấy, thị mới chỉ gầy yếu xanh xao (ngồi vêu trước cửa kho thóc). Lần hai, anh ta không nhận ra. Vì đói rách mà chỉ hôm, áo quần rách thị tả tơi như tổ đỉa, gày sọp hẳn đi, trên cái mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt

-Số phận :

+Mị:  Sinh ra trong một gia đình nghèo: cha mẹ lấy nhau không có tiền cưới, phải vay bạc nhà giàu đến khi mẹ Mị chết mà vẫn không trả được nợ, để rồi người ta bắt Mị về làm dâu gạt nợ.Khi làm dâu nhà thống lí: Mị bị đầy ải về cả thể xác lẫn tinh thần

+Vợ nhặt: số phận những người phụ nữ trong nạn đói 1945: nghèo đói, bị rẻ rúng đến nổi tha hóa về tính cách và phẩm chất.Sự sống bị đe dọa,sắp bị chết đói như những người dân khác.

- phẩm chất :

+Mị :

có Tài thổi sáo “Mị uốn chiếc ……” => người phụ nữ tài hoa

Yêu tự do, trẻ trung yêu đời: Trước khi về làm dâu nhà thống lí, mùa xuân nào Mị cũng đi chơi, Mị cũng đã có người yêu. Mị đã xin cha đừng gả con cho nhà giàu

hiếu thảo: Mị sẵn sằng cuốc nương làm ngô trả nợ cho cha. Khi bị bắt làm dâu nhà thống lí Mị đã định ăn lá ngón tự tự nhưng vì thương cha nên Mị đã không chết.

+Vợ nhặt:

người vợ đảm đang: thị thức dậy sớm, lo dọn dẹp nhà cửa, quét tước sân vườn sạch sẽ.

Người con dâu tinh tế,ý nhị : không muốn bà cụ Tứ buồn lòng nên ăn cháo cám mà không có chút phàn nàn nào 

Người có hiểu biết:thị là người đầu tiên kể cho cả nhà nghe chuyện trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa mà đi phá kho thóc Nhật, chia cho người đói.

Nghệ Thuật khắc họa nhân vật:

- Mị: Khắc họa nv Mị tác giả đã sử dựng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật. Tâm lí nhân vật chủ yếu được thể hiện qua nội tâm. Tô Hoài đã diễn tả được những trạng thái tâm lí rất phức tạp, tinh tế của Mị.

-vợ nhặt:Nhà văn không tập trung miêu tả tâm lý nhân vật để giữ vẻ xa lạ, phù hợp với hoàn cảnh của thị, một người vợ nhặt (khác với nhân vật Tràng được miêu tả tâm lý hết sức tỉ mỉ).Tác giả chú trọng khắc hoạ hành động, cử chỉ, nét mặt của nhân vật để người đọc tự hiểu tâm trạng của người phụ.

*Y1 nghĩa của hình tượng nhân vật

-Mị:nhà văn thể hiện sâu sắc giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tp. Tô Hoài đã thể hiện niềm xót thương đối với những người lao động miền núi; đồng thời ca ngợi những phẩm chất của họ, nhà văn thể hiện niềm tin vào sức sống của người lao động là dù có bị áp bức như thế nào thì họ vẫn có sức sống vươn lên. Tác giả còn lên án bọn chúa đất miền núi độc ác, vô nhân tính,….

-Vợ nhặt: Xây dựng nhân vật vợ Tràng, nhà văn đã gián tiếp tố cáo một xã hội đẫ đẩy con người đến sự rẻ rúng, tha hoá về nhân phẩm chẳng qua vì sự đói khát. Thế nhưng, trong cảnh ngộ của mình bi đát, con người vẫn luôn vươn tới sự sống, hướng tới tương lai và ở một hoàn cảnh nhân đạo hơn, phẩm giá con người đã sống dậy.Từ mảng đời của một xã hội tối tăm, đói khát và cũng từ đó ánh lên tia sáng của chủ nghĩa nhân đạo cao cả.

Đây là phương pháp chung làm văn so sanh 2 nhân vật,bạn có thể dựa vào để làm các đề tương tự khác nhé :)

-Ngoại hình (nếu có): ngoại hình xấu/đẹp -> suy nghĩ của em về ngoại hình của nhân vật.

- Số phận (nếu có): Đối với những tác phẩm trong chương trình lớp 12 thì chủ yếu là nhân vật có số phận bất hạnh. Khi đó thì cần chú ý đến số phận khi còn nhỏ, khi trưởng thành (đời sống vật chất và tinh thần).

- Phẩm chất: các nhân vật đều có phẩm chất. Cần khái quát được phẩm chất của nhân vật trong từng tác phẩm.

Từ đó rút ra điểm giống,điểm khác giữa các nhân vật 

Sau đó bạn nên thêm vào phần đánh giá

+ Nghệ thuật khắc họa nhân vật

+ Ý nghĩa của hình tượng nhân vật trong tác phẩm.

Nếu nắm được phương pháp chung bạn sẽ dễ dàng làm tất cả các đề so sánh nhé.

Còn 1 phương pháp nữa là so sánh song song :Điểm giống nhau (đưa ra luận điểm, dẫn chứng); điểm khác nhau (đưa ra luận điểm, dẫn chứng): cách này khá khó nên bạn không nên sử dụng trừ khi bạn có khả năng viết văn tốt

chúc bạn thi tốt :)

Văn học có rất nhiều dạng đề, sẽ không quá khó khăn nếu như học sinh biết cách làm bài phù hợp với từng đề bài khác nhau. Ở bài văn so sánh hai tác phẩm văn học, hai nhân vật trong hai tác phẩm đòi hỏi người đọc không chỉ hiểu về tác phẩm mà còn phải hiểu rõ bản chất, rút ra những điểm đặc biệt để có thể đối chiếu với nhau. Bài so sánh mẫu dưới đây sẽ là một ví dụ minh họa hữu ích.

So sánh nhân vật Mị và người vợ nhặt

So sánh 2 nhân vật mị và người vợ nhặt

“Đối với tôi văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lự mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn” (Thạch Lam). Vâng, văn học không phải là thế giới nghệ thuật cao siêu, chỉ luôn đi tìm đến những cái đẹp, những điều hay lẽ phải ở đời mà nó chính là tấm gương phản chiếu một cách chân thực nhất về xã hội, con người. Hơn thế văn học sẽ là nguồn suối mát tươi, trong xanh mà người nghệ sĩ có những cách nhìn nhận, chiêm nghiệm riêng và người tiếp nhận cũng thế. Cùng đi sâu khai thác đề tài người phụ nữ nhưng ở Tô Hoài và Kim Lân cho ra hai thi phẩm với hai giá trị khác nhau, hướng nhìn riêng tạo nên sự độc đáo trong phong cách của họ. Hai nhân vật tượng trưng cho vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong hai tác phẩm trên là Mị và người vợ nhặt.

Bước đến với Vợ Chồng A Phủ, nhân vật Mị xuất hiện là một cô gái xinh đẹp người Mèo. Tuy nhiên vì món nợ của bố mẹ với thống li Pá Tra mà Mị phải làm trọn nghĩa nên đành chấp nhận sự ép buộc làm con dâu gạt nợ, thực chất là nô lệ. Những ngày bước chân vào ngôi nhà của Thống Lí cũng chính là sự mở đầu cho cuộc sống đầy tủi nhục, đau đớn tột cùng Mị phải chịu cả về thể xác lẫn tâm hồn. Sự hành hạ đó tàn nhẫn đến mức Mị trở thành một người vô cảm, tê liệt ý thức, xúc cảm.

Năm ấy mùa xuân đến sớm với Hồng Ngài, trăm hoa đua sắc, vạn vật sinh sôi tràn đầy, không khí bên ngoài nhộn nhịp, bừng lên sức sống mới. Giữa muôn vàn thanh âm, sắc màu náo nức của mùa xuân nổi lên tiếng sáo gọi bạn tình tha thiết – phong tục hằng năm của người miền núi Tây Bắc. Mị lúc này ngồi lắng nghe trong tâm trạng bồi hồi, rạo rực, bắt đầu giao tiếp với bên ngoài. Như vậy, tiếng sáo đã giúp Mị hồi sinh tâm hồn nghệ sĩ, Mị hết tê dại mà có lại ý thức lí trí. Mị tìm đến rượu rồi chìm vào hồi tưởng, sống về những ngày trước. Rồi Mị nghĩ về hiện tại, so sánh với quá khứ tươi đẹp mới thấy nó tương phản gay gắt, Mị càng uất ức cho cảnh ngục tù. Mị dần thấm say, đay nghiến: “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Mị phẫn uất, chối bỏ sự sống.” Men rượu tác động sinh lí rồi chuyển biến sang tâm lí, cảm xúc thay đổi, Mị lại thấy phơi phới trở lại “Mị còn trẻ, Mị muốn đi chơi”. Mị vào buồng, quấn lại tóc, lấy váy hoa chuẩn bị đi chơi, thắp sáng đèn như xua đi sự tối tăm của ngục tù. Thế nhưng, A Sử về đúng lúc liền trói Mị vào cột, Mị đau đớn tột cùng, tụi nhục, sức sống tươi trẻ mới trỗi dậy bị dập tắt phũ phàng. Sau đêm tình mùa xuân đó Mị trở lại kiếp trâu ngựa, rơi dần vào vô thức.

Mùa đông đến, Mị nhìn thấy A Phủ - một kẻ tôi tớ bị trói, bỏ đói vì chăn bò để mất nhưng Mị không chút cảm xúc. Nhưng rồi, nhìn thấy dòng nước mắt chảy xuống gò má của A Phủ, Mị nhớ lại năm trước của mình cũng nghẹn ngào như thế. Mị nhận thấy giọt nước mắt tủi nhục của cả hai số phận, làm lay động trái tim Mị trở lại. Và Mị quyết định cứu A Phủ và cùng hắn bỏ trốn, thoát khỏi cảnh tù đày, đau khổ.

Nếu như Mị chịu thân phận nô lệ đau đớn đến mức tê liệt cảm xúc thì đến với người vợ nhặt là một bối cảnh khác diễn ra. Người vợ nhặt là một kẻ vô gia cư, bị nạn đói đánh bật ra khỏi quê nhà, phiêu bạt đến xứ người bơ vơ. “Thân hình cô ta gầy sọp, hai con mắt trũng hoáy, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt, quần áo rách tả tơi như tổ đĩa”. Người vợ nhặt và Tràng gặp nhau trong một lần anh đẩy xe thóc lên tỉnh, người đàn bà này xuất hiện với bộ dạng rác rưới, hành vi lỗ mãng, sỗ sàng mắng Tràng vì đã quên lời hứa với cô ta. Dù chỉ có bốn bát bánh đúc và câu đùa vui mà cô ta chấp nhận theo Tràng về làm vợ không điều kiện, cái đói biến con người thành cỏ rác. Nhưng đằng sau đó thì khát khao được sống, tự do vẫn là động cơ lớn hơn. Khi trở về nhà cùng Tràng, cô ta có chút e ngại xấu hổ khi bị đám con nít trong làng chọc mới thấy cô ý thức được danh dự, lòng tự trọng của mình. Khi cụ Tứ trở về nhà ngồi lặng thinh, không đáp khiến cô sợ, đúng cúi mặt, một hành động ý thức về nhân cách, lòng tự trọng. Sau khi được cụ Tứ chấp nhận cô vẫn đứng khép nép, e thẹn, toát ra ngoan hiền của một người con dâu. Sáng hôm sau, cô ta cùng mẹ chồng dậy sớm dọn dẹp nhà cửa, ăn sáng. Dù ăn bát cháo cám đắng ngắt nhưng cô vẫn cố giấu đi nỗi thất vọng vào trong để gia đình vui vẻ. Rồi người vợ nhặt tiếp tục truyền tin vui cho Tràng về việc không chịu nộp thuế, cùng hi vọng vào cách mạng, ánh sáng tương lai.

Tô Hoài và Kim Lân là hai nhà văn chọn khai thác về người phụ nữ nên khi ghép hai tác phẩm lại ta sẽ thấy những điểm tương đồng của họ. Đầu tiên, Mị và người vợ nhặt đều là hai nhân vật tiêu biểu, điển hình cho số phận của người phụ nữ dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Ở Mị là trong hoàn cảnh phụ nữ ở miền núi cao Tây Bắc, thị lại tiêu biểu cho người phụ nữ trong nạn đói 1945. Ở hai nhân vật này đều bị đầy vào bước đường cùng. Mị vì làm tròn chữ hiếu cho mẹ cha đành chấp nhận làm dâu nhà thống Lí Pá Tra để trả nợ, bỏ lại đằng sau tuổi trử, hạnh phúc, tự do đi vào cảnh tù đày, không khác gì trâu ngựa. Thị, vì sự đói khát đeo bám, cận kề cái chết khiến cô người không ra người, quần áo rách rưới như tổ đĩa, sẵn sàng đánh mất lòng tự trọng chỉ với vài bát bánh đúc. Ngoài những nét đáng thương thì hai người phụ nữ này vẫn hiện lên khát khao hạnh phúc, lòng ham sống, tự do. Mị tưởng chừng như mất hết cảm xúc trước thế giới bên ngoài thì tiếng sáo đã đánh thức lòng vui tươi, yêu đời của cô, thể hiện rõ qua đêm tình mùa xuân. Rồi đêm đông đến, Mị vùng lên đấu tranh sự sống cho bản thân, cởi trói và bỏ trốn cùng A Phủ, giải thoát cuộc đời của chính mình. Đến với người vợ nhặt, có thể thấy cô không nghĩ suy khi về cùng Tràng nhưng các tình tiết sau đó gợi lên một chút ít hy vọng, sự trông chờ một điều gì đó ở tương lai của Thị. Và Thị bắt đầu làm một người con dâu hiền, vợ thảo, có trách nhiệm, suy nghĩ vun vén cho hạnh phúc gia đình. Chính tình thương và những khao khát nhân bản đã cảm hóa, làm nên điều kì diệu. Rồi sự tin tưởng vào Cách Mạng, hi vọng ở một tương lai tươi sáng cũng là điểm tương đồng ở hai nhân vật, Mị rời khỏi nhà thống Lí trở thành du kích, Thị nhìn vào lá cờ đỏ, vững tin một ngày mai ấm hơn, sáng lạng hơn.

Phong cách của nhà văn được làm nên ở những điểm khác biệt trong tác phẩm của họ. Ở nhân vật Mị được Tô Hoài xây dựng là một nhân vật nữ chính có cuộc đời áp bức nhưng ở Kim Lân thì người vợ nhặt thậm chí không có tên, hiện thân của nạn đói. Hoàn cảnh của Mị vì gia đình lao động nghèo, sống dưới ách thống trị của bọn chúa phong kiến, ngược lại Thị vì nạn đói dồn đến đường cùng, nhân phẩm trở nên rẻ rúng. Ngoài ra, cách xây dựng nhân vật ở hai nhà văn cũng có nét đặc sắc riêng, Mị được Tô Hoài đặt trong những nét diễn biến tâm lí nội tâm tinh tế, phức tạp. Còn Thị phản ánh qua việc khắc họa ngoại hình và hành động.

Như vậy, cả hai nhân vật Mị và người vợ nhặt cũng như hai tác phẩm đã mang đến một thi phẩm hay phản ánh rõ nét, sâu sắc về người phụ nữ, về hiện thực xã hội lúc bấy giờ. Điều đặc biệt nhờ đó mà người đọc thêm yêu quý tâm hồn người phụ nữ Việt Nam trong thời kì gian khó của đất nước. Phong cách nhà văn từ đó được xây dựng nên rõ nét.