Sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng hai miền Nam Bắc 1954 1965

Bài học về sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí minh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

Ngày đăng: 29/04/2015 03:03
Mặc định Cỡ chữ
Sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng hai miền Nam Bắc 1954 1965
Sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng hai miền Nam Bắc 1954 1965

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đánh giá về sự kiện lịch sử trọng đại này, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976) đã khẳng định: "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc"(1).

Sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng hai miền Nam Bắc 1954 1965
Sài Gòn ngày giải phóng. Ảnh tư liệu
Có được thắng lợi này, một trong những nguyên nhân, đồng thời cũng là bài học sâu sắc đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam, chúng ta có thể rút ra một số bài học cơ bản sau:
Thứ nhất, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đánh giá đúng kẻ thù, có chủ trương, đường lối phù hợp với từng thời điểm lịch sử cụ thể, lãnh đạo cách mạng đánh bại kẻ địch từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Trước khi Hiệp định Giơ-ne-vơ (21/7/1954) về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, tại Hội nghị lần thứ 6 khóa II (từ 15-18/7/1954), Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: đế quốc Mỹ là một trở lực chính ngăn cản việc lập lại hòa bình ở Đông Dương và đang trở thành kẻ thù trực tiếp của nhân dân Đông Dương và nhân dân Việt Nam. Với dã tâm chiếm Đông Dương, dùng Đông Dương làm bàn đạp mở rộng chiến tranh xâm lược, đế quốc Mỹ đã hất cẳng Pháp, nhảy vào miền Nam Việt Nam, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện chính sách "tố cộng, diệt cộng", thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng ở miền Nam. Chỉ tính từ tháng 7/1955 đến tháng 2/1956, Mỹ - Diệm đã giết hại, giam cầm 93.362 cán bộ, đảng viên. Giữa năm 1956, chúng tuyên bố từ chối hiệp thương Tổng tuyển cử theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ và công khai hô hào "lấp sông Bến Hải" để "Bắc tiến". Những hoạt động của Mỹ ở miền Nam nước ta đã bộc lộ rõ dã tâm của chúng muốn biến miền Nam thành thuộc địa và căn cứ quân sự của Mỹ để chuẩn bị cuộc chiến tranh xâm lược mới nhằm đánh chiếm cả miền Bắc Việt Nam, đè bẹp phong trào giải phóng dân tộc và ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở khu vực Đông Nam Á.
Phân tích tình hình trên, Hội nghị lần thứ 15 (năm 1959) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) chỉ rõ: Mỹ - Diệm chẳng những là kẻ thù của nhân dân miền Nam đang bị chúng thống trị mà còn là kẻ thù của cả dân tộc Việt Nam, của nhân dân miền Bắc đã được giải phóng. Trong diễn văn khai mạc Đại hội lần thứ III của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Nhân dân ta từng chịu đau khổ vì bọn đế quốc và ngày nay còn bị bọn Mỹ - Diệm chia cắt đất nước, giày xéo miền Nam. Ngày nào mà chưa đuổi được đế quốc Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, chưa giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị tàn bạo của Mỹ - Diệm thì nhân dân ta vẫn chưa thể ăn ngon ngủ yên". Cùng với việc sớm nhận diện rõ kẻ thù, nhất là âm mưu, thủ đoạn, chính sách cơ bản của chúng đối với nước ta, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa trên cơ sở quan điểm cách mạng, khoa học, đánh giá đúng tương quan lực lượng địch - ta, từ đó có chủ trương, quyết sách phù hợp với từng thời điểm lịch sử cụ thể, đánh bại địch từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Với quan điểm xem xét khoa học, biện chứng, Đảng ta đã khẳng định: Mỹ và tay sai có quân đông nhưng không có cơ sở chính trị sâu rộng và vững chắc, tuy quân sự chúng mạnh, nhưng chính trị của chúng lại rất yếu mà yếu nhất là ở nông thôn. Từ nhận định này, Đảng ta xác định: "Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân". Với chủ trương đúng đắn đó, phong trào Đồng Khởi ở miền Nam Việt Nam đã nổ ra và nhanh chóng phát triển thành cao trào, khởi nghĩa từng phần và giành thắng lợi, đưa cách mạng miền Nam vượt qua thử thách sống còn, chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Đây là sự mở đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước rất độc đáo, sáng tạo của Đảng và nhân dân ta.
Từ năm 1965, khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ, ở một số người đã xuất hiện tư tưởng "sợ Mỹ", hoặc đánh giá quá cao về sức mạnh của đế quốc Mỹ, tỏ ra thiếu niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Nhưng Đảng ta sáng suốt nhận định: Mỹ là một đội quân mạnh, nhưng vào miền Nam không phải trong thế mạnh, mà trong thế yếu, thế bị động. Chỗ yếu cơ bản nhất của chúng vẫn là về chính trị. Còn về phía ta, lúc này không chỉ đã mạnh về chính trị mà cả về quân sự. Đây là cơ sở để Đảng ta hạ quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 12 của Đảng (tháng 12/1965) đã đề ra nhiệm vụ "Động viên lực lượng cả nước kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất cứ tình huống nào". Ở miền Nam, Đảng ta đã chỉ đạo kiên quyết giữ vững thế chiến lược tiến công, đánh Mỹ, diệt ngụy, nhất là sau khi đập tan hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, ta càng đẩy chúng vào thế bị động. Ở miền Bắc, quân và dân ta đã đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, đặc biệt là trận "Điện Biên Phủ trên không" tại Hà Nội, Hải Phòng. Như vậy, so sánh lực lượng giữa ta và địch phải xem xét cả quân sự và chính trị, cả số lượng và chất lượng, cả lực lượng và thế trận, cả ở chiến trường nước ta và tình hình chính trị nước Mỹ. Thực tế đã chứng minh, quan điểm đánh giá, so sánh lực lượng của Đảng ta là hoàn toàn chính xác.
Sau Hiệp định Pa-ri (tháng 01/1973), Mỹ và quân chư hầu buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, cục diện chiến trường, so sánh lực lượng giữa ta và địch có sự thay đổi lớn. Vấn đề đặt ra lúc này là liệu quân ngụy có thể thay thế quân Mỹ, quân chư hầu và liệu Mỹ có khả năng can thiệp trở lại không? Trước việc chính quyền ngụy được Mỹ tiếp sức tiến hành các chiến dịch "tràn ngập lãnh thổ", lấn chiếm lại nhiều vùng giải phóng của ta, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết 21 (tháng 7/1973) chỉ đạo cách mạng miền Nam kiên quyết phản công, giữ vững vùng giải phóng, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ và đón thời cơ để tiến lên giành thắng lợi quyết định bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giành thắng lợi hoàn toàn trong vòng chưa đầy hai tháng.
Thứ hai, giải quyết tốt mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam.
Từ tháng 7/1954, Đảng ta đã xác định phải xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa cách mạng của cả nước. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (tháng 3/1955), nhiệm vụ của hai miền được xác định rõ hơn: "Miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với toàn bộ sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà; miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp trong việc đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân". Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960), vị trí của cách mạng mỗi miền được Đảng ta tiếp tục khẳng định: Tiến hành cuộc cách mạng XHCN ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự nghiệp phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà. Còn đồng bào ta ở miền Nam có nhiệm vụ trực tiếp đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng để giải phóng miền Nam. Đồng thời cũng là "theo yêu cầu của cả nước, góp phần bảo vệ miền Bắc và tạo điều kiện thuận lợi cho miền Bắc xây dựng CNXH". Thực tế đã chứng minh, sự gắn bó của cách mạng hai miền đã tạo nên sức mạnh vô địch trên toàn đất nước. "Miền Bắc đã dốc vào chiến tranh giữ nước và cứu nước toàn bộ sức mạnh của chế độ XHCN và hoàn thành một cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước"(2). Còn nhân dân miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thể hiện vai trò quyết định trực tiếp trong việc đánh đổ đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng trong cuộc chiến đấu kiên cường, dẻo dai, vượt qua mọi thử thách ác liệt, sáng tạo ra nhiều cách đánh đầy uy lực như đồng khởi, vành đai diệt Mỹ, đánh địch bằng hai chân, ba mũi, ba vùng... xứng đáng là thành đồng của Tổ quốc.
Thứ ba, giữ vững độc lập, tự chủ, đồng thời thực hiện đường lối đối ngoại mềm dẻo tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước trên thế giới, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Chúng ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong bối cảnh quốc tế phức tạp, vừa có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, nhất là sự bất hòa, thậm chí có cả khuynh hướng thỏa hiệp vô nguyên tắc. Kẻ thù của chúng ta là một đế quốc có tiềm lực vật chất, vũ khí, kỹ thuật đứng hàng đầu thế giới. Chúng âm mưu xâm chiếm miền Nam tiến tới xâm chiếm cả Việt Nam; đồng thời thực hiện chia rẽ Bắc - Nam, chia rẽ các nước XHCN. Cuộc đọ sức giữa nhân dân Việt Nam và đế quốc Mỹ xâm lược trở thành "cuộc đụng đầu lịch sử", cuộc đọ sức điển hình và vô cùng quyết liệt giữa cách mạng và phản cách mạng. Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã luôn nêu cao tính độc lập, tự chủ trong việc hoạch định đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đường lối ấy phản ánh đúng nguyện vọng và ý chí quyết tâm của nhân dân ta, dân tộc ta, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, con người Việt Nam và xu thế tiến bộ của nhân loại, tạo sự đoàn kết nhất trí, phát huy sức mạnh của cả dân tộc, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các nước XHCN anh em và sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, tạo sức mạnh tổng hợp để đánh Mỹ và thắng Mỹ. Do đó, một mặt chúng ta tập trung phát triển tiềm lực của chính mình, mặt khác thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của các nước trên thế giới, mà trước hết là sự đồng tình ủng hộ, đoàn kết hiệp đồng chiến đấu của hai nước Lào và Cam-pu-chia, sự giúp đỡ quý báu của các nước XHCN, nhất là Liên Xô, Trung Quốc, Cu Ba... Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có tầm nhìn chiến lược sâu rộng, sắc sảo, sáng tạo lớn. Từ năm 1956, Người đã viết trên báo Sự thật của Liên Xô: Trong tình hình quốc tế hiện nay, những đặc điểm dân tộc và những điều kiện riêng biệt ở từng nước ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong việc vạch ra chính sách của mỗi Đảng Cộng sản... và những vấn đề được đề ra cho đảng này hoặc đảng khác tuyệt nhiên không phải là việc riêng của mỗi đảng mà có quan hệ thiết thân đến toàn bộ giai cấp vô sản quốc tế. Với tầm nhìn chiến lược ấy, Người giải thích với bạn bè quốc tế rằng: Việc dân tộc Việt Nam phải vạch ra những phương pháp và biện pháp riêng của mình để chống âm mưu của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai hòng vĩnh viễn chia cắt đất nước cũng như để quá độ dần dần lên CNXH là điều thật rõ ràng, nhưng lúc này thì sự đoàn kết thực sự của phe XHCN và của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với chúng tôi cũng cần thiết không kém gì hồi kháng chiến chống Pháp.
Đảng ta đặc biệt coi trọng độc lập, tự chủ trong xác định chủ trương, đường lối của mình, đồng thời nhấn mạnh tăng cường đoàn kết quốc tế. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 21 (tháng 7/1973) đã khẳng định: "Nhờ thực hiện đoàn kết quốc tế đến mức cao nhất và giữ vững độc lập, tự chủ trong đường lối, chủ trương, chính sách của mình, khi tình hình thế giới thuận lợi cũng như lúc khó khăn, phức tạp, chúng ta đã được các nước XHCN anh em, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào độc lập dân tộc và nhân dân toàn thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ ủng hộ và giúp đỡ, trong đó sự giúp đỡ của các nước XHCN là cực kỳ quan trọng. Để tăng cường đoàn kết quốc tế, Đảng ta chủ trương tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ, tận dụng mọi nhân tố tích cực có thể tận dụng được, hoan nghênh mọi sáng kiến vì hòa bình, kiên quyết một cách có nguyên tắc, đồng thời khôn khéo, mềm dẻo, kiên trì thuyết phục nhằm hạn chế những nhân tố tiêu cực trong quan hệ quốc tế.
Độc lập, tự chủ gắn liền với sự sáng tạo trong việc định ra và chỉ đạo thực hiện đường lối của Đảng ta, đó cũng là nguồn gốc sức mạnh của cách mạng Việt Nam. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc toàn thắng quá trình "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta có cơ sở để phát huy cao độ tiềm lực của cả nước, thực hiện đại đoàn kết 54 dân tộc anh em trong một nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, khắc phục mọi khó khăn, thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế, thực hiện đường lối đổi mới, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ và toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng XHCN. Bên cạnh những cơ hội lớn, chúng ta phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Những nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra đến nay vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, việc không ngừng củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định của mọi thắng lợi. Những bài học về chỉ đạo chiến lược đúng đắn và sắc bén của Đảng ta trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Hữu Đức - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
--------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb ST, H. 1977, tr. 289.
(2) Nghiên cứu văn kiện Đảng về chống Mỹ, cứu nước, Nxb ST, H. 1986, tr. 325.
(3) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 34, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 222, 223.

Tcnn.vn

Về trang trước
Gửi email In trang