Sức mạnh ý thức cội nguồn là gì

TTO - Trong quá trình hội nhập, điều quan trọng nhất là phải giữ được bản sắc văn hóa và bản lĩnh dân tộc, sao cho trong bất cứ hoàn cảnh nào, người dân, nhất là giới trẻ phải ý thức được mình là người VN, có một nền văn hóa lâu đời, có tư chất, cách làm, cách nghĩ, tầm nhìn đặc thù [dĩ nhiên không dị biệt].

Hãy nhớ đến những người dựng nướcThiêng liêng cội nguồn bọc trăm trứng!Nhiều nơi tổ chức Lễ giỗ Tổ hoành trángBốn phương tụ hội về đất Tổ: Cội nguồn là đâyĐi thăm các nơi thờ Quốc tổ

Phóng to
Đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước chuẩn bị lễ dâng hương tại Đền Hùng - Ảnh: Dân trí

Bởi lẽ khi đã hội nhập, cái làm nên sự khác biệt chính là gốc gác, là cội nguồn, là ý thức rất rõ về cội nguồn của mình. Dù nắm bắt được những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, dù đã tham gia vào sân chơi toàn cầu, nhưng không thể vì thế mà người VN biến thành người Mỹ, người Nhật, người Pháp

Lịch sử đã chứng minh rằng: căn nguyên sâu xa làm nên bao chiến thắng kỳ diệu của dân tộc chính là ý thức về cội nguồn, về dân tộc, về đồng bào. Khi đã ý thức được về cội nguồn, con người sẽ tập trung mọi nỗ lực để thoát khỏi những sự kìm hãm hữu hình hoặc vô hình để trở về với những giá trị truyền thống, rồi dùng tri thức của mình để xây dựng, nhằm làm cho truyền thống ấy thăng hoa và trở thành những giá trị vĩnh hằng.

Và đến bây giờ, điều đáng quan tâm hơn hết chính là làm sao để cho giới trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước, ý thức rõ ràng về cội nguồn của mình. Giáo dục ý thức ấy không có gì khác hơn là phải giáo dục lịch sử một cách toàn diện, chân thực cho thế hệ trẻ. Điều mà lâu nay nhiều người quan ngại chính là tình trạng lờ mờ về lịch sử nước nhà của lớp trẻ.

Là người VN, nhưng lớp trẻ ngày nay lại am tường lịch sử Trung Quốc hơn là lịch sử nước nhà. Họ rất mù mờ về những nhân vật, những anh hùng trong lịch sử. Trong các gameshow truyền hình, hễ cứ gặp câu hỏi về lịch sử VN, đặc biệt là lịch sử phong kiến, phần lớn người chơi đều gặp khó khăn, và thường là không trả lời được. VTV đã từng làm một phóng sự bỏ túi và thấy rằng: nhiều học sinh trường Lê Hồng Phong [TP.HCM] không biết gì về người chiến sĩ yêu nước này, nhiều người dân sống trên đường Lý Thái Tổ không biết đây là vị vua đầu tiên của triều Lý.

GS Trần Ngọc Thêm trong cuốn Cơ sở văn hoá Việt Nam [Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM, 1996] đã nêu ra một thực tế: nhiều người bảo Đàn Nam Giao là một loại đàn cổ, nhiều người bảo Trần Quốc Toản là ông nội của Trần Phú, Quang Trung là anh hùng kháng chiến chống Pháp, và Lê Lợi bắn súng lục rất giỏi!

Nhiều GS đã so sánh rằng: nước Mỹ mới gần 300 năm lịch sử nhưng số giờ học lịch sử trong nhà trường của họ là 4-6 tiết trong khi ở VN chỉ là 2 tiết. Đạo diễn phim Dưới cờ đại nghĩa tâm sự trong hội thảo Dân ta phải biết sử ta ngày 15-12-2006 tại Cung Văn hóa Lao Động rằng: vấn đề làm phim lịch sử không chỉ là kinh phí, mà còn là sự quan tâm của xã hội, của các cơ quan hữu quan Tìm được kịch bản hay đã khó, đến khi làm phim còn khó hơn nữa do kiến thức của diễn viên về lịch sử

Sẽ ra sao nếu trong quá trình hội nhập, chúng ta không ý thức đủ về cội nguồn, về lịch sử của dân tộc mình? Cho nên, cần phải có thêm những ngày lễ trọng đại như Giỗ Tổ Hùng Vương để chúng ta có dịp nhắc nhớ nhau về cội nguồn, để lòng người trở về với yêu thương và liên đới.

Chủ Đề