Tại sao chỉ có thể nhìn thấy hơi thở của người vào những ngày thời tiết rất lạnh

Việt Nam: Bác sĩ giữa lằn ranh sinh tử nơi bệnh viện dã chiến

Nguồn hình ảnh, Trần Minh Hiếu

Bác sĩ Trần Minh Hiếu đang trực ca đêm tại khoa Hồi sức tích cực của một bệnh viện dã chiến tại TP HCM thì có hai bệnh nhân suy hô hấp cần phải thở máy mà bệnh viện chỉ còn một máy thở.

Không như bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại khoa lâm sàng có thể tự đi lại, ăn uống, những người được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực [ICU] thường rất nặng, biểu hiện suy hô hấp kèm theo suy chức năng các cơ quan hoặc hôn mê cần thở máy.

ICU dường như là ngưỡng cuối cùng để cứu sống một bệnh nhân.

Các bác sĩ ở đây phải chiến đấu để giành sự sống cho những bệnh nhân với máy móc, dây nhợ gắn đầy người đang cố duy trì từng hơi thở.

Quảng cáo

"Càng ở ICU, tôi càng nhìn nhận rõ hơn về sự vô thường của đời người. Tôi từng thấy câu nói 'Sống như không có ngày mai' là một kiểu nói quá văn chương, không thích hợp cho những người như tôi, nhưng trong hoàn cảnh bây giờ, quả thật nó là như vậy. Có những người đang khỏe mạnh, rồi bị nhiễm virus, diễn tiến nhanh, suy hô hấp và qua đời," bác sĩ Hiếu chiêm nghiệm.

Là bác sĩ phụ trách khoa ICU, chứng kiến bệnh nhân tử vong đối với BS Hiếu không phải điều xa lạ. Nhưng Covid-19 là một cuộc chiến khác.

Y bác sĩ ở đây phải đối mặt với căng thẳng, áp lực và các tình huống đau lòng.

Và nơi đây cũng có những hy vọng, khao khát sống.

Y tế oằn mình

Số ca bệnh tăng dồn dập, gánh nặng đè lên hệ thống y tế ngày càng lớn thì mỗi một bác sĩ phải chịu nhiều áp lực khác nhau.

Năm 2020, khi thế giới đang chật vật với số ca nhiễm và số tử vong thì Việt Nam được ca ngợi là một trong những quốc gia ứng phó với đại dịch tốt.

Thành tích cứu chữa cho phi công người Anh - với mã số bệnh nhân 91 - từ cửa tử trở về khiến nhiều người thán phục.

Nguồn hình ảnh, Thông tin chính phủ

Chụp lại hình ảnh,

Bệnh nhân 91 tập đi trở lại

Thế nhưng, làn sóng dịch bệnh thứ tư với biến chủng Delta càn quét đã đẩy ngành y tế Việt Nam vào tình cảnh khó khăn. Các bệnh viện hầu như đều quá tải.

Bệnh viện dã chiến mà bác sĩ Hiếu đang làm việc có quy mô khoảng 600 giường nhưng bác sĩ Hiếu cho biết luôn chật kín người. Lúc đầu, bệnh viện nhận những ca F0 không triệu chứng. Nhưng khi số ca nhiễm quá nhiều, bệnh viện nâng tầng điều trị, chỉ nhận ca có triệu chứng.

F0 không triệu chứng được chuyển xuống tuyến dưới hoặc tự điều trị tại nhà. Và ICU nơi bác sĩ Hiếu làm việc chỉ nhận những ca nặng nhất, phải thở máy, thở oxy dòng cao.

"Độ tuổi các bệnh nhân đa phần từ 60 trở lên, có nhiều ca tử vong," anh cho biết.

Đối với những bác sĩ như anh, áp lực không nằm ở việc điều trị cho các ca nặng. Thứ mà anh sợ là số lượng bệnh nhân quá lớn và điều kiện vật chất thiếu thốn. Đây là điều mà các nước như Ấn Độ, Indonesia đã và đang đối mặt.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Nhiều bệnh viện đang rơi vào tình trạng quá tải, thiếu thốn vật tư y tế

Theo bác sĩ Hiếu, Bệnh viện nơi anh công tác còn thiếu thốn nhiều trang thiết bị y tế, máy móc không đồng bộ với hệ thống oxy, thiếu phụ kiện, vật tư tiêu hao... Vậy nên, con người và trang thiết bị không phát huy hết tác dụng của nó.

"Nếu có 2-3 ca nặng cùng một lúc, thì lúc này không khí làm việc sẽ thay đổi. Mọi người sẽ làm việc bằng 200% năng lượng của mình. Bởi vậy, việc những người đồng đội bị nhiễm bệnh cũng tạo gánh nặng lên tinh thần mình", bác sĩ Hiếu chia sẻ.

Trung bình mỗi ngày, khoa Hồi sức của anh sử dụng khoảng gần 50 bộ đồ phòng hộ cá nhân [PPE] gồm áo quần phòng hộ, bao giày, khiên chắn giọt bắn, khẩu trang N95 3M, mắt kính.

Vì vậy, hầu như các bệnh viện đều rất cần sự tài trợ về thiết bị, vật tư y tế trong cuộc chiến chống lại virus đang dần đến đỉnh điểm này.

Chiếc máy thở nhường lại

Khi số ca nhiễm càng tăng, số ca diễn tiến nặng càng nhiều thì mỗi bác sĩ trong trực còn phải đối mặt với những tình huống tiến thoái lưỡng nan.

"Một lần, trong ca trực đêm của tôi, có hai bệnh nhân suy hô hấp cần phải thở máy mà chỉ còn có một máy thở. Tôi phải đánh giá bệnh nhân nào chịu đựng được lâu hơn, bệnh nhân nào nặng hơn và có tỷ lệ sống cao hơn để quyết định..."

"Thế rồi, có một ca khác tử vong. Lúc này chúng tôi mới có đủ máy thở để sử dụng cho cả hai. Thật may là họ cầm cự được," vị bác sĩ hồi tưởng.

Nhưng không phải ai cũng đủ sức và may mắn để vượt qua.

Và ở khoa ICU, các bệnh nhân đều nằm trong phòng cách ly. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu người bệnh không qua khỏi, bác sĩ và điều dưỡng sẽ là những người họ nhìn thấy trong phút giây cuối đời.

Nguồn hình ảnh, Trần Minh Hiếu

Chụp lại hình ảnh,

Bác sĩ Hiếu trong một ca trực tại khoa Hồi sức tích cực [đồ họa từ hình ảnh thực tế]

"Nếu trước kia chưa có dịch, bệnh nhân trở nặng thì chúng tôi báo cho người thân của họ. Người Việt Nam mình thường muốn con cháu ở bên cạnh, trong ngôi nhà của mình vào giây phút lâm chung. Nhưng vì Covid, họ không thể làm điều đó được nữa nên đôi khi, chúng tôi là những người tiễn đưa họ," bác sĩ Hiếu kể lại.

Nhưng chính khoa ICU là nơi niềm hy vọng neo đậu cuối cùng.

"Chúng tôi điều trị những ca bệnh nặng do Covid. Ở ICU có nhiều thiết bị hiện đại để điều trị, hỗ trợ chức năng các cơ quan như máy thở, máy lọc máu... Mục tiêu là cứu sống được nhiều bệnh nhân nặng nhất có thể. Còn sống là còn hy vọng, mặc dù hy vọng cứu chữa có thể không cao."

Không riêng bác sĩ ở khoa Hồi sức tích cực cân não với từng ca bệnh, bác sĩ khác ở khoa lâm sàng cũng chịu áp lực không kém. Giữa lúc số ca bệnh tăng cao, đôi khi họ còn gặp phải bệnh nhân hay thân nhân người bệnh bị kích động.

"Có những người mắc phải các bệnh lý tâm thần trong đại dịch, không giữ được bình tĩnh nên đập phá và tấn công nhân viên y tế đến mức phải nhờ quân đội can thiệp." bác sĩ Hiếu kể.

Nỗi sợ và niềm tin

Đương đầu với Covid-19, các bác sĩ như Hiếu không chỉ chiến đấu để cứu bệnh nhân mà còn cứu chính mình. Ở trong môi trường hàng trăm F0 vây quanh, chỉ cần sai sót một bước trong bảo hộ là có thể bị lây bệnh, đặc biệt là khi thực hiện cấp cứu bệnh nhân.

Hãy tưởng tượng bạn mặc đồ bảo hồ kín mít, làm việc suốt từ 8-12 tiếng tùy ca trực trong thời tiết oi bức của Sài Gòn. Đó là điều các bác sĩ phải trải qua hàng ngày. Chưa kể, trong hồi sức cấp cứu, có những thủ thuật rất nguy hiểm vì nguy cơ lây nhiễm cực cao như việc đặt nội khí quản cho bệnh nhân ngừng hô hấp hoặc khó thở.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Đặt nội khí quản là thủ thuật tạo khí dung, nguy cơ lây nhiễm từ giọt bắn từ đường hô hấp của người bệnh trực tiếp lên người làm thủ thuật rất cao [ảnh minh họa]

Có nhiều phương pháp bảo hộ được sử dụng trong lúc đặt nội khí quản như màn che bằng nilon, sử dụng hộp nhựa Nhưng trang thiết bị thiếu thốn, cộng thêm tình trạng cần cấp cứu nhanh thì các biện pháp trên không dễ để thực hiện.

"Nhất là trong bộ đồ phòng hộ cá nhân với kính mắt luôn đọng hơi nước, thêm khiên chắn giọt bắn, nếu thêm màn che bằng nilon hoặc hộp nhựa thì thực tế, rất khó để thực hiện các thủ thuật." bác sĩ Hiếu lý giải.

Cho tới nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong đợt dịch kể từ ngày 27/4 đã lên đến 220.957 ca. So với cùng kì năm ngoái, số ca nhiễm mỗi ngày chỉ khoảng vài chục ca và con số tử vong rất thấp.

Chủng Delta đe dọa chiến lược 'không Covid' của TQ như thế nào

Mỹ, Anh lo ngại tiêm vaccine vẫn dính Delta, có thể lây người khác

Bác sĩ Hiếu còn nhớ một tháng rưỡi trước, khi vào bệnh viện dã chiến, nhiều bác sĩ nói với anh rằng chủng Delta lây lan rất kinh khủng và các bệnh nhân diễn tiến suy hô hấp rất nhanh. Lúc bấy giờ, bản thân anh đã không hình dung được khái niệm "nhanh" đó là thế nào.

"Trước kia tôi từng điều trị cho bệnh nhân rất nặng phải thở máy, là bệnh nhân cúm H1N1, H5N1. Những bệnh nhân đó cũng suy hô hấp, cũng viêm phổi, cũng nặng. Nhưng bây giờ tôi mới cảm nhận được tốc độ lây lan của Delta: có thể những ngày trước bệnh nhân vẫn bình thường, những ngày sau họ trở nặng, thở oxy, sau đó thở bằng máy - quá trình này cực kỳ nhanh."

"Số ca tăng vọt là minh chứng cho tốc độ lây lan nhanh của virus. Nhân viên y tế cũng phải chấp nhận rủi ro bị nhiễm dù có phương tiện phòng hộ và có hiểu biết. Điều này chứng tỏ sự lây lan của biến chủng này rất phức tạp," bác sĩ Hiếu nhớ lại.

Nhưng điều bác sĩ như anh lo sợ không phải là việc mình mắc virus: "Thực tế, tôi cũng đã được tiêm vaccine nên nếu không may bị nhiễm Covid thì mức độ sẽ nhẹ hơn so với người khác. Nhưng tôi lo là nếu mình ngã bệnh thì sẽ không giúp được ai nữa và tăng thêm gánh nặng cho đồng đội."

Nguồn hình ảnh, Trần Minh Hiếu

Chụp lại hình ảnh,

Bác sĩ Hiếu đang làm việc tình nguyện tại khoa ICU của một bệnh viện dã chiến được hơn một tháng rưỡi [ảnh đồ họa từ hình thực tế]

Và với bác sĩ Hiếu, niềm an ủi cho tinh thần anh là mỗi ngày đều thấy các đoàn xe từ thiện chở đồ tiếp tế, từ nhu yếu phẩm đến đồ phòng hộ, khẩu trang y tế.

"Điều đó cho thấy cả nước đang chung tay. Tôi cảm nhận được tình thương của mọi người dành cho nhân viên y tế và người bệnh đang ở trong khu cách ly điều trị," anh bộc bạch.

Trong đại dịch, có mất mát, có cực khổ nhưng với bác sĩ Hiếu, đây cũng là lúc nhìn rõ nhân sinh quan. Anh chia sẻ: "Khi lên đường đi tình nguyện, tôi nghĩ đơn giản đây là cuộc chiến chung, nước mất thì nhà tan, nếu không góp sức mà để virus lây lan thì sẽ đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ mất đi người thân, bạn bè mình."

"Điều trước giờ tôi luôn tâm niệm, ngay cả khi đại dịch chưa xảy ra, là làm bác sĩ thì nên hết sức giúp người bệnh. Tôi luôn tin rằng khi tôi giúp đỡ họ thì cũng sẽ có ai đó giúp lại tôi và người thân khi chúng tôi gặp khó khăn hay bệnh tật."

"Trong hoàn cảnh này, nếu mẹ tôi bệnh, tôi cũng không thể nào giúp được. Thế nên, tôi tập trung làm tròn trách nhiệm của mình ở đây, cố gắng hết sức cứu người, với hy vọng ở quê, mẹ tôi, người thân và bạn bè tôi luôn khỏe mạnh," bác sĩ Hiếu bộc bạch.

Chụp lại video,

Bệnh nhân 91 rời Bệnh viện Chợ Rẫy, lên đường hồi hương

Video liên quan

Chủ Đề