Tại sao con cái ghét cha mẹ

Tại sao con cái ghét cha mẹ

Yêu thương như là nguồn dinh dưỡng cho đứa trẻ

Tình yêu thương của cha mẹ được xem là yếu tố quyết định sự phát triển độc đáo của một đứa trẻ. Ngược lại, khi đứa trẻ không cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, chúng có thể gặp những bất lợi trong quá trình phát triển, có thể phải mang những nỗi đau về tâm lý trong suốt cuộc đời.

Một nụ cười hoặc cái nhìn thân thiện của cha mẹ truyền tải sự đồng cảm và hài hước, sự gần gũi bằng những cái ôm, những cái nắm tay, tôn trọng và ân cần, dịu dàng và ấm áp trong đối xử; sẵn sàng trở thành một người bảo vệ duy nhất của đứa trẻ, có khả năng điều chỉnh những phản ứng, cảm xúc của mình để làm hài hòa và phù hợp với giai điệu cảm xúc của đứa trẻ. Trong giai đoạn trứng nước, các tương tác hài hòa giữa em bé và mẹ (hoặc người chăm sóc chính) đặc biệt quan trọng vì điều đó sẽ cung cấp cho em bé môi trường cần thiết cho việc học cách điều chỉnh cảm xúc và phát triển sự đồng cảm.

Tuy nhiên, theo quan sát từ các gia đình, TS Robert W Firestone đã nhận thấy có không ít các ông bố bà mẹ dường như vô cảm, không hài lòng với đứa con của mình hoặc có những ứng xử có hại cho đứa trẻ mặc dù trong thâm tâm, họ luôn cho rằng mình yêu con và mong muốn những điều tốt nhất cho con của họ.

8 lý do khiến cha mẹ không cảm thấy yêu con

Theo TS Robert W Firestone, có 8 lý do khiến cha mẹ không cảm thấy yêu thương được đứa con của mình.

1. Đầu tiên đó là những cha mẹ sống tiêu cực, có một hình ảnh bản thân tiêu cực và họ đã mở rộng ý nghĩ đó sang những đứa con.

Nếu họ không thể yêu bản thân, hoặc đã phát triển một quan niệm tiêu cực về bản thân và cơ thể của họ, mở rộng sự tiêu cực này sang đứa con của họ thì những người đó không thể truyền tình yêu cho những đứa con của mình. Nói chung, những người không thực sự yêu bản thân thì họ cũng không có khả năng yêu thương người khác, đặc biệt là con cái. Bởi thực tế, họ có quá nhiều khả năng thể hiện cảm xúc tiêu cực của mình lên người khác, đặc biệt là trên những đứa con của mình.

2. Cha mẹ chưa trưởng thành trong vai trò làm cha mẹ, họ xem con cái như một gánh nặng quá tải và là điều không mong muốn của họ.

Họ thấy việc phải chịu trách nhiệm chăm sóc với quá nhiều đòi hỏi trong sự phát triển của đứa con khiến cho họ cảm thấy bất an, phẫn nộ.

3. Nhiều người cảm thấy khó khăn trong việc biểu hiện những cử chỉ và lời nói yêu thương trực tiếp lên đứa trẻ. Nguyên nhân là bởi họ đã trải qua những tổn thương trong những năm phát triển. Điều đó đã gây nên những khó khăn cho họ trong việc chấp nhận tình yêu và sự thân mật từ con cái. Đối mặt với nỗi đau tình cảm quá khứ, cha mẹ sẽ vô thức xa cách con mình.

4. Cha mẹ có những tổn thương chưa được giải quyết trong cuộc sống của chính họ. Đó là lý do khiến những bậc cha mẹ đó có xu hướng ứng xử sai với con cái. Họ có thể có hai cách phản ứng đối lập nhau, đó là khước từ phủ nhận đứa con hoặc bù đắp quá mức cho đứa trẻ. Cả hai kiểu phản ứng này đều không phù hợp trong nuôi dạy con.

Ví dụ, một người cha không thể chịu đựng được tiếng khóc của con mình vì nó gợi nhắc về những nỗi buồn đau thời thơ ấu của anh ta. Đây là một cách khước từ đứa trẻ. Một phụ huynh khác có thể kìm nén nỗi đau của con mình theo cách ngược lại bằng cách an ủi và bảo vệ chúng quá mức. Thông thường, mỗi một đứa trẻ chúng luôn có khả năng “tiêu hóa” cao hơn khả năng phòng thủ của cha mẹ. Một người càng tự bảo vệ mình, người đó sẽ càng thực hiện sự phòng vệ của mình đối với đứa trẻ và dần dần không nhận thức đúng về đứa trẻ và khuyến khích sự phát triển lành mạnh ở chúng.

5. Việc có con nhắc nhở cha mẹ rằng thời gian đang trôi qua, khiến cho cha mẹ có xu hướng gia tăng sự lo lắng của mình về cái chết. Điều này có thể gây căng thẳng, thậm chí gây nên sự phẫn nộ ở cha mẹ. Để trốn tránh hoặc bảo vệ mình khỏi cảm giác lo lắng này, cha mẹ đã trực tiếp hoặc gián tiếp trút lên cho con cái của mình.

6. Cha mẹ có xu hướng sử dụng con cái của mình như một sự nối tiếp cho sự “bất tử” về huyết thống, dòng họ của mình. Để phục vụ mục đích này, không ít bậc cha mẹ đã áp đặt cách sống của mình lên đứa trẻ. Nếu đứa trẻ hành động khác đi, thậm chí đứa trẻ tỏ vẻ độc lập sớm liền bị cha mẹ cho là cứng đầu và nổi loạn.

7. Sự khao khát được chăm sóc yêu thương của cha mẹ từ thủa nhỏ đã khiến họ tập trung những ham muốn mạnh mẽ này vào con cái mình.

Những ông bố bà mẹ này thường nhầm lẫn giữa cảm giác mạnh mẽ của khao khát, chiếm hữu con cái với những cảm giác yêu thương chân thật. Những đứa trẻ được chăm sóc bởi một phụ huynh “đói khát và thiếu thốn” này sẽ không cảm nhận được tình yêu thương từ cha mẹ. Chúng không cảm thấy được an toàn. Cách yêu thương của những ông bố bà mẹ chưa trưởng thành này sẽ khiến cho đứa trẻ cảm thấy kiệt sức hơn là việc chúng đang được cha mẹ nuôi dưỡng. Kiểu cha mẹ này sẽ khiến trẻ có cảm giác bị mắc kẹt hoặc nghẹt thở bởi những mối quan hệ thân thiết trong cuộc sống sau này. Khi trưởng thành, họ có thể trải qua tình cảm là nỗi đau về thể xác hoặc tâm lý.

8. Do cách nuôi dạy con không đầy đủ hoặc có vấn đề, nhiều trẻ em phát triển những đặc điểm không thể chấp nhận được hoặc không thể chịu đựng được. Chúng có thể trở nên ngang ngược, thách thức, không vâng lời, đáng ghét, đòi hỏi, thù địch hoặc nói chung là khó chịu. Mặc dù nguyên nhân của những hành vi khó ưa này có nguyên nhân từ việc nuôi dạy con của mình nhưng những bậc cha mẹ này cảm thấy đứa con thật khó yêu, thậm chí là… đáng ghét.

Tóm lại, hầu như tất cả các bậc cha mẹ đều cảm thấy rằng họ yêu con cái của họ. Nhưng những gì xẩy ra trong nội tâm của những người làm cha làm mẹ có tác động rất lớn đến con cái của mình. Ý định tốt không thôi chưa đủ, bởi con cái cần được nuôi dưỡng bằng tình yêu của một người trưởng thành và khỏe mạnh.

Ngân Khánh

Những ngày qua, trên mạng xã hội facebook xuất hiện một group có tên gọi “Hội những người ghét cha mẹ”. Nhóm này lên tới hơn 7.000 thành viên, với những dòng status ngắn, tỏ thái độ căm ghét, hằn học, xúc phạm bố mẹ mình với lý do như: bất đồng quan điểm, không cho tiền đi chơi game, kiểm soát đời sống cá nhân, ngày nào cũng chửi, vô tâm với con cái...

Tại sao con cái ghét cha mẹ
Hội những người ghét cha mẹ trên mạng xã hội facebook đang làm cho các bậc phụ huynh phải suy nghĩ về cách giáo dục con cái.

Sau khi đọc những dòng status được các phương tiện truyền thông chia sẻ, bản thân tôi cũng như nhiều phụ huynh tỏ ra rất sốc khi đọc qua những bài đăng trong nhóm này. Nhiều người có ý kiến một số trẻ em vị thanh niên ngày nay sống vô cảm, chỉ biết đòi hỏi cho bản thân mà không biết cha mẹ bao giờ cũng muốn con mình tốt hơn nên mới răn dạy con cái. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, trẻ phát ngôn trên mạng xã hội như vậy, có một phần trách nhiệm thuộc về các bậc phụ huynh trong việc dạy con.

Quả thực, đối với bản thân tôi, do đặc thù công việc nên tôi đi nhiều nơi, gặp gỡ tiếp xúc với nhiều đối tượng, trong đó có cả những trẻ vị thành niên đang trong cơ sở cai nghiện. Được nghe các em trải lòng mình mới thấy được tầm quan trọng của gia đình trong việc giáo dục con cái. Còn nhớ năm 2019, tôi vào Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa gặp một số “bóng hồng” đang quyết tâm sửa chữa sai lầm trong quá khứ để trở về làm lại cuộc đời. Chia sẻ với tôi, em Nguyễn Thị O. quê huyện Hậu Lộc, cho biết: “Cũng vì hoàn cảnh, bố mẹ phải đi làm ăn xa, không có người ở bên cạnh kèm cặp, đôn đốc, chăm lo cuộc sống hằng ngày nên năm em 12 tuổi bị một người chị hàng xóm lôi kéo vào con đường nghiện ngập. Ban đầu chị chỉ bảo em đi đưa ma túy cho khách, sau đó chị cho em dùng thử, rồi em trở thành con nghiện lúc nào không hay. Mãi khi em học đến lớp 11 thì gia đình mới phát hiện em bị nghiện ma túy. Lúc này, bố mẹ bỏ công việc ở xa trở về quê để chăm lo, dạy dỗ em thì đã muộn. Bố mẹ đành cho em đi cai nghiện tự nguyện. Lần đầu vào đây, em đã cắt cơn và cai nghiện thành công. Nhưng khi rời khỏi cơ sở cai nghiện, em bị bạn bè lôi kéo lại tiếp tục ngập chìm trong những làn khói trắng. Lần thứ 2 này em quyết tâm sẽ không thể để mình sa ngã thêm nữa”.

“Từ “kết cục” của bản thân cũng như của một số bạn cùng tuổi bị nghiện ma túy mà em gặp cho thấy, sự định hướng, giáo dục trong gia đình rất quan trọng. Bởi, hầu hết những người em gặp, em chơi đều có những hoàn cảnh gia đình không mấy hạnh phúc. Người vì ở quê nghèo khổ, muốn xuống thành phố kiếm việc làm, có thu nhập để được đổi đời nhưng lại gặp những đối tượng không tốt dẫn tới đi làm gái mại dâm và nghiện ma túy; người thì bố mẹ ly hôn, không ai quan tâm, chăm sóc bỏ nhà đi lang bạt để rồi trở thành con nghiện...” – Nguyễn Thị O. nói.

Em Nguyễn Mai H., sinh năm 2005 ở TP Thanh Hóa đang học năm lớp 9 đã yêu, thường xuyên bỏ học đi chơi. Gia đình tìm mọi cách giải thích, khuyên can, thậm chí phạt, đánh em để em tu chí học hành nhưng càng đánh, càng quát mắng em lại càng tỏ ra lỳ lợm và bất cần dẫn đến kết quả học tập bị giảm sút. Qua những lần tâm sự, H. cho biết: Suốt ngày phải nhìn thấy cảnh bố mẹ mắng chửi nhau, thậm chí đánh nhau. Bố hay chửi tục, thậm chí lăng mạ mẹ con em. Chửi rủa em là con nọ, con kia... Mỗi lần gia đình xảy ra “chiến sự” em chán nản vô cùng, chỉ muốn bỏ đi thôi...

Tâm sự của em O., em H. cũng giống nhiều em nhỏ khác trong độ tuổi vị thành niên, khi vắng tình yêu thương, sự định hướng, khuyên can kịp thời của gia đình, người lớn trong nhà lại không làm gương tốt cho con trẻ noi theo thì các em rất dễ suy thoái về đạo đức, sai lệch về nhân cách. Đặc biệt, các em cần có nơi để giãi bày, để tâm sự mỗi khi tâm lý bị khủng hoảng mà không thể chia sẻ cùng bố mẹ... Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện group có tên gọi “Hội những người ghét cha mẹ”. Có thể thấy, lối sống và cách dạy dỗ, đối xử của cha mẹ và những người trong gia đình ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách của trẻ. Vì vậy, đã đến lúc một bộ phận cha mẹ phải nhìn nhận lại cách nuôi - dạy - đối xử với con cái. Không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu vật chất cho con mà cần phải dành thời gian chăm sóc, dạy bảo con trẻ. Không nên “khoán trắng” việc giáo dục con trẻ cho nhà trường. Hơn nữa, phải xây dựng gia đình thật sự là “tổ ấm” để trao truyền yêu thương, chăm lo, dạy dỗ, giáo dục và nuôi dưỡng con trẻ. Có như vậy, con trẻ mới có được một nhân cách tốt.

Bài và ảnh: Minh Vũ