Tại sao lãi ưu tiên cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh hơn so với vay tiêu dùng

Thời gian qua, NHNN đã không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động cho vay tiêu dùng
Nguồn: Internet

Hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này đang rất nỗ lực để có thể quản lý hiệu quả hoạt động cho vay tiêu dùng với hai mục tiêu chính, đó là bảo vệ người đi vay và thúc đẩy thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, cung cấp các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mọi người dân.

Đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng và tăng cường cho vay có trách nhiệm của công ty tài chính

Ngày 04/11/2019, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN (Thông tư số 18). Những quy định này tiếp tục hướng đến việc đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, phù hợp với yêu cầu của Chính phủ.

Theo đó, về giới hạn cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng, tại khoản 4, 5, 6 Điều 8a thuộc khoản 11 Điều 1 Thông tư số 18 quy định:

- Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại một công ty tài chính so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính đó tại thời điểm cuối ngày làm việc liền kề trước ngày ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa theo lộ trình sau đây: Từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021: 70%; từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022: 60%; từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023: 50%; từ ngày 01/01/2024: 30%.

- Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng và tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính quy định tại khoản 4 Điều này bao gồm cả số tiền cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại các hợp đồng đã được ký kết đến hết ngày ký kết hợp đồng quy định tại khoản 4 Điều này nhưng chưa giải ngân.

- Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại một công ty tài chính quy định tại khoản 4, 5 Điều này chỉ bao gồm khách hàng có tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp (bao gồm cả số tiền cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại các hợp đồng đã được ký kết đến ngày ký kết hợp đồng quy định tại khoản 4 Điều này nhưng chưa giải ngân) tại công ty tài chính đó trên 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng)”.

Thực tế, trong thời gian qua, các công ty tài chính có xu hướng tập trung cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp có rủi ro cao (tỷ lệ nợ xấu cao hơn nhiều so với giải ngân cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ), cho vay dễ dãi, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay, phát sinh nhiều khiếu nại của khách hàng.

Theo NHNN, việc quy định giới hạn là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Trước hết là để triển khai thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN, trên cơ sở mục tiêu quản lý nhà nước, lộ trình thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đã đặt ra, vừa thúc đẩy vai trò của các công ty tài chính tiêu dùng, đồng thời phải có kiểm soát để giảm rủi ro phát sinh từ việc các công ty tài chính tập trung cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp trong thời gian qua. Bên cạnh đó, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, hướng tới khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng thực sự, qua đó giảm rủi ro, khiếu nại, tranh chấp từ khách hàng, giảm lãi suất cho vay, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng, đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển an toàn, bền vững, lành mạnh.

Thông tư số 18 quy định giới hạn cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với các khoản vay có giá trị lớn (trên 20 triệu đồng). Theo đó, không hạn chế đối với nhu cầu món vay nhỏ dưới 20 triệu đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, phù hợp với yêu cầu của Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Mặt khác, quy định lộ trình đến ngày 01/01/2024, các công ty tài chính mới phải tuân thủ tỷ lệ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tối đa 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, do vậy, không tác động nhiều đến hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính do đã có thời gian chuyển tiếp để đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ theo lộ trình.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 39/2014/NĐ-CP ngày 07/5/2014 của Chính phủ thì công ty cho thuê tài chính được cấp tín dụng tiêu dùng (bao gồm: cho vay tiêu dùng (cho vay giải ngân cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ và cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng) và phát hành thẻ tín dụng); cho vay phục vụ nhu cầu đời sống trong giới hạn 30% tổng dư nợ. Do vậy, nếu tính cả dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống thì tỷ lệ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp thực tế (cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống) trên tổng dư nợ còn cao hơn mức 30%.

Như vậy, thay vì yêu cầu các công ty cho thuê tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng như dự thảo trước đó, thì Thông tư số 18 đã đưa ra lộ trình dài hơi và “cởi mở” hơn. Theo đó, năm 2021, tỷ lệ tối đa tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng tại một công ty tài chính là 70%; năm 2022 tối đa là 60%; năm 2023 tối đa là 50% và từ đầu năm 2024 là 30%. Không chỉ vậy, Thông tư số 18 của NHNN đã “mở cửa” cho các công ty tài chính được giải ngân trực tiếp các khoản vay dưới 20 triệu đồng sẽ giúp cho các công ty tài chính đẩy mạnh hoạt động tại các vùng nông thôn với nhiều món vay tiêu dùng nhỏ lẻ, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Hơn nữa, việc NHNN quy định một tỷ lệ giải ngân bằng tiền mặt trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng là cần thiết. Việc này cộng với việc tăng cường giám sát, kiểm soát của chính các tổ chức cho vay sẽ làm hạn chế nợ xấu từ hoạt động cho vay tiêu dùng. Hiện nay, chưa có những thống kê cụ thể về nợ xấu của riêng hoạt động cho vay bằng tiền mặt, nhưng rủi ro nợ xấu của các công ty cho thuê tài chính rất lớn, tình trạng đòi nợ “kiểu xã hội đen” phổ biến, gây mất trật tự an toàn xã hội và ảnh hưởng đến uy tín ngành Ngân hàng. Vì vậy, việc hạn chế dần cho vay tiền mặt là hợp lý để lành mạnh hóa hoạt động cho vay tiêu dùng.

Để hạn chế tình trạng một số công ty cho thuê tài chính nhắc nợ, đòi nợ quá nhiều, thông tin về tình trạng khoản vay của khách hàng, đòi tiền cá nhân, tổ chức không có nghĩa vụ trả nợ, thông tin sai về nghĩa vụ nợ tại Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam, bảo mật thông tin khách hàng chưa phù hợp quy định pháp luật, đồng thời, tăng cường cho vay có trách nhiệm của công ty cho thuê tài chính, bảo vệ quyền lợi của khách hàng vay, Thông tư số 18 yêu cầu công ty tài chính phải tuân thủ các quy định sau đây:

(i) Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 05 (năm) lần/01 (một) ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ, không nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, không gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng cho cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

(ii) Áp dụng các hình thức tiếp nhận, xử lý góp ý, phản ánh, khiếu nại của khách hàng, đảm bảo xác thực thông tin khiếu nại cơ bản khách hàng cung cấp cho công ty tài chính, trong đó tối thiểu có hai hình thức (trực tiếp thông qua các cá nhân, bộ phận chuyên trách tại trụ sở chính, chi nhánh, điểm giới thiệu dịch vụ của công ty tài chính; gián tiếp thông qua các phương tiện điện tử, tổng đài điện thoại có ghi âm, tối thiểu hoạt động trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ). Công ty tài chính có trách nhiệm giải quyết và trả lời khiếu nại của khách hàng, tổ chức, cá nhân liên quan trong thời hạn 48 (bốn mươi tám) giờ (trừ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ) kể từ khi tiếp nhận khiếu nại về số tiền cho vay, lãi suất, biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ quy định tại hợp đồng cho vay tiêu dùng; về đòi tiền cá nhân, tổ chức không có nghĩa vụ trả nợ, thông tin sai về nghĩa vụ nợ tại Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam và trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận khiếu nại về nội dung khác.

(iii) Công ty tài chính bán nợ cho bên thứ ba được phép mua nợ theo quy định của pháp luật, trong hợp đồng mua bán nợ phải có cam kết của bên thứ ba về việc thực hiện các quy định đã thỏa thuận với khách hàng tại hợp đồng cho vay tiêu dùng (trong đó bao gồm cả các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ) phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan. Quy định này là cần thiết nhằm hạn chế tình trạng đòi nợ không phù hợp của bên mua nợ trong thời gian vừa qua, bảo vệ quyền lợi khách hàng vay.

Thông tư số 18 quy định cụ thể trách nhiệm của công ty tài chính trong việc tuân thủ quy định tại Thông tư số 43, tăng cường cho vay có trách nhiệm của công ty tài chính, cụ thể:

(i) Niêm yết công khai tại trụ sở, chi nhánh, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của công ty tài chính các nội dung: khung lãi suất cho vay tiêu dùng, các loại phí, phương pháp tính lãi; các hình thức tiếp nhận góp ý, phản ánh, khiếu nại của khách hàng, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

(ii) Đăng tải thông tin liên hệ của công ty tài chính, danh sách (tên, địa chỉ) điểm giới thiệu dịch vụ, những điều cần biết về cho vay tiêu dùng, các câu hỏi thường gặp trong cho vay tiêu dùng trên trang thông tin điện tử của công ty tài chính.

(iii) Công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng, giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cơ bản tại hợp đồng cho vay tiêu dùng, trong đó bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của khách hàng vay tiêu dùng, các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng cho vay tiêu dùng và có xác nhận của khách hàng về việc đã được công ty tài chính cung cấp thông tin theo quy định tại khoản này, để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

(iv) Quy định cụ thể trách nhiệm của người quản lý, phụ trách điểm giới thiệu dịch vụ trong việc báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi có điểm giới thiệu dịch vụ.

(v) Thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng quy trình tuyển dụng, đánh giá nhân viên, hạn chế rủi ro đạo đức; tổ chức tập huấn, đào tạo nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng, chất lượng dịch vụ tư vấn khách hàng, ý thức tuân thủ pháp luật, quy định nội bộ, đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên.

(vi) Thực hiện giám sát, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên việc tuân thủ quy định của pháp luật, quy trình, quy định nội bộ về hoạt động cho vay tiêu dùng đối với cá nhân, bộ phận, đơn vị có liên quan tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ của công ty tài chính, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật quy trình, quy định nội bộ. Phát hiện kịp thời các bất cập, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động cho vay tiêu dùng, thông báo, cảnh báo trong hệ thống công ty tài chính để có biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro, các hành vi vi phạm pháp luật.

(vii) Xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, quy trình, quy định nội bộ trong hoạt động cho vay tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; công bố công khai trong nội bộ việc xử lý các vi phạm này.

Tăng khả năng tiếp cận vốn chính thức, giúp người dân tránh xa “bẫy” tín dụng đen

Bên cạnh Thông tư số 18, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn chính thức cho người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, từ đó góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.

NHNN cũng đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ, trong đó nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm của một số đối tượng khách hàng lên gấp 02 lần mức cho vay tối đa cũ nhằm đáp ứng tốt hơn nguồn vốn cho người dân tại khu vực nông thôn, vùng sâu, xa nơi tín dụng đen hoạt động mạnh.

Ngoài ra, NHNN có chính sách khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động ngân hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, cụ thể như: Xây dựng thí điểm và phát triển hệ thống ngân hàng lưu động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); phát triển hệ thống tài chính vi mô, các công ty tài chính tiêu dùng; hoàn thiện chính sách, cơ chế để tăng cường tín dụng tiêu dùng phục vụ các đối tượng thu nhập thấp, vay vốn món nhỏ, thời gian ngắn. Với hệ thống khoảng gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân được thành lập ở hầu hết các xã trong phạm vi toàn quốc để đáp ứng nhu cầu vay vốn của xã viên, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn. Theo NHNN, đến cuối tháng 7/2022, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 8,41% so với cuối năm 2021, chiếm 24,79% so với dư nợ toàn nền kinh tế (cuối năm 2021 tăng 14,88%, cùng kỳ năm 2021 tăng 8,04%).

NHNN cũng chỉ đạo các TCTD rà soát để đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo quy định của pháp luật; chỉ đạo các TCTD phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp từng đối tượng khách hàng; công khai, minh bạch các mức lãi suất, phí cho vay, đồng thời chủ động tiếp cận và hướng dẫn người dân về thủ tục vay vốn.

Đặc biệt, ngành Ngân hàng cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính, qua đó nâng cao kiến thức cho người dân, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa và giúp họ tiếp cận các sản phẩm tín dụng chính thức tại các TCTD.

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bị giảm doanh thu, thu nhập hoặc phải hoạt động cầm cự, thậm chí nguy cơ phá sản, ngành Ngân hàng đã có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, giảm áp lực trả nợ vay đến hạn trong bối cảnh khó khăn, góp phần hạn chế người dân tìm đến tín dụng đen.

Tuy nhiên, thời gian qua, tín dụng tiêu dùng chủ yếu vẫn tập trung ở các ngân hàng thương mại, do đó, chưa phát huy hết vai trò của các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và các công ty tài chính tiêu dùng. Số liệu thống kê thực tế cho thấy, hiện dư nợ của các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 2%) trong tổng dư nợ của các TCTD, chưa kể sự bùng phát của các App cho vay với thủ tục nhanh gọn lôi kéo người dân có nhu cầu vay nhanh.

Thời gian tới, để tạo điều kiện cho hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển an toàn, lành mạnh, về phía các cơ quan quản lý, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, trong đó có các công ty tài chính; tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh thông qua việc thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi quốc tế; nên xem xét, tính toán để hạn mức tín dụng của công ty tài chính phù hợp với đặc thù của loại hình này, không đánh đồng như ngân hàng thương mại. Đồng thời, cần có chính sách tạo điều kiện cho tổ chức tài chính vi mô phát triển, có cơ sở giúp người dân có thể vay nhanh với những món nhỏ cho nhu cầu đời sống tiêu dùng chính đáng.

Ở tầm vĩ mô, các bộ liên quan cần phối hợp Bộ Công an nghiên cứu sớm trình Chính phủ ban hành các quy định tạo điều kiện cho TCTD (trong đó có công ty tài chính) có thể khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc này giúp các công ty tài chính có nhiều dữ liệu chính xác trong quá trình thẩm định và duyệt vay đối với khách hàng, giảm thiểu rủi ro liên quan các vấn đề giả mạo thông tin cá nhân.

Đối với các công ty tài chính, cần rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường trong và sau dịch bệnh. Đồng thời, cần chú trọng phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, phối hợp phát triển các mô hình kinh doanh mới (Fintech, cho vay ngang hàng,
Mobile-Money…); tăng cường quản trị rủi ro tín dụng và tiết giảm chi phí để tối ưu hóa hoạt động, cân đối phù hợp giữa rủi ro và lãi suất cho vay; cần phải tập trung đẩy mạnh giáo dục tài chính cho người tiêu dùng và xây dựng đội ngũ nhân sự để phát triển hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, các công ty tài chính tiêu dùng cần tiếp tục đầu tư công nghệ, nâng cấp dịch vụ, sáng tạo sản phẩm mới tạo sự khác biệt, tăng độ nhận biết.

Đặc biệt, các TCTD, chính quyền địa phương cần nâng cao hơn nữa nhận thức cho người dân về dịch vụ tài chính tiêu dùng. Để làm tốt công tác này, cơ quan chức năng cần phải triển khai các chiến dịch tư vấn tốt cả trước, trong và sau quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ. Hiện nay, vẫn còn không ít người dân có thói quen chưa tìm hiểu tường tận các quy định cho vay tiêu dùng, nghĩa vụ và ý thức trả nợ lại kém, dẫn đến những mâu thuẫn, gây nên những cách nhìn không hay về dịch vụ cho vay tiêu dùng. Đồng thời, cần truyền thông giúp người dân nắm bắt được danh sách các công ty tài chính do NHNN cấp phép (trên Cổng Thông tin điện tử NHNN: sbv.gov.vn), hướng dẫn cách tiếp cận, thủ tục và điều kiện, giúp người dân tránh xa tín dụng đen.

  Tài liệu tham khảo:

1. Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.
2. Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 04/11/2019 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.