Tại sao nói To chức là yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công trong quản trị

Lãnh đạo đóng vai trò quyết định tới sự thành công của tổ chức. Nếu ví một tổ chức như con thuyền thì lãnh đạo là vị thuyền trưởng đưa ra định hướng về đường đi cũng như cầm lái giúp con thuyền vượt qua những con sóng. Một ví dụ điển hình cho vai trò của lãnh đạo đó là Steve Jobs trong việc tạo ra đế chế Apple trong thế giới điện thoại smartphone. Với quan điểm của mình hướng tới chiến lược khác biệt nhằm tạo ra sản phẩm tốt nhất, hệ thống phần mềm hoàn thiện nhất và định nghĩa phân khúc sản phẩm của mình là cao cấp với mức giá cao, thì đến nay Apple vẫn thành công với chiến lược này và trở thành công ty đầu tiên có vốn hóa đạt 2000 tỷ đô-la Mỹ.

Hiện nay, trước ngày càng nhiều biến số từ môi trường, cơ hội kinh doanh đã bị thu hẹp thì sự cạnh tranh diễn ra gay gắt hơn. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Bộ kế hoạch và Đầu tư trong 7 tháng đầu năm 2020, có 63.461 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,9% so với cùng kỳ 2019. Do vậy, để đứng vững và tìm ra cơ hội bứt phá, các doanh nghiệp cần tập trung vào phát triển năng lực của tổ chức hướng đến 2 mục tiêu. Thứ nhất, phát triển tổ chức giúp nâng cao khả năng chịu đựng, thích nghi với sự khắc nghiệt của thị trường. Thực chất phát triển tổ chức là quy trình liên tục đánh giá và cải thiện quy trình,cơ cấu tổ chức, chính sách, kỹ năng của nhân sự. Khi đó trước những thách thức như sự thay đổi nhu cầu khách hàng thì doanh nghiệp cũng có thể thích nghi nhanh chóng. Thứ hai, phát triển tổ chức là sự chuẩn bị trước của doanh nghiệp để sẵn sàng đón nhận cơ hội lớn hơn trong tương lai. Khi cơ hội đến với một hệ thống đã được ổn định, quy trình được chuẩn hóa, kỹ năng nhân sự đã tăng cao thì doanh nghiệp có thể bứt phá và dẫn đầu thị trường.

Tuy nhiên để phát triển tổ chức không dễ, lãnh đạo phải là người đi đầu để dẫn dắt tổ chức thực hiện sự thay đổi cải tiến. Trước khi nâng cao kỹ năng cho nhân sự, người lãnh đạo phát triển kỹ năng của mình đầu tiên và hơn hết cần có tư duy mở sẵn sàng thay đổi suy nghĩ cố hữu của bản thân để tiếp thu những kiến thức mới.

Đó chính là lý do OD CLICK chọn yếu tố lãnh đạo là chủ đề chính khi nói đến phát triển tổ chức (OD). Bài viết này sẽ cho độc giả góc nhìn tổng quan về lãnh đạo (Leadership) và những cách thức để phát triển yếu tố lãnh đạo trong OD.

TỔNG QUAN VỀ LÃNH ĐẠO (LEADERSHIP)

Định nghĩa lãnh đạo (Leadership)

Kets de Vries định nghĩa lãnh đạo dựa trên các nguồn quyền lực khác nhau và một tập hợp các kỹ năng cụ thể, là một hành động được định hướng để tác động đến các thành viên trong nhóm nhằm đạt được các mục tiêu chung.

Landsberg định nghĩa lãnh đạo là một hoạt động có chiều hướng sáng tạo mạnh mẽ, giữa các cá nhân và hầu như luôn bao gồm việc khởi xướng và tạo ra sự thay đổi. Các nhà lãnh đạo, với tư cách là người đóng vai trò quan trọng trong các quá trình thay đổi, phải liên tục phát triển các công ty mà họ điều hành

Nhìn chung, lãnh đạo là hoạt động sáng tạo và một tập hợp các kỹ năng để định hướng các thành viên trong tổ chức đạt được mục tiêu chung. Ngoài ra, trong tư duy của lãnh đạo luôn phải hướng đến sự thay đổi và truyền cảm hứng cho các nhân sự cùng thay đổi qua đó tạo ra sự phát triển liên tục trong công ty.

VAI TRÒ CỦA LÃNH ĐẠO TRONG OD

Trong phát triển tổ chức (OD), lãnh đạo cần giữ vai trò chủ chốt và hướng công ty theo tổ chức học tập. Qua đó khuyến khích các thành viên học hỏi lẫn nhau cũng như có chương trình đào tạo cho nhân sự. Hơn nữa, sự liên tục học hỏi cái mới dẫn đến sự cải tiến liên tục trong quy trình và chính sách. Để làm được điều này, các nhà lãnh đạo cần có những ý thức về những vai trò của mình.

Thứ nhất, lãnh đạo là người truyền cảm hứng và khích lệ nhân viên thay đổi. Nhân sự thường muốn hướng đến sự ổn định với những đầu việc được lặp lại thành thói quen. Để khuyến khích được nhân sự thay đổi, các nhà lãnh đạo cần làm gương và đi đầu. Hơn nữa, lãnh đạo cần cho nhân sự hiểu vai trò của mình  và giải thích vai trò sự thay đổi đến quá trình phát triển của công ty. 

Thứ hai, lãnh đạo giúp đào tạo và phát triển cấp dưới. Người lãnh đạo giỏi luôn nhìn được điểm mạnh và tiềm năng phát triển của nhân viên cũng như điểm còn hạn chế của họ. Từ đó thiết kế chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng phù hợp cho nhân sự của mình. Khi đội ngũ nhân sự có cải thiện về năng lực thì sức mạnh của tổ chức theo đó mà tăng lên

Thứ ba, lãnh đạo thiết lập tầm nhìn rõ ràng. Việc phát triển tổ chức đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn vì kết quả không đến trong thời gian ngắn. Vì vậy, lãnh đạo có tầm nhìn rõ ràng, họ sẽ kiên định trong việc xây dựng và phát triển năng lực của tổ chức. Khi đó nhân sự mới dần hiểu được hướng đi rõ ràng mà công ty đang thực hiện thì sự phát triển mới đạt được hiệu quả tối ưu.

Cuối cùng, lãnh đạo là người đưa ra những thay đổi cần thiết. Trong phát triển tổ chức thì sự thay đổi và cải tiến luôn là kim chỉ nam, do vậy những nhà lãnh đạo cần có khả năng nhận ra những lỗ hổng trong tổ chức cũng như thay đổi trong nhu cầu thị trường để đưa ra các hoạt động cải thiện. Trước sự biến động của môi trường kinh doanh, doanh nghiệp nào thích nghi nhanh hơn doanh nghiệp đó sẽ có lợi thế. 

CÁC CHỨC NĂNG LÃNH ĐẠO CƠ BẢN

Lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng cạnh tranh của tổ chức. Và điều đó được thể hiện rất rõ qua 5 chức năng chính:

Tại sao nói To chức là yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công trong quản trị

Lập kế hoạch 

Người đứng đầu tổ chức sẽ là người chịu trách nhiệm cho kế hoạch chiến lược của công ty, trong đó xác định những mục tiêu doanh nghiệp sẽ đạt được trong dài hạn và các phương án để thực hiện mục tiêu đó. 

Với mục tiêu rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể và những tiêu chí đánh giá minh bạch, nhân viên sẽ biết họ cần làm những gì, công việc của họ được đánh giá ra sao và từ đó họ sẽ có động lực hoàn thành nhiệm vụ.

Quản lý 

Lãnh đạo giữ vai trò đảm bảo thông tin truyền đạt đầy đủ đến các thành viên trong tổ chức. Việc này là quan trọng bởi khi nhân sự hiểu chính sách, chiến lược của công ty thì việc thực hiện mới đạt được hiệu quả. Ngoài ra, những người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm phân chia nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng ban. Những nhiệm vụ cần đảm bảo tính khả thi và khai thác hết năng lực của các thành viên. Bên cạnh những nhiệm vụ phân công là xác định những KPIs và tiêu chuẩn chất lượng cho từng đầu việc. Điều này giúp việc quản lý của lãnh đạo diễn ra dễ dàng hơn qua đó thúc đẩy hiệu quả chung của tổ chức

Kiểm soát

Lãnh đạo có trách nhiệm thực hiện các hoạt động, biện pháp để đảm bảo cho tổ chức đó hoạt động hiệu quả và đạt được mục tiêu đặt ra một cách hợp lý. Người lãnh đạo sẽ giám sát nhân viên, chính sách, hệ thống, phòng ban của công ty đang vận hành ra sao và, nếu vẫn giữ nguyên cách làm đó, thì có khả năng hoàn thành kế hoạch không.

Hỗ trợ 

Lãnh đạo đặt cấp dưới vào vị trí trung tâm, trao quyền cho cấp dưới, giúp cấp dưới phát triển, đạt được các mục tiêu cá nhân và tổ chức, để cấp dưới ra quyết định, tự kiểm soát công việc của họ. Qua đó, nhân viên sẽ có động lực làm việc, mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên trở nên bình đẳng, theo kiểu đối tác hơn là cấp bậc.

Nhân viên và lãnh đạo cùng nhau thiết lập các mục tiêu và lựa chọn chiến lược thực hiện trong bối cảnh thị trường biến động. Vai trò của lãnh đạo chủ yếu mang tính hỗ trợ quá trình, ít sự chuyên quyền.

Thông tin 

Truyền đạt thông tin là hoạt động nhằm tạo được sự hiểu biết lẫn nhau từ đó dẫn tới sự thay đổi trong hành động và nhận thức của con người trong quá trình hoạt động. Thông tin thông suốt tới nhân viên phương tiện để thay đổi cách cư xử và hành động của con người trong một tổ chức, giúp mọi người hiểu nhau, thông cảm và hợp tác với nhau: người lãnh đạo hiểu những người cấp dưới để ra quyết định chính xác, nhân viên cấp dưới hiểu người lãnh đạo của mình, và các đồng nghiệp hiểu nhau.

Đánh giá 

Đánh giá của lãnh đạo, quản lý là một quá trình xem xét có hệ thống việc thực hiện công việc của cá nhân, tổ chức trực thuộc dựa trên các tiêu chí đánh giá đã được xác định trước nhằm kiểm tra tính khả thi của các ý tưởng, kiểm tra kiến thức của nhân viên, phân tích hoạt động của nhóm, đồng thời hỗ trợ nhân viên tự đánh giá bằng các phương pháp đánh giá phù hợp, từ đó rút ra những kết luận, định hướng điều chỉnh hoạt động quản lý, điều hành trong tương lai.

CÁC PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO CƠ BẢN

Theo Newstrom & Davis (1993), phong cách lãnh đạo là phương thức và cách tiếp cận của một nhà lãnh đạo để đề ra các phương hướng, thực hiện các kế hoạch và tạo động lực cho nhân viên. Xét trên phương diện cá nhân, phong cách lãnh đạo chính là cách thức làm việc của nhà lãnh đạo (Smith, 2016). Phong cách lãnh đạo là cá tính, thói quen biểu hiện ra bên ngoài thống nhất với bản chất bên trong thông qua tư tưởng, ý thức, đạo đức lối sống (Sathye, 2004).

Nhà lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ tổ chức nào. Do đó, phong cách lãnh đạo mà một nhà lãnh đạo áp dụng có thể góp phần đáng kể vào sự phát triển của tổ chức. Có thể kể đến hai phong cách lãnh đạo chính đó là:

Lãnh đạo chuyển đổi (transformational leadership)

Theo J. M. Burns (1978), phong cách lãnh đạo chuyển đổi là phương pháp trong đó “người đứng đầu và các cộng sự của họ cùng tương trợ nhau để đạt đến tầm cao của đạo đức và động lực”. Cụ thể, lãnh đạo chuyển đổi bao gồm 4 yếu tố: ảnh hưởng lý tưởng hóa (Idealized Influence), động lực truyền cảm hứng (Inspirational Motivation), kích thích trí tuệ (Intellectual Stimulation) và cân nhắc từng cá nhân (Individualized Consideration).

Ở mức độ lý tưởng, lãnh đạo tạo ra sự thay đổi có giá trị, truyền cảm hứng, khuyến khích đổi mới, sáng tạo và xem xét cá nhân trong những cấp dưới, với mục tiêu cuối cùng là giúp cấp dưới phát triển trở thành các nhà lãnh đạo.

Khi được áp dụng đúng đắn, động lực, tinh thần và hiệu suất làm việc của cấp dưới sẽ được tăng cường, từ đó thúc đẩy sự gắn kết với tổ chức, đồng thời giúp nhà lãnh đạo chuyển đổi hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của cấp dưới và sắp xếp nhiệm vụ phù hợp cho họ.

Lãnh đạo chuyển giao (transactional leadership)

Về cơ bản, lãnh đạo chuyển giao có thể được định nghĩa là người đứng đầu thúc đẩy cấp dưới làm việc dựa trên các hình phạt và phần thưởng khuyến khích. Qua đó, nhân viên cấp dưới có động lực để tăng năng suất làm việc nhằm nhận được sự tín nhiệm của lãnh đạo. Với phong cách lãnh đạo này, người lãnh đạo có khuynh hướng thiên về kết quả công việc thay vì xây dựng mối quan hệ với các thành viên. Thay vì để nhân viên tự giác, nhà lãnh đạo hoặc quản lý sẽ đặt họ vào một guồng máy làm việc thông qua việc phân chia rõ nhiệm vụ, giao việc kèm theo sự kiểm soát chặt chẽ.

Việc trao đổi giữa việc thực hiện công việc và phần thưởng, hình phạt diễn ra thường xuyên để đạt được các mục đích. Những trao đổi này có thể được thực hiện theo 4 kiểu: trao thưởng theo kết quả, quản lý chủ động bằng ngoại lệ, quản lý thụ động bằng ngoại lệ, và tự do.

Sau khi độc giả hiểu khái quát về yếu tố lãnh đạo trong phát triển tổ chức, ở phần tiếp bài viết tập trung đưa ra cách thức để phát triển yếu tố lãnh đạo trong OD. Bởi để tổ chức phát triển thì người lãnh đạo phải là người đi đầu và là người tự phát triển mình đầu tiên.

LÃNH ĐẠO TRONG PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC

Để phát triển yếu tố lãnh đạo trong OD, các doanh nghiệp cần chú trọng đến hai khía cạnh quan trọng. Đó là phát triển năng lực lãnh đạo và xây dựng thương hiệu lãnh đạo trong tổ chức. Một tổ chức sẽ mạnh khi đội ngũ lãnh đạo nâng cao năng lực quản lý qua việc tham gia các khóa học hay tự trau dồi thêm kỹ năng qua sách. Ngoài ra, thương hiệu lãnh đạo mạnh sẽ có tác động tích cực đến tổ chức. 

Phát triển năng lực lãnh đạo

Trong quá trình phát triển tổ chức, phát triển năng lực lãnh đạo là một yêu cầu trọng tâm. Trong thời kỳ với những biến số khó lường như hiện nay, khi mà công nghệ thay đổi nhanh chóng, các nguồn lực tự nhiên và xã hội dần cạn kiệt, đặc biệt là ý thức và cam kết công việc của nhân viên với tổ chức cũng thay đổi phức tạp so với các thế hệ trước, các nhà quản lý, lãnh đạo trong tổ chức cần phải có sự trau dồi liên tục về năng lực để đáp ứng được nhằm thích ứng với áp lực đổi mới thị trường và tốc độ phát triển của doanh nghiệp.

Thứ nhất, mỗi nhà lãnh đạo, quản lý cần tự nhận thức và xác định được những thiếu sót trong kỹ năng quản lý của mình, nhận ra họ đã làm tốt ở đâu và cần cải thiện công việc ở đâu. Biết được những điều này có thể giúp những nhà lãnh đạo có những quyết định sáng suốt, đồng thời tăng hiệu suất làm việc hiệu quả của nhân viên. Tự nhận thức sẽ cung cấp cho nhà lãnh đạo một nền tảng để dẫn dắt đội ngũ với mục đích, niềm tin, sự chân thành và cởi mở. Nó cho bản thân người lãnh đạo biết được mình là ai và mình cần gì từ đồng đội để tạo nên một tập thể đoàn kết.

Thứ hai, giao tiếp và truyền đạt thông tin, ý tưởng hiệu quả luôn được đánh giá là một trong những năng lực quan trọng nhất để các nhà lãnh đạo thành công. Viết rõ ràng, nói rõ ràng và sử dụng các kỹ năng lắng nghe tích cực là yêu cầu của tiến trình phát triển vai trò và vị trí lãnh đạo. Khi bạn tiến lên nấc thang sự nghiệp, các hành vi cần được mở rộng hơn như khuyến khích thảo luận, xây dựng niềm tin, truyền đạt tầm nhìn và ý định chiến lược và kéo mọi người theo bạn. Đó là lý do tại sao giao tiếp rất quan trọng đối với các nhà lãnh đạo.

Thứ ba, nhà lãnh đạo cần truyền cảm hứng cho người khác trước hết cần phải đam mê với những gì mình đang làm. Khi đam mê, họ sẽ thực sự hứng thú và muốn truyền niềm đam mê đó cho những người xung quanh, đặc biệt là những cộng sự. Với cương vị là người lãnh đạo, hãy luôn nói những lời thật tích cực, sử dụng những ngôn ngữ đầy lạc quan. Chỉ khi nhà lãnh đạo là một người lạc quan thì họ mới có khả năng truyền sự lạc quan niềm hy vọng ấy cho nhân viên của họ.

Thứ tư, nhà lãnh đạo cần có năng lực học tập liên tục để đánh giá và tìm kiếm những bài học kinh nghiệm. Để phát triển như những người lãnh đạo chúng ta cần phải là những người học tích cực. Các biểu hiện cho nền tảng này là những hành vi, kỹ năng hoặc thái độ mới và chấp nhận trách nhiệm phát triển chúng. Học hỏi nhanh bao gồm học hỏi từ những sai lầm, đặt câu hỏi sâu sắc và cởi mở để phản hồi. Nó bao gồm học một kỹ năng mới một cách nhanh chóng, tận dụng các cơ hội để học hỏi và phản ứng tốt với các tình huống mới. Đối với các nhà lãnh đạo cấp cao, học tập nhanh nhẹn cũng là để truyền cảm hứng học tập ở người khác và tạo ra văn hóa học tập trong toàn tổ chức. Phát triển sự nhanh nhẹn trong học tập của bạn là làm thế nào để tận hưởng một sự nghiệp lâu dài.

Xây dựng thương hiệu lãnh đạo

Khái quát về thương hiệu lãnh đạo

Thương hiệu nhà lãnh đạo là sự nhận diện về phát triển những nhà quản lý xuất sắc với một tập hợp các tài năng riêng biệt nhằm đáp ứng kỳ vọng của khách hàng và nhà đầu tư. Đó là cách mọi người cảm nhận giá trị mà bạn mang lại cho vai trò của mình. Thương hiệu Lãnh đạo của bạn truyền tải bản sắc và sự khác biệt của bạn với tư cách là một nhà lãnh đạo. Đó là điều khiến bạn khác biệt với những người khác.

Một công ty có thương hiệu lãnh đạo mạnh tác động đến sự phát triển tổ chức ở hai khía cạnh. Thứ nhất, khách hàng sẽ có sự tin tưởng đối với thương hiệu. Khi nhà lãnh đạo có hình ảnh tốt và đội ngũ nhân viên có chuyên môn sẽ chiếm lòng tin của khách hàng trong việc sẽ mang lại chất lượng sản phẩm dịch vụ tốt nhất cho họ. Thứ hai, đội ngũ nhân sự trong công ty cũng có niềm tin với tổ chức rằng những điều ban lãnh đạo đang thực hiện sẽ mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và bản thân có thể phát triển kỹ năng, nghề nghiệp tại đây.

Một công ty có thương hiệu lãnh đạo truyền cảm hứng cho niềm tin rằng nhân viên và người quản lý sẽ luôn thực hiện tốt những lời hứa của công ty. Các bậc cha mẹ đưa con cái đến công viên giải trí Disney cho rằng những người điều hành chuyến xe và nhân viên nhà hàng sẽ là những người lạc quan, thân thiện và hòa nhã. Các khách hàng của McKinsey hiểu rằng các nhà tư vấn thông minh, được đào tạo bài bản sẽ mang đến những kiến ​​thức quản lý mới nhất để giải quyết các vấn đề của họ. Thương hiệu lãnh đạo cũng gắn liền với văn hóa của tổ chức, thông qua các chính sách và yêu cầu của tổ chức đối với nhân viên. Ví dụ, khẩu hiệu của Lexus là “theo đuổi sự hoàn hảo”. Trong nội bộ, bộ phận Lexus chuyển lời hứa đó thành kỳ vọng rằng các nhà quản lý sẽ xuất sắc trong việc quản lý các quy trình chất lượng, bao gồm sản xuất tinh gọn. Đó là lý do tại sao chất lượng sản phẩm của Lexus luôn đứng đầu trên thế giới và được nhiều khách hàng ưa chuộng. 

Nguyên tắc xây dựng thương hiệu lãnh đạo

Để xây dựng lên thương hiệu lãnh đạo mạnh mẽ, doanh nghiệp tuân thủ theo 5 nguyên tắc cơ bản. 5 nguyên tắc này như kim chỉ nam giúp định hướng từng bước để có thể tạo nên thương hiệu lãnh đạo thu hút và là nền tảng để xây dựng lòng tin của không chỉ khách hàng mà còn của nhân viên với ban lãnh đạo. Từ đó, tổ chức sẽ từng bước phát triển thông qua việc nhân sự tin tưởng và cam kết gắn bó với công ty và năng lực cá nhân của các lãnh đạo không ngừng được nâng cao

Nguyên tắc 1: Trước hết các lãnh đạo cần hoàn thành tốt vai trò của mình

Trước khi xây dựng thương hiệu mạnh, các nhà lãnh đạo cần phải làm tốt vai trò chính của mình trong tổ chức đó là việc lập chiến lược và đào tạo nhân tài. Với việc thiết lập kế hoạch, người lãnh đạo cần phải là “người thuyền trưởng” nhìn nhận đánh giá thị trường để đưa ra được chiến lược chung cũng như định hướng kế hoạch hành động cho tổ chức. Hình ảnh của lãnh đạo luôn gắn với tổ chức, chỉ có những kế hoạch đúng đắn giúp doanh nghiệp phát triển và lan tỏa thương hiệu công ty thì thương hiệu của cá nhân lãnh đạo đó mới được nâng cao trong xã hội. Tiếp theo là đào tạo và phát triển nhân tài, các lãnh đạo cần có chiến lược tìm kiếm và đào tạo đội ngũ nhân sự tài năng để phát triển năng lực tổ chức

Nguyên tắc 2: Các nhà quản lý xác định kỳ vọng của thành phần bên ngoài với công ty

Đây là mức độ kỳ vọng của xã hội và cộng đồng đối với tổ chức cũng như cá nhân các lãnh đạo. Có thể thấy ví dụ như xã hội, khách hàng luôn kỳ vọng ở Apple là công ty với những công nghệ đột phá, và mang lại trải nghiệm sử dụng tốt nhất. Đồng thời, hình ảnh đội ngũ lãnh đạo của Apple kỳ vọng là luôn quan tâm đến khách hàng và muốn mang lại sản phẩm với công nghệ tốt nhất cho người dùng. Hơn nữa, họ là những người sáng tạo và có những phong cách làm việc độc đáo. Nắm bắt được những kỳ vọng này, các nhà lãnh đạo có thể nhìn lại mình và cải thiện bản hơn nữa.

Nguyên tắc 3: Đánh giá lại mình theo quan điểm của cộng đồng, xã hội

Sau khi phần nào nắm bắt được sự kỳ vọng của xã hội, khách hàng, đối tác với thương hiệu lãnh đạo cũng như hình ảnh của doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo cần đánh giá lại mình dựa trên những quan điểm đó xem những gì mình chưa tốt cần phải trau dồi cải thiện và những gì mình đã làm tốt thì phát huy. Điểm quan trọng là không thể hài lòng tất cả mọi người, mình chỉ nên nhìn vào những ý kiến mang tính xây dựng, tích cực và những gì mà mình thấy cần thiết nên thay đổi để tốt hơn. Bởi điều cốt lõi làm lên thương hiệu của lãnh đạo là năng lực cá nhân của họ

Nguyên tắc 4: Trau dồi và phát triển năng lực lãnh đạo 

Sau khi nhìn nhận lại mình và so sánh với mức độ kỳ vọng của cộng đồng, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung tự trau dồi thêm những kỹ năng cho mình. Điều này giúp nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức qua đó mang hình ảnh thương hiệu công ty đến gần hơn với khách hàng. Hơn nữa việc nhà lãnh đạo có năng lực cũng khiến đội ngũ nhân sự có lòng tin hơn với tổ chức qua đó cam kết tương lai với doanh nghiệp. Điều này làm tăng sức mạnh nền tảng nội lực cho tổ chức giúp họ đứng vững trước sự biến động của thị trường

Nguyên tắc 5: Theo dõi sự thành công của mình trong xây dựng thương hiệu

Khi phát triển năng lực của bản thân, các nhà lãnh đạo cần theo dõi mức độ phản ứng của cộng đồng đối với thương hiệu cá nhân của mình xem tính cực hay tiêu cực. Để từ đó có những hành động cải thiện và xây dựng hình ảnh cá nhân tốt hơn. Điểm quan trọng trong nguyên tắc này là các lãnh đạo cần phải duy trì theo dõi trong dài hạn để đảm bảo luôn duy trình hình ảnh tốt. Điều này góp phần nâng cao hình ảnh chung của tổ chức với khách hàng, đối tác.

KẾT LUẬN

Để một tổ chức phát triển, sự đồng lòng của toàn bộ các thành viên đóng vai trò quan trọng. Nhưng người định hướng và nhận ra doanh nghiệp của mình cần thay đổi, cải thiện và nâng cao hơn là người lãnh đạo. Khi nhắc đến yếu tố lãnh đạo trong phát triển tổ chức (OD) là gắn liền với 2 yếu tố chính. Thứ nhất, lãnh đạo cần trau dồi và nâng cao kỹ năng của mình bởi điều này góp phần giúp tổ chức hoạt động hiệu quả hơn. Thứ hai, lãnh đạo cần xây dựng thương hiệu bởi thương hiệu cả nhà lãnh đạo gắn liền với hình ảnh tổ chức. Vì vậy, một tổ chức có thương hiệu lãnh đạo mạnh thì lòng tin của khách hàng sẽ tăng cao hơn và nhân sự cũng tin tưởng và gắn kết tương lai với tổ chức. Song, không phải doanh nghiệp nào cũng có kinh nghiệm triển khai hiệu quả. Hiểu được điều này, OD CLICK với cương vị là công ty tư vấn uy tín xây dựng chương trình “lãnh đạo gương mẫu” với các chuyên đề về “phát triển năng lực lãnh đạo” giúp nâng cao kỹ năng cho nhà lãnh đạo và “xây dựng thương hiệu nhà lãnh đạo” với quy trình, công cụ giúp tạo dựng thương hiệu cho nhà lãnh đạo của doanh nghiệp hiệu quả. Hơn nữa, trước khi tiến hành xây dựng chương trình phù hợp cho mỗi doanh nghiệp, OD CLICK sẽ “khảo sát năng lực lãnh đạo” nhằm xác định rõ điểm cần cải thiện mang lại hiệu quả tối ưu nhất cho khách hàng. 

OD CLICK cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp Việt trong suốt quá trình tư vấn, đào tạo, đồng thời hỗ trợ sau khi dự án kết thúc, tạo nên sự phát triển giá trị tri thức và hiệu quả của cả hai bên.

OD CLICK biên tập

Nguồn tham khảo:

  1. Leadership and Organizational Development,Vladimir-Codrin,Cristina, 2019
  2. Strengthscape.com/importance-of-leadership-in-organizational-development
  3. Newstrom, J.W., Davis, K. (1993). Organizational Behavior: Human Behavior at Work. New York:McGrawHill. 
  4. Burns, J.M. (1978) Leadership. New York. Harper & Row.
  5. Sathye, Milind (2004). Leadership in Higher Education: A Qualitative Study.
  6. Smith, A. (2016). Authoritarian leadership style explained. Small
  7. Business Chronicle. 
  8. https://www.greatmanagers.com.au/leadership-brand/
  9. https://hbr.org/2007/07/building-a-leadership-brand