Tại sao quốc ca bị đánh bản quyền

Vào 19 giờ 30 phút ngày 6/12, trên sân vận động Bishan [Singapore] diễn ra trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Lào ở bảng B, AFF Cup 2020. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam mà khán giả xem tường thuật trận đấu này trên các nền tảng xã hội không được xem các cầu thủ hát Quốc ca vì lý do bản quyền.

Khi vừa mới bắt đầu ra sân, khán giả đã phải chứng kiến sự kiện hy hữu chưa từng có trong lịch sử bóng đá nước nhà khi không được nghe Quốc ca Việt Nam trong trận đấu của đội tuyển Việt Nam. Ca khúc đã bị tắt tiếng và trên màn hình hiện lên dòng chữ "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường. Mong quý vị và khán giả thông cảm". Tuy nhiên, nếu theo dõi trận đấu trên sóng truyền hình thì khán giả vẫn có thể nghe rõ bài hát Tiến Quân ca - Quốc ca.

Sự việc này xảy ra khiến nhiều khán giả bức xúc, rất nhiều dòng cảm xúc bày tỏ trên các mạng xã hội cho rằng: Dù bất kỳ lý do gì đi chăng nữa thì việc ngắt tiếng phần hát Quốc ca của các cầu thủ trong trận bóng đá này là không thể chấp nhận được bởi Quốc ca là hồn cốt của dân tộc, không thể vì lý do cá nhân “đánh gậy” bản quyền mà xâm phạm vào tác phẩm âm nhạc đã nằm lòng trong trái tim nhân dân Việt Nam.

Họa sĩ Văn Thao, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao gần đây đã lên án việc một đơn vị xác nhận sở hữu bản quyền ca khúc “Tiến Quân ca - Quốc ca” do nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc.

Hình ảnh dòng chữ ngắt tiếng bài hát Quốc ca trên màn hình.

Theo họa sĩ Văn Thao, bài “Tiến Quân ca” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác từ cuối năm 1944. Ông sáng tác bài hát với quan điểm là để tuyên truyền, cổ động cho lực lượng vũ trang âm nhạc với ca từ ngắn gọn, khúc triết, dễ thuộc để mọi người có thể hát được.

Bài hát ngay sau khi ra đời đã được đón nhận và lan tỏa rất nhanh. Khi trở thành Quốc ca, mọi người hỏi ông là có chủ ý sáng tác cho Quốc ca, nhạc sĩ Văn Cao khi đó đã trả lời là ông không có ý nghĩ viết bài này để trở thành Quốc ca mà chỉ nghĩ là một bài hát cách mạng, bài ca yêu nước như nhiều ca khúc nhưng khi trở thành Quốc ca là do giá trị bài hát đó làm nên.

Họa sĩ Văn Thao cho rằng, tự đứa con tinh thần làm nên giá trị của nó chứ không phải tác giả muốn là được. Những chuyện “lùm xùm” liên quan đến bản quyền âm nhạc đối với bài Tiến quân ca là hoàn toàn sai phạm, gia đình tôi đã trao bài hát "Tiến Quân ca" cho Tổ quốc, cho nhân dân. Bây giờ, quyền tác giả là hoàn toàn thuộc về tài sản Quốc gia, của Nhà nước.

Trao đổi với Báo Quân đội nhân dân Điện tử, nhạc sĩ Lân Cường rất bức xúc trước sự việc trên. Ông cho rằng, trong một trận đá bóng mang tầm quốc gia hay bất kỳ một sự kiện nào có phần chào cờ thì không thể chấp nhận được việc bài Quốc ca bị ngắt tiếng vì lý do bản quyền.

Nhạc sĩ Lân Cường chia sẻ, khi âm nhạc của bài Tiến Quân ca vang lên thì người Việt Nam từ già đến trẻ đều thể hiện sự nghiêm túc, trọng thị trong đó, đặt tay lên trái tim mình, hướng ánh mắt về lá cờ đỏ sao vàng và hát bài Quốc ca. Điều này này thể hiện tình yêu với Tổ quốc vô cùng thiêng liêng. Vì vậy, cho dù là chương trình chỉ phát trên các nền tảng xã hội cũng cần phải xử lý nghiêm khắc.

Các nghệ sĩ khi làm các MV ca nhạc Quốc ca như ca sĩ Tùng Dương, Minh Quân… cũng không bao giờ nghĩ rằng làm MV như vậy để đưa lên Youtube kiếm tiền bằng MV đó bởi ai mang trong mình dòng máu Lạc Hồng thì đều có những cảm xúc đặc biệt mỗi khi đặt tay lên ngực và hát Quốc ca.

Nhiều ca sĩ làm MV ca nhạc Quốc ca vì màu cờ Tổ quốc chứ không bao giờ nhằm mục đích kinh doanh thì hà cớ gì mà một cá nhân nào đó lại lợi dụng cả Quốc ca “đánh gậy” bản quyền.

Trong buổi tường thuật trực tiếp trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam - Lào không phải khán giả nào cũng xem trên sóng truyền hình. Có rất nhiều khán giả trẻ xem trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội. Vì thế sự việc ngắt tiếng bài hát Quốc ca ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, lòng tự tôn dân tộc, đặc biệt là thế hệ tương lai của nước nhà.

Không ai được phép mang tài sản Quốc gia để trục lợi cho mục đích cá nhân. Cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm khắc vấn đề này, không thể lợi dụng cơ chế thị trường mà đảo ngược mọi vấn đề.

Link bài gốc:

//www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/quoc-ca-bi-ngat-tieng-vi-ly-do-ban-quyen-trong-tran-bong-da-viet-nam-lao-can-xu-ly-kip-thoi-679735

Theo Khánh Huyền/Báo Quân đội nhân dân

Toàn cảnh vụ đơn vị tiếp sóng "dám" tắt tiếng bài "Tiến quân ca" vì bản quyền: Người Việt bất bình tại sao không thể nghe Quốc ca của nước mình?

Sau khi trận đấu Việt Nam - Lào tối 6/12 kết thúc, hàng ngàn người hâm mộ đã bày tỏ sự bất bình trên kênh YouTube Next Sports cũng như mạng xã hội Facebook về việc Quốc ca Việt Nam phải tắt tiếng. Thực tế không chỉ có trận đấu có đội tuyển Việt Nam, mà nhiều trận đấu AFF Cup 2020 phát trên YouTube đều bị tắt quốc ca các nước, cùng chung một lý do: Bản quyền âm nhạc. Vì sao vậy?

Tối 6/12, trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Lào tại vòng bảng AFF Suzuki Cup, tiếng bài Quốc ca Việt Nam đã bị tắt trên kênh YouTube phát sóng trận đấu. Vụ việc khiến hàng triệu người xem trận đấu qua kênh YouTube vô cùng bất ngờ, bức xúc.

Bản quyền AFF Suzuki Cup 2020 tại Việt Nam do Next Media sở hữu. Kênh Next Sports là nơi phát sóng trực tiếp trận Việt Nam - Lào tối 6-12 với sự theo dõi trực tiếp của 1,4 triệu người trên YouTube.

Thời điểm tắt tiếng Quốc ca Việt Nam, trên màn hình Next Sports chạy dòng chữ với nội dung: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm".

Trong khi đó, người xem qua truyền hình vẫn có thể nghe rõ ca khúc này. Lý do được thông báo trên màn hình là: "Vì lý do bản quyền âm nhạc".

Sau khi trận đấu kết thúc, hàng ngàn người hâm mộ đã bày tỏ sự bất bình trên kênh YouTube Next Sports cũng như mạng xã hội Facebook về việc Quốc ca Việt Nam phải tắt tiếng. Theo Next Sports, đây không phải lần đầu, họ buộc phải tắt tiếng Quốc ca của Việt Nam trong các trận đấu của đội tuyển quốc gia khi được phát trên nền tảng YouTube. Thậm chí, nhiều khán giả phẫn nộ đã cho rằng việc đánh bản quyền quốc ca "là một sự sỉ nhục", và tên đơn vị đánh bản quyền Quốc ca trước đó bị lôi vào vụ việc – BH Media.

Fanpage của BH Media và BH Music bị cư dân mạng liên tục công kích, buộc đơn vị này phải lên tiếng giải thích vụ việc.

Vì đâu Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trên YouTube?

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam khán giả xem tường thuật trận đấu trên nền tảng xã hội mà không được nghe các cầu thủ hát Quốc ca.

Tuy nhiên, không phải chỉ có riêng Quốc ca Việt Nam bị tắt, mà Quốc ca các nước đều bị tắt trong nhiều trận đấu AFF Cup 2020 phát trên nền tảng YouTube.

Tại sao YouTube "đánh" bản quyền Quốc ca một nước?

Theo YouTube, bản quyền là một hình thức của luật sở hữu trí tuệ giúp bảo vệ các tác phẩm nguyên gốc có quyền tác giả. Bản quyền có vai trò quan trọng trong việc xác định ai có thể sử dụng bản nhạc do bạn hoặc người khác sáng tác, đồng thời xác định cách bạn kiếm tiền từ nhạc của mình trên và ngoài YouTube.

Trong ngành âm nhạc, có 2 loại bản quyền chính:

- Bản ghi âm là nội dung ghi lại âm thanh thực, kể cả được thực hiện trong nhà để xe hay phòng thu âm. Loại bản quyền này có thể do nghệ sĩ biểu diễn và nhà sản xuất âm nhạc hoặc kỹ sư thu âm cùng sở hữu.

- Bản sáng tác nhạc là nội dung bao gồm bản nhạc và lời bài hát, có thể được viết trên giấy hay được ghi lại bằng thiết bị điện tử. Loại bản quyền này có thể thuộc về một hoặc nhiều nghệ sĩ soạn nhạc và nghệ sĩ viết lời.

Tức, bản "Tiến quân ca" sẽ có 2 bản quyền:

1- Bản sáng tác nhạc mà gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao tặng lại lại nhân dân năm 2016.

2- Bản ghi âm: Nếu một cá nhân, tổ chức nào đó bỏ thời gian, công sức, kỹ thuật, tiền bạc ra làm một bản ghi Tiến quân ca, theo Luật Sở hữu trí tuệ, cá nhân, tổ chức đó là nhà sản xuất, chủ sở hữu của bản ghi này [quyền liên quan]. Bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi này, đều phải xin phép chủ sở hữu.

Ví dụ bản ghi Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio bỏ tiền ra sản xuất và Hồ Gươm Audio ủy quyền cho BH Media quản lý, khai thác bản ghi này trên YouTube. Đồng nghĩa khi BH Media đưa bản ghi Tiến quân ca của Hồ Gươm Audio lên YouTube nếu có kênh đăng tải video sử dụng bản ghi này sẽ bị YouTube gửi thư thông báo xác nhận bản quyền.

Theo quy định này, chỉ khi các kênh tự sản xuất bản ghi Tiến quân ca của riêng mình sẽ không bị YouTube nhận diện bản quyền.

Vì sao tháng trước tôi vẫn nghe được Quốc ca Việt Nam khi xem đội tuyển thi đấu trên Youtube?

Trước đó, trong trận Việt Nam - Ả Rập Saudi diễn ra tối 16/11 tại Việt Nam, kênh YouTube của FPT [đơn vị có bản quyền tiếp sóng trận đấu này] đã phát "Tiến quân ca" do Hãng đĩa Marco Polo sản xuất.

Đây là bản ghi mà hãng đĩa này bỏ tiền sản xuất và đã đăng ký bản quyền trên YouTube. Theo luật, bất kì ai muốn sử dụng bản ghi này thì phải xin phép nhà sản xuất.

Vô tư phát "Tiến quân ca" có bản quyền, kênh Youtube của FPT trận đó không kiếm được tiền.

Rút kinh nghiệm của FPT, trận đấu Việt Nam – Lào vốn không hề có bên nào "đánh bản quyền" Tiến quân ca, nhưng đơn vị tiếp sóng là Next Sports chủ động tắt tiếng phần Tiến quân ca để "phòng xa", tránh bị mất doanh thu.

Fan không được nghe quốc ca khi xem đá bóng trên Youtube. Lỗi tại ai?

Chia sẻ trên Người Lao động, BH Media cho biết: Việc phát "Tiến quân ca" không bản quyền dẫn đến mất doanh thu không phải do lỗi của kênh YouTube của FPT.

"Họ chỉ là đơn vị tiếp sóng. Ban tổ chức sân mới chính là người đã chọn bản ghi "Tiến quân ca" của Hãng đĩa Marco Polo", đại diện BH Media chia sẻ.

Đơn vị này cũng cho rằng bản quyền âm nhạc trên môi trường số ngày càng chặt chẽ. Do đó, tất cả các bên đều cần phải nâng cao ý thức bản quyền. Khi đoàn thể thao Việt Nam ra nước ngoài thi đấu thì phía Việt Nam cần chủ động chuẩn bị các bản ghi "Tiến quân ca" có bản quyền nộp cho bản tổ chức sân, như vậy có thể đảm bảo quyền lợi cho các đơn vị tiếp sóng.

VFF lên tiếng

Ngày 7/12, ông Lê Hoài Anh - tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam [VFF] vừa cho biết VFF sẽ gửi cho ban tổ chức AFF Suzuki Cup bản thu âm mới Quốc ca Việt Nam để phát trong các trận đấu của đội tuyển Việt Nam.

Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, ông Lê Hoài Anh - tổng thư ký VFF - cho biết từ xưa đến nay, khi đội tuyển Việt Nam thi đấu trên sân nhà hay các trận đấu quốc tế thì chưa xảy ra tình trạng này. Vì tình huống mới nên VFF đang tiếp nhận và tiến hành xử lý.

Trước câu hỏi khi đội tuyển Việt Nam tham dự các giải đấu bóng đá quốc tế, VFF có phải gửi bản thu âm Quốc ca Việt Nam cho ban tổ chức để họ phát? Ông Lê Hoài Anh nói: "Tôi đang kiểm tra lại quy trình về việc này. Trước mắt sau sự việc Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trên kênh YouTube phát sóng trận Việt Nam - Lào tối 6-12, VFF sẽ xử lý bằng việc gửi bản thu âm Quốc ca mới cho ban tổ chức AFF Suzuki Cup 2020. Bản thu âm Quốc ca này được sử dụng trong các nghi lễ quốc gia của Việt Nam. Việc này chưa xảy ra bao giờ nên chúng tôi đang tìm cách xử lý".

Sắp tới Việt Nam sẽ là chủ nhà của SEA Games 31, việc phát bản Quốc ca nào tại các sự kiện tại SEA Games là câu chuyện được đặt ra với ban tổ chức đại hội khi mà câu chuyện về quyền sở hữu bản thu âm Quốc ca Việt Nam đang có nhiều phát sinh, tranh cãi.

Theo báo Tuổi trẻ, một lãnh đạo Tổng cục TDTT ngày 7/12 cho biết ban tổ chức SEA Games 31 đã nắm được sự việc và sẽ có cách làm hợp lý. Nếu cần, ban tổ chức đại hội sẽ tự thu âm bản Quốc ca Việt Nam, hoặc xin phép đơn vị có bản thu âm để phát Quốc ca Việt Nam tại SEA Games 31.

Bảo Bảo

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Từ khóa: quốc ca, Tiến quân ca, bản quyền âm nhạc, bh media, đánh bản quyền quốc ca, AFF Cup 2020

Cùng chuyên mục

Xem theo ngày Ngày 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 Tháng Tháng 1 Tháng 2 Tháng 3 Tháng 4 Tháng 5 Tháng 6 Tháng 7 Tháng 8 Tháng 9 Tháng 10 Tháng 11 Tháng 12 Năm 2022 2021 2020 2019 2018 2017 2016 2015 2014 XEM

Video liên quan

Chủ Đề