Thanh lý nhà trẻ tại quảng ninh

Đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non

dau-tu-co-so-vat-chat-cho-giao-duc-mam-non

  1. Xã hội

Thứ Hai, 31/10/2022 20:07 [GMT +7]

Đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non

Thứ 3, 26/02/2019 | 14:35:49 [GMT +7] A  A

Những năm qua, giáo dục mầm non tại Quảng Ninh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực. Nhờ được tỉnh tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, các trường mầm non của tỉnh đã đáp ứng tốt hơn yêu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ.

Trường Mầm non Hạ Long được xây dựng từ năm 2017 đáp ứng nhu cầu gia tăng về số lượng trẻ trên địa bàn.

Tới Trường Mầm non Hạ Long [phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long], chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng vì không gian rộng rãi, thoáng đãng, sạch đẹp, khang trang của nhà trường. Điều này trái với những cảm nhận trước đây là một ngôi trường chật hẹp, cũ kỹ, với những phòng học đã được xây dựng hơn 50 năm. Cô giáo Phạm Minh Huệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hạ Long, chia sẻ: "Trường hiện có 857 trẻ, 26 lớp. Được sự quan tâm của thành phố, năm 2017, Trường được xây mới cơ sở vật chất. Tới tháng 1/2019, chúng tôi đã được nhận bàn giao từ đơn vị thi công. Trước đó, từ tháng 7/2018, chúng tôi cũng đã vào dạy và học. Hiện nay, nhà trường có 53 phòng học chính, 2 phòng học thông minh cho trẻ 5 tuổi, 2 phòng năng khiếu để dạy múa, phát triển vận động. Những phòng học chưa dùng tới, chúng tôi dành vào việc tổ chức học tiếng Anh, âm nhạc, thư viện, dạy đàn, phòng tạo hình, phòng tắm cho học sinh nhà trẻ, dạy yoga cho trẻ 4, 5 tuổi... Dự kiến, quy mô nhà trường vào năm 2030 lên tới 1.600 trẻ. Vì thế, việc xây dựng trường có quy mô phòng học nhiều như vậy là để hướng tới lâu dài, có thể đáp ứng số trẻ tăng hằng năm".

Không riêng Trường Mầm non Hạ Long, thời gian qua, rất nhiều trường mầm non trên địa bàn tỉnh được quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, nhằm đáp ứng tốt hơn chất lượng dạy, chăm sóc trẻ. Theo số liệu của Sở GD&ĐT, năm học 2017-2018, toàn tỉnh đã xây mới, cải tạo, sửa chữa được 179 phòng học, 43 bếp ăn, 114 công trình vệ sinh ở cấp học mầm non. Nhờ đó, đến nay tỉnh đã có 218/218 trường, lớp có công trình nước sạch đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Kinh phí chi cho giáo dục mầm non đảm bảo tỷ lệ quy định. Tổng kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho giáo dục mầm non lên tới trên 111 tỷ đồng. Trong đó, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi vận động thông minh là hơn 84 tỷ đồng. Thiết bị điện tử và bộ đồ chơi vận động liên hoàn ngoài trời là hơn 27 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã có 12/14 đơn vị cấp huyện có cơ sở vật chất, trường lớp cấp mầm non đạt chuẩn quốc gia từ 68% trở lên.

Một tiết học đàn của trẻ mầm non 5 tuổi, Trường Mầm non Hạ Long.

Theo đó, quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non được duy trì ổn định và không ngừng phát triển, cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ trên địa bàn. Đồng thời, loại hình giáo dục mầm non được phát triển đa dạng. Trường, lớp ngoài công lập phát triển mạnh tại các thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư. Năm học 2017-2018, trên địa bàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn có cơ sở giáo dục mầm non với tổng số 218 trường, 3.327 nhóm, lớp, trong đó có 865 lớp mẫu giáo 5 tuổi. So với cùng kỳ năm học trước, toàn tỉnh tăng 5 trường mầm non, 158 nhóm, lớp.

Theo đồng chí Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT, thì hằng năm Sở GD&ĐT đều phê duyệt kế hoạch phát triển giáo dục của các huyện, thị xã, thành phố, căn cứ quy mô phát triển trường lớp theo đặc thù của từng địa phương để giao chỉ tiêu huy động trẻ ra lớp tới từng đơn vị. Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục quy hoạch dành quỹ đất phát triển trường, lớp, đặc biệt trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực tập trung đông dân cư.

Trẻ em tham gia học tập tại góc tạo hình của Trường Mầm non Hạ Long.

Cùng với đó, Sở GD&ĐT đã chủ động, tích cực tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tăng cường các nguồn lực ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho các cơ sở giáo dục mầm non bao gồm cả cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Đồng thời, Sở cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non xây dựng thư viện thân thiện gắn với mỗi trường, nhóm, lớp mầm non, lồng ghép hợp lý vào các khu vực hoạt động của nhà trường và góc hoạt động của nhóm, lớp; bố trí, sắp xếp hợp lý, tạo cơ hội cho trẻ khai thác, sử dụng, bảo quản các thiết bị, đồ dùng, sách truyện hiệu quả. Hiện toàn tỉnh có trên 85% trường mầm non có sân chơi, phòng học giáo dục thể chất được trang bị đủ thiết bị, đồ chơi vận động tối thiểu cho trẻ em theo quy định.

Có thể thấy, với sự đầu tư mạnh của tỉnh, giáo dục mầm non có sự chuyển biến mạnh về chất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Lan Anh

[links[]]

Ý kiến []

Chủ Đề