Thực trạng việc tự học của học sinh

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VẤN ĐỀ TỰ HỌC CỦA SINH VIÊN THEO HỌC CHẾ TÍN CHỈ VÀ ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP CẢI THIỆN


Khoa Thủy sản

1. MỞ ĐẦU

Đào tạo theo hình thức tín chỉ là phương pháp đào tạo có nhiều ưu thế so với phương thức đào tạo truyền thống. Hiện nay việc áp dụng hình thức này sao cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mỗi trường là vấn đề lớn và khó đối với cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy và cả sinh viên.

Theo hình thức tín chỉ thì sinh viên là trung tâm, ngoài kiến thức giảng viên truyền đạt trên lớp thì sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu thêm tài liệu. Việc tự học của sinh viên giữ vai trò rất quan trọng, nó là nhân tố trực tiếp nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường đại học. Bên cạnh đó tự học còn góp phần nâng cao hoạt động trí tuệ của sinh viên trong việc tiếp thu và hiểu tri thức mới, rèn luyện cho sinh viên có cách độc lập suy nghĩ, độc lập giải quyết các vấn đề khó khăn trong quá trình học, giúp sinh viên tự tin hơn trong việc lựa chọn cuộc sống của mình, và thúc đẩy sinh viên lòng ham học, ham hiểu biết, vươn tới đỉnh cao của khoa học, sống có hoài bão, có ước mơ.

2. PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG TỰ HỌC CỦA SINH VIÊN KHOA THỦY SẢN

2.1. Nhận thức của sinh viên về vấn đề tự học theo hệ thống tín chỉ

Tự học có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình học đại học của sinh viên. Tự học nhằm phát huy tính tự giác học và nghiên cứu. Việc tự học đối với sinh viên có vai trò hết sức quan trọng vì qua đó góp phần giúp cho sinh viên rèn luyện khả năng tư duy và sáng tạo của cá nhân. Hầu hết sinh viên đều nhận thức rằng vấn đề tự học là quan trọng khi áp dụng theo học chế tín chỉ [83%], tuy nhiên việc tự học này đồng nghĩa với hình thức học cá nhân [62,1%], không phụ thuộc vào người khác và không cần sự cộng tác của bạn bè. Sinh viên cho rằng đây là yêu cầu thối thiểu của một sinh viên. Ngoài ra phải giao lưu học hỏi ở các bạn khác ngành, các lớp đàn anh để nâng cao trình độ và nắm bài tốt hơn. Học theo chương trình tín chỉ hóa nên việc tự học là rất quan trọng, tuy nhiên để nhằm bổ sung thêm kiến thức sinh viên thường tạo ra những nhóm học để các bạn dễ dàng trao đổi kiến thức và giúp đỡ nhau trong học tập. Có lớp cho rằng việc tự học có nghĩa là học theo nhóm [61,3%]. Sinh viên cho rằng tự học theo nhóm mang lại hiệu quả cao nhưng cũng có ý kiến cho rằng vào học chỉ lo trò chuyện, cười giỡn không thể tiếp thu được nhiều nên hiệu quả kém. Theo ý kiến của một số sinh viên muốn học nhóm có hiệu quả cao thì cần tuân thủ một số điều quan trọng như không nói chuyện, đùa giỡn trong khi học, phải có một trưởng nhóm có kiến thức vững và biết cách truyền tải lượng kiến thức đó một cách hiệu quả nhất, biết điều tiết nhiệt độ học và biết phân bố thời gian học hợp lý và sinh động để các thành viên học không bị chán.

Thời gian dành cho tự học là trên 2 giờ/ngày [57,8%]. Đây là con số khá lý tưởng nếu như thực tế diễn ra như vậy.

Phân tích về vai trò quan trọng của Trung tâm học liệu Trường và Thư viện Khoa Thủy sản, qua thống kê cho thấy phần đông sinh viên rất ít đến những nơi này để học hỏi [tỉ lệ lần lượt là 68,2%52,9%]. Tự học ở nhà riêng là giải pháp được ưa chuộng hiện nay của sinh viên [51,6%], trong khi số sinh viên đến trường học ở Thư viện là 18,2% và học bất cứ ở phòng trống của các nhà học là 30,2%.

Khi tự học sinh viên có thể chủ động được quỹ thời gian mà không bị ràng buộc, có thể học bất cứ lúc nào. Từ đó giúp sinh viên nắm kiến thức vững chắc và có thể hiểu sâu và nhớ kỹ hơn các vấn đề [tự học nên nhớ lâu hơn]. Ngoài ra, việc tự học còn nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác làm việc theo nhóm, khi đó sinh viên có thể thể hiện tính sáng tạo trong tư duy và linh hoạt nhạy bén trong suy nghĩ, điều quan trọng hơn hết là sinh viên có thể đi sâu hơn so với thực tế nhằm rèn luyện kỹ năng phân tích tình hình và đưa ra quyết định, đây là một yếu tố cần và đủ để sau này khi rời khỏi ghế nhà trường sinh viên sẽ không bỡ ngỡ khi làm việc ở môi trường thực tế. Việc tự học giúp cho sinh viên có thể tiếp thu tốt bài giảng trên lớp hay củng cố lại các kiến thức đã học, mở mang thêm nhiều kiến thức mới qua sách vở và mạng Internet phục vụ cho chuyên ngành nghiên cứu, nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, tạo môi trường học tập tiến bộ và tiên tiến,.

2.2. Phương tiện và trang thiết bị hỗ trợ cho việc tự học

Đánh giá về nguồn tư liệu và sách tham khảo chuyên môn ở Trung tâm học liệu Trường Đại học Cần Thơ và Thư viện Khoa Thủy sản, số liệu thống kê cho thấy có 51,7% không rõ được nguồn sách ở Trung tâm học liệu và hoàn toàn không biết có đủ hay không. Có 47,8% sinh viên cho rằng nguồn tư liệu và sách chuyên môn ở Thư viện Khoa Thủy sản còn thiếu chưa đáp ứng cho việc học tập của sinh viên. Tuy nhiên con số thống kê này chưa nói lên được thực trạng khảo sát vì có đến 65,5% rất ít đến Trung tâm học liệu Trường và 63,8% rất ít đến Thư viện Khoa Thủy sản. Điều này phản ánh thực trạng là sinh viên không đến hoặc rất ít đến những nơi kể trên và như thế thiếu thông tin khi trả lời các câu hỏi đề ra.

Do yêu cầu tự học nên đòi hỏi sinh viên phải có khả năng ngoại ngữ để tra cứu thông tin, đọc tài liệu. Tuy nhiên, trình độ ngoại ngữ của sinh viên còn nhiều hạn chế nên rất khó để tiếp cận với các nguồn tài liệu nước ngoài. Một chỉ số khác cho thấy có đến 86,2% số lượng sinh viên xác định sự hạn chế của bản thân là vấn đề ngoại ngữ khi tiếp cận nguồn tài liệu ở Trung tâm học liệu Trường, kể cả tài liệu chuyên môn ở Thư viện Khoa Thủy sản. Học phí cho sinh viên khi đăng ký học ngoại ngữ tại trung tâm ngoại ngữ còn cao nên những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện kinh tế để được học,..

Bàn về việc sinh viên được phép sử dụng phòng máy tính công của nhà trường, Khoa và qui chế được phép sử dụng để truy cập tài liệu, số liệu khảo sát cho thấy lần lượt là 80,6%66,5%. Điều này cho thấy sinh viên hiểu rõ được tầm quan trọng của công nghệ thông tin là công cụ cho học tập. Tuy nhiên trong thực tế đa số sinh viên vẫn còn ngại và cho rằng phòng máy tính công của nhà trường và Khoa không đáp ứng cho sinh viên khi cần học tập. Để kết luận vấn đề này, cần khảo sát thêm số liệu thống kê về tình trạng sinh viên sử dụng máy tính công của nhà trường và ở Khoa, mức độ sử dụng của sinh viên năm 1, 2, 3 và 4 có khác nhau hay không.

Phòng máy tính công đã phát huy tác dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tham khảo tài liệu, tuy nhiên cần mở rộng thời gian hoạt động để sinh viên có dịp vào học ban đêm do quá tải giờ lên lớp. Do không có nhiều phòng tự học nên rất nhiều sinh viên phải ngồi học ngay tại hành lang nhà học, điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả học tập. Một nghịch lý đang tồn tại: sinh viên thường tự học ngoài giờ nhưng hầu hết các Thư viện lại đóng cửa ngoài giờ. Nguồn tài liệu Thư viện Khoa phần lớn đọc tại chỗ, thiếu phiên bản. Máy tính bị hư hỏng nhiều, mạng kết nối chậm gây mất nhiều thời gian, thiếu máy tính trong những ngày đăng ký môn học. Nhiều phòng học thiếu quạt và bị hư hỏng bàn ghế nhiều. Phòng máy tính không đủ số lượng phục vụ sinh viên trong những ngày cao điểm [cuối học kỳ, chuẩn bị báo cáo giữa kỳ]. Cần có giám sát, quản lý việc sử dụng máy tính vì không ít sinh viên sử dụng không đúng mục đích [chơi games, đọc báo,]. Phòng máy tính tuy được trang bị nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của sinh viên. Mặt khác, kỹ năng tìm kiếm thông tin trên Internet phục vụ cho học tập của sinh viên chưa cao.

2.3. Nắm vững qui chế học vụ và chương trình đào tạo

Có đến 66,7% số lượng sinh viên được khảo sát cho thấy không nắm rõ về qui chế học vụ, kể cả qui chế học vụ mới thay đổi trong năm học này [tháng 08/2010]. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến tiến trình học tập: lập kế hoạch học tập theo chương trình đào tạo khuyến khích ở Khoa đề ra, phân bố các môn học theo thời gian học, số tín chỉ được phép đăng ký trong trường hợp học một ngành hay cùng lúc 2 ngành.

Nắm vững nội dung chương trình đào tạo và tính tiên quyết cũng như thứ tự của môn học là rất quan trọng cho sinh viên trong quá trình lập kế hoạch học tập. Có 64,2% số lượng sinh viên trả lời là có tham khảo chương trình đào tạo ngành mình học, tuy nhiên qua thực tế của việc lập kế hoạch học tập còn khá nhiều trường hợp chưa hiểu được tính thứ tự cần thiết khi bố trí các môn học trong các học kỳ.

Học ngành 2 là sự uyển chuyển trong việc học tập theo hệ thống tín chỉ, giúp cho sinh viên cùng lúc học được 2 ngành, và trong một thời gian nhất định sẽ tốt nghiệp với 2 bằng cấp đại học trong tay. Tuy nhiên điều này chỉ thích hợp cho sinh viên có học lực khá trở lên và hiểu biết khá cặn kẽ về chương trình đào tạo của 2 ngành, sự liên quan và hỗ trợ nội dung cho nhau trong quá trình học tập. Một số sinh viên thấy bạn bè đăng ký học ngành 2, vội vàng đăng ký theo phong trào và chưa hiểu biết nhiều về ngành 2 mà mình muốn học, đến khi vào cuộc thì thực tế cho thấy không đủ sức theo đuổi, cuối cùng làm đơn xin nghỉ học ngành 2. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến việc tự học của sinh viên.

2.4. Chuẩn bị nội dung khi đến lớp học tập

Việc đầu tư tự học để chuẩn bị cho buổi học kế tiếp thường không được quan tâm đúng mức. Có đến 86,2% số lượng sinh viên không có thói quen xem bài trước khi lên lớp. Điều này nói lên sự quá tải trong quá trình học và không còn thời gian để tự học ở nhà. Khi nghe giảng trên lớp có 72,4% số lượng sinh viên ghi chép ý chính, chủ yếu dựa vào nội dung giáo trình hoặc bài giảng in sẵn để theo dõi.

Đa số sinh viên do chuẩn bị chưa kỹ nên vấn đề đặt câu hỏi trên lớp rất ít xảy ra, qua khảo sát cho thấy có 63,8% số lượng sinh viên thỉnh thoảng mới tham gia đặt câu hỏi. Điều này cho thấy sự thụ động của sinh viên trong quá trình học và không có tính khám phá, năng động sáng tạo trong khi nghe giảng trên lớp.

Ngoài ra số liệu thống kê còn cho thấy sinh viên ít chịu đọc lại những nội dung đã học, số liệu khảo sát cho thấy có 77,6% số lượng sinh viên xác nhận là thỉnh thoảng mới đọc lại nội dung đã học.

Có 48,3% số lượng sinh viên cho rằng tìm hiểu kiến thức bên ngoài giáo trình, sách chuyên môn để bổ sung trong quá trình học là quan trọng và cần phải thường xuyên thu thập. Truy cập bổ sung kiến thức chuyên môn từ nguồn Internet vẫn là chủ yếu, có đến 63,8% số lượng sinh viên đồng ý với quan điểm này.

Việc tự học khuyến khích tinh thần học tập của bản thân do có động lực tác động từ giảng viên, cố gắng tìm tòi thu thập thông tin từ bên ngoài để theo kịp bài giảng ngày tiếp theo của giảng viên. Việc tự học còn gắn kết mối quan hệ bạn bè để trao đổi học hỏi lẫn nhau, giúp sinh viên có khả năng làm việc độc lập, có khả năng xử lý tình huống đột xuất, khắc phục thói quen lười biếng, xem nhẹ việc học của mỗi cá nhân.

2.5. Những hạn chế của việc tự học

Theo ý kiến của sinh viên thì một trong những nguyên nhân khó thực hiện việc tự học là do phải học quá nhiều môn học trong một học kỳ, đặc biệt là những sinh viên có tham gia học ngành 2 đã đăng ký tối đa số tín chỉ trong một học kỳ [25 tín chỉ]. Do đó sinh viên không còn thời gian cho việc tự học.

Bàn về giải pháp để bắt buộc sinh viên tham gia tự học, số liệu khảo sát cho thấy có 50,7% cho là giáo viên nên dạy theo chuyên đề và buộc sinh viên phải làm seminar theo nhóm ở các buổi lên lớp; có 32,7% đề nghị giáo viên nên khuyến khích sinh viên tự học là chính. Số liệu phân tích trên cho thấy nếu dạy theo chuyên đề thì giáo viên phải chọn cách dạy sao cho phù hợp [dạy theo chuyên đề, dạy theo tình huống, dạy theo block.] và sinh viên phải đầu tư nhiều vào nội dung môn học để làm seminar. Thực tế cho thấy, thời gian trước đây sinh viên học theo hệ niên chế, giáo viên môn học nào cũng yêu cầu sinh viên làm seminar theo dạng chuyên đề, mất khá nhiều thời gian. Vấn đề này còn nhiều tranh cãi và không đồng tình về phía sinh viên do quá tải về đầu tư công sức cùng lúc cho nhiều môn học khác nhau.

Theo ý kiến của sinh viên đề xuất với Khoa nên tổ chức định kỳ hàng năm hội thảo về vấn đề tự học theo học chế tín chỉ, qua đó giúp cho sinh viên luôn ý thức về tầm quan trọng của việc tự học và tìm ra giải pháp mới áp dụng cho phương pháp tự học. Theo số liệu khảo sát thì đa số sinh viên cho rằng việc xác lập phương pháp học tập theo hình thức tự học là rất quan trọng, việc này quyết định thành công cho việc học theo hệ thống tín chỉ [56,7%].

Qua phân tích thực trạng việc tự học của sinh viên cho thấy còn khá nhiều điều phải bàn để cải thiện việc tự học của sinh viên. Những trở ngại chính sinh viên cần phải khắc phục trong quá trình học tập:

- Khó khăn đầu tiên là thời gian. Theo qui chế của nhà trường, trong 1 học kì sinh viên có thể đăng kí tối đa 20 tín chỉ. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi tuần sinh viên phải tham gia 20 tiết học trên lớp, cộng với 40 tiết tự học thì tổng tiết học trong một tuần mà sinh viên phải học là 60 tiết. Trong khi đó, 1 tuần chỉ có 54 tiết [theo thời khóa biểu, 1 ngày có 9 tiết, 1 tuần có 6 ngày học nên số tiết trong 1 tuần là 9 x 6 = 54]. Thời gian buổi tối hầu như là dành cho việc học Anh văn hoặc Tin học. Kết quả của phép tính là: sinh viên phải dành 60 tiết cho việc học trong khi chỉ có 54 tiết trong 1 tuần!

- Tính thụ động của sinh viên, lười đọc sách, ôn bài ở nhà , chỉ đợi đến giờ lên lớp là vào học, không đầu tư kiến thức chuyên môn mặc dù đã có trang bị giáo trình, bài giảng sẵn có trong tay.

- Chỉ học những gì giáo viên nêu ở lớp, nếu giáo viên tóm tắt vấn đề thì sinh viên mới nắm được, đây là kiểu học ở bậc phổ thông, mang tính từ chương.

- Chưa nắm được phương pháp tự học và cách học ở bậc đại học, nhất là bước chuẩn bị nội dung ở nhà cho lần lên lớp kế tiếp. Thật ra lần lên lớp kế tiếp cách nhau 1 tuần , không thể nói là không có thời gian chuẩn bị cho 1 môn học!

- Một trở ngại lớn nữa là vấn đề mưu sinh, sinh viên gặp phải điều kiện kinh tế khó khăn, phải đi làm thêm, đôi khi không dự lớp và không có thời gian tự học, vì thế chất lượng học tập kém và không theo nổi việc học.

- Vấn đề ngoại ngữ là một trở ngại lớn đối với việc sinh viên tự học. Khi đã bước sang năm thứ 2 và 3, tất yếu là sinh viên cần phải đọc thêm nhiều tài liệu chuyên môn, đa phần là sách nước ngoài, tài liệu tiếng Việt không nhiều, vì thế sinh viên không thể tích lũy kiến thức chuyên ngành theo kiểu tự học qua sách, tài liệu chuyên môn ngoại ngữ.

- Vấn đề học ngành 2 là một trở ngại trong việc tự học vì phải mất khá nhiều thời gian cho việc học trên lớp, sinh viên phải tự giải quyết việc trùng lịch học lý thuyết hoặc lịch thực hành do đăng ký quá nhiều môn học trong cùng một học kỳ. Việc này thường là do ý thích của sinh viên, mặc dù được Cố vấn học tập phân tích và hướng dẫn kỹ lưỡng, nhưng sinh viên vẫn mắc phải.

- Việc học nhóm gặp nhiều khó khăn do thời khóa biểu khác nhau.

- Không có phòng cho sinh viên tự học đặc biệt là học nhóm.

- Làm việc nhóm: đôi khi còn đùn đẩy cho nhau, chưa phát huy hết tính tự giác trong học tập.

3. Đề xuất các giải pháp cải thiện việc tự học của sinh viên.

Bàn về giải pháp để nâng cao tính tự học của sinh viên sao cho hiệu quả, thiết nghĩ đây là vấn đề cần thảo luận để tìm ra những luận cứ khoa học giúp cho sinh viên trong công tác tự học. Trong phạm vi của bài viết này, xin nêu các vấn đề cần chú ý như sau:

i] Đối với sinh viên :

- Cần nâng cao tính tự học, giải thích rõ môi trường học tập ở bậc đại học khác xa với môi trường học tập ở bậc phổ thông trung học. Rèn luyện phương pháp tự học phải trở thành một mục tiêu học tập của sinh viên. Vai trò quan trọng ở đây là của Cố vấn học tập, của đoàn thể, của nhà trường và cũng cần nhấn mạnh việc giáo dục của gia đình.

- Về khối lượng kiến thức học tập ở bậc đại học nhiều hơn so với ở bậc học phổ thông [ở bậc phổ thông tính ra chỉ bằng nửa học kỳ ở bậc đại học]. Chính vì thế sinh viên không tập luyện tính tự học thì không thể giải quyết một khối lượng lớn trong học kỳ. Ngoài ra khi sinh viên muốn học thêm ngành 2 cùng lúc thì phải cân nhắc xem có đủ khả năng học lực, về thời gian học tập, tình hình tài chính, Liên quan đến công tác này không thể nhắc đến vai trò của Cố vấn học tập trong việc phân tích có nên học ngành 2 cùng lúc hoặc tiến hành học ngành 2 ở năm nào là hợp lý trong quá trình học tập ở bậc đại học.

- Về chất lượng kiến thức: ở bậc đại học không chỉ học sự kiện hay học hiện tượng, không chỉ học biết, học hiểu và vận dụng mà còn học phân tích, học tổng hợp, học đánh giá, học tư duy, và nhất là học phương pháp học tập để học biết được nhiều và có năng lực tự học suốt đời. Việc trang bị phương pháp học tập cho sinh viên khi mới vào năm thứ nhất ở bậc đại học thật là quan trọng, vai trò này không ai khác hơn là của nhà trường và trực tiếp là của Khoa quản lý sinh viên.

- Sinh viên cần nắm vững kiến thức của hệ thống phương pháp học tập tích cực: Trong quá trình học tập, việc xác định mục đích, xây dựng động cơ, lựa chọn phương pháp, hình thức tự học hợp lý là cần thiết. Song điều quan trọng là sinh viên phải có hệ thống kỹ năng tự học.

ii] Đối với giảng viên:

Đi đôi với việc xây dựng đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giáo trình là yêu cầu đổi mới cơ bản phương pháp dạy học. Định hướng cơ bản trong đổi mới phương pháp giảng dạy theo học chế tín chỉ là tích cực chuyển từ lối truyền đạt kiến thức một chiều từ phía giảng viên sang việc tăng cường tổ chức các hoạt động học tập cho sinh viên, phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, bồi dưỡng năng lực tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên.

Thực tế công tác giảng dạy ở Khoa Thủy sản cũng đã chuyển đổi tích cực, từ khâu xây dựng chương trình đào tạo đến các giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp theo học chế tín chỉ. Với quan niệm ấy, nội dung chương trình đào tạo được chú ý theo hướng tăng kỹ năng thực hành; xem trọng công tác tham quan thực tế, tổ chức các báo cáo chuyên đề, trao đổi học thuật, thông tin khoa học với các chuyên gia đầu ngànhĐiều này giúp sinh viên đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công việc sau khi ra trường.

Do Khoa quản lý nhiều chuyên ngành đào tạo vì thế giảng viên đã căn cứ vào điều kiện cụ thể và đặc trưng của từng chuyên ngành để vận dụng phối hợp các phương pháp giảng dạy đa dạng: diễn giảng, thuyết trình nêu vấn đề, thảo luận nhóm, nghiên cứu tình huống, báo cáo seminarđồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả của đổi mới phương pháp giảng dạy.

Qua khảo sát thực tế việc áp dụng các phương pháp giảng theo học chế tín chỉ ở Khoa Thủy sản cho thấy những thuận lợi và khó khăn như :

* Thuận lợi:

- Sinh viên phát huy được tính chủ động và sáng tạo trong việc tự học.

- Giảng dạy những vấn đề chủ chốt của môn học, yêu cầu sinh viên mở rộng những thông tin liên quan khi áp dụng thực tế.

- Cung cấp, gợi ý một số ý tưởng cho sinh viên học hỏi và tìm kiếm thông tin.

- Cung cấp những tài liệu chuyên ngành cho sinh viên tham khảo, gợi ý cho sinh viên nghiên cứu một số chủ đề có liên quan.

* Khó khăn:

- Không có hiệu quả đối với các sinh viên thiếu tinh thần tự giác

- Lớp quá đông nên không có đủ thời gian để phân chia thành từng nhóm nhỏ [2-3 SV/nhóm] để tham gia học tập theo phương pháp báo cáo chuyên đề.

- Hầu hết các môn học đều áp dụng phương pháp báo cáo chuyên đề, chính vì thế sinh viên bị quá tải trong việc hoàn thành các chuyên đề cho từng môn học.

- Tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Việt còn hạn chế .

- Giảng viên đưa ra các chủ đề, sinh viên ít khi được chủ động đề xuất vấn đề mình quan tâm, để đầu tư nghiên cứu.

Phương châm lấy người học làm trung tâm là việc đáp ứng cho việc giảng dạy theo học chế tín chỉ trong thời đại ngày nay. Một khi cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường tương đối đầy đủ, sẵn sàng đáp ứng cho việc tự học thì giảng viên là nhân tố quyết định sự thành công của đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá trong đào tạo, đặc biệt là đào tạo theo học chế tín chỉ. Vì vậy, mỗi giảng viên cần nhận thức một cách đúng đắn tính tất yếu của việc đổi mới, từ đó chủ động suy nghĩ, tìm tòi, vận dụng linh hoạt các phương pháp phù hợp theo các ngành nghề khác nhau nhằm giúp sinh viên biết cách tự học, tự nghiên cứu, sáng tạotrong quá trình học tập. Để hòa nhịp với yêu cầu đổi mới này, lực lượng giảng viên cần nắm vững phương pháp dạy học để :

- Dạy có nội dung chọn lọc

- Dạy có phương pháp phù hợp

- Dạy phương pháp học môn học nhằm tạo cho người học có tiềm năng tự phát triển học vấn.

iii] Đối với các nhà quản lý :

Lực lượng cán bộ quản lý đóng vai trò quan trọng trong tiến trình đào tạo theo học chế tín chỉ. Ngoài việc nắm rõ mục tiêu và nội dung chương trình đào tạo, còn phải nắm vững phương pháp dạy và phương pháp học nhằm phục vụ cho công tác tổ chức và quản lý đào tạo ngày một hiệu quả hơn.

Vai trò của nhà quản lý khá quan trọng trong công tác tổ chức cho việc dạy và học, chính vì thế cần phải tổ chức định kỳ các cuộc hội thảo về phương pháp giảng dạy cho giảng viên; phương pháp tự học theo học chế tín chỉ cho sinh viên. Việc tổ chức có thể ở nhiều cấp độ như Khoa quản lý ngành tổ chức cho cấp cơ sở; nhà trường tổ chức cho các báo cáo điển hình.

Nhà trường cần có chế tài quản lý theo hướng khuyến khích giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực sư phạm cho lực lượng giảng viên thông qua bồi dưỡng nghiệp vụ định kỳ và học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước.

iv] Một số giải pháp thực hiện.

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, cần dạy cho sinh viên các phương pháp phù hợp để nâng cao tính tự học, năng động và sáng tạo. Một trong những nội dung của việc đổi mới phương pháp dạy học là dạy sinh viên tự học, tự nghiên cứu, cụ thể là:

  • Dạy cách lập kế hoạch học tập và kế hoạch sử dụng thời gian

  • Dạy cách nghe giảng và ghi bài trên lớp

  • Dạy cách học bài

  • Dạy cách đọc sách

  • Dạy cách nghiên cứu và giải quyết vấn đề

  • Dạy cách học ngoại ngữ và đáp ứng đọc sách chuyên ngành

Hiện nay việc tự học của sinh viên thật sự chưa được thực hiện tốt. Về phía người học, sinh viên tuy có ý thức về tầm quan trọng của việc tự học, có động cơ học tập rõ ràng và có khái niệm ban đầu khá chính xác về tự học nhưng đại đa số chưa biến động cơ thành hoạt động học tập tích cực và chưa có cách tự học hiệu quả. Tất nhiên còn nhiều vấn đề cần phải thảo luận để tìm ra các giải pháp hoàn chỉnh hơn, đóng góp thiết thực cho công tác đào tạo sinh viên trong tương lai.

Chủ Đề