Tiền lương đến năm 2023

Bắt đầu từ tháng 4 tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu để làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng năm 2023 và các chính sách liên quan.

Các nội dung chính được khảo sát ở doanh nghiệp là quỹ tiền lương theo công việc hoặc chức danh, quỹ phụ cấp lương, quỹ tiền thưởng, ăn ca, chi phí tuyển dụng đào tạo, quỹ công đoàn, việc điều chỉnh tiền lương trong quý 1/2022…

Dự kiến, 18 địa bàn sẽ được đồng loạt điều tra đợt này gồm: Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Long An, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ.

Hơn hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tiền lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh, khiến đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Vì thế, theo các chuyên gia, nếu chờ đến năm 2023 mới tăng lương tối thiểu vùng thì phải tính toán làm sao bù đắp được cho người lao động phần của các năm không tăng, tuy nhiên nếu mức tăng quá cao cũng sẽ vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp, đây là bài toán khó để hài hòa lợi ích cho cả hai bên.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, về mặt lý thuyết thì mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Hiện cả nước đang ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tạo việc làm bền vững cho người lao động. Vì thế, sau khi kinh tế phục hồi, người lao động có công ăn việc làm thì sẽ tính toán việc tăng lương tối thiểu vùng. Theo bà Hương, năm nay Hội đồng Tiền lương Quốc gia có thể bàn bạc để điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho năm 2023.

Về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời là thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng cho rằng, hai năm qua tiền lương tối thiểu không được điều chỉnh tăng nên không còn đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Theo ông Quảng, mức lương tối thiểu hiện nay không còn là sàn để bảo vệ người lao động yếu thế để thương lượng, thỏa thuận tiền lương trên thực tế. Hơn nữa, lâu nay các doanh nghiệp thường căn cứ vào mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu hàng năm của Chính phủ để chiều chỉnh mức lương thực tế tại doanh nghiệp, tuy nhiên, thời gian qua Chính phủ không điều chỉnh lương tối thiểu vùng nên nhiều doanh nghiệp dựa vào đó để không điều chỉnh tiền lương.

Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, giá tiêu dùng tăng cao, tiền lương thực tế của người lao động giảm đã dẫn đến nhiều vụ ngừng việc tập thể, đình công tự phát xảy ra đầu năm 2022. Như vậy, việc chậm tăng lương tối thiểu vùng cũng phần nào gây ra hệ lụy không tốt cho quan hệ lao động.

Từng có nhiều năm tham gia Hội đồng Tiền lương Quốc gia, ông Phạm Minh Huân, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chia sẻ, tăng lương là mong muốn chính đáng của người lao động nhưng người lao động cũng cần chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đến nay khi hoạt động sản xuất, kinh doanh đã dần được phục hồi, cần phải xem xét việc tăng lương, ít nhất để đủ bù trượt giá. Theo ông Huân, cả doanh nghiệp và người lao động đều gặp khó khăn, nên việc xem xét có tăng lương tối thiểu hay không và mức tăng ra sao sẽ cần thêm kết quả khảo sát thực tế của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tới đây.

Theo quy định tại Bộ luật Lao động, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Do chưa được điều chỉnh, hiện mức lương tối thiểu vùng vẫn được áp dụng theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể vùng 1 là 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,43 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,07 triệu đồng/tháng.

Hàng nghìn công chức, bác sỹ nghỉ việc do đãi ngộ chưa tương xứng

Hơn hai năm qua, hàng vạn nhân sự khu vực công đã thôi việc do thu nhập thấp. Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII, cùng chương trình hành động về cải cách chính sách tiền lương được kỳ vọng sẽ mang lại sự thay đổi nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được nguồn lực.

Thực tế này đòi hỏi cần phải có những hành động quyết liệt hơn về thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 2 năm qua có hơn 6.100 công chức, người lao động xin nghỉ việc do vấn đề lương và thu nhập. Đây cũng đang là địa bàn phát sinh nhiều vấn đề về quản lý con người.

Hơn 1 năm qua cả nước đã có gần 9.400 bác sĩ, nhân viên tại các cơ sở y tế công lập nghỉ việc, chuyển việc. Đây cũng là khoảng thời gian dịch bệnh nghiêm trọng nhất, áp lực đặt lên ngành y tế nặng nề nhất. Nguyên nhân là do áp lực công việc lớn, cùng với đó là chế độ đãi ngộ chưa tương xứng.

Có tới 20% bác sĩ tham gia một khảo sát của Hội thầy thuốc trẻ cho biết, thu nhập của họ chỉ đủ để phục vụ những nhu cầu cơ bản, không dám nghĩ đến chuyện tích lũy.

Mới đây tại Bệnh viện Bạch Mai, hơn 20 bác sỹ đã xin nghỉ việc và chuyển sang bệnh viện tư. Theo lãnh đạo bệnh viện chế độ đãi ngộ và thiếu trang thiết bị để làm việc là nguyên nhân chính khiến nhiều bác sỹ quyết định rời bệnh viện.

Mỗi y bác sỹ đều cần có một cái môi trường để làm việc, để cống hiến, để thể hiện tài năng của họ. Thứ hai, họ cũng giống như các ngành nghề khác cần một sự đãi ngộ để đảm bảo cuộc sống tối thiểu, trang trải cho cuộc sống gia đình. Khi không đạt được điều kiện tối thiểu như vậy, họ rất có thể dịch chuyển từ bệnh viện này sang bệnh viện kia.

PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Câu chuyện chế độ tiền lương và thu nhập vẫn luôn là vấn đề nóng trên nhiều diễn đàn, đặc biệt sau "làn sóng" nghỉ việc xảy ra thời gian qua.

Tại các Bộ ngành, 2 năm rưỡi vừa qua cũng đã có hơn 130 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc theo nguyện vọng, trong đó có 17 công chức, 114 viên chức. Nguyên nhân là do áp lực công việc và lương không đủ sống.

Hiện tại, lương tối thiểu vùng áp dụng với khu vực doanh nghiệp từ 3,35 đến 4,68 triệu đồng/tháng. Trong khi vào khu vực công, với người có bằng đại học với lương tập sự khởi điểm chỉ hơn 2,96 triệu đồng/tháng.

Chế độ tiền lương, phụ cấp hiện hành được thực hiện từ tháng 10/2004 đến nay, mặc dù đã được điều chỉnh, bổ sung nhiều lần nhưng tiền lương, thu nhập và đời sống của cán bộ, công chức, viên chức nói chung và của viên chức ngành y tế, giáo dục nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp cơ cấu tiền lương mới sẽ được kết cấu lại trong đó lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quy lương và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30%; bảng lương mới cũng được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ. Tuy nhiên, việc cải cách tiền lương theo lộ trình vào năm ngoái chưa thực hiện được, năm nay cũng tiếp tục được lùi lại.

Cải cách tiền lương - Việc cấp bách, hệ trọng

Lương và thu nhập thấp cũng là nguyên nhân lý giải tình trạng nhiều năm qua, Hà Nội dù tôn vinh, tiếp nhận các thủ khoa của các trường Đại học vào làm việc, nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn bám trụ để chờ tăng lương.

Việc cải cách tiền lương, khắc phục tình trạng cào bằng như hiện nay đã và đang là việc cấp bách, hệ trọng.

Nhìn vào bảng lương này, thật khó có thể nói chúng có thể đủ để trang trải cho những khoản chi phí đắt đỏ ở Thủ đô.

Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đề ra mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia có thể đảm bảo đời sống của gia đình người hưởng lương.

Để làm được việc này, quan trọng nhất là phải có nguồn để tăng lương. Cùng với chủ động bố trí ngân sách để tăng lương, nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh chống tham nhũng, lãng phí.

Rất nhiều cán bộ, công chức có nguồn thu nhập bất chính. Đã đến lúc chúng ta phải kiểm soát. Chúng ta đã từng kiểm soát bằng kê khai tài sản. Họ vẫn kê khai và hầu như trong bản kê khai không có gì khẳng định là thu nhập bất hợp pháp. Đây là câu chuyện khác hơn cần phải bàn.

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Đào, Học viện Hành chính Quốc gia

Để giữ chân các cán bộ, công chức có năng lực cần nhiều giải pháp. Nhưng đầu tiên và trước hết cải cách hệ thống chính sách tiền lương đảm bảo cho người hưởng lương có thể sống được bằng lương vẫn là cơ bản nhất.

Nhiều ý kiến cho rằng, để thay đổi, việc thực hiện chính sách tiền lương mới, nhất là việc trả lương theo vị trí việc làm và có sự liên thông, có sức cạnh tranh cao đối với khu vực tư là điều cần được thực hiện sớm và phải quyết liệt.

Chúng ta phải đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là áp dụng chuyển đổi số, áp dụng Chính phủ điện tử, Chính phủ số để hạn chế bớt số lượng biên chế cán bộ, công chức hiện nay. Bởi nếu số lượng càng đông, chúng ta điều chỉnh tăng lương thì ngân sách nhà nước rất lớn. Vấn đề mấu chốt thứ 2 là dành nguồn ngân sách phù hợp, đặc biệt là chống tình trạng thất thu thuế, buôn lậu, đặc biệt là tình trạng lãng phí, tham nhũng. Đảng và Nhà nước cũng rất quyết liệt làm việc này và cũng đạt được những thành tựu rất lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng. Nguồn tiền đó sẽ dành để tăng lương.

TS. Hoàng Văn Tạo, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

Bộ Nội vụ cho biết đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới. Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước năm nay và những năm tiếp theo sẽ trình Chính phủ báo cáo Trung ương và Quốc hội thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương để tăng lương bởi đây là việc đặc biệt quan trọng và cấp thiết hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Chủ Đề