Tính cách con gái Hà Nội

Phong cách đi đứng, giao tiếp trong văn hóa ứng xử của người phụ nữ Hà Nội nay cũng đã khác xưa rất nhiều. Trước đây dấu ấn về người con gái Tràng An chính là mẫu người thanh tao,đoan trang, nhã nhặn. Nét thanh tao ấy thể hiện ngay trong cách đi đứng, ứng xử giao tiếp thường ngày.

Người phụ nữ Hà Thành xưa kia đi đứng nhẹ nhàng, ăn nói rất nhỏ nhẹ, ý tứ. Ngày xưa phụ nữ Hà Nội thường đi đôi guốc mộc,mà guốc mộc thường phát ra âm thanh lớn. So với các loại giầy dép phong phú như hiện nay, chắc chắn tiếng động dễ nhận ra hơn rất nhiều do âm thanh của gỗ. Nhưng sao chúng ta vẫn cảm nhận thấy bước chân của người Hà Nội xưa nhẹ nhàng vậy. Sự nhẹ nhàng tinh tế ấy có được là do bước chân khoan thai, ý tứ của người con gái. Trước đây con gái Hà Nội luôn có bước đi khoan thai, từ tốn, nhanh nhẹn nhưng không vội vàng. Thật khó có thể tìm thấy người con gái Hà Nội nào ra đường với vẻ hấp tấp vội vàng. Dù vội, họ cũng luôn tỏ ra điềm tĩnh nhã nhặn và lịch thiệp.

Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường, người ta luôn cảm thấy thời gian như trôi nhanh hơn, nên nhìn ai cũng thấy vội vã. Cũng do điều kiện xã hội chi phối nhiều nên ngày nay, người phụ nữ phải bươn chải, thích nghi với môi trường xung quanh nên không vội vàng sao được.

Đường phố Hà Nội ngày nay đâu còn như trước, yên bình, lặng lẽ với những gian nhà cổ, những chiếc xe đạp cổ, hay cùng lắm là chiếc xích lô ba bánh. Có lẽ chính khung cảnh yên bình ấy tạo nên sự khoan thai trong người con gái Hà Thành. Hà Nội bây giờ đông đúc, không chỉ xe đạp, xe máy, còn cả ô tô. Dân số lại tăng lên rất nhiều, tránh sao khỏi việc tắc đường, kẹt xe. Thế nên sáng đi làm, chiều về với gia đình, người phụ nữ luôn phải đối mặt với sự chen chúc, đường chật người đông. Nhiều người còn quên mình là phụ nữ khi cục cằn văng bậy với người bên cạnh khi bị lấn đường. Thậm chí có lức các bậc cha mẹ cũng thấy thật buồn lòng khi chứng kiến nhiều vụ ẩu đả của các cô nữ sinh bên ngoài cổng trường, ngay giữa lòng thủ đô.

Nhưng thật lạ là cũng chính trong khung cảnh đông đúc,vội vã ấy vẫn có nhiều người phụ nữ giữ được nét lịch thiệp của người Hà Thành. Họ từ tốn, nhã nhặn nhường đường cho người khác. Đi trên phố, họ thong thả bước chân nhẹ nhàng dạo bước. Vào hội trường, đi xem phim, họ luôn giữ ý tứ đi lại nhẹ nhàng, chỉ sợ bước chân mình làm ảnh hưởng đến người xung quanh. Thật đáng quý biết mấy. Ngày xưa, ra chỗ đông người, ít khi thấy người phụ nữ nào xô bồ, thô lỗ. Họ thường ngượng ngùng khi tiếp xúc với người lạ, và lại càng thẹn thùng khi tiếp xúc với người khác giới. Người ở nơi khác đến khi tiếp xúc với con gái Hà Nội, người ta đều ấn tượng về giọng nói thỏ thẻ, dễ nghe và cuốn hút không lẫn đi đâu được.

Dường như, trong các gia đình truyền thống xưa kia, các bà mẹ thường giáo dục con gái của mình nhiều hơn về ứng xử, giao tiếp. Chính vì vậy nét văn hóa ấy cứ được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một câu đối đáp của họ cũng có từ thưa gửi, dạ vâng. Khi nghe người trên nói, các cô gái thường cúi đầu, lắng nghe rất kính trọng. Nếu có đi với chồng, ở nơi công cộng, các cô gái cũng không dám thể hiện tình cảm của mình. Một cái cầm tay cũng thấy ngại ngùng. Thật ý tứ biết mấy.

Video liên quan

Chủ Đề