Vai trò của căn cứ địa cách mạng

Xây dựng căn cứ địa cách mạng Tuyên Quang theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ Hai, ngày 8 tháng 2 năm 2021 - 15:01 Đã xem: 3030
  • A+
  • A-

Căn cứ địa cách mạng là vùng được chọn để làm bàn đạp xây dựng và phát triển phong trào cách mạng rộng ra các vùng khác. Căn cứ địa cách mạng phải có khả năng tạo ra được những cơ sở chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội và địa lý thuận lợi cho đấu tranh cách mạng.

Lán Nà Nưa [Tân Trào] - Nơi Bác Hồ ở, làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945 để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền trong cả nước. Nguồn ảnh: Báo Tuyên Quang.

Vấn đề xây dựng căn cứ địa và lựa chọn địa điểm xây dựng căn cứ địa là vấn đề quan trọng hàng đầu, quyết định đến sự thành bại của các bên tham chiến. Với ý nghĩa đó, việc xây dựng căn cứ địa cách mạng trong điều kiện của một cuộc kháng chiến vệ quốc và chiến tranh giải phóng như ở Việt Nam càng trở nên đặc biệt quan trọng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng căn cứ địa cách mạng hình thành và phát triển trong suốt hành trình tìm đường cứu nước và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trải nghiệm phong trào cách mạng ở Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Công tác Quân sự của Đảng trong nhân dân", thể hiện tư tưởng của Người về xây dựng căn cứ địa cách mạng “Một cuộc cách mạng muốn thắng lợi thì phải giải quyết tốt những vấn đề xây dựng căn cứ địa cách mạng, tổ chức các đội quan du kích nông dân và chiến tranh du kích”. Đây chính là những tư tưởng quan trọng và đúng đắn của Người về xây dựng căn cứ địa, bao gồm việc chọn chỗ đứng chân, dự báo tình thế cách mạng trực tiếp và tập trung xây dựng căn cứ địa, trung tâm của căn cứ địa.

Sau 30 năm bôn ba, hoạt động ở nước ngoài tìm đường cứu nước, ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước và quyết định chọn Cao Bằng làm nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước. Người đã trực tiếp chỉ đạo quá trình xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giác ngộ nhân dân đi theo cách mạng, phong trào cách mạng ở Cao Bằng phát triển từng bước vững chắc, là trung tâm căn cứ địa của cả nước trong thời kỳ đầu của cách mạng.

Bước sang năm 1945, phong trào cách mạng phát triển mạnh, Khu giải phóng ngày càng được mở rộng, thời cơ giành chính quyền đang đến gần. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn ngay trong vùng Cao - Bắc - Lạng hoặc Tuyên Quang, Thái Nguyên một địa điểm thuận lợi làm trung tâm để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa.

Tại Tuyên Quang, sau ngày Nhật đảo chính Pháp [9/3/1945], cuộc khởi nghĩa ngày 10/3/1945 tại Thanh La [Sơn Dương, Tuyên Quang] thắng lợi, Châu Tự Do được thành lập, giải phóng toàn huyện Sơn Dương. Đến ngày 22/5/1945 hầu hết các địa phương trong tỉnh được giải phóng và mở rộng ra các vùng lân cận, tạo thành vùng giải phóng rộng lớn. Tuyên Quang là tỉnh hội tụ đủ các điều kiện về “địa lợi, nhân hòa” để Trung ương Đảng, Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở, làm việc và chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Và Tân Trào - Tuyên Quang đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Song Hào lựa chọn giữ vai trò làm trung tâm của Khu giải phóng, nơi đặt trụ sở chỉ huy - Cơ quan đầu não lãnh đạo cách mạng, điểm trung tâm hội tụ, lan tỏa, kết nối và lãnh đạo phong trào cách mạng trong phạm vi cả nước.

Như vậy, trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, căn cứ địa Việt Bắc mà trung tâm là Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng là cái nôi của cách mạng cả nước, nơi ở, hoạt động của lãnh tụ Hồ Chí Minh và nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, nơi ra đời của Mặt trận Việt Minh, của các lực lượng vũ trang tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, là căn cứ địa kháng Nhật lớn nhất cả nước; là "cái mầm" của nước Việt Nam mới, có tác dụng hiệu triệu, cổ vũ phong trào cách mạng cả nước; là nơi mở ra những khả năng để Đảng, Hồ Chí Minh thực hiện mối liên hệ quốc tế trong cuộc đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ xã hội; nơi họp Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân Tân Trào quyết định Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi trong cả nước.

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp của dân tộc ta bùng nổ. Trong hoàn cảnh địch mạnh, ta yếu, đặt ra yêu cầu bức thiết phải xây dựng được những căn cứ địa cách mạng- An toàn khu [ATK] vững chắc, an toàn, làm nơi đứng chân của Đảng và chính quyền, nhân dân, các lực lượng cách mạng để tiến hành cuộc kháng chiến. Trong các tỉnh Việt Bắc, một lần nữa Trung ương Đảng, Bác Hồ quyết định chọn Tuyên Quang làm căn cứ địa trung tâm [Thủ đô kháng chiến], An toàn khu của Trung ương, bởi Tuyên Quang đáp ứng được những yêu cầu cơ bản, quyết định theo tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ và Trung ương Đảng. Đó là: Tuyên Quang có vị trí chiến lược, là nơi “tiến khã dĩ công, thoái khã dĩ thủ”[1], cơ động, vững chắc trong chiến tranh giải phóng lẫn chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; nhân dân Tuyên Quang có tinh thần yêu nước sâu sắc, đoàn kết trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm cũng như trong lao động, sản xuất xây dựng quê hương; là nơi có dự nguồn lương thực, thực phẩm đủ bảo đảm cho các cơ quan đầu não cách mạng trong một thời gian nhất định khi lâm thời bị địch cắt đứt các nguồn triếp tế; và điều kiện tiên quyết là Tuyên Quang có phong trào cách mạng và cơ sở chính trị vững chắc, từng là Thủ đô Khu giải phóng, trung tâm căn cứ địa của cách mạng cả nước. Do đó, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, với tầm nhìn chiến lược sáng suốt, trước khi về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân công đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ chủ chốt ở lại Tân Trào một thời gian để tiếp tục xây dựng củng cố căn cứ địa vững chắc về mọi mặt và dự báo “biết đâu chúng ta còn trở lại đây nhờ cậy đồng bào một lần nữa”.

Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, ngay từ cuối tháng 10 năm 1946 đồng chí Nguyễn Lương Bằng được giao nhiệm vụ trở lại Việt Bắc để chuẩn bị địa điểm xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Nhiều địa điểm thuộc các huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hoá [Tuyên Quang], được chọn làm nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng và Chính Phủ. Đầu năm 1947, đợt tổng di chuyển các cơ quan, cơ sở hậu cần, kinh tế, quân sự của Trung ương lên Việt Bắc, Tuyên Quang hoàn thành.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc tại gần 20 địa điểm khác nhau trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang với tổng thời gian gần 6 năm. Cùng với Bác Hồ, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng 13/14 bộ của Chính phủ và 65 ngành, đoàn thể, cơ quan, cơ sở kinh tế, quân sự… của Trung ương cũng đặt nơi ở, làm việc tại 111 điểm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Suốt một dải từ huyện Sơn Dương, Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang, Chiêm Hóa đến Na Hang với thế núi, sông hiểm yếu trở thành khu căn cứ tuyệt đối an toàn của Trung ương trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược[2].

Tại Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng tổ chức thành công nhiều đại hội, hội nghị, phiên họp quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận... quyết định những quyết sách lớn để đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc đi đến thắng lợi. Tiêu biểu như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng [tháng 2/1951, tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hoá]. Đại hội đã hoàn chỉnh và bổ sung đường lối cách mạng, quyết định những chính sách, biện pháp đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi; Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương trực tiếp chỉ đạo cuộc tấn công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, tổ chức Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II quyết định kết thúc chiến tranh, lập lại hoà bình. Tuyên Quang cũng là nơi diễn ra những hoạt động ngoại giao quan trọng của Bác Hồ, như các cuộc đón tiếp, làm việc với Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Lào yêu nước Ítxala, đoàn cố vấn Trung Quốc, đại diện các Đảng Cộng sản: Pháp, Thái Lan, Liên Xô...

Trong kháng chiến chống Mỹ, Trung ương Đảng, Bác Hồ tiếp tục có những quyết sách đúng đắn về xây dựng căn cứ địa cách mạng vững mạnh, trong đó Tuyên Quang đảm đương xứ mệnh là tỉnh hậu phương vững chắc, chi viện sức người, sức của cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, việc xây dựng căn cứ địa cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, khắc phục khó khăn, nêu cao quyết tâm chính trị, giành nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Giai đoạn 2015-2020, kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân đạt 6,45%/năm; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; giáo dục - đào tạo tiếp tục được củng cố ở tất cả các bậc học và ngành nghề đào tạo. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. An sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, trên 3%/năm; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng các tiềm lực quân sự, quốc phòng, lực lượng vũ trang và khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc; công tác xây dựng Đảng có sự chuyển biến tích cực, toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng - Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến và thực hiện trách nhiệm với lịch sử, tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, vươn lên về mọi mặt để góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh nắm vững thời cơ, vượt qua thách thức, khai thác mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, nỗ lực phấn đấu đưa Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Đào Việt Dũng [Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy]

[1] Tiến có thể đánh, lui có thể giữ

[2] Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 2287/QĐ-TTg công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, Thủ tướng công nhận 48 đơn vị hành chính cấp xã thuộc các huyện, thành phố thuộc tỉnh Tuyên Quang là các xã An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Cách mạng Tháng Tám và vai trò của căn cứ địa Tân Trào

19/08/2021

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự phát triển sáng tạo của khoa học nghệ thuật khởi nghĩa của Đảng, Bác Hồ, đặc biệt là sự chủ động xử lý đúng đắn tình thế và thời cơ cách mạng; là thành quả của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của ý chí tự lực tự cường và khát vọng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam...

Bác Hồ thăm đình Tân Trào [3-1961]. Ảnh tư liệu

Lịch sử mãi mãi ghi nhớ cái Tết Tân Tỵ - ngày 28/01/1941, sau 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, tìm được con đường cứu nước, cứu dân đúng đắn, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Bác Hồ trở về Tổ quốc, tại cột mốc 108 biên giới Cao Bằng của Việt Nam và Trung Quốc, để trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, trong tình cảm:

Bác đã về đây Tổ quốc ơi,

Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người,

Ba mươi năm ấy chân không nghỉ,

Mà đến bây giờ mới tới nơi.

[Tố Hữu].

Tháng 5 năm 1941, tại khu rừng Khuổi Nậm, Pác Bó [Cao Bằng], Bác Hồ triệu tập, chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Đảng. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh [gọi tắt là Mặt trận Việt Minh]; ra tờ báo Việt Nam Độc lập để tuyên truyền chủ trương của Mặt trận, giác ngộ, cổ vũ quần chúng làm cách mạng... Lúc này, Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng là tổ chức lãnh đạo và chỉ đạo, lôi cuốn, tập hợp quần chúng đứng lên làm cách mạng giải phóng...

Đêm 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương. Ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thỉ “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước. Trước đó, ngày 10/3/1945, dưới sự lãnh đạo “nhạy bén, kiên quyết, kịp thời, sáng tạo” của Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ, cuộc khởi nghĩa Thanh La [nay là xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang] giành thắng lợi nhanh gọn. Thừa thắng tiến lên, Phân khu quyết định giải phóng huyện lỵ Sơn Dương và các xã lận cận, thành lập châu Tự Do và Ủy ban cách mạng lâm thời châu Tự Do bao gồm các xã vùng thượng huyện Sơn Dương. Cuộc khởi nghĩa đã mở đầu cho tiến trình khởi nghĩa cục bộ từng phần ở châu Sơn Dương, các xã trong vùng Phân khu của tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh trong khu vực phía đông bắc Việt Nam; tạo đà giành chính quyền cấp xã, cấp châu/huyện trong toàn khu vực, hình thành nên vùng giải phóng rộng lớn, căn cứ địa vững chắc - điều kiện quan trọng nhất và tiên quyết để Tân Trào [Tuyên Quang] trở thành Thủ đô khu giải phóng, với vai trò là vị trí trung tâm.

Trước tình hình mới, để có điều kiện thuận lợi chỉ đạo kịp thời phong trào cách mạng đang lên cao trong cả nước, Bác Hồ giao đồng chí Võ Nguyên Giáp “mở một con đường Nam tiến” phát triển phong trào cách mạng từ Pác Bó [Cao Bằng] về Chợ Chu [Thái Nguyên] và Tuyên Quang. Nhận thấy Tân Trào hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, ngày 04/5/1945, Bác Hồ rời Pác Bó [Cao Bằng] về Tân Trào, huyện Sơn Dương [Tuyên Quang] cùng Trung ương Đảng xây dựng trung tâm căn cứ địa cách mạng lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Ngày 21/5/1945, Bác Hồ đến Tân Trào. Bản làng nhỏ Kim Long [thôn Tân Lập ngày nay] với hơn chục nóc nhà sàn của đồng bào Tày, ẩn mình dưới chân dãy núi Hồng hùng vĩ, vinh dự đươc đón khách quý - cán bộ “Thượng cấp” [người dân quen gọi là Ông Ké] về ở và làm việc tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh xã. Sau đó khoảng một tuần Bác chuyển ra ở và làm việc tại căn lán Nà Lừa - lán Nà Nưa. Tại căn lán nhỏ đơn sơ trong khu rừng Nà Lừa, với những nhận định đúng đắn, những quyết sách kịp thời, táo bạo về thời cơ cách mạng, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng đã chỉ đường cho toàn dân vươn tới một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại - dân tộc Việt Nam chấm dứt những ngày tháng nô lệ, lầm than, bước sang kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Tại đây, thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, ngày 04/6/1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị cán bộ quyết định chính thức thành lập Khu giải phóng [gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang], lấy Tân Trào [Tuyên Quang] làm trung tâm Khu giải phóng - hình ảnh một nước Việt Nam mới cho thế trận tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Đình Tân Trào nơi họp Quốc dânĐại hội

Cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 1945, do điều kiện làm việc hết sức gian khổ và thiếu thốn, cộng với tình hình sức khỏe đã giảm sút nhiều trong thời gian bị giam cầm ở nhà tù đế quốc, Bác Hồ bị ốm nặng,... Một đêm, tỉnh lại sau cơn sốt, biết tin phát xít Đức đầu hàng Hồng quân Liên Xô, Bác Hồ nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Những lời dặn dò của Người, khẳng định quyết tâm và tấm lòng khao khát giành độc lập dân tộc khi thời cơ chín muồi. Đó là kết tinh ý chí của toàn Đảng và khát vọng độc lập tự do của cả dân tộc.

Ngày 13/8/1945, có tin Nhật đầu hàng Đồng minh, mặc dù còn yếu mệt, nhưng Bác Hồ đã chỉ thị “cần phải tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội” và triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng [từ ngày 13 đến 15/8]. Hội nghị quyết định phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền, bảo đảm 3 nguyên tắc chỉ đạo là: Tập trung, thống nhất, kịp thời [tập trung mọi lực lượng vào nhiệm vụ giành độc lập, giành chính quyền; thống nhất về quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy; kịp thời hành động không bỏ lỡ cơ hội] và thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, Bộ Tư lệnh giải phóng quân Việt Nam. 23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.

Theo sáng kiến của Bác Hồ [được hình thành từ Hội nghị Trung ương lần thứ 8 - tháng 5/1941: Phát động phong trào giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh để đánh đuổi Nhật - Pháp “lập nên một Chính phủ cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo tinh thần dân chủ, Chính phủ đó do Quốc dân Đại hội cử lên”]. Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào được tổ chức tại đình Tân Trào. Đây là lần đầu tiên sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ ra mắt đại biểu cả nước với tên gọi Hồ Chí Minh. Đại hội đã nhiệt liệt tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Đại hội quyết định toàn dân đoàn kết đứng lên vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền; thông qua Mười chính sách lớn của Việt Minh; bầu Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam [tức Chính phủ lâm thời] do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; thống nhất quy định Quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam mới. Thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào toàn quốc trước giờ tổng khởi nghĩa: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.

Quốc dân Đại hội Tân Trào đã hoàn thành nhiệm vụ như một Quốc hội dân cử. Đại hội thể hiện sự đoàn kết nhất trí của toàn thể dân tộc Việt Nam trong Mặt trận Việt Minh, tin tưởng tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh; biểu thị ý chí và quyết tâm đưa cuộc tổng khởi nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn vào ngày 19/8/1945 để ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Các nhà khoa học và nghiên cứu lịch sử đều thống nhất nhận định: Thủ đô khu giải phóng, mà Tân Trào là trung tâm đóng vai trò hết sức to lớn vào thành công của Cách mạng Tháng Tám, là trung tâm chỉ đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong phạm vi cả nước.

Khái quát ý nghĩa thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Bảy mươi sáu năm đã qua kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, không khí bừng bừng khí thế cách mạng trào dâng vẫn như vẹn nguyên mỗi khi mùa Thu tháng Tám tràn về Tân Trào. Bởi hơn ai hết trong mỗi chúng ta - những người con dân đất Việt đều thấm đậm tình cảm và thấu hiểu sâu sắc sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình, đúng đắn và công lao to lớn của Đảng, Bác Hồ với Cách mạng Tháng Tám. Công lao và giá trị tư tưởng đó luôn trường tồn cùng lịch sử dân tộc, sống mãi trong lòng nhân dân ta, đã, đang và sẽ là những chỉ đường dẫn lối quan trọng cho sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta, đặc biệt là đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang.

Việt Thanh

In bài viết
Gửi Email
Các tin khác
  • Kỷ niệm 76 năm Ngày giải phóng thị xã Tuyên Quang [17/8/1945-17/8/2021]: Nhớ ngày giải phóng thị xã năm ấy [18/08/2021]
  • Ra sức học tập, nỗ lực phấn đấu và rèn luyện, không ngừng làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh [16/08/2021]
  • Nhận thức tính đúng đắn của nguyên tắc tập trung dân chủ, chống các luận điểm sai trái, xuyên tạc [13/08/2021]
  • Tinh thần "Thủ đô kháng chiến" giúp Tuyên Quang thêm vững trước COVID-19 [11/08/2021]
  • Chính phủ ban hành Nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 [10/08/2021]
  • Thủ tướng yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt hơn, hiệu quả hơn [06/08/2021]
  • Tài liệu tuyên truyền Luật Cư trú năm 2020 [05/08/2021]
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch COVID-19 [30/07/2021]
  • Công tác thi hành án dân sự: Dấu ấn từ sự chung sức, đồng lòng của cả Hệ thống chính trị [28/07/2021]
  • Thư của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn gửi công dân Tuyên Quang đang sinh sống , làm việc, công tác và học tập tại các tỉnh, thành phố trong cả nước [26/07/2021]
Các tin đã đưa ngày:

Video liên quan

Chủ Đề