Ví dụ về tham ô, lãng phí, quan liêu

Mục lục bài viết

  • 1. Giới thiệu tác giả
  • 2. Giới thiệu hình ảnh sách
  • 3. Tổng quan nội dung sách
  • 4. Đánh giá bạn đọc
  • 5. Kết luận

1. Giới thiệu tác giả

Cuốn sách "Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu - Giá trị lý luận và thực tiễn" do các tác giả Phùng Thanh - Bùi Văn Mạnh đồng chủ biên.

2. Giới thiệu hình ảnh sách

Ví dụ về tham ô, lãng phí, quan liêu

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu - Giá trị lý luận và thực tiễn

Tác giả Phùng Thanh - Bùi Văn Mạnh đồng chủ biên

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật

3. Tổng quan nội dung sách

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội. Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà; hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân; hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ và công nhân”(1). Mặt khác, Người còn chỉ rõ một cách rành mạch, rõ ràng khái niệm tham ô, một biểu hiện đặc trưng điển hình của tệ tham ô:

>> Xem thêm: Bản chất giai cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh

- Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công làm của tư; Đục khoét của nhân dân; Ăn bớt của bộ đội; Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô; Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lãng phí tuy khác với tham ô ở chỗ người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng. Nhưng kết quả thì làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân. Lãng phí có nhiều nguyên nhân. Hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo. Hoặc vì trong khi thực hiện kế hoạch tính toán không cẩn thận. Hoặc vì bệnh hình thức xa xỉ, phô trương. Hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công. Nói tóm lại là vì thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước và của nhân dân”.

Lãng phí có nhiều cách:

Lãng phí sức lao động: Vì kém tinh thần phụ trách, vì tổ chức sắp xếp vụng, việc gì ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người. Trong quân đội, các cơ quan, các xí nghiệp đều có khuyết điểm ấy. Trong việc sửa chữa đường cầu, phục vụ chiến dịch, lãng phí dân công khá nhiều, vì tổ chức không khéo - đó là một thí dụ.

Lãng phí thời giờ: Việc gì có thể làm trong một ngày một buổi, cũng kéo dài đến mấy ngày. Thí dụ: Những cuộc khai hội, vì người phụ trách chuẩn bị chương trình không đầy đủ, người đến dự hội thì không chuẩn bị ý kiến, đáng lẽ chỉ một ngày thì bàn bạc và giải quyết xong vấn đề, song cuộc khai hội kéo dài đến 5, 3 ngày.

Lãng phí tiền của: Có rất nhiều hình thức, đây chỉ nêu vài thí dụ: Các cơ quan dùng vật liệu một cách phí phạm; các xí nghiệp dùng máy móc và nguyên liệu không hợp lý; Cục vận tải giữ gìn xe cộ, tiết kiệm dầu mỡ không triệt để; Sở kho thóc làm kho tàng không cẩn thận; người giữ kho kém tinh thần trách nhiệm, để thóc ẩm ướt, hao hụt, hư hỏng; Mậu dịch không khéo tính toán sắp xếp, để hàng hóa hao hụt, lỗ vốn; Ngân hàng không khéo sử dụng tiền bạc, để tiền bạc ứ đọng lại, không bổ ích cho việc tăng gia sản xuất; Cơ quan kinh tế làm kế hoạch không thiết thực, không sát với hoàn cảnh, để Chính phủ phải lỗ vốn; Bộ đội không biết quý trọng giữ gìn quân trang, quân dụng và chiến lợi phẩm; Nhân dân bỏ hoang ruộng đất, đốt vàng mã, bán trâu, cầm ruộng để làm đám cưới, đám ma, v.v…

Tóm lại, tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô.

Tham ô, lãng phí, quan liêu là một hiện tượng xã hội gắn với sự xuất hiện chế độ tư hữu và sự ra đời của nhà nước, phản ánh quyền lực tập trung của bộ máy nhà nước trong quá trình thực hiện các chức năng của nó. Là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã cảnh báo một nguy cơ của đảng cầm quyền, đó là nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Người cho rằng, tham ô, lãng phí, quan liêu là “giặc nội xâm”, nó làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; kìm hãm sự phát triển của cách mạng, là nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta. Do đó, việc phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Nhận thức sâu sắc tác hại của nạn tham ô, lãng phí, quan liêu, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng; nhiều quy định, nghị quyết đã được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống, có tác dụng cảnh báo và phòng ngừa có hiệu quả.

Để góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng xuất bản cuốn sách "Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu – Giá trị lý luận và thực tiễn".

Cuốn sách được biên soạn với hai phần nội dung chính:

>> Xem thêm: Phân tích về nguồn gốc, cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh

Chương 1: Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

Chương 2: Giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

Cuốn sách đề cập có hệ thống những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, từ đó đi sâu phân tích giá trị của nó đối với cách mạng Việt Nam.

4. Đánh giá bạn đọc

Tham ô, lãng phí, quan liêu là một hiện tượng xã hội gắn với sự xuất hiện chế độ tư hữu và sự ra đời của nhà nước, phản ánh quyền lực tập trung của bộ máy nhà nước trong quá trình thực hiện các chức năng của nó. Do đó, để xây dựng bộ máy nhà nước vững mạnh, trong sạch cần thiết phải đấu tranh phòng, chống triệt để tệ nạn này.

Cuốn sách "Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu – Giá trị lý luận và thực tiễn" được biên soạn trình bày chi tiết tư tưởng Hồ Chí Minh vềphòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu đồng thời phân tích, đánh giá giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu là tài liệu tuyên truyền hữu ích, góp phần nâng cao hiệu quả công tác triển khai phòng chống tham ô, lãng phí, quan liêu trong bộ máy nhà nước ta hiện nay.

5. Kết luận

Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc.Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé!Chúc các bạn đọc sách hiệu quả và thu được nhiều thông tin hữu ích từ cuốn sách“Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu – Giá trị lý luận và thực tiễn".

Luật Minh Khuê chia sẻ dưới đây các biện pháp, cách thức, quy trình đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để bạn đọc tham khảo:

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên với một tư duy biện chứng, sâu sắc, toàn diện và nhân văn. Người cho rằng: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt, loại bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân”.Theo Người, chữa trị căn bệnh tha hóa, biến chất, những bệnh tật trong cơ thể người cán bộ, đảng viên, phải có những thang thuốc đặc trị, phải có tinh thần kiên quyết, kịp thời, “Công khai và mạnh dạn gạt bỏ cho thật sạch những ung nhọt ấy thì thân thể càng mạnh khỏe thêm". Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh để ngăn chặn, đẩy lùi tham ô, lãng phí, quan liêu, cần phải có những biện pháp, giải pháp đồng bộ và quyết tâm rất cao, vì đây là cuộc chiến đấu khổng lồ, rất nặng nề, phức tạp chống lại cái cũ kỹ, hư hỏng. Tựu trung, Người nêu các giải pháp chính sau đây:

Một là,toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, là hết lòng, hết sức vì nước, vì dân. Phải chống chủ nghĩa cá nhân mới có đạo đức cách mạng thật sự và mới PCTN có hiệu quả. Chính chủ nghĩa cá nhân đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên hư hỏng, đạo đức, phẩm chất thấp kém. “Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết”. Họ không lo “mình vì mọi người mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”, “Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”.

Hai là,tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình nghiêm túc trong Đảng, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ.

Ba là,báo chí phải tham gia tích cực vào việc chống tham nhũng; phải coi trọng vai trò và trách nhiệm của nhân dân, phải dựa vào dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân trong việc chống tham ô, hối lộ.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp. Với sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương, với quyết tâm của cán bộ và sự hăng hái tham gia của quần chúng, cuộc vận động này nhất định sẽ có kết quả tốt”. “Để giành thắng lợi, chúng ta phải nắm vững chính sách của Đảng, đi đúng đường lối quần chúng, phải dựa vào lực lượng của quần chúng, phải lắng nghe ý kiến của quần chúng, phải thật sự mở rộng dân chủ”.

Về cách thức đấu tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu vừa phải chủ động phòng ngừa, vừa phải kiên quyết tiến công, phải có chuẩn bị, có kế hoạch, có tổ chức thực hiện và có lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát, tiến hành thường xuyên, liên tục, không đánh trống, bỏ dùi; có sự quyết tâm cao của người đứng đầu, sự cố gắng của cán bộ, phải thông qua các cuộc vận động. Người phát động Cuộc vận động “nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”.

>> Xem thêm: Mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn ? Vai trò của lý luận đối với thực tiễn ?