Vì sao pháp luật là đạo đức tối thiểu, đạo đức là pháp luật tối đa

Chuẩn mực đạo đức là gì? Chuẩn mực pháp luật là gì? Mối quan hệ giữa chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực đạo đức. Sự tác động qua lại giữa chuẩn mực đạo đức và chuẩn mực pháp luật?

Điều chỉnh hành vi con người, xã hội có nhiều công cụ khác nhau, trong đó, pháp luật và đạo đức là những công cụ rất quan trọng. Bên cạnh những ưu thế vốn có, cả pháp luật và đạo đức đều có những hạn chế nhất định, song giữa chúng luôn có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại, bổ sung cho nhau. Chính vì vậy, để quản lý xã hội một cách có hiệu quả, cần phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa pháp luật với đạo đức. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, em đã chọn đề bài: “Phân tích mối quan hệ giữa chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực đạo đức? Liên hệ với tình hình thực tế ở nước ta hiện nay?”

1. Khái quát về chuẩn mực đạo đức và chuẩn mực pháp luật:

1.1. Chuẩn mực đạo đức:

1.1.1. Khái niệm chuẩn mực đạo đức:

Chuẩn mực đạo đức là hệ thống các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi đối với hành vi xã hội của con người, trong đó xác lập những quan điểm, quan niệm chung về công bằng và bất công, về cái thiện và cái ác, về lương tâm, danh dự, trách nhiệm và những phạm trù khác thuộc đời sống đạo đức tinh thần của xã hội.

1.1.2. Các đặc điểm của chuẩn mực đạo đức:

Chuẩn mực đạo đức là loại chuẩn mực xã hội bất thành văn, nghĩa là các quy tắc, yêu cầu của nó không được ghi chép thành văn bản dưới dạng một “bộ luật đạo đức” nào cả, mà nó tồn tại dưới hình thức là những giá trị đạo đức, những bài học về luân thường đạo lý, phép đối nhân xử thế giữa con người với nhau trong xã hội. Chuẩn mực đạo đức thường được củng cố, giữ gìn và phát huy vai trò, hiệu lực của nó thông qua con đường giáo dục truyền miệng, thông qua quá trình xã hội hóa cá nhân; được củng cố, tiếp thu và lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Ví dụ như việc ta đi đường nhìn thấy một bà cụ muốn sang đường nhưng trên đường rất đông xe qua lại, bà đứng mãi mà không qua được đường. Nhìn thấy như vậy chẳng lẽ ta lại ngoảnh mặt quay đi? Tất nhiên là sẽ không có bất kì điều luật nào quy định nhìn thấy cảnh tượng như vậy ta phải quay lại giúp bà cụ sang đường và cũng không có tòa án nào xử lí vụ việc nếu không giúp bà cụ qua đường ta sẽ nhận một mức án tù hay bị phạt tiền. Có chăng tòa án ở đây chỉ là tòa án lương tâm và hình phạt mà ta nhận lấy chính là sự cắn rứt lương tâm. Vì vậy, chuẩn mực đạo đức là một loại chuẩn mực bất thành văn nhưng nó lại tác động to lớn đến việc con người sẽ hành xử như thế nào trong một vài trường hợp cụ thể như trong hoàn cảnh nêu trên.

Chuẩn mực đạo đức mang tính giai cấp, mặc dù tính giai cấp của nó không thể hiện mạnh mẽ, rõ nét như tính giai cấp của chuẩn mực pháp luật. Tính giai cấp của chuẩn mực đạo đức thể hiện ở chỗ, nó được sinh ra cũng là nhằm để củng cố, bảo vệ hay phục vụ cho các nhu cầu, lợi ích vật chất, tinh thần của giai cấp này hay giai cấp khác trong một xã hội nhất định.

Chuẩn mực đạo đức được đảm bảo tôn trọng và thực hiện trong thực tế xã hội là nhờ vào hai nhóm các yếu tố: các yếu tố chủ quan và các yếu tố khách quan.

Vì sao pháp luật là đạo đức tối thiểu, đạo đức là pháp luật tối đa

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568

Các yếu tố chủ quan là các yếu tố tồn tại, thường trực trong ý thức, quan điểm của mỗi cá nhân, chi phối và điều khiển hành vi đạo đức của họ, bao gồm:

Một là, những thói quen, nếp sống trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi người; chúng được lặp đi lặp lại nhiều lần trong quá trình xã hội hóa cá nhân, trở thành cái thường trực trong mỗi người và điều khiển hành vi đạo đức của họ một cách tức thời, gần như mang tính tự động.

Xem thêm: Phân tích ví dụ, nguyên nhân của hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội

Chẳng hạn như việc không ai và cũng không có pháp luật nào quy định việc con người trong cuộc sống, trong công việc luôn phải làm việc đúng giờ, làm việc thật cẩn thận, tỉ mỉ, kĩ càng nhưng sự thật là trong cuộc sống vẫn luôn có những con người quy củ với những quy tắc đã trở thành thói quen, nếp sống sinh hoạt của bản thân. Bác Hồ là một tấm gương điển hình về làm việc quy củ và đúng giờ. Đây chính là tác động của chuẩn mực đạo đức lên hành vi của con người.

Hai là, sự tự nguyện, tự giác của mỗi con người trong việc thực hiện hành vi đạo đức phù hợp với các quy tắc của chuẩn mực đạo đức. Nếu như pháp luật được tuân thủ và thực hiện chủ yếu nhờ vào sức mạnh cưỡng bức của các chế tài thì chuẩn mực đạo đức chủ yếu dựa vào sự tự nguyện, tự giác của mỗi cá nhân.

Ví dụ như việc chào hỏi người lớn tuổi khi gặp, không có quy phạm pháp luật nào quy định ta phải chào người lớn tuổi ta gặp trên đường nhưng ta vẫn luôn làm việc này với một trạng thái vui vẻ, không một chút gò bó hay khó chịu. Đó chính là do ta thực hiện hành vi đó bằng sự tự nguyện, tự giác theo chuẩn mực đạo đức mà không cần đến sự cưỡng chế của pháp luật.

Ba là, sức mạnh nội tâm, chịu sự chi phối bởi lương tâm của mỗi người. Lương tâm thường được ví như một thứ “tòa án” đặc biệt, chuyên phán xét các hành vi sai trái, vi phạm chuẩn mực đạo đức. Một hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức có thể không bị pháp luật trừng phạt, nhưng nó lại bị lương tâm “cắn rứt”. Đây là một cơ chế đặc biệt của việc thực hiện chuẩn mực đạo đức.

Ví dụ như việc ta đi đường nhìn thấy một người ăn xin, đói, rách rưới, mặc dù không có một quy phạm pháp luật nào quy định ta phải thương cảm, giúp đỡ họ nhưng “tòa án lương tâm” của ta sẽ không cho phép ta dửng dưng với họ. Cũng như việc bác sĩ Tường vứt xác bênh nhân của mình xuống sông trong vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường dư luận đang xôn xao hiện nay, cho dù anh Tường bị pháp luật trừng phạt nặng hay nhẹ như thế nào thì anh cũng không thoát được việc cắn rứt lương tâm, đạo đức nghề y sẽ không cho phép anh làm một bác sĩ một lần nữa.

Các yếu tố khách quan là những yếu tố tồn tại bên ngoài ý thức của mỗi người, nhưng lại luôn giữ vai trò chi phối, điều chỉnh hành vi đạo đức của họ; hoặc ít nhất cũng tác động đến việc tuân thủ chuẩn mực đạo đức, chúng bao gồm:

Một là, sự tác động, ảnh hưởng của các thuần phong mỹ tục trong xã hội, hành vi hợp đạo đức của những người xung quanh tới ý thức và hành vi đạo đức của mỗi cá nhân. Đây là biểu hiện của quá trình tâm lý bắt chước.

Ví dụ như việc ủng hộ người dân miền Trung trong bão lũ, trong một cộng đồng tất cả mọi người đều góp tiền ủng hộ chỉ duy nhất một người không ủng hộ thì người duy nhất đó sẽ nhận thấy việc không ủng hộ của mình là “lạc loài”, là không hợp đạo đức, sẽ bị mọi người kì thị, cho nên người đó sẽ muốn giống như mọi người ủng hộ cho người dân miền Trung. Đây chính là tâm lý bắt chước đã tác động tích cực tới hành vi của nhân, thúc đẩy cá nhân thực hiện những hành vi đạo đức đã được định hình đúng đắn, đã trở nên rõ ràng, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.

Xem thêm: Chuẩn mực đạo đức là gì? Các hình thức biểu hiện của chuẩn mực đạo đức?

Hai là, sức mạnh của dư luận xã hội trong việc định hướng và điều chỉnh hành vi đạo đức của con người. Chẳng hạn như thái độ phẫn nộ của các cộng đồng người khi chứng kiến hoặc nghe thông tin về một vụ giết người dã man, đòi hỏi các cơ quan pháp luật phải trừng phạt thật nghiêm khắc kẻ phạm tội để răn đe những kẻ khác. Đây chính là tác động tích cực của dư luận xã hội đến việc điều chỉnh hành vi đạo đức của con người.

Chuẩn mực đạo đức được sinh ra từ sự mâu thuẫn được quy định về mặt vật chất giữa các lợi ích chung và lợi ích riêng, từ thể hiện cái có và cái cần có, nó thể hiện năng lực của con người đối với sự hoàn thiện và phát triển năng lực, nhân cách của mình.

1.2. Chuẩn mực pháp luật:

1.2.1. Khái niệm pháp luật:

Có nhiều quan điểm khác nhau định nghĩa về pháp luật, nhưng có thể hiểu một cách chung nhất pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí nhà nước, là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội.

1.2.2. Các đặc trưng cơ bản của pháp luật:

Đặc trưng thứ nhất của pháp luật là tính quy định xã hội của pháp luật. Đặc trưng này nói lên rằng, pháp luật trước hết được xem xét như một hiện tượng xã hội, nảy sinh từ các tiền đề có tính chất xã hội, tức là những nhu cầu khách quan của thực tiễn đời sống xã hội, phản ánh các quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của xã hội ở những giai đoạn lịch sử nhất định. Trong xã hội luôn luôn tồn tại nhiều mối quan hệ xã hội với tính chất đa dạng và phức tạp; vì vậy, mục đích xã hội của pháp luật là hướng tới điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, pháp luật không thể điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội, mà chỉ có thể điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản, có tính chất phổ biến, điển hình; thông qua đó, tác động tới các quan hệ xã hội khác, định hướng chó các quan hệ đó phát triển theo những mục đích mà nhà nước đã xác định. Mọi sự thay đổi của pháp luật, suy cho cùng, đều xuất phát từ sự thay đổi các quan hệ xã hội và chịu sự quyết định bởi chính thực tiễn xã hội. Điều đó nói lên bản chất xã hội của pháp luật.

Đặc trưng thứ hai của pháp luật nằm ở tính chuẩn mực của pháp luật. Tính chuẩn mực của pháp luật nói lên những giới hạn cần thiết mà nhà nước quy định để mọi chủ thể có thể xử sự một cách tự do trong khuôn khổ cho phép, thường biểu hiện dưới dạng “cái có thể”, “cái được phép”, “cái không được phép” và “cái bắt buộc thực hiện”… Vượt ra khỏi phạm vi, giới hạn đó là vi phạm pháp luật. Chuẩn mực pháp luật được thể hiện ra thành những quy tắc, yêu cầu cụ thể dưới dạng các quy phạm pháp luật. Chuẩn mực pháp luật khác với các loại chuẩn mực xã hội khác ở một điểm cơ bản là nó mang tính cưỡng bức của nhà nước. Các chuẩn mực xã hội, khi được nhà nước thừa nhận, sử dụng và bảo đảm bằng khả năng cưỡng bức sẽ trở thành chuẩn mực pháp luật. Và chuẩn mực pháp luật được thực hiện chừng nào nó còn phù hợp với các quan hệ xã hội và các lợi ích của giai cấp thống trị nảy sinh từ các quan hệ xã hội này.

Tính ý chí là đặc trưng thứ ba của pháp luật. Pháp luật thể hiện các quan hệ xã hội và ý chí giai cấp có gốc rễ từ trong các quan hệ xã hội được thể hiện ra trong hệ thống các chuẩn mực pháp luật. Xét về bản chất, ý chí của pháp luật là ý chí của giai cấp cầm quyền trong xã hội, được thể hiện rõ ở mục đích xây dựng pháp luật, nội dung pháp luật và dự kiến hiệu ứng của pháp luật khi triển khai vào thực tế đời sống xã hội. Tính ý chí nói lên mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời nhau giữa pháp luật và nhà nước. Nhà nước là một tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị, nhưng quyền lực đó chỉ có thể được triển khai và phát huy có hiệu lực trên cơ sở các quy định của pháp luật. Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự do nhà nước ban hành, luôn phản ánh các quan điểm, đường lối chính trị của giai cấp nắm quyền lực nhà nước và bảo đảm cho quyền lực đó được triển khai nhanh chóng, rộng rãi trên quy mô toàn xã hội. Chính vì vậy, nhà nước không thể tồn tại và phát huy quyền lực nếu thiếu pháp luật; ngược lại, pháp luật chỉ phát sinh, tồn tại và có hiệu lực khi nó dựa trên cơ sở sức mạnh của quyền lực nhà nước.

Tính cưỡng chế là đặc trưng thứ tư của pháp luật. Đây là đặc trưng chỉ có ở pháp luật, không có ở các loại chuẩn mực xã hội khác. Pháp luật do nhà nước xây dựng, ban hành và bảo đảm thực hiện. Với tư cách của mình, nhà nước là một tổ chức hợp pháp, công khai, có quyền lực bao trùm toàn xã hội. Nhà nước không chỉ xây dựng và ban hành pháp luật, mà còn có các biện pháp tác động nhằm đảm bảo cho pháp luật được tôn trọng và thực hiện thông qua việc nhà nước thường xuyên củng cố và hoàn thiện bộ máy công cụ thể hiện quyền lực nhà nước như quân đội, cảnh sát, tòa án, nhà tù… Nhờ đó, khi pháp luật được nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, nó sẽ có sức mạnh của quyền lực nhà nước và có thể tác động đến tất cả mọi người.

2. Mối quan hệ giữa chuẩn mực đạo đức và chuẩn mực pháp luật:

2.1. Những điểm tương đồng và khác biệt giữa pháp luật và đạo đức:

Đạo đức và pháp luật có bốn điểm giống nhau cơ bản, đó là:

Xem thêm: Chuẩn mực xã hội là gì? Đặc điểm và tác dụng của chuẩn mực xã hội?

Thứ nhất, pháp luật và đạo đức đều gồm những quy tắc xử sự chung để hướng dẫn cách xử sự cho mọi người trong xã hội hay gồm nhiều những quy phạm xã hội cho nên chúng có các đặc điểm của các quy phạm xã hội là:

+ Chúng là khuôn khổ những khuôn mẫu, chuẩn mực để hướng dẫn cách xử sự cho mọi người trong xã hội, để bất kỳ ai khi ở vào điều kiện, hoàn cảnh do chúng dự liệu thì đều phải xử sự theo cách thức mà chúng đã nêu ra. Căn cứ vào pháp luật, đạo đức, các chủ thể sẽ biết mình được làm gì, không được làm gì và làm như thế nào khi ở vào một điều kiện, hoàn cảnh nhất định.

+ Chúng là tiêu chuẩn để xác định giới hạn và đánh giá hành vi của con người. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, các quy tắc đạo đức, có thể xác định được hành vi nào là hợp pháp, hành vi nào là hợp đạo đức, hành vi nào là trái pháp luật, hành vi nào là trái đạo đức.

+ Chúng được đặt ra không phải cho một chủ thể cụ thể hay một tổ chức, cá nhân cụ thể đã xác định được mà là cho tất cả các chủ thể tham gia vào quan hệ xã hội do chúng điều chỉnh.

Thứ hai là tính phổ biến và xu hướng phù hợp với xã hội. Đạo đức và pháp luật  mang tính quy phạm phổ biến, chúng đều là khuôn mẫu chuẩn mực trong hành vi của con người. Chúng tác động đến các cá nhân tổ chức trong xã hội, tác động đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống. Để có phạm vi ảnh hưởng lớn như vậy, pháp luật và đạo đức phải có sự phù hợp với các tiêu chuẩn nhất định.

Thứ ba, pháp luật và đạo đức đều phản ánh sự tồn tại của xã hội trong những giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử. Chúng là kết quả của quá trình nhận thức đời sống của chính mình. Pháp luật và đạo đức đều chịu sự chi phối, đồng thời tác động lại đời sống kinh tế xã hội.

Thứ tư, chúng được thực hiện nhiều lần trong thực tế cuộc sống vì chúng được ban hành ra không phải để điều chỉnh một quan hệ xã hội cụ thể, một trường hợp cụ thể mà để điều chỉnh một quan hệ xã hội chung, tức là một trường hợp khi điều kiện hoàn cảnh do chúng dự kiến xảy ra.

Bên cạnh những điểm giống nhau, pháp luật và đạo đức còn có những điểm khác nhau:

Xem thêm: Khái niệm sai lệch chuẩn mực xã hội

Thứ nhất, về con đường hình thành nhà nước, pháp luật hình thành thông qua hoạt động xây dựng pháp lý của nhà nước. Trong khi đó đạo đức được hình thành một cách tự do nhận thức của cá nhân.

Thứ hai, hình thức thể hiện của pháp luật và đạo đức. Hình thức thể hiện của đạo đức đa dạng hơn với hình thức thể hiện của pháp luật, nó được biểu hiện thông qua dạng không thành văn như văn hoá truyền miệng, phong tục tập quán…và dạng thành văn như kinh, sách chính trị,…còn pháp luật lại biểu hiện rõ ràng dưới dạng hệ thống của văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ ba, đạo đức có nguồn gốc giá trị lâu dài, khi con người ý thức hành vi tự do sẽ điều chỉnh hành vi đó. Do sự điều chỉnh đó xuất phát từ tự thân chủ thể nên hành vi đạo đức có tính bền vững. Ngược lại, pháp luật là sự cưỡng bức, tác động bên ngoài, dù muốn hay không người đó cũng phải thay đổi hành vi của mình. Sự thay đổi này có thể là không bền vững vì nó có thể lập lại nơi này hay nơi khác nếu vắng bóng pháp luật.

Thứ tư, về biện pháp thực hiện, pháp luật đảm bảo rằng nhà nước thông qua bộ máy cơ quan như cơ quan lập pháp, tư pháp,…còn đạo đức lại được đảm bảo bằng dư luận và lương tâm của con người.

Thứ năm, pháp luật có tính quyền lực nhà nước, nó chỉ do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp quyền lực nhà nước, từ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, thuyết phục cho đến áp dụng các biện pháp cưỡng chế của nhà nước. Trong khi đó, đạo đức được hình thành một cách tự phát trong xã hội, được lưu truyền từ đời này sang đời khác theo phương thức truyền miệng; được đảm bảo bằng thói quên, bằng dư luận xã hội, bằng lương tâm, niềm tin của mỗi người và bằng biện pháp cưỡng chế phi nhà nước.

Thứ sáu, pháp luật có tác động tới mọi tổ chức và cá nhân có liên quan trong xã hội, còn đạo đức tác động tới các cá nhân trong xã hội.

Thứ bẩy, pháp luật có những quan hệ xã hội điều chỉnh mà đạo đức không điều chỉnh.

Thứ tám, pháp luật có tính hệ thống, bởi vì nó là một hệ thống các quy tắc xử sự chung đề điều chỉnh mọi loại quan hệ xã hội phát sinh trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống như dân sự, kinh tế, lao động,…song các quy phạm đó không tồn tại một cách độc lập mà giữa chúng có mối quan hệ nội tại thống nhất với nhau để tạo nên một chỉnh thể là hệ thống pháp luật. Ngược lại, đạo đức không có tính hệ thống.

Xem thêm: Một số biện pháp đấu tranh phòng chống các hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội

Thứ chín, pháp luật luôn thể hiện ý chí của nhà nước, còn đạo đức thường thể hiện ý chỉ của một cộng đồng dân cư, ý chí chung của xã hội.

Thứ mười, pháp luật chỉ ra đời và tồn tại trong những giai đoạn lịch sử nhất định, giai đoạn có sự phân chia giai cấp, mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp. Đạo đức ra đời và tồn tại trong tất cả các giai đoạn phát triển của lịch sử.

2.2. Pháp luật và đạo đức có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau:

2.2.1. Tác động của đạo đức tới pháp luật:

Chuẩn mực đạo đức là nền tảng tinh thần để thực hiện các quy định của pháp luật. Trong nhiều trường hợp, các cá nhân trong xã hội thực hiện một hành vi pháp luật hợp pháp không phải vì họ hiểu các quy định của pháp luật, mà hoàn toàn xuất phát từ các quy tắc của đạo đức. Nhiều quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi các chuẩn mực đạo đức được nhà nước sử dụng và nâng lên thành quy phạm pháp luật. Khi xây dựng và ban hành pháp luật, nhà nước không thể không tính tới các quy tắc chuẩn mực đạo đức. Ví dụ như “Tội không tố giác tội phạm” (Điều 314 Bộ luật hình sự năm 1999), nếu tội phạm đó không phải là tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thì nhà nước không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh, chị, em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội vì về mặt đạo đức và tâm lý, không ai muốn người thân mình dính vào vòng tù tội.

– Đối với việc hình thành pháp luật:

+ Nhiều quan điểm đạo đức được thể chế hoá trong pháp luật, nhiều quy tắc đạo đức phù hợp với ý chí của nhà nước được thừa nhận trong pháp luật qua đó góp phần tạo nên pháp luật. Ví dụ như quan niệm, quy tắc đạo đức về mối quan hệ thầy trò được thừa nhận trong giáo dục.

+ Những quan niệm, quy tắc đạo đức trái với ý chí của nhà nước sẽ trở thành tiền đề để hình thành nên những quy phạm thay thế chúng, từ đó cũng góp phần hình thành nên pháp luật. Ví dụ quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” trong hôn nhân trước đây trở thành tiền đề để hình thành nên quy định hôn nhân là tự nguyện trên cơ sở giữ tình yêu nam và nữ trong luật hôn nhân và gia đình.

– Đối với việc thực hiện pháp luật:

+ Những quan niệm, quy tắc đạo đức được thừa nhận trong pháp luật góp phần làm cho pháp luật được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, tự giác hơn, bởi vì chúng đã ngấm sâu vào tiềm thức của nhân dân nên ngoài những biện pháp của nhà nước, chúng còn được đảm bảo thực hiện bằng thói quen, bằng lương tâm và niềm tin của mỗi người, bằng dư luận của xã hội. Ngược lại, những quan niệm, quy tắc đạo đức trái với ý chí của nhà nước sẽ cản trở thực hiện pháp luật trong thực tế. Ví dụ quan niệm trọng nam khinh nữ dẫn đến tình trạng một số người cố đẻ đến con thứ ba, thứ tư, tức là vi phạm chính sách và pháp luật về dân số của nhà nước.

Xem thêm: Phân tích mối quan hệ giữa chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực tôn giáo thông qua các ví dụ cụ thể

+ Ý thức đạo đức cá nhân có tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện pháp luật. Người có ý thức đạo đức cao trong mọi trường hợp đều nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật. Ngay cả trường hợp pháp luật có những “khe hở” thì họ cũng không vì thế mà có hành vi “lợi dụng”, để làm điều bất chính. Đối với nhiều trường hợp “đã trót” thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, ý thức đạo đức giúp chủ thể ăn năn, hối cải, sửa chữa lỗi lầm. Tình cảm đạo đức còn có thể khiến các chủ thể thực hiện hành vi một cách hào hứng, nhiệt tình, tận tâm, triệt để. Ngược lại, đối với những người có ý thức đạo đức thấp thì thái độ tôn trọng pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật cũng không cao, họ dễ có các hành vi vi phạm pháp luật.

2.2.2. Tác động của pháp luật tới đạo đức:

Trong một số trường hợp, định hướng đạo đức muốn được thực hiện một cách phổ biến trong xã hội thì phải thông qua các quy phạm pháp luật để thể hiện. Điều đó cho thấy ở một số khía cạnh nhất định pháp luật có ưu thế nổi trội hơn so với chuẩn mực đạo đức. Pháp luật không chỉ là sự ghi nhận các chuẩn mực đạo đức, mà còn là công cụ phương tiện bảo vệ chuẩn mực đạo đức một cách hữu hiệu bằng các biện pháp, chế tài cụ thể. Pháp luật có vai trò to lớn trong việc duy trì, bảo vệ và phát triển các quy tắc đạo đức phù hợp, tiến bộ trong xã hội.

– Pháp luật  có thể góp phần củng cố, phát huy vai trò, tác dụng thực tế của các quan niệm, quy tắc đạo đức khi chúng phù hợp với ý chí của nhà nước và được thừa nhận trong pháp luật, bởi vì ngoài việc đảm bảo thực hiện bằng lương tâm, niềm tin, dư luận xã hội,…chúng còn được nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp mang tính quyền lực nhà nước. Ví dụ như quy định cha mẹ có nghĩa vụ yêu thương, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục các con trong luật hôn nhân và gia đình đã góp phần củng cố, phát huy vai trò, tác dụng thực tế của quan niệm, quy tắc đạo đức về vấn đề này.

– Pháp luật giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức của dân tộc, ngăn chặn sự thoái hóa, xuống cấp của đạo đức. Bằng việc ghi nhận các quan niệm, chuẩn mực đạo đức trong pháp luật, nhà nước bảo đảm cho chúng được thực hiện nghiêm chỉnh trên thực tế. Một khi được thể chế hóa thành pháp luật, việc thực hiện những chuẩn mực đạo đức đó trở thành nghĩa vụ của toàn thể xã hội, các cá nhân, tổ chức dù không muốn cũng phải thực hiện theo. Đặc biệt, bằng việc xử lí nghiêm những chủ thể có hành vi đi ngược với các giá trị đạo đức xã hội, pháp luật góp phần bảo vệ và giữ gìn các giá trị đạo đức của xã hội, ngăn chặn sự tha hóa, xuống cấp của đạo đức.

– Pháp luật cũng có thể loại bỏ các chuẩn mực đạo đức đã lỗi thời, cải tạo các chuẩn mực đạo đức, góp phần tạo nên những chuẩn mực đạo đức mới, phù hợp hơn với tiến bộ xã hội. Ví dụ quy định cấm cưỡng ép kết hôn, tảo hôn trong luật hôn nhân và gia đình góp phần loại bỏ quan hệ đạo đức “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” trong hôn nhân.

3. Liên hệ với tình hình thực tế ở nước ta hiện nay:

Ở Việt Nam hiện nay, vị trí cũng như vai trò mối quan hệ của pháp luật và đạo đức ngày càng được nhìn nhận đúng đắn, tích cực.

Thứ nhất, do được nhà nước xây dựng dựa trên các quan diểm đạo đức của nhân dân, pháp luật không những thể hiện được tư tưởng cách mạng, đạo đức truyền thống dân tộc, đạo đức tiến bộ mà còn thể hiện được ý chí, nguyện vọng và hướng tới lợi ích của nhân dân lao động. Cụ thể là được thể hiện trong Hiến pháp năm 1992 sửa đổi bổ sung 2001, Điều 2 quy định: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.

Hệ thống pháp luật Việt nam hiện hành được xây dựng trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ phẩm giá con người, coi việc phục vụ con người là mục đích cao nhất của nó. Hiến pháp 1992 quy định: “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật” (Điều 50).

Xem thêm: Hậu quả của hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội

Thứ hai, hệ thống pháp luật Việt Nam phản ảnh khá rõ nét tư tưởng nhân đạo, một tư tưởng đạo đức cơ bản của nhân dân ta. Tính nhân đạo trong hệ thống pháp luật Việt Nam được thể hiện rất rõ trong các quy định về các chính sách xã hội của nhà nước. Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi, quan tâm đặc biệt tới các thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, người già, trẻ em không nơi nương tựa, người tàn tật…

Tính nhân đạo trong hệ thống pháp luật Việt Nam còn được thể hiện ngay cả trong các quy định về xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật. Chẳng hạn các quy định của Bộ luật hình sự, quy định về các tình tiết giảm nhẹ hình sự; quyết định hình phạt nhẹ hơn quyết định của bộ luật (Điều 46, điều 47); miễn hình phạt (điều 54); miễn chấp hành hình phạt (điều 57); giảm mức hình phạt đã tuyên (điều 58,59); các quy định đối với người chưa thành niên phạm tội (chương 10); các quy định về tạm hoãn chấp hành hình phạt tù đối với phụ nữ có thai hoặc mới sinh đẻ, người bị mắc bệnh hiểm nghèo, người bị kết án là người lao động duy nhất trong gia đình nếu ở tù sẽ làm cho gia đình đặc biệt khó khăn (điều 231 Bộ luật tố tụng hình sự)…

Thứ ba, đạo đức trong xã hội đã thực sự hỗ trợ, bổ sung, hoàn thiện cho pháp luật, tạo điều kiện cho pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh trong đời sống. Khi pháp luật chưa được ban hành kịp thời, không đầy đủ, đạo đức giữ vai trò bổ sung, thay thế cho pháp luật. Nhà nước ta thừa nhận tập quán có thể thay thế pháp luật trong những trường hợp pháp luật chưa quy định và nội dung tập quán không trái với quy định của pháp luật.

Đạo đức còn tạo điều kiện để pháp luật được thực hiện nghiêm minh trong đời sống xã hội. Gia đình, nhà trường, các thiết chế xã hội đã thực sự phát huy vai trò tích cực của mình trong vấn đề giáo dục nhân cách, lối sống. Chính vì vậy, về cơ bản, tuyệt đại đa số các thành viên trong xã hội đều có ý thức đạo đức tốt, có lối sống lành mạnh, tôn trọng mọi người, tôn trọng các quy tắc sống chung của cộng đồng.

Thứ tư, pháp luật đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các quan niệm đạo đức tốt đẹp, hình thành những tư tưởng đạo đức tiến bộ, ngăn chặn sự thoái hoá xuống cấp của đạo đức, loại trừ những tư tưởng đạo đức cũ, lạc hậu. Để giữ gìn và phát huy các quan niệm đạo đức của dân tộc, Hiến pháp 1992 quy định:

“Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; kế thừa và phát huy những giá trị của nền văn hiến các dân tộc Việt Nam, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; phát huy mọi tài năng sáng tạo trong nhân dân” (điều 30). Để giữ gìn và phát huy các quan điểm đạo đức tiến bộ, ngăn chặn sự thoái hóa, xuống cấp của đạo đức, pháp luật quy định các xử sự bắt buộc đối với các chủ thể khi họ ở trong các điều kiện hoàn cảnh xác định. C

hẳng hạn, Hiến pháp quy định công dân có nghĩa vụ chấp hành những quy tắc sinh hoạt cộng đồng (điều 79); Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con thành công dân có ích cho xã hội; con có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ…” (điều 2);…Bên cạnh đó, pháp luật cấm chỉ các hành vi trái với đạo đức xã hội. Hiến pháp 1992 quy định: “Nghiêm cấm truyền bá tư tưởng và văn hoá phản động, đồi trụy; bài trừ mê tín, hủ tục” (điều 30); “Nghiêm cấm những hoạt động văn hoá, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam” (điều 33). Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định: “Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; cấm kết hôn giả, lừa dối để kết hôn, ly hôn…”.

Pháp luật cũng đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần loại bỏ những tư tưởng đạo đức phong kiến khác, chẳng hạn tư tưởng “sống lâu lên lão làng”, pháp luật quy định về các chính sách trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức, các quy định về bố trí, sắp xếp cán bộ…

Xem thêm: Các cơ chế của hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội

Bên cạnh những mặt tích cực trong mối quan hệ giữa pháp luật với đạo đức, thực tế Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế:

Một là trong một số trường hợp thì ranh giới điều chỉnh giữa đạo đức và pháp luật chưa rõ ràng hay sự pháp luật hoá các quy tắc các quan niệm đạo đức không cụ thể dẫn đến khó ứng dụng vào cuộc sống. Chẳng hạn, Bộ luật dân sự quy định, các giao dịch dân sự không được trái với đạo đức xã hội. Trên thực tế, đánh giá một hành vi nào đó là trái hay không với đạo đức xã hội, không phải là vấn đề đơn giản, cùng một hành vi nhưng có thể có các đánh giá khác nhau, thậm chí đối lập nhau.

Hai là trong xã hội nhiều quan niệm, tư tưởng đạo đức cổ hủ, lạc hậu vẫn còn tồn tại mà chưa bị ngăn chặn đúng mức cần thiết. Ví dụ như tư tưởng gia trưởng, thói cá nhân chủ nghĩa, tư tưởng địa vị, đẳng cấp, trọng nam khinh nữ,…vẫn có ảnh hưởng không nhỏ trong đại bộ phận dân cư.

Cuối cùng, đạo đức trong xã hội xuống cấp là nguyên nhân chính làm gia tăng các vi phạm pháp luật. Nguyên nhân cơ bản là sự nhận thức không đúng đắn về vai trò của đạo đức, nhất là đạo đức truyền thống.

Để khắc phục được những hạn chế nói trên, nhà nước ta cần phải nâng cao ý thức đạo đức nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ – tương lại của đất nước, nâng cao giáo dục, giữ gìn và phát huy những truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

KẾT LUẬN

Từ những điều đã nói ở trên, có thể thấy được chuẩn mực pháp luật và đạo đức có những điểm chung và  đồng thời cũng có những khác biệt riêng. Đạo đức và pháp luật có mối quan hệ biện chứng với nhau, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau. Một xã hội có nền tảng đạo đức tốt sẽ là cơ sở để pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh và tự giác. Mặt khác, pháp luật nghiêm sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc giữ gìn, phát triển nền đạo đức xã hội tốt đẹp!