Ý nghĩa của tết trồng cây

THANH TÙNG

Ô nhiễm ngày càng nặng

Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhà cao tầng mọc lên nhiều nhưng thiếu hụt diện tích cây xanh khiến không gian sống ngày càng thu hẹp, môi trường bị ô nhiễm đến mức báo động. Cùng với đó, dưới tác động biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra ngày càng phức tạp đã gây ảnh hưởng mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, môi trường, đe dọa sự phát triển bền vững. Ngoài ra, quá trình công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, đô thị tập trung… được xây dựng ngày càng nhiều, dân số tăng nhanh cũng khiến môi trường đô thị ngày càng ô nhiễm.

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí liên tục được cảnh báo ở ngưỡng xấu đến rất xấu, ảnh hưởng nặng nề đời sống người dân đô thị. Có thể nói, đây là vấn đề gây lo ngại ở hầu hết các thành phố lớn tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Trung tâm quan trắc môi trường Việt Nam nhiều lần đưa ra cảnh báo nồng độ bụi mịn PM2.5 và PM1.0 trung bình trong không khí ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang vượt mức tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). 

Trên trang web aqicn.org chuyên về thông báo chất lượng không khí (AQI) thường xuyên đưa ra cảnh báo chất lượng không khí, trong đó nhiều địa phương tại Việt Nam liên tục ở mức vàng (không tốt) đến tím (rất có hại cho sức khỏe). Điều đáng nói là xu hướng này thường duy trì ở ngưỡng cao, gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người. Đặc biệt, bụi mịn PM1.0, PM2.5 gây tác hại khôn lường cho sức khỏe. Trong đó, bụi PM2.5 chứa nhiều kim loại nặng có khả năng gây ung thư, hoặc tác động đến DNA và gây ra đột biến gen rất khó lường.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố trong năm 2020, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ trung bình diện tích cây xanh trên đầu người khoảng 2 m². Mật độ này không đạt quy chuẩn của đô thị (khoảng 7 - 9 m²) và bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng không khí tại các thành phố lớn thấp, khí hậu thường xuyên nóng bức, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Báo cáo ước tính, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10 m² cây xanh hoặc 25 m² thảm cỏ để bảo đảm không khí trong lành cho cuộc sống. Tuy nhiên, quỹ đất dành cho cây xanh tại các quận trung tâm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều đô thị lớn trên cả nước rất hạn chế, phân bố không đều.

Tăng cường hệ thống cây xanh

Một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường không khí là do bụi, khí thải từ phương tiện giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp; diện tích cây xanh, mặt nước ở đô thị thấp… Vì vậy, việc tăng cường hệ thống cây xanh tại các đô thị lớn trên cả nước là hết sức cần thiết nhằm hạn chế hiệu ứng nhà kính, khí thải độc hại và góp phần giảm tình trạng ô nhiễm đang căng thẳng như hiện nay.

Theo Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện trình Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được ít nhất một tỷ cây xanh. Trong đó, có 690 triệu cây xanh trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn; 310 triệu cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó biến đổi khí hậu. Trong năm 2021, cả nước sẽ trồng khoảng 182 triệu cây xanh, trong đó, cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so năm 2020 (năm 2020 trồng được khoảng 80 triệu cây phân tán). Từ năm 2022 - 2025 mỗi năm trồng 204,5 triệu cây xanh, trong đó, cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so năm 2020… Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, phong trào trồng cây và bảo vệ cây, trồng rừng và bảo vệ rừng đã được các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, đoàn thể và người dân trên địa bàn Thủ đô tích cực hưởng ứng. Trong đợt ra quân đầu xuân từ ngày 17 đến 23-2, toàn thành phố sẽ trồng từ 100 nghìn đến 120 nghìn cây xanh các loại.

Việc trồng và phát triển cây xanh bảo vệ môi trường có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Nhìn rộng ra, có thể thấy việc trồng cây, gây rừng không chỉ bó hẹp trong phạm vi nhỏ lẻ mà đó còn là công cuộc bảo vệ môi trường, ứng phó ô nhiễm và trở thành một trong những chính sách quan trọng hàng đầu của Chính phủ. Vì vậy, để “Tết trồng cây” tạo được niềm vui cho mọi người, không những phải tổ chức trồng thêm nhiều cây, nhân lên nhiều cánh rừng mầu xanh mà còn cần cùng nhau nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh bằng việc chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây trồng thật tốt. Ngoài ra, Nhà nước cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép, cũng như phòng, chống cháy rừng hiệu quả. Có như vậy, “Tết trồng cây” sẽ thật sự có ý nghĩa đối với toàn xã hội.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường gia tăng, việc trồng cây xanh không chỉ trở thành một nét đẹp truyền thống trong văn hóa Việt Nam, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc "Làm cho đất nước càng ngày càng xuân"...

Hơn 60 năm qua, lời phát động "Tết trồng cây" của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị và đi vào nếp sống thường nhật của nhân dân, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống. Từ đó đến nay, hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, trong không khí rộn ràng, phấn khởi những ngày đầu năm mới, nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc lại tổ chức "Tết trồng cây". Ðây là một phong trào đầy ý nghĩa được nhân dân cả nước đồng lòng hưởng ứng và trở thành một phong tục tốt đẹp, một hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa của dân tộc ta. "Tết trồng cây" không chỉ đơn thuần để có thêm cây xanh, phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và cải tạo môi trường sống của con người… mà "Tết trồng cây" còn góp phần giáo dục cho mỗi người, nhất là lớp trẻ lòng yêu quý, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái nói chung và cây xanh nói riêng, nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân đối với cộng đồng.

Hòa chung không khí đó, những năm qua, TP Hà Nội nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung đã tích cực hưởng ứng phong trào, góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Tất cả các thành phố, thị xã, huyện, đơn vị, địa phương trên địa bàn đều tham gia phong trào "Tết trồng cây", được tổ chức rộng khắp tại các khu đô thị, khu công nghiệp, trong thôn, xóm, dọc đường giao thông nông thôn, ở các trường học, công viên… tạo môi trường xanh - sạch - đẹp. Với mục tiêu tạo "lá phổi xanh" cho Thủ đô Hà Nội, ngoài việc trồng cây đô thị, bóng mát, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, ngành nông nghiệp còn vận động người dân trồng mới hàng chục héc-ta rừng trồng và rừng đặc dụng. Việc này không chỉ tạo sinh kế cho người dân mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển kinh tế rừng. Mặt khác, việc trồng rừng, trồng cây xanh có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ môi trường sống cho người dân Thủ đô. Và như vậy, sau mỗi "Tết trồng cây", lại có thêm hàng chục nghìn cây xanh được trồng. Việc làm đó đã và đang mang lại lợi ích nhiều mặt cho địa phương, đơn vị và hộ gia đình.

Anh Nguyễn Văn Tiến, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ cho hay: "Xuân Tân Sửu 2021, người dân địa phương hân hoan hơn với nhiều tuyến đường khang trang, sạch đẹp. Gia đình tôi cũng góp phần làm đẹp đường làng, ngõ xóm bằng việc trồng thêm một số cây xanh trước cổng nhà". Theo lãnh đạo huyện Phúc Thọ,không riêng xã Vân Phúc mà nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phúc Thọ cũng tích cực tham gia trồng cây, chăm chút cho gia đình và khu dân cư ngày càng xanh - sạch - đẹp. Nét đẹp trồng cây đầu xuân cũng được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân Thủ đô tích cực tham gia. Nhiều xã nông thôn mới đẹp hơn nhờ tích cực hưởng ứng phong trào Tết trồng cây. Không chỉ làm đẹp cảnh quan, Tết trồng cây ở Hà Nội còn có ý nghĩa hơn trong bối cảnh khu vực nông thôn đang có tốc độ đô thị hóa nhanh. Chị Trần Thị Mai, chủ vườn cây ăn quả huyện Ba Vì chia sẻ: "Thiên tai ngày càng khắc nghiệt, hạn hán, lũ lụt đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Tuy diện tích rừng ở Hà Nội không lớn, nhưng đó thật sự là "lá phổi xanh" cho Thủ đô. Bởi vậy, mà việc bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết".

Thực tế, việc trồng rừng, trồng cây xanh có vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo vệ môi trường sống cho người dân Thủ đô. Không chỉ tạo bóng mát, cây xanh còn góp phần điều tiết môi trường sinh thái và môi trường sống, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Thực tế trong mấy năm gần đây, việc tổ chức "Tết trồng cây" ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị đã có xu hướng mang tính phô trương, hình thức. Các buổi lễ phát động được tổ chức rầm rộ, nhưng số lượng cây trồng ít, chất lượng không đồng đều. Việc lựa chọn cây trồng chưa phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu và dân cư từng vùng. Mặt khác, việc trồng cây chưa gắn với việc chăm sóc, bảo vệ cây cho nên ở một số nơi tỷ lệ cây trồng sống đạt thấp. Nhất là việc thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng khác mấy năm gần đây đều không đạt kế hoạch.
Tình trạng phá rừng, cháy rừng còn diễn ra phức tạp ở một số địa phương.

Nước ta vừa bước qua một năm đầy khó khăn không chỉ bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mà còn do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Những hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường diễn ra với tần suất cao và ngày càng khốc liệt hơn. Do vậy, để việc tổ chức "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" thiết thực, hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, các cấp, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của "Tết trồng cây", nhất là cần thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào "Tết trồng cây" và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021.

Theo đó, cần quan tâm thực chất của phong trào Tết trồng cây: Bảo đảm mỗi cây trồng được chăm sóc, phát triển tốt, tránh tình trạng cây trồng xong bị bỏ mặc, héo, chết vì không được chăm sóc, vừa lãng phí tiền của, vừa lãng phí thời gian, công sức; phấn đấu đạt được mục tiêu trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó, cần có những nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, xã hội của từng vùng, từng địa phương để có thể chọn tạo những loài cây, giống cây trồng phù hợp. Nhất là những giống cây bản địa gắn với hệ sinh thái tự nhiên; những loài cây có khả năng phục hồi, tái tạo rừng hoặc những loại cây phù hợp với đô thị... góp phần hạn chế phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, gìn giữ đất đai. Bên cạnh đó, cần nâng cao quản lý chất lượng giống cây trồng, tổ chức tốt việc chăm sóc, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô hanh, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để bảo đảm cây trồng, rừng trồng phát triển tốt. Có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng phá hoại rừng, chặt rừng đầu nguồn, phá hoại môi trường sống.

QUANG MINH