Ý nghĩa quan trọng nhất của phong trào cách mạng năm 1930 đến năm 1931 là gì

30/01/2018 08:55 |Lượt xem 117015

CHƯƠNG II

PHONG TRÀO CÁCH MẠNG TRONG NHỮNG NĂM1930 - 1935

PHONG TRÀO CÁCH MẠNG NĂM 1930 - CUỘC ĐẤU TRANH CỦA NHÂN DÂN HUYỆN TÂN ĐỊNH (NINH HÒA)

Năm 1930, tình hình kinh tế khủng hoảng trầm trọng của chủ nghĩa tư bản lan đến nước ta. Chính phủ Đông Dương do bọn tư bản độc quyền chi phối áp dụng hàng loạt biện pháp kinh tế - tài chính nhằm tăng cường bóc lột, cướp bóc tài sản của nhân dân Việt Nam để chống đỡ với tai họa của cuộc khủng hoảng. Chúng đặt thêm nhiều thứ thuế mới và tăng mức các thứ thuế đã có, đặc biệt là thuế thân. Một suất sưu năm 1929 bằng 50kg gạo thì năm 1932 là 100 kg và năm 1933 là 300 kg1.

Khủng hoảng kinh tế đã làm cho mọi mặt đời sống của nhân dân trong tỉnh điêu đứng, bọn Pháp đã phải kêu lên: "Cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra dữ dội hơn bao giờ hết". "Các thương gia người Hoa biến mất theo cơn khủng hoảng"2.

Khủng hoảng kinh tế, sự tăng cường bóc lột thuộc địa: thuế cao, sưu dịch nặng, quan lại cường hào áp bức hà khắc, địa chủ bóc lột tô tức nặng và chính sách khủng bố trắng tràn lan sau khởi nghĩa Yên Bái; những sự kiện dồn dập ấy đã tác động làm cho mâu thuẫn giữa nhân dân ta với đế quốc Pháp và bọn phong kiến tay sai phát triển đến mức gay gắt. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo thống nhất trong cả nước, cũng như ở từng địa phương đã làm cho phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ.

Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930 có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng mới thành lập và xây dựng được cơ sở trong cả nước. Trung ương Đảng chủ trương kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động trong năm đầu Đảng ra đời một cách trọng thể bằng cách phát động trong cả nước một phong trào đấu tranh rộng lớn. Ngày đó, từ thành thị đến nông thôn ở cả ba miền Nam, Trung, Bắc, đều treo cờ Đảng, rải truyền đơn, tổ chức mít tinh, biểu tình.

Ở Khánh Hòa truyền đơn cho lễ kỷ niệm này do Xứ ủy Nam kỳ in sẵn gửi cho Đảng bộ Khánh Hòa và các tỉnh cực Nam. Nội dung truyền đơn như sau:

"Hỡi anh chị em thợ thuyền, dân cày, binh lính, thanh niên, học sinh!

Hỡi tất cả anh chị em bị bóc lột dã man!

Ngày 1 tháng 5 sắp tới rồi. Trước đây 41 năm vô sản giai cấp thế giới đã quyết định lấy ngày mồng một tháng năm là ngày Quốc tế Lao động. Nghĩa là ngày mà lao động các nước phải đồng thời vận động biểu tình phản kháng tụi cường quyền tư bản đòi ngày làm 8 giờ và đòi các quyền lợi khác nữa.

Ngày 1 tháng 5 này vô sản giai cấp An nam sẽ cùng với vô sản giai cấp tất cả các nước bị bóc lột, đè nén biểu tình thị uy để phản kháng tụi cường quyền đế quốc.

Anh chị em sẽ phản kháng đế quốc chủ nghĩa Pháp đã:

a) Hạ tiền lương thợ thuyền, dãn thợ thuyền.

b) Tăng thêm sưu thuế.

c) Tù đày, bắn giết dân chúng, tàn phá các làng.

d) Chở binh lính An nam đi ngoại quốc và chở binh lính ngoại quốc đến giết dân An nam.

Anh chị em sẽ đòi:

a) Ngày làm 8 giờ

b) Tăng tiền lương

c) Giảm sưu thuế

d) Phản đối đế quốc chủ nghĩa

đ) Ủng hộ Nga - Xô là nước giúp cho dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp thế giới làm cách mệnh".

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM3

Những truyền đơn này đã được rải ở nhiều nơi trong tỉnh, cờ búa liềm treo ở Tháp Bà, miếu Sinh Trung (Nha Trang), cây Dầu Đôi (Diên Khánh). Đây là lần đầu tiên và trong hoàn cảnh nước nhà còn bị thực dân Pháp đô hộ, Khánh Hòa tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5; ý nghĩa ngày lễ được giải thích tương đối sâu rộng trong đảng viên và cơ sở quần chúng. Hầu hết công nhân viên chức làm việc ở Viện Pasteur, Viện Hải Dương học, trong các xưởng cơ khí sửa chữa Charner, De Monfreid, STACA, Bourbon, hay trong các khách sạn... đều tham gia dưới những mức độ khác nhau, đòi tăng lương, bớt giờ làm có kết quả. Cũng có phần do lãnh đạo thiếu kinh nghiệm nên kết quả bị hạn chế, hoặc thu kết quả ngược lại, bất lợi cho công nhân như cuộc đấu tranh ở khách sạn Grand Hotel, công nhân đòi tăng lương và trả lương đúng kỳ, kết quả chủ khách sạn trả đủ lương cho anh em, đồng thời đóng cửa luôn khách sạn làm cho 17 người làm công, bồi bếp bị thất nghiệp, trong số đó có 9 người Việt (5 đảng viên), 8 người Hoa (3 đảng viên). Tất cả đều kéo đến nhà đồng chí Nguyễn Phong Thanh là hiệu ăn Tân Thành làm lộ cơ quan liên lạc của Đảng, nhưng rất may lúc ấy cơ quan thay đổi kịp nên không tác hại gì. Còn đối với số công nhân bị thất nghiệp, lãnh đạo tìm cách giúp đỡ cho họ đi làm các nơi như đưa vào Phan Rang, Phan Thiết, Sài Gòn, nhờ cơ sở của ta mách mối và giới thiệu.

Ngày 1-5-1930, ở Nghệ-Tĩnh phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân được phát động một cách rầm rộ, địch phản ứng mạnh. Phong trào đấu tranh chính trị ở đây có khả năng chuyển thành khởi nghĩa vũ trang nên Trung ương Đảng chủ trương kêu gọi nhân dân cả nước biểu tình, bãi công, hưởng ứng phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ-Tĩnh. Để thực hiện nhiệm vụ đó, Xứ ủy Nam kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam chú ý trước tiên đến Khánh Hòa là nơi có Đảng bộ và cơ sở quần chúng mạnh hơn các tỉnh khác.

Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Hữu Duyệt và ủy viên liên lạc của Tỉnh ủy Đỗ Long được triệu tập vào gặp Xứ ủy Nam kỳ (lúc này Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa vẫn trực thuộc Xứ ủy Nam kỳ).

Xứ ủy chủ trương phát động cuộc đấu tranh hưởng ứng và ủng hộ phong trào cách mạng của nhân dân Nghệ-Tĩnh. Thực hiện quyết định của Xứ ủy, vào tháng 7-1930 Tỉnh ủy lâm thời chủ trương vận động tổ chức mít tinh biểu tình ở những nơi cơ sở đảng mạnh, treo cờ, rải truyền đơn ở những nơi cơ sở đảng còn yếu. Trên cơ sở nhận định phong trào cách mạng ở huyện Tân Định (Ninh Hòa ngày nay) khá nhất, Tỉnh ủy chủ trương vận động quần chúng ở đây biểu tình.

Lúc bấy giờ Đảng bộ huyện Tân Định có 20 đảng viên và trên 500 hội viên các đoàn thể quần chúng, có những vùng cơ sở cách mạng khá như Hòn Khói, Suối Ré, Xuân Hòa, Mỹ Hiệp. Hòn Khói là một vùng làm muối lớn trong nước, sản xuất hàng năm 5, 6 vạn tấn muối, có đến mấy nghìn công nhân nhưng họ bị sự kiểm soát khắc nghiệt của bọn Tây đoan. Về sự áp bức của thực dân Pháp đối với dân làm muối, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã có lần tố cáo: "Muối là vật phẩm tối cần cho dân chài lưới, thế mà dân Việt Nam phải đặc biệt xót xa vì muối! Lúc đầu thuế muối chỉ có 5 xu, rồi đến 3 hào, lên đến 5 hào, đến một đồng rồi đến 1 đồng 6. Trong vòng không đầy 7 năm, thuế muối đã tăng lên gấp 10 lần. Bây giờ họ bắt người làm muối Việt Nam phải cung cấp muối cho nhà nước theo giá 17 xu một tạ. Nhà nước lại bán cho người tiêu thụ bản xứ 1 đồng 7"4.

Vùng Hòn Khói công nhân tương đối tập trung, bị áp bức bóc lột nặng nề, lại bị ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế, làm cho đời sống vô cùng khó khăn. Ở đây cơ sở đảng và cơ sở quần chúng tương đối phát triển; khu vực Suối Ré, Xuân Hòa cũng là nơi có cơ sở mạnh trong đông đảo nông dân, nên huyện ủy rất chú trọng động viên nhân dân ở các khu vực trên tham gia vào cuộc biểu tình.

Ngày 12-7 chỉ thị chính thức của Tỉnh ủy mới đến. Huyện ủy liền triệu tập các bí thư khu vực đến nhà đồng chí Lê Dung (nay là nhà số 193 đường Trần Qúy Cáp thị trấn Ninh Hòa) họp từ nửa đêm 13-7 đến sáng 14-7. Đồng chí Đỗ Long, Tỉnh ủy viên được phân công về Tân Định để cùng với đồng chí Lê Dung chuẩn bị cho cuộc biểu tình. Hội nghị đã nghe đồng chí Đỗ Long, Lê Dung truyền đạt chủ trương của Xứ ủy, của Tỉnh ủy và bàn biện pháp tổ chức cuộc biểu tình. Hội nghị thảo luận kỹ về các biện pháp tập hợp lực lượng quần chúng, địa điểm tập trung, ngày giờ xuất phát, cờ, khẩu hiệu và người dẫn đầu cuộc biểu tình. Các biện pháp đối phó với địch cũng được hội nghị rất chú trọng. Hội nghị phân công đồng chí Dương Chước dẫn đầu cuộc biểu tình, đồng chí Nguyễn Thế, phụ trách tự vệ và dự bị chỉ huy, đề phòng trường hợp đồng chí Dương Chước bị địch bắt.

Cuộc biểu tình dự định bắt đầu từ 5 giờ sáng ngày 16-7-1930. Địa điểm tập trung là vùng núi Ổ Gà phía đông làng Cây Chò (Văn Định Thượng), các khẩu hiệu được chuẩn bị sẵn là:

- Đả đảo đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến

- Chống khủng bộ trắng

- Ủng hộ phong trào công - nông Nghệ - Tĩnh

- Chống sưu cao thuế nặng

- Ủng hộ Liên bang Xô - viết.

Những khẩu hiệu trong giai đoạn này, cho thấy Đảng chủ trương phát động quần chúng đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, đòi vấn đề dân sinh, kêu gọi đồng bào đoàn kết đứng lên đấu tranh chống áp bức, bóc lột của bọn thực dân phong kiến, mở rộng cơ sở đảng viên, tổ chức lực lượng yêu nước.

Đúng 5 giờ sáng ngày 16-7, đông đảo đồng bào các vùng Hòn Khói, Suối Ré, Xuân Hòa, Điềm Tịnh, Mỹ Hiệp, Phước Đa, Quang Đông... đã tập trung tại địa điểm trên. Lúc xuất phát, xếp hàng năm, đi đầu là 5 phụ nữ: chị Nguyễn Thị Miến, chị Nguyễn Thị Chuột (ở Hòn Khói), chị Nguyễn Thị Thích, chị Mai Thị Tý, chị Huỳnh Thị Sương (ở Suối Ré). Các chị thay phiên nhau cầm cờ, đánh trống lệnh. Đi sau là công nhân làm muối, đánh cá, nông dân, thợ thủ công, những người buôn bán nhỏ. Đoàn biểu tình mỗi lúc một đông thêm. Lúc đến huyện lỵ Tân Định, số người đã trên một nghìn. Khẩu hiệu được hô vang và liên tục theo tiếng trống lệnh. Hai viên đội đồn khố xanh hốt hoảng ra lệnh đóng cổng đồn, án binh bất động. Vừa thấy đoàn biểu tình rầm rập tiến vào huyện đường, viên tri huyện Đinh Bá Cẩn và bọn nha lại kinh hoàng, không dám có hành động gì chống đối. Đoàn đứng một cách có trật tự giữa sân huyện, trong khi ấy một nhóm tự vệ cùng với đồng chí Dương Chước tiến vào công đường đưa yêu sách cho tri huyện. Đồng chí Dương Chước nói rõ đường lối chính sách của Đảng, ý nghĩa cuộc biểu tình. Viên tri huyện tiếp nhận các yêu sách. Một nhóm tự vệ phá cửa nhà lao phóng thích tù chính trị. Họ vui mừng được giải phóng, có người tham gia ngay vào đoàn biểu tình. Rời huyện đường, đoàn biểu tình diễu qua các phố, cuối cùng tập trung giữa chợ Dinh. Dân phố và đồng bào mua bán trong chợ đến đứng xung quanh để nghe đồng chí Dương Chước, đứng trên bục cao nói chuyện. Đồng chí Dương Chước giải thích vắn tắt đường lối cách mạng, kể tội ác của thực dân phong kiến, kêu gọi đồng bào đoàn kết đấu tranh đòi lại quyền lợi đã bị chúng cướp giật. Khi dứt lời, tiếng trống lệnh phát ra. Đoàn hô vang khẩu hiệu, rồi hòa nhập vào dòng người trong chợ, phân tán, rút lui. Theo kế hoạch đã chuẩn bị, đồng chí Dương Chước cải trang bí mật lánh đi Đà Lạt trên một chiếc xe con chờ sẵn.

Về sự kiện trọng đại ngày 16-7, báo cáo hàng năm (6/1930 - 5/1931) của Công sứ Pháp tại Nha Trang thú nhận:

"Ngày 16-7-1930, từ 6 đến 7 giờ sáng, một đoàn từ 700 đến 1.000 người bắt giữ tại huyện đường viên tri huyện Tân Định (Ninh Hòa). Họ thả người bị bắt duy nhất ấy, sau khi bắt buộc ký vào bản bãi bỏ các sắc thuế. Cuộc biểu tình gồm một số lớn người Bá Hà. Đi đầu cuộc biểu tình là trống và cờ đỏ búa liềm. Một số tương đối lớn phụ nữ đi đầu cuộc biểu tình".

Bọn Pháp hoàn toàn bị bất ngờ. Đến 2 giờ chiều hôm ấy, bọn cai trị Pháp ở Nha Trang mới đưa ra Tân Định hai ô tô đầy lính, phối hợp với bọn quan lại huyện, mở cuộc khủng bố, lùng bắt hàng trăm đảng viên cộng sản và quần chúng trong tổ chức đưa về nhà lao Nha Trang giam giữ, tra tấn5.

Sau cuộc biểu tình, Tỉnh ủy lâm thời cử đồng chí Đỗ Long vào gặp Xứ ủy Nam kỳ báo cáo tình hình. Xứ ủy chủ trương tiếp tục vận động quần chúng đấu tranh, biểu tình, rải truyền đơn chống khủng bố.

Để thực hiện chủ trương của Xứ ủy, một cuộc họp ở phố Mười Căn (Nha Trang) của Tỉnh ủy lâm thời gồm các đồng chí Trần Hữu Duyệt, Đỗ Long, Trần Đình Giáp, Trương Hiệu đánh giá lại toàn bộ tình hình và quyết định:

- Tiếp tục rải truyền đơn chống khủng bố.

- Chuẩn bị vận động quần chúng tổ chức biểu tình tại Nha Trang nhân ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc 1-8 và ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga 7-11.

Cuộc biểu tình ngày 16-7-1930 là cuộc đấu tranh lớn đầu tiên do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động ở Nam Trung bộ, nối tiếp cuộc đấu tranh nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5 của công nhân Trường Thi, Bến Thủy (tỉnh Nghệ An) góp phần châm ngòi nổ cho cao trào cách mạng trong những năm 1930-1931.

Sau cuộc biểu tình ngày 16-7, cả Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tân Định đều bị địch bắt. Tỉnh ủy liền chỉ định cán bộ huyện ủy mới, cùng với các đồng chí còn lại hoạt động phục hồi cơ sở, chuẩn bị mở tiếp cuộc biểu tình thứ hai, nhưng đến tháng 10-1930 các đồng chí huyện ủy lại bị địch bắt. Đồng chí Đỗ Long được cử ra phụ trách huyện Tân Định thay đồng chí Lê Dung cũng bị địch bắt ở đây.

Bọn thống trị Pháp càng tăng cường lực lượng canh tuần, kiểm soát gắt gao, tung bọn chó săn theo dõi hoạt động của ta. Sự cảnh giác cao của địch đã làm trở ngại cho việc vận động quần chúng đấu tranh, cho nên ta không tổ chức được cuộc biểu tình ở Nha Trang. Cũng trong thời gian này, Lê Qúy Đôn, một đảng viên cơ sở đã phản phúc làm tay sai cho tên mật thám Bùi Định đến nhận truyền đơn kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga. Đồng chí phân phối truyền đơn của ta thiếu cảnh giác để lộ cơ quan bí mật, nên bọn mật thám kéo đến vây bắt một số đồng chí và tịch thu tài liệu về tổ chức của ta. Các đồng chí Trần Hữu Duyệt, Trần Đình Giáp bị bắt vào đầu tháng 10-1930 tại cơ quan của Tỉnh ủy Khánh Hòa ở ngôi nhà Mười Căn, cùng hai đồng chí Trần Đình Quế, Lê Thị Em. Nhiều cơ sở bị vỡ. Đồng chí Bùi Thị Trung Lương, phụ trách liên lạc giữa Khánh Hòa và Đà Lạt bị bắt tại Cầu Dứa. Vợ chồng hai đồng chí Thái Thị Bôi và Lê Văn Hiến từ Quảng Nam vào Nha Trang mới được một năm cũng bị bắt trong dịp này. Sự việc xảy ra khi một đảng viên từ Phan Rang ra Nha Trang nhận tài liệu tuyên truyền cổ động của Đảng. Việc giao tài liệu tiến hành trong đêm 2-11 tại nhà chị Thái Thị Bôi. 4 giờ 30 phút sáng 3-11, người liên lạc lên ga xe lửa Nha Trang thì bị bắt. Cảnh sát thu gọn cả gói tài liệu. Bị tra hỏi, người liên lạc khai và dẫn cảnh sát đến nhà chị Bôi. 6 giờ sáng tên trưởng cảnh sát người Pháp, cùng một toán lính soát xét nhà và bắt hai vợ chồng chị Bôi có công sứ Nha Trang Gauthier chứng kiến. Đêm hôm ấy đồng chí Trương Hiệu (tức Thiệt) Tỉnh ủy viên, ngủ tại nhà chị Bôi chạy thoát, sau đó bị địch truy lùng ráo riết.

Nhà lao Nha Trang và nhà lao Thành Diên Khánh chật ních người. Những tù chính trị Nam Trung bộ bị địch tập trung về đây để đợi đày đi Buôn Ma Thuột, Lao Bảo. Nam và nữ bị giam chung một nhà. Tất cả đều bị cùm chân. Các tù chính trị sinh hoạt một cách có tổ chức, vừa đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù khắc nghiệt, vừa tổ chức học tập, nâng cao trình độ chính trị. Báo cáo chính trị qúi I năm 1931 của Công sứ Pháp tại Nha Trang viết:

"Nhà tù tỉnh Nha Trang... đã trở thành một trường học thường xuyên của chủ nghĩa cộng sản. Đầu tháng tư, được trên cho phép chuyển đi một vài phạm nhân có cỡ đã tạm thời làm suy giảm lòng nhiệt thành của những tín đồ cộng sản".

Lần lượt những đồng chí án nặng bị đưa đi các nhà đày. Đồng chí Trần Hữu Duyệt bị kết án tử hình sau giảm xuống còn 15 năm khổ sai đày đi Lao Bảo. Các anh Dương Chước, Đỗ Long, Trần Đình Giáp, Trần Đình Quế, Lê Anh, Nguyễn Phong Thanh... bị đày đi Lao Bảo. Các anh Lê Dung, Huỳnh Trượng, Nguyễn Long, Nguyễn Thạnh, Dương Khúc Chẩn, Nguyễn Thế6bị đày đi Buôn Ma Thuột. Đồng chí Trương Hiệu (tức Thiệt) bị bắt tại trường học của Đảng ở Sài Gòn, kết án tù khổ sai đày đi Lao Bảo.

Bầu không khí chính trị trong tỉnh những tháng cuối năm 1930 đầu năm 1931 rất căng thẳng. Các vụ rải truyền đơn, treo cờ đỏ liên tiếp diễn ra, còn bọn thống trị Pháp thì tăng cường vây ráp, bắt bớ. Việc duy trì được bầu không khí chính trị căng thẳng ở một tỉnh cực Nam Trung kỳ là sự hỗ trợ cho phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh và phong trào Quảng Ngãi đang lên cao. Báo cáo tình hình chính trị của công sứ Pháp tại Nha Trang từ tháng 6-1930 đến tháng 5-1931 viết: "Nhiều cuộc bắt bớ tiếp tục trong các tháng tiếp theo, và đặc biệt tăng cường vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 tại Nha Trang và các vùng chung quanh, bắt được những người cầm đầu và đồng lõa của một cuộc biểu tình dự định diễn ra 48 tiếng đồng hồ sau đó, tịch thu một súng lục, vô số truyền đơn và cờ đỏ với biểu tượng Cộng sản".

Các sự kiện đó chứng tỏ phong trào cách mạng Khánh Hòa trong năm đầu thành lập Đảng khá sâu rộng. Cuộc biểu tình ở huyện Tân Định đã giáng đòn bất ngờ làm xáo động bộ máy thống trị của đế quốc và quan lại ở đây, hòa vào trào lưu chung của cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh lịch sử. Gương chiến đấu của những đảng viên cộng sản và quần chúng giác ngộ để lại trong nhân dân những ấn tượng sâu sắc, tốt đẹp.

Sự đàn áp liên tục và xảo quyệt của thực dân Pháp làm cho phong trào tạm lắng xuống, nhưng những nguyên nhân làm bùng nổ cuộc đấu tranh vẫn còn đó. Những đảng viên không bị lộ, hoặc ở tù ra, những quần chúng giác ngộ vẫn luôn luôn tìm cách hoạt động làm cho cả bộ máy thống trị của địch lo lắng, có lúc rất căng thẳng.

CUỘC ĐẤU TRANH HỒI PHỤC PHONG TRÀO CÁCH MẠNG TRONG NHỮNG NĂM 1932-1935

Từ cuối năm 1931, phong trào cách mạng Việt Nam tạm thời lắng xuống nhưng bọn cầm quyền Pháp ở Đông Dương chưa hết lo sợ. Một mặt chúng ra sức khủng bố, đàn áp, mặt khác đưa ra những thủ đoạn mị dân, chia rẽ hòng làm mai một ý chí cách mạng của quần chúng.

Năm 1931, Bộ trưởng thuộc Pháp Pôn Rây-nô (Paul Reynaud) sang kinh lý Đông Dương, tung tin sẽ có những cải cách quan trọng. Năm 1932 chúng bày trò "Hoàng Thượng hồi loan" tuyên truyền rùm beng cái gọi là "chương trình cải cách" của tên vua bù nhìn Bảo Đại được nuôi dưỡng ở Pháp và mới lên ngôi.

Bị sức ép mạnh mẽ của phong trào công nông và quần chúng cách mạng, đế quốc Pháp buộc phải nới tay lôi kéo giai cấp tư sản Việt Nam và củng cố bộ máy tay sai đã có phần bị lung lay trước uy lực của cách mạng, chúng tìm cách tăng thêm số công chức người Việt Nam trong một số cơ quan, tăng lương cho bọn quan lại người bản xứ và lính khố xanh, tạo ra những điều kiện dễ dàng hơn cho một số người Việt Nam muốn vào "Làng Tây" nhằm đánh lạc hướng quần chúng thanh niên. Đế quốc Pháp ra sức lợi dụng các tôn giáo để mê hoặc quần chúng. Từ năm 1931 đến năm 1935 các Hội Phật học ở Bắc, Trung, Nam liên tiếp thành lập do các Tổng đốc, Thống sứ hay Khâm sứ làm chủ tịch hay hội viên danh dự. Đạo Cao Đài được khuyến khích phát triển mạnh ở miền Nam, tạo điều kiện thuận lợi để Thiên Chúa giáo phát triển hướng vào những địa phương có phong trào cách mạng nhằm ru ngủ quần chúng, phá hoại phong trào.

Những thủ đoạn đàn áp của thực dân Pháp ở tỉnh Khánh Hòa không kém phần xảo quyệt. Chúng cho bọn chó săn, do tên Bùi Định, núp dưới nhãn hiệu thanh tra tiểu học cầm đầu, lùng sục khắp nơi bắt đi hàng trăm chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước. Chúng đóng thêm đồn bót ở Ninh Hòa, Vạn Ninh siết chặt bộ máy lý hương, giám thị nghiêm ngặt các người "khả nghi" trong thôn xóm.

Sự khủng bố của địch tạm thời gây ra sự căng thẳng và dao động trong một bộ phận nhân dân, nhưng qua các việc làm của những người cộng sản, nhân dân càng hiểu thêm chính nghĩa của sự nghiệp do những người cộng sản phát động, tổ chức và lãnh đạo. Những câu chuyện về nhân dân đi biểu tình hỏi tội bọn quan huyện, đấu tranh đòi giảm sưu thuế, giải phóng tù chính trị, những câu chuyện về những người cách mạng bị bắt bớ tù đày, bị tra tấn chém giết đã làm bùng dậy trong lòng mọi người, nhất là trong tầng lớp thanh niên lòng trìu mến, cảm phục và thức tỉnh lòng yêu nước của họ.

Sự lo lắng chung của những đảng viên còn ở ngoài cũng như những đồng chí đã bị bắt vào tù đều hướng về một mối là làm sao củng cố được cơ sở đảng đã bị địch phá, làm sao hồi phục được phong trào cách mạng. Đó là một việc hết sức khó khăn.

Năm 1932 việc làm đường xe lửa xuyên Việt Nam được tiếp tục để nối đoạn Nha Trang - Đà Nẵng. Những công trường đường sắt đoạn Nha Trang - Diêu Trì bắt đầu hoạt động. Đại Lãnh ở phía Nam đèo Cả là nơi đường sắt phải chui qua rất nhiều hầm, tại đây đã hình thành một trung tâm quan trọng có từ 6 đến 8 người Âu và 2000 đến 3000 người Việt. Số này không chỉ là dân địa phương mà còn bao gồm đông đảo lao động các tỉnh phía Bắc: Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi. Trong số này chen lẫn không ít cựu chính trị phạm, làm cho bọn thống trị Pháp ở Nha Trang hết sức lo lắng. Chúng phải xác nhận: "Từ nay và sắp đến, những nhân viên của các công trường đường sắt (cai thầu...) là những đối tượng bị theo dõi nghiêm ngặt một cách đặc biệt7.

Việc hình thành đường sắt làm tăng thêm lực lượng công nhân và viên chức xuất thân từ nông dân. Các công trình đường sắt cũng là môi trường thuận lợi để các đồng chí ta lần mò gây dựng lại tổ chức đảng và cơ sở quần chúng. Đồng chí Phạm Xuân Hòa, bí thư Ban cán sự Trung Nam của Xứ ủy Trung kỳ, vào làm công nhật trên công trường đường sắt đoạn Vạn Ninh - Ninh Hòa nhằm giúp phục hồi cơ sở đảng các tỉnh phía Nam. Đồng chí bắt mối với Phan Đán tức Tư Thìn, người thôn Phú Hội, một cán bộ lãnh đạo huyện Vạn Ninh. Đồng chí Phạm Xuân Hòa cũng liên hệ với một số cựu chính trị phạm người Quảng Ngãi ở vùng Hòa Huỳnh như Trần Kinh Luân thôn Lạc Ninh, đồng chí Võ Dinh thôn Xuân Mỹ. Đây cũng là nơi các đồng chí thường liên hệ và hội họp.

Được sự giúp đỡ của đồng chí Phạm Xuân Hòa về đường lối và phương pháp hoạt động, đồng chí Thìn cùng với đồng chí Nguyễn Văn Huyền (người thôn Phú Hội), móc nối một số đảng viên cũ và quần chúng cốt cán, dần dần củng cố được tổ chức. Công hội đỏ kết nạp được 30 công nhân xe lửa, 20 công nhân Sở Đá ở Ninh Lâm, Chín Cụm, 20 công nhân Sở Muối Hải Triều. Nông hội đỏ tổ chức được 40 người, thành lập được hai chi bộ Đảng có 7 đảng viên. Trên cơ sở lực lượng như vậy Ban cán sự Đảng của tỉnh được thành lập để thống nhất lãnh đạo các lực lượng huyện Vạn Ninh và mở rộng đến các địa phương khác. Hội nghị thành lập Ban cán sự Đảng được tiến hành ở Chín Cụm do đồng chí Phạm Xuân Hòa chủ trì, đồng chí Thìn được bầu làm bí thư ban cán sự Đảng.

Dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, nhân dân đã tiến hành thắng lợi nhiều cuộc đấu tranh. Dưới áp lực của phong trào cách mạng, các giai cấp bóc lột có phần e sợ, nên nhiều cuộc đấu tranh lẻ tẻ của công nhân, nông dân diễn ra một cách tự động, hoặc có sự dẫn dắt của một vài cựu chính trị phạm vẫn thu được thắng lợi. Đồng chí Nguyễn Văn Chi quê thôn Trường Đông, huyện Vĩnh Xương, là một học sinh trường quốc học Qui nhơn, vì đấu tranh bãi khóa và được kết nạp vào Đảng Cộng sản nên bị đuổi học, bị tù và sau đó giải về quản thúc ở quê nhà. Đồng chí đã tự động tập họp những cơ sở cách mạng cũ, các bạn học cũ, tổ chức một vài nhóm nòng cốt, sinh hoạt và công tác như một tổ đảng, vận động dân làng lập hương ước, đấu tranh chống cường hào nhũng lạm, bỏ hủ tục mê tín dị đoan, vận động anh em bạn mành đấu tranh đòi chủ mành giảm tô cá và lãi nặng, đòi giảm thuế đầm, vận động anh em thanh niên lập hội bóng đá, lấy việc tập luyện thể thao để xây dựng tình đoàn kết đồng đội, bàn việc nhà, việc nước.

Công nhân muối Hòn Khói đấu tranh chống sự bóc lột của chủ ruộng muối, đòi tăng tỷ lệ ăn chia từ 3/7 lên 4/6, đòi bãi bỏ lệ mượn làm việc nhà không công, bãi bỏ các lễ tết, biếu xén v.v... Kết quả là sau đó chủ muốn làm việc gì đều phải thuê, mướn và trả công.

Đồng chí Thìn, bí thư Ban cán sự tỉnh đi dự hai cuộc hội nghị được triệu tập tại tỉnh Quảng Ngãi. Cuộc họp thứ nhất diễn ra vào đầu năm 1934 tại thôn Hà Trung (nay thuộc xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) có đông đủ đại biểu Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Hội nghị đã bầu ra "Ban địa phương chấp ủy" Trung kỳ. Tiếp đến, tháng 4-1935 đồng chí Thìn, đại biểu của Khánh Hòa đã cùng với đại biểu các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên lại họp hội nghị đại biểu cũng ở tỉnh Quảng Ngãi, dưới sự chủ tọa của đồng chí phái viên Trung ương Đảng Tống Văn Trân. (Hội nghị tiến hành tại một chiếc thuyền lưu động trên giòng sông Trà Câu gần cửa biển Mỹ Á thuộc địa phận huyện Đức Phổ). Hội nghị xác nhận cơ sở ở các tỉnh Trung Trung bộ đang được phục hồi, số lượng đảng viên tăng lên, tổ chức quần chúng phát triển. Dưới ánh sáng các chỉ thị của Trung ương Đảng do đồng chí Tống Văn Trân truyền đạt và căn cứ vào đánh giá, nhận định tình hình, hội nghị đã nhất trí nghị quyết:

- Ra sức củng cố và phát triển Đảng vững chắc, đều khắp hơn nữa, chú trọng xây dựng cơ sở đảng trong công nhân, viên chức hỏa xa, mở những lớp huấn luyện ngắn ngày để đào tạo cán bộ, nâng cao trình độ chính trị cho đảng viên.

- Phát triển các tổ chức quần chúng, tiến hành thường xuyên các hình thức đấu tranh thích hợp như treo cờ Đảng, rải truyền đơn, tổ chức những cuộc mít tinh nhỏ, bãi công, lãn công để giáo dục quần chúng chống áp bức bóc lột, đòi giảm sưu, giảm thuế, đòi tăng lương, giảm giờ làm, chuẩn bị kỷ niệm ngày 1-5-1935 một cách trọng thể, tuy nhiên phải rất thận trọng. Trong tình hình hiện nay chưa cho phép kéo quần chúng biểu tình công khai.

- Tích cực hoạt động gây qũy, xây dựng tài chính cho Đảng.

- Bầu Ban cán sự Trung Nam của Xứ ủy Trung kỳ.

Ban cán sự Trung Nam của Xứ ủy Trung kỳ được hội nghị bầu ra gồm đủ đại biểu 5 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, đồng chí Phạm Xuân Hòa được bầu làm bí thư8. Đây là lần đầu tiên, sau những năm cơ sở bị vỡ nặng và đứt liên lạc với cấp trên, một hội nghị Nam Trung kỳ có đại diện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tham dự, giúp cho các đại biểu sáng tỏ nhiều vấn đề, nhận rõ phương hướng chủ trương và kế hoạch công tác của Đảng.

Vào giữa năm 1935, thực dân Pháp và bọn quan lại phá vỡ các tổ chức cách mạng ở Quảng Ngãi. Ngày 12-7-1935, địch mở phiên tòa xử án 44 đồng chí ta mà chúng gọi là vụ án "tái tổ Đảng Cộng sản Đông Dương"9. Ít lâu sau, bọn thống trị Pháp phát hiện sự khôi phục Đảng ở Khánh Hòa mà tài liệu của mật thám Pháp tại Nha Trang gọi là "một vụ có liên hệ với địa phương chấp ủy ở Quảng Ngãi nhằm tái tổ Đảng Cộng sản ở Khánh Hòa"10. Các đồng chí lãnh đạo đều bị địch bắt.

Năm 1935, nhiều đảng viên mãn hạn tù trở về, số này bị địch theo dõi, giám sát nghiêm ngặt. Trong số mãn hạn tù, một số khá đông người ở các tỉnh ngoài lánh vào Khánh Hòa làm ăn trên các công trường làm đường xe lửa, trong các cơ sở công nghiệp của bọn thực dân, ở các đồn điền Suối Dầu, Đồng Trăng, khu dinh điền Hòa Huỳnh. Đồng thời, những người quê Khánh Hòa đi làm ăn các nơi giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào nhưng để thoát khỏi sự theo dõi của địch, nay trở về quê cũ, tìm cách liên hệ móc nối nhau để hoạt động.

_________

1. Theo A.Violis: Lịch sử Việt Nam tập II, trang 354.

2. Tòa Công sứ Nha Trang, Báo cáo qúi III/1932. Tài liệu lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

3. Tài liệu của Phòng lưu trữ thuộc Văn phòng Trung ương Đảng.

4. Trích bài "Độc quyền ăn cướp", Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2 (1-1925 - 2-1930). Nhà xuất bản Hà Nội 1981, trang 74.

5. Tài liệu của Sở Mật thám Pháp, lưu trữ tại cơ quan Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

6. Báo cáo của Bùi Định, thanh tra mật thám kiêm thanh tra các trường tiểu học Pháp-Việt, ngày 30-3-1933: "Nguyễn Thế" người đã tham gia cuộc biểu tình Ninh Hòa bị bắt, theo bản án số 35 ngày 20-9-1930 bị 9 năm khổ sai và đày đi Buôn Ma Thuột.

7. Báo cáo của mật thám Pháp tại Nha Trang ngày 5-4-1933.

8. Xem lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi 1929-1945, Ban NCLS Đảng tỉnh Nghĩa Bình, xuất bản năm 1985, trang 96 và trang 101.

9. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi 1929-1945, Ban NCLS Đảng Nghĩa Bình, xuất bản 1985, trang 104.

10. Báo cáo tháng 9-1935 của mật thám Pháp tại Nha Trang. Tài liệu lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa.