1-5-1952 tuyên dương 7 anh hùng nào

Cách mạng tháng 8 thành công nước ta giành được độc lập, nhưng đất nước lại phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Giặc đói, giặc dốt hoành hành khắp nơi, giặc ngoại xâm âm mưu lật đổ chính quyền non trẻ. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, ngày 11/6/1948, chủ tịch Hồ Chí minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nhằm động viên đồng bào, đồng chí, chiến sĩ phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, góp sức, góp công, góp của vào sự nghiệp kiến thiết đất nước.

Không chỉ dừng lại ở thi đua, Người còn yêu cầu “sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ được những người kém cỏi”. Chính vì vậy, sau bốn năm phát động phong trào thi đua ái quốc đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Để tổng kết, tuyên dương, cổ vũ và mở rộng phong trào hơn nữa, từ ngày 1 đến ngày 6/5/1952 đã diễn ra Đại hội Chiễn sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu trong phạm vi cả nước tại xóm Khuẩn Hấu, xã Trung Lương, Định Hóa, Bắc Thái nay là xóm Khuôn Lân, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu tham dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, 5/1952.

Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài nói với các chiến sĩ thi đua và các chiến sĩ gương mẫu trên toàn quốc. Người đã nêu lên các vấn đề như “Mục đích của thi đua”, “tình hình thi đua mấy năm vừa qua”, “nội dung thi đua”, “cách thi đua”, “mức thi đua”, “ý nghĩa của thi đua”. Tổng Bí thư Trường Chinh báo cáo “Phong trào thi đua ái quốc và chủ nghĩa anh hùng mới” đồng thời nhấn mạnh “những thành tích của các đồng chí, tinh thần dũng cảm và trí sáng kiến của các đồng chí đang phát triển những truyền thống quý báu của dân tộc ta. Các đồng chí là công, nông, binh, lao động trí óc và cán bộ gương mẫu, nghĩa là những con người của thời đại mới và phần đông là những anh hùng mới, anh hùng nhân dân, anh hùng cách mạng. Chúng tôi nguyện ra sức học tập các đồng chí và kêu gọi toàn Đảng, toàn dân học tập và noi gương các đồng chí”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất tại Thái Nguyên, tháng 5/1952.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt toàn thể quân đội quốc gia và dân quân du kích, đã nói “Các chiến sĩ thi đua toàn quân, nguyện cùng toàn thể quân đội ra sức thi đua hơn nữa, lập công khi ra trận giết giặc, khi luyện quân, chỉnh huấn, quyết làm cho được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: thi đua giết gặc nhiều gấp đôi hay hơn nữa, đào tạo không những hàng trăm mà hàng nghìn chiến sĩ thi đua làm cho cuộc vận động thi đua giết giặc lập công trở nên cuộc vận động sôi nổi của đại chúng binh sĩ, căm thù giặc, tiêu diệt giặc, tiêu diệt bọn thực dân Pháp, bọn tù binh bán nước, đánh đổ bọn can thiệp Mỹ, giành độc lập thống nhất cho nước nhà.

Quân đội nguyện làm tròn nhiệm vụ đó để góp phần vào công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới, để cùng nhau thi đua với anh chị, em nông dân và đồng bào các giới ở hậu phương nhằm mục đích chung là đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng”.

Các đại biểu tham dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất tại Thái Nguyên, năm 1952.

Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ nhất quy tụ 154 đại biểu gồm các thành phần công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang tiêu biểu cho phong trào thi đua ái quốc trong cả nước. Đại hội đã tổng kết kinh nghiệm, phong trào thi đua chiến đấu, sản xuất, học tập và lựa chọn 7 chiến sĩ thi đua ưu tú nhất để nhận danh hiệu anh hùng. Trong đó, có 5 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đó là: Cù Chính Lan [truy tặng], La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Văn Song, Nguyễn Thị Chiên và 2 anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm. Theo đó, ngày 10/8/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 107/SL, tặng danh hiệu Anh hùng thi đua ái quốc cho 7 chiến sĩ thi đua và ký sắc lệnh 108/SL tặng huân chương kháng chiến hạng nhất cho 24 chiến sĩ thi đua.

Đồng chí Trường Chinh nói chuyện về chủ nghĩa anh hùng mới với các đại biểu trong đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất tại Thái Nguyên, năm 1952.

Phong trào thi đua ái quốc là một phong trào rộng lớn trên phạm vi cả nước, thu hút sự tham gia đông đảo cả các tầng lớp nhân dân. Các phong trào thi đua diễn ra sôi nổi và rất hiệu quả, tiêu biểu như “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “phong trào thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Thanh niên Ba sẵn sàng, phụ nữa ba đảm đang”... Với những khẩu hiệu hành động: nhà nhà thi đua, người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua, tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng giặc Mĩ xâm lược đã huy động cao nhất sức người, sức của, tạo nên một sức mạnh đoàn kết mãnh liệt phá tan quân xâm lược.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “yêu nước là thi đua, và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. 66 năm kể từ ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi “Thi đua ái quốc” [1948-2014] và 62 năm ngày Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu [1952-2014 ], nhưng những giá trị thiết thực vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang đứng trước những nguy cơ, thời cơ, vận mệnh mới.

Chủ Đề