Bài học kinh nghiệm trong thực hiện Nghị quyết 27

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước! Kính thưa Đoàn Chủ tịch! Thưa toàn thể Đại hội!Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật [LHH] tỉnh Bình Phước được thành lập tháng 3 năm 2007, là tổ chức thành viên của Liên hiệp hội Việt Nam, hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước. Từ khi thành lập đến nay, LHH Bình Phước luôn bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng nhiệm vụ; nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, vượt qua thách thức do tác động của tình hình thế giới, trong nước và khó khăn của một tỉnh miền núi, biên giới, có 41 dân tộc anh em cùng chung sống; phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng địa phương, đất nước và xây dựng Liên hiệp hội Việt Nam vững mạnh về mọi mặt.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Phước

Từ trong hoạt động thực tiễn của nhiệm kỳ vừa qua, LHH Bình Phước bước đầu rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
 Một là, quán triệt sâu sắc; tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với LHH và đội ngũ trí thức là yếu tố có tính chất quyết định sự phát triển và thành công của LHH trên mọi lĩnh vực.
Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng trí thức và có những chủ trương, chính sách phù hợp để xây dựng và phát huy vai trò của trí thức. Khi Đảng, Nhà nước có chủ trương chính sách đúng đắn rồi; muốn những chủ trương, chính sách đó nhanh chóng đi vào cuộc sống thì việc chủ động, tích cực của LHH trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quán triệt; cụ thể hóa thành các chủ trương, chính sách, cơ chế vừa phù hợp với đặc thù địa phương, vừa đảm bảo được định hướng của Đảng, Nhà nước sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động của LHH và đội ngũ trí thức. Sau khi thành lập không lâu, đội ngũ trí thức Bình Phước được đón nhận Nghị quyết số 27 của Trung ương. Sau đó là Chỉ thị số 42, Kết luận số 90 của Bộ Chính trị, Kết luận số 52 của Ban Bí thư, Quyết định số 14 của Thủ tướng Chính phủ ra đời như một luồng gió mới thổi vào hoạt động của LHH. Chúng tôi nắm chắc “những cây gậy vàng” này, nhanh chóng tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chương trình hành động, kế hoạch, quy định cụ thể hóa toàn bộ chỉ đạo của Trung ương cho phù hợp với thực tiễn địa phương.
Để tham mưu tổ chức thực hiện có chất lượng, LHH Bình Phước phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành liên quan tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ đảng viên và nhân dân; đồng thời xác định các nhiệm vụ, giải pháp có tính toàn diện; phân công nhiệm vụ rõ ràng, phối hợp đồng bộ trong tổ chức thực hiện. Từ đó tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho hoạt động của LHH và đội ngũ trí thức.
Hai là, yếu tố chủ quan, chìa khóa cho sự thành công trong thực hiện nhiệm vụ được giao và nâng cao vị thế của LHH là: LHH, các hội thành viên cùng đội ngũ trí thức cần ý thức đầy đủ, rõ ràng bổn phận, trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của địa phương, đất nước; thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tự khẳng định được vị trí, vai trò của mình, từng bước nâng cao uy tín, vị thế thông qua thước đo hiệu quả công việc và những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và tham gia xây dựng hệ thống chính trị.
Từ nhận thức trên, LHH Bình Phước đã nỗ lực trong công tác đoàn kết, tập hợp trí thức trong và ngoài tỉnh; tổ chức phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong nhân dân thông qua Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng lan tỏa cả chiều rộng và chiều sâu, với trên 11 ngàn sản phẩm, mô hình, giải pháp. Rất nhiều sản phẩm, mô hình, giải pháp đã được ứng dụng hiệu quả vào công tác, sản xuất, kinh doanh. Công tác nghiên cứu khoa học, hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học và thực tiễn để hoàn chỉnh chủ trương, chính sách, cơ chế với nhiều ý kiến chất lượng.
Hoạt động thông tin phổ biến kiến thức, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị được thực hiện với nhiều hình thức và nội dung phong phú. Tạp chí Khoa học thời đại [in và điện tử], website của LHH Bình Phước đã đăng phát gần 5.000 tin bài, video, 25.000 bản Tạp chí in để phổ biến kiến thức và tuyên truyền đến tận người dân. Đồng thời, LHH phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu cho Tỉnh ủy Gặp mặt, đối thoại và tôn vinh trí thức với gần 600 lượt trí thức tham gia và 186 trí thức được tôn vinh, khen thưởng.
Kết quả đó đã góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng và phát triển địa phương, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ; phát huy được vai trò của đội ngũ trí thức và khẳng định được vị thế của LHH.
Ba là, tranh thủ tối đa sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, LHH Việt Nam; khai thác triệt để và phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, tập hợp trí tuệ của đội ngũ trí thức trong và ngoài tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua các Chương trình phối hợp được ký kết với các cấp, các ngành, hai bên cùng hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ; LHH huy động được cả nguồn lực trí tuệ, con người, kinh phí để hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao.
Bốn là, thường xuyên quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ trí thức, tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần giữ vững ổn định chính trị.
LHH phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên cung cấp thông tin định hướng cho đội ngũ trí thức; cử 03 cán bộ tham gia báo cáo viên cấp tỉnh, Nhóm chuyên gia, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo 35 của tỉnh và cộng tác viên dư luận xã hội; thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm, diễn biến tư tưởng của đội ngũ trí thức và tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. LHH Bình Phước phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình và Báo Bình Phước xây dựng 6 chương trình chuyên đề; có hàng trăm bài viết trên Tạp chí, website, mạng xã hội đấu tranh chống quan điểm tư tưởng sai trái. Đội ngũ trí thức không có ai nảy sinh vấn đề về tư tưởng chính trị, giữ gìn được phẩm chất đạo đức và hầu hết hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Năm là, muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và khẳng định được vị thế cần thường xuyên chăm lo xây dựng tập thể Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và hệ thống LHH đoàn kết, thống nhất; chăm lo xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ.
Ở thời điểm thuận lợi nhất hay lúc khó khăn, LHH Bình Phước luôn đặt vấn đề xây dựng tổ chức bộ máy, vấn đề con người lên hàng đầu bởi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” như Bác Hồ kính yêu đã khẳng định; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ và kỹ năng hoạt động hội; xây dựng tổ chức bộ máy đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không phụ niềm tin mà Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương đã trao gửi đối với LHH và đội ngũ trí thức.
Kính thưa toàn thể Đại hội!
Trên đây là một số kinh nghiệm bước đầu LHH Bình Phước rút ra sau một nhiệm kỳ hoạt động. Kết quả đạt được còn khiêm tốn và cũng không ít hạn chế nhưng cũng đã góp một phần cùng các tổ chức thành viên xây dựng hệ thống LHH Việt Nam ngày càng phát triển, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xin được mạnh dạn chia sẻ với Đại hội.
Cuối cùng xin chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng toàn thể các vị đại biểu. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Bài tham luận của thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương - Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Bình Phước tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên hiệp hội Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020-2025.


 

Trong hai ngày 27 - 28/11, Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị do đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đầu đã làm việc tại thành phố Đà Nẵng về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X [số 27 - NQ/TW ngày 6/8/2008] về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu tại buổi làm việc với Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Văn Sơn - TTXVN


Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 27 và các kết quả xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức của thành phố trong thời gian qua.


Các thành viên dự buổi làm việc đã có những ý kiến bổ sung, phân tích rõ hơn thực trạng, những thành tích đạt được và những hạn chế, khó khăn của thành phố trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn Đà Nẵng.


Phát biểu kết luận, đồng chí Đinh Thế Huynh hoan nghênh những thành tích Đà Nẵng đã đạt được trong thời gian qua, việc phát triển đội ngũ trí thức thành phố cả về số lượng và chất lượng có những đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Thành ủy Đà Nẵng đã thực hiện nghiêm túc, kịp thời việc tự kiểm tra, đánh giá, xây dựng báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 27 theo Chương trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.


Tuy nhiên, trong báo cáo còn chưa chỉ ra được các hạn chế, khó khăn cụ thể, gắn liền với việc thực hiện các nội dung chính của Nghị quyết và điều kiện đặc thù của địa phương để từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho việc tiếp tục triển khai Nghị quyết trong thời gian tới. Đồng chí Đinh Thế Huynh đã nhấn mạnh một số điểm mà Thành ủy Đà Nẵng cần tiếp tục chú trọng triển khai như: Tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết bằng những chính sách, cơ chế không chỉ trong đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ trí thức, mà là tạo điều kiện, môi trường làm việc tốt nhất để đội ngũ trí thức yên tâm cống hiến, phát huy vai trò, khả năng sáng tạo, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng, triển khai các chính sách, cơ chế thu hút, liên kết, sử dụng trí tuệ của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước, nhất là trí thức Việt Nam ở nước ngoài vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tại địa phương; phối hợp với các bộ, ngành trung ương, các địa phương khác, xây dựng những cơ chế quản lý đáp ứng yêu cầu, tính đặc thù của đội ngũ trí thức để tận dụng, phát huy sức sáng tạo, nhiệt tình cống hiến của đội ngũ trí thức; kết hợp việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 27 với việc thực hiện Nghị quyết số 20 - NQ/TW khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế...



Tin, ảnh: Văn Sơn

Chia sẻ:

Video liên quan

Chủ Đề