Báo cáo thực hiện văn hóa công sở trong trường học

Bài tham luận của thầy giáo Trịnh Xuân Kỳ-GV bộ môn Tóan

Có thể khẳng định, Văn hóa công sở [VHCS] có mức độ ảnh hưởng rất lớn đối với môi trường sư phạm, VHCS góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử hàng ngày của cán bộ, giáo viên trong các mối tương tác đối với đồng nghiệp, đối với phụ huynh và đặc biệt đối với các em học sinh để công việc đạt được kết quả như mong đợi.

Đối với Trường THCS Chu Văn An là loại hình trường công lập, trực thuộc UBND huyện Nga Sơn, được thành lập ngày 20/8/1991 theo Quyết định số 02/UB-GD của chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Trường có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi cấp THCS - là những chủ nhân tương lai của đất nước.

Trong những năm qua, Nhà trường đã chấp hành nghiêm những quy định chung về văn hóa công sở [VHCS] của Đảng, Nhà nước nhằm tạo ra một môi trường giáo dục khoa học, dân chủ, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện quy chế VHCS còn chưa cao trong một số cán bộ, giáo viên, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Vì vậy, từ việc đánh giá đúng thực trạng để đưa ra những giải pháp có tính khả thi trong việc xây dựng và thực hiện VHCS của nhà trường là nhiệm vụ cấp bách. Do đó tôi chọn đề tài tham luận: Giải pháp xây dựng văn hóa công sở tại Trường THCS Chu Văn An, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa hiện nay.

I. Nhận thức chung về văn hóa công sở:

1.1. Khái niệm văn hóa công sở:

- Văn hóa tổ chức được quan niệm là hệ thống những giá trị, niềm tin, sự mong đợi của các thành viên trong tổ chức, tác động qua lại với các cơ cấu chính thức và tạo nên những chuẩn mực hành động như những giả thiết không bị chất vấn về truyền thống và cách thức làm việc của tổ chức và mọi người trong đó tuân theo khi làm việc. Gọi là văn hóa vì nó hướng tổ chức tới những giá trị về tinh thần và ảnh hưởng đến nếp suy nghĩ, làm việc của các thành viên khi gia nhập vào tổ chức, chấp thuận nó như một truyền thống.

- Công sở là một tổ chức đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Nhà nước để tiến hành một công việc chuyên ngành; thực hiện cơ chế điều hành, kiểm soát công việc hành chính, là nơi soạn thảo văn bản để thực hiện công vụ, đảm bảo thông tin cho hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước nơi phối hợp hoạt động thực hiện một nhiệm vụ được Nhà nước giao. Công sở cũng là nơi tiếp nhận yêu cầu đề nghị, khiếu nại của công dân là một bộ phận hợp thành tất yếu của thiết chế bộ máy quản lý nhà nước

Văn hóa công sở là một hệ thống giá trị được hình thành trong quá trình hoạt động của công sở, tạo nên niềm tin, giá trị về thái độ của các nhân viên là việc trong công sở, ảnh hưởng đến cách làm việc và hiệu quả hoạt động của công sở trên thực tế

1.2 Biểu hiện của văn hóa công sở

Văn hóa công sở có vai trò rất quan trọng đối với hiệu quả hoạt động của mỗi công sở. Vai trò của văn hóa công sở được biểu hiện ở khả năng tác động vốn có của nó đến tất cả các mặt của công sở. Cụ thể như:

Thứ nhất, văn hoá công sở có khả năng tác động về tổ chức, quản lý và giáo dục, biểu hiện:

- Tác động về tổ chức, quản lý, văn hóa nói chung và văn hóa công sở nói riêng đều có khả năng lôi cuốn tập hợp con người nhờ hệ thống giá trị của nó luôn được mọi người tôn trọng, đề cao hoặc cùng chấp nhận một cách tự giác. Vì vậy, văn hoá công sở chính là cơ sở để liên kết các cá nhân trong công sở; ngoài ra, còn tác động, điều chỉnh hành vi của các thành viên do sự tuân thủ các chuẩn mực xử sự.

- Tác động về giáo dục, vai trò giáo dục của văn hóa công sở được thể hiện ở chỗ các giá trị, chuẩn mực hành vi văn hóa của một công sở luôn được trao truyền cho các thế hệ thành viên của công sở đó. Theo thời gian, thành viên mới dần chấp nhận hệ thống giá trị văn hóa của công sở, cho dù giá trị đó có những khác biệt, thậm chí là đối nghịch với các giá trị mà bản thân họ đã đề cao trước khi trở thành thành viên của công sở. Chính văn hóa công sở sẽ làm thay đổi lối nghĩ, cách làm và cải biến các thành viên mới khiến cho họ dần chấp nhận, tự giác làm theo lối nghĩ, cách làm của các thành viên lớp trước và tạo nên sự hòa nhập.

Thứ hai,văn hoá công sở ảnh hưởng tới hiệu quả vận hành công sở
Hiệu quả vận hành công sở phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó con người là yếu tố trung tâm. Văn hóa công sở có quan hệ chặt chẽ với chất lượng nguồn nhân lực, bởi nó có ảnh hưởng chi phối tới lối nghĩ và cách làm của con người trong công sở. Nhất là ảnh hưởng đến việc lựa chọn mục tiêu cũng như việc lựa chọn cách thức xử sự của các cá nhân trong thực thi công vụ. Theo đó, văn hoá công sở trở thành luật bất thành văn với những quy phạm văn hóa. Cùng với những nguyên tắc chính thức, quy phạm văn hóa tác động trực tiếp đến hành vi thực thi công vụ của các thành viên trong công sở. Ảnh hưởng của văn hóa công sở đến hiệu quả vận hành công sở là sự ảnh hưởng thường xuyên, trực tiếp và lâu bền.

Thứ ba, văn hoá công sở tác động đến cơ hội phát triển của công sở

Có thể khẳng định, văn hóa công sở là nhu cầu của mọi tổ chức; là yếu tố không thể thiếu trong hoạt động của cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước. Vì, một công sở có văn hoá luôn tạo ra môi trường để cán bộ, công chức nhận thức rõ chức trách, nhiệm vụ; đồng thời còn hình thành thái độ, lòng yêu nghề, niềm tự hào về nghề nghiệp. Nghĩa là văn hoá công sở sẽ giúp cán bộ, công chức, viên chức có ý thức làm việc tích cực, tận tụy với công việc, có hành vi ứng xử, giao tiếp đúng mực với nhân dân, với đồng nghiệp. Bởi vì, đa số thành viên của công sở đều có nguyện vọng được làm việc trong một môi trường văn hóa tích cực, với những giá trị ưu trội, như: dân chủ, công bằng, nhân văn. Khi công sở có văn hoá, các nguyên tắc chính đáng được thực thi nghiêm túc, những quyền lợi được phân phối công bằng, giá trị về chuyên môn được đề cao; các thành viên đạt được sự mong đợi của cuộc đời chức nghiệp và có sự tôn trọng của đồng nghiệp. Nên, việc xây dựng văn hoá công sở là nhu cầu khách quan của mọi thành viên trong công sở; đồng thời còn là tất yếu từ sự vận động biến đổi của công sở. Ngoài ra, xây dựng văn hoá công sở còn là nhu cầu của người lãnh đạo, quản lý.Bởi vì, để lãnh đạo con người và quản lý công việc có hiệu quả, người lãnh đạo, quản lý cần tới sự hỗ trợ của những quy phạm văn hóa phù hợp với yêu cầu hoạt động công vụ. Chính những quy phạm văn hóa cùng các nguyên tắc chính thức khi cùng phát huy hiệu lực, giúp nhà lãnh đạo, quản lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc quản lý của mình. Vì thế, nhà lãnh đạo, quản lý cần xây dựng văn hóa công sở để đạt hiệu quả cao khi thực hiện chức trách được giao.

II. Xây dựng và thực hiện văn hóa công sở ở trường THCSChu Văn An, huyện Nga Sơn hiện nay

Trường THCS Chu Văn An đã quan tâm xây dựng VHCS theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010, Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế VHCS tại các cơ quan hành chính nhà nước, Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày14tháng6năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019 2025, Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2019 về việc tổ chức thực hiện Phong trào thi đua Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thanh Hóa thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019 2025.

2.1. Việc triển khai thực hiện những quy định về Văn hóa công sở

* Về ban hành các quy chế làm việc và việc thực hiện quy chế

Trường THCS Chu Văn An, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa thông qua Hội nghị viên chức của nhà trường năm học 2019 - 2020 đã ban hành nội quy đối với cán bộ, giáo viên và nhân viên trong nhà trường như sau:

Thực hiện giờ giấc làm việc, nghỉ ngơi đúng quy định của nhà trường; lên lớp phải có đầy đủ hồ sơ, giáo án và các sổ sách theo quy định; không tham gia các tệ nạn xã hội, không uống rượu bia và các chất kích thích khác trước khi lên lớp, không hút thuốc lá, thuốc lào trong khu vực trường; không mặc váy quá ngắn, không mặc quần bò cào, mài, quần bóng, áo phông không có cổ, không sử dụng điện thoại khi lên lớp; không sơn móng tay, móng chân; Không nhuộm tóc khác màu nâu, màu đen; không gây ồn ào làm mất trật tự trong trường và khu tập thể giáo viên. Lời nói, hành động phải chuẩn mực, đúng phong cách sư phạm; dạy đúng theo thời khoá biểu, không tự ý đổi tiết cho nhau. Nếu muốn đổi phải được sự đồng ý của Ban giám hiệu; cán bộ giáo viên vì lí do đặc biệt nghỉ tiết dạy phải nộp đơn xin phép Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, đồng thời chủ động nhờ đồng nghiệp cùng bộ môn dạy thay, khi nào Ban giám hiệu đồng ý mới được phép nghỉ; soạn đúng và đầy đủ giáo án theo PPCT, không cắt xén chương trình, không bỏ tiết; thực hiện ghi sổ điểm, sổ đầu bài và các loại sổ sách khác đúng quy định; thực hiện nghiêm túc và thường xuyên kiểm tra đôn đốc học sinh thực hiện nghiêm túc mọi nội quy, quy định của Nhà trường.

* Ýthức thực hiện các quy chế, quy định của đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên

Với những quy chế đã ban hành, đa số đội ngũ cán bộ, giáo viên và người lao động đều chấp hành nghiêm chỉnh những quy định trong các quy chế, tạo nên những thói quen về nề nếp làm việc có tính chuẩn mực mà mọi người đều tự giác thực hiện, biểu hiện rõ trong việc cán bộ, giáo viên [trong đó có đội ngũ giáo viên] đều hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị mình đang công tác; xây dựng kế hoạch hàng năm, thiết lập hồ sơ giảng dạy, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được giao; tuân thủ những quy định về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi cũng như các quy định về bảo vệ công Tinh thần tự quản, tính tự giác, thái độ trách nhiệm trước công việc và ý thức chấp hành những quy chế mà nhà trường ban hành đã góp phần xây dựng môi trường làm việc thuận lợi hơn, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học.

* Về cách bài trí công sở và nơi làm việc

- Trường THCS Chu Văn An, huyện Nga Sơn đã được xây dựng trụ sở làm việc khang trang, gồm có: nhà hiệu bộ và một dãy nhà học [gồm 18 phòng], đều là nhà 3 tầng có các phòng học chức năng.

- Trước dãy nhà 3 tầng[ phòng học] treo trang trọng Quốc kì theo đúng kích thước, màu sắc theo quy định; trong các phòng họp, hội trường đều treo ảnh quốc kì, quốc huy, cờ đảng, treo ảnh và đặt tượng Bác Hồ góp phần đảm bảo tính trang nghiêm, trang trọng của một môi trường GD-ĐT.

- Treo khẩu hiệu, băng rôn, thông tin chào mừng các ngày Lễ lớn, các hội nghị lớn tổ chức tại phòng họp cơ quan hoặc hội trường có các thông tin và treo ở chỗphù hợp góp phần tạo cảnh quan môi trường giáo dục nhà trường.

- Nhà trường có biển tên đặt ngoài cổng chính với phông chữ tiếng Việt.

- Trang bị những bảng hiệu chỉ dẫn lối đi, sơ đồ đến từng khu vực trong khuôn viên trường tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, GV, học sinh, sinh viên và khách đến giao dịch, công tác.

- Các phòng làm việc của BGH đều được gắn tên có chức danh, được đặt tại cửa chính ra vào của phòng làm việc; đối với phòng làm việc chung có nhiều người, bên ngoài phòng làm việc đều có biển tên phòng, việc sắp xếp, bài trí phòng làm việc, phòng đảm bảo gọn gàng, ngăn nắp, khoa học, hợp lý và đảm bảo an toàn.

* Về trang phục, lễ phục:

- Trong quá trình làm việc, đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên đều phải mặc trang phục: gọn gàng, màu sắc hài hòa, lịch sự phù hợp với môi trường giáo dục và theo đúng quy định của trang phục công sở, đi giày hoặc dép có quai hậu, không đi dép lê, không mặc áo phông không cổ, không mặc váy mỏng, váy kiểu cách mốt thời cuộc không phù hợp với môi trường giáo dục.

- Học sinh mặc đồng phục nhà trường vào các ngày thứ 2;4;6 và các ngày lễ hay miting kỷ niệm

- Lễ phục: là trang phục chính thức được sử dụng trong những buổi lễ. Như ngày khai giảng năm học mới, lễ kỷ niệm 20/11, lễ sơ kết học kì 1, lễ tổng kết năm học thì lễ phục của nam là comple, áo sơ mi, cravat, đi giầy; hoặc bộ đồng phục của nhà trường, lễ phục của nữ là áo dài truyền thống hoặc váy

* Về giao tiếp, ứng xử, quan hệ và tác phong trong nhà trường

Về ứng xử trong giao tiếp:

- Giao tiếp với tổ chức, cá nhân, phụ huynh khi làm việc:

Khi chào hỏi, xưng hô, phục vụ tổ chức, cá nhân đến giao dịch; làm việc thể hiện văn minh lịch sự, nhã nhặn, hướng dẫn tận tình; không có thái độ cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, vô trách nhiệm, vô cảm trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao. Khi trực tiếp gặp gỡ trao đổi với phụ huynh cần xưng tên, chức danh hoặc giáo viên phụ trách nhiệm vụ gì; lắng nghe phụ huynh trình bày nguyện vọng, ý kiến sau đó giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể những điều phụ huynhcần biết; có tác phong, thái độ lịch sự, tôn trọng, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc, không quát nạt, nói tiếng lóng; không nói tục; phải có sự kết hợp khéo léo giữa nhà trường và gia đình.

- Giao tiếp với đồng nghiệp: lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, công bằng, vô tư, khách quan khi nhận xét, đánh giá; thể hiện sự đúng mực, thái độ chân tình, có tinh thần đoàn kết, phối hợp công việc trên cơ sở đồng chí, đồng nghiệp, sẵn sàng chia sẻ khi gặp khó khăn.

- Giao tiếp với cán bộ lãnh đạo: cán bộ, giáo viên và nhân viên trong nhà trường khi chào hỏi, xưng hô với lãnh đạo đã thể hiện sự tôn trọng, đúng mực.

- Giáo viên khi giao tiếp với học sinh phải có tính mô phạm, chuẩn mực và là tấm gương cho học sinh noi theo.

Quy định về việc sử dụng điện thoại và giao tiếp qua điện thoại:

Trong các cuộc họp, hội nghị và khi lên lớp cán bộ, giáo viên và nhân viên trong nhà trường tắt máy điện thoại di động hoặc để máy ở chế độ rung, khi trao đổi điện thoại ra ngoài phòng họp, âm lượng không vọng đến người trong cuộc họp nghe; không sử dụng điện thoại công vào công việc riêng [trừ trường hợp khẩn cấp, nhưng phải xin phép không làm ảnh hưởng đến công việc chung của nhà trường].

Cán bộ, giáo viên và nhân viên nghiêm chỉnh chấp hành quy định về thời gian hội họp, không đi muộn, về sớm; trước khi vào phòng họp tắt máy điện thoại di động hoặc để máy ở chế độ rung. Trong cuộc họp, cán bộ, viên chức và nhân viên không làm việc riêng; không sử dụng điện thoại di động để chơi trò chơi điện tử, nhắn tin,...; nếu cần thiết trao đổi qua điện thoại phải ra ngoài phòng họp; thực hiện tốt ứng xử văn hoá hội họp, thể hiện sự tôn trọng đối với người đang thuyết trình tại hội nghị, không đọc báo, nói chuyện, làm việc riêng; hạn chế nghe điện thoại; không đi lại, không ra ngoài phòng họp khi không thật sự cần thiết; không nói chen khi chưa được phép của người chủ trì; không bỏ về khi cuộc họp chưa kết thúc.

Giáo viên là người không chỉ truyền đạt kiến thức cho học sinh mà còn là người dạy cho các em về kĩ năng sống, là tấm gương để học sinh noi theo nên trong quá trình lên lớp cần chuẩn mô phạm, lời nói phải rõ ràng, chuẩn mực. Khi gặp vấn đề gì trong quá trình dạy thì phải biết xử lý khéo léo.

- Nhà trường đã luôn tạo ra môi trường làm việc thuận lợi, phát huy năng lực sở trường của mỗi cán bộ, giáo viên và nhân viên như: tạo ra không khí vui vẻ trong quá trình giải quyết công việc; giáo viên được đánh giá cao và tôn trọng, được làm việc trong một môi trường văn hóa, có sức sống. Tạo những điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, viên chức và nhân viên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao chính là góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả công việc; nhà trường thường xuyên xây dựng bầu không khí lao động tập thể thân thiện, hợp tác, chia sẻ thông qua các hoạt động làm việc nhóm như: tổ chức phong trào thi đua tập thể, phong trào thể thao, văn nghệ để cán bộ, giáo viên thường xuyên được giao lưu, vui chơi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ niềm vui, khó khăn trong cuộc sống.

* Về xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp

Giữ gìn vệ sinh môi trường trong và ngoài cơ quan, không khạc nhổ, vứt rác bừa bãi; thực hiện việc xả nước sau khi đi vệ sinh xong; có ý thức chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong cơ quan.

* Về quy định sử dụng tài sản công

Có trách nhiệm bảo quản tài sản cá nhân và của công. Nếu làm hư hỏng hoặc làm mất phải bồi thường. Không tự ý sử dụng tài sản nhà trường khi chưa được sự đồng ý của Ban giám hiệu; mọi thành viên trong nhà trường phải thực hiện tiết kiệm khi sử dụng điện, nước, điện thoại cơ quan và bảo vệ tài sản công. Khi rời khỏi chỗ ngồi phải chủ động xếp ghế lại đúng vị trí ban đầu; người cuối cùng rời khỏi phòng phải tắt các thiết bị điện, nước và đóng cửa phòng.

Việc mượn và sử dụng các thiết bị hỗ trợ giảng dạy phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm trước nhà trường về những sự cố do bản thân gây ra; nếu làm mất hoặc làm hư hỏng phải bồi thường theo thời giá.

- Bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của nhà trường;

- Đảm bảo cơ bản cơ sở vật chất phục vụ cho quá trình làm việc, giảng dạy, học tập của cán bộ giáo viên trong nhà trường.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên có tác phong, có trình độ, cách giao tiếp, ứng xử, lối sống văn hoá lành mạnh, văn minh, hiện đại trong hoạt động giáo dục phù hợp với khẩu hiệu Mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo

- Tạo môi trường văn hoá, văn minh, hiện đại công sở, phù hợp với môi trường giáo dục; phát huy tinh thần đoàn kết gắn bó, trách nhiệm cao của mỗi một thành viên trong các mối quan hệ, nhằm nâng cao tính uy nghiêm, uy tín của các bộ phận trong nhà trường.

- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý chặt chẽ tài sản Nhà nước và công dân;

- Bên cạnh đó, tính tự quản, tự giác trong bảo vệ của công, ý thức chấp hành pháp luật, nội quy của nhà trường của một số cán bộ, GV còn chưa cao;

- Một số GV còn đi làm muộn, đi họp muộn, nói chuyện riêng, sử dụng máy tính, điện thoại làm việc riêng trong giờ họp, giờ làm việc;

- Vẫn tồn tại tình trạng lãng phí, thiếu trách nhiệm trong sử dụng tài sản công.

- Vẫn tồn tại tình trạng một số cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường chưa đề cao ý thức trong cách ăn mặc khi đến trường như: trang phục quá tuềnh toàng, hoặc diêm dúa gây sự chú ý phản cảm, sự chú ý của học sinh.

- Vẫn tồn tại tình trạng hút thuốc, sử dụng chất có cồn trong giờ làm việc.

- Một số giáo viên thiếu sự cởi mở, gần gũi với học sinh, không thấu hiểu được tâm tư nguyện vọng của học sinh, thiếu sự động viên khích lệ, chưa phát huy được tính tích cực, sáng tạo của học sinh trong học tập, còn áp đặt cho học sinh một cách chủ quan, có giáo viên còn trách mắng học sinh vì không có sự tiến bộ khiến cho học sinh mặc cảm, chán học và bỏ học.

- Trong nội bộ giáo viên đôi lúc vẫn còn hiện tượng thiếu sự hợp tác, thiếu sự chia sẻ học hỏi lẫn nhau, một bộ phận giáo viên thiếu chủ động trong công việc, một số giáo viên chưa tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Ý thức của một số bộ phận cán bộ, viên chức và nhân viên chưa cao, chưa tự giác, còn trông chờ, ỷ lại; một số giáo viên chưa chuyên tâm vào chuyên môn, còn bị chi phối bởi công việc gia đình;

III. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện văn hóa công sở ở trường THCS Chu Văn An trong thời gian tới

3.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về văn hóa công sở cho đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động nhà trường

- Chú trọng đến công tác tuyên truyền miệng, gắn với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh và phong trào thi đua xây dựng người cán bộ công chức trung thành - tận tụy - sáng tạo - gương mẫu.

- Mỗi cán bộ, giáo viên và nhân viên cũng cần nhận thức được đây là nhiệm vụ, phải xây dựng được kế hoạch và phải có chuyển biến trong quá trình thực hiện.

- Ban Giám hiệu chỉ đạo Công đoàn, tổ công đoàn lồng ghép nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức về văn hóa công sở cho đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động trong các cuộc họp, hội nghị; các buổi ngoại khóa, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để mỗi cán bộ, giáo viên và nhân viên hiểu được vai trò, trách nhiệm của chính mình, từ đó nâng cao nhận thức về tinh thần, thái độ làm việc, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức lối sống, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức triển khai thực hiện, nâng cao các hành vi Văn hóa công sở, thực hiện nghiêm túc những quy định về đạo đức nhà giáo, nâng cao tinh thần tự quản, tính tự giác, thái độ trách nhiệm trước công việc và ý thức chấp hành những quy chế mà nhà trường ban hành.

3.2. Tiếp tục bổ sung và hoàn thiện Quy chế văn hóa công sở

Các quy định về trang phục, lễ phục, đeo thẻ chức danh CBCC,VC; quy định về văn hóa ứng xử nơi công sở, thái độ, tác phong khi lên lớp cần tiếp tục được bổ sung hoàn thiện:

- Nhà trường tiến hành rà soát, bổ sung các quy định, nội quy, quy chế dân chủ, quy chế làm việc... nhằm tạo cơ sở pháp lý ngăn ngừa những vi phạm về văn hóa công vụ.

- Ban Giám hiệu chỉ đạo tổ chuyên môn, tổ công đoàn tổng hợp những ý kiến góp ý của đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động trong bản dự thảo Quy chế Văn hóa công sở để trình, kí và ban hành, triển khai thực hiện trên thực tế với những nội dung cụ thể, rõ ràng mang tính khả thi cao;

- Xây dựng các tiêu chí và biện pháp đảm bảo thực hiện Quy chế văn hóa công sở để mọi người phấn đấu, có bản cam kết thực hiện của mỗi phòng, khoa, tổ trực thuộc; thưởng phạt công khai những người làm tốt và chưa tốt; có kiểm tra, tổng kết, đánh giá định kì.

- Cần đưa ra thảo luận thường xuyên trong nội bộ cơ quan về nội dung của quy chế để mọi người dần có ý thức, trở thành nền nếp, thói quen, tác phong làm việc khoa học.

3.3. Phát huy vai trò của các tổ chức nhà trường trong việc xây dựng và thực hiện văn hóa công sở

- Các tổ chức như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, phải đặc biệt quan tâm, phối hợp cùng với Ban Giám hiệu trong xây dựng và thực hiện Văn hóa công sở, hướng đến mục tiêu cải thiện quan hệ lao động tại nơi làm việc, cùng nâng cao hiệu quả làm việc, hướng tới hoàn thành mục tiêu, sứ mạng của nhà trường trong đội ngũ công đoàn viên, đoàn viên thanh niên.

- Trong cơ quan, ra nội quy là quan trọng, nhưng quan trọng hơn vẫn là việc thực hiện phải có sự phối hợp của các tổ chức trong nhà trường để kiểm tra, đánh giá, chấm điểm và phải làm thường xuyên liên tục.

- Cần coi trọng tính bình đẳng trong công việc giữa cán bộ, viên chức với nhau, luôn khuyến khích đội ngũ cán bộ, viên chức đề xuất các sáng kiến trong công việc cũng như kiến tạo được môi trường Văn hóa công sở thuận lợi, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, viên chức hoàn thành tốt công việc được giao.

3.4.Tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện văn hóa công sở

- Nhà trường cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát đối việc thực hiện quy chế chuyên môn, việc sử dụng đồ dùng dạy học và việc chấp hành những quy định của nhà trường về việc làm viêc và ứng xử trong cơ quan văn hóa

- Các tổ chức đoàn thể trong nhà trường tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình mà lên kế hoạch và thực hiện việc kiểm tra giám sát việc thực hiện văn hóa công sở ở tổ chức mình

- Mỗi thành viên trong trường cần nêu cao tinh thần tự kiểm tra và kiểm tra nhắc nhở đồng nghiệp mình trong việc thực hiện văn hóa công sở

3.5. Cải thiện môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi cho cán bộ, viên chức và nhân viên

- Nhà trường cần tăng cường sửa chữa, bổ sung và mua sắm mới các trang thiết bị dạy học, máy móc, thiết bị phát wifi cho mỗi tầng học

- Lãnh đạo nhà trường thường xuyên kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng và kiểm kê tài sản theo định kì, đảm bảo công năng và hiệu suất sử dụng của các trang thiết bị phục vụ quá trình làm việc và giảng dạy; thực hiện sửa chữa, mở rộng hoặc xây mới các phòng làm việc đảm bảo diện tích làm việc cho đội ngũ cán bộ, viên chức của nhà trường.

- Lãnh đạo nhà trường cần quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên trong giờ giấc làm việc, tự chủ trong công việc, duy trì và phát triển môi trường Văn hóa công sở, sẽ giúp đội ngũ cán bộ viên chức có thêm thời gian nghiên cứu khoa học và các tài liệu kiến thức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân.

3.6. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong xây dựng và thực hiện VHCS

Cán bộ lãnh đạo, quản lý cần thường xuyên quan tâm, gương mẫu và nghiêm túc trong tổ chức thực hiện VHCS của cơ quan, đơn vị mình. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện VHCS trong cơ quan, đơn vị Tổ chức thực hiện, thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện quy định về văn hóa công sở trong nhà trường.

Như vậy, xây dựng văn hóa công sở tại Trường THCS Chu Văn An, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh hóa không chỉ là khẩu hiêu hay xây dựng hệ thống những giá trị bên ngoài, mà phải gắn với suy nghĩ và hành động của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, thể hiện qua ứng xử, trang phục, trách nhiệm với công việc Nếu mỗi người có được nhận thức đúng đắn và tích cực trong xây dựng văn hóa công sở sẽ góp phần xây dựng môi trường công sở lành mạnh, hiệu quả. Từ góp phần thúc đẩy chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng nâng cao.Điều này đòi hỏi toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên của nhà trường cần phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế, tìm kiếm giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường./.

Video liên quan

Chủ Đề