Begging the question là gì

Fallacies of Presumption

Dịch Viên: Võ Hồng Long

Sai lầm của những giả thuyết là những luận điểm không hoàn chỉnh do có những giả định hoặc những điều được thừa nhận mà chưa được chứng minh tồn tại trong nó. Sự không hoàn chỉnh đó không được nhận biết do chúng không được nói ra; một sự giải thích nghe có vẻ hợp lý đã che dấu đi sự khiếm khuyết trong một luận điểm và làm cho chúng ta chấp nhận luận điểm đó. Tuy nhiên, do không có một kết luận nào đáng tin cậy hơn những giả định mà chúng dựa trên nên những kết luận của những luận điểm đó cũng không đáng tin.

Trong sai lầm của các giả thuyết, các sự thật liên quan đã không được trình bày đúng mức trong nội dung của vấn đề. Sự cư xử không phù hợp có thể diễn ra dưới ba dạng. Chúng ta có thể bỏ sót các yếu tố cơ bản, đáng kể [như ông bác sỹ đã làm trong những chẩn đoán ban đầu của ông ta, xem hình vẽ trên], chúng ta có thể lảng tránh hoặc bóp méo chúng. Trong chương này sẽ trình bày ba kiểu lỗi và xem xét những sai lầm thông thường đỗi với từng lỗi đó.

Bảng tóm tắt những ngụy biện của giả định :

Tên của loại Sai lầm

Định nghĩa/lời khuyên

Ví dụ/biện pháp

Tổng quát hoá [Fallacy of Sweeping Generalization]

Áp dụng một điều đã được tổng quát, thường là đúng vào một trường hợp đặc biệt mà bỏ qua tính chất đặc biệt của trường hợp cụ thể đó [cô lập cái được tổng quát, sau đó xem xét liệu có còn ý nghĩa không nếu áp dụng vào trường hợp cụ thể nhất định]

Ví dụ: "bởi vì cưỡi ngựa là một hoạt động tốt cho sức khoẻ, Harry Brown phải tập luyện nhiều hơn vì nó tốt cho bệnh tim của anh ta". [bởi vì bệnh tim của Harry sẽ rất nguy hiểm nếu anh ta cưỡi ngựa, và bác sỹ chắc chắn sẽ khuyên anh ta không nên làm như vậy.]

Kết luận vội vàng [Fallacy of Hasty Generalization]

Dùng những bằng chứng không đầy đủ, hoặc một ví dụ riêng rẽ để làm cơ sở cho một kết luận có tính khái quát rộng hơn

Tôi đã có một cuộc sống tồi tệ với người chồng cũ. Từ đó tôi hiểu được rằng mọi đàn ông trên đời này đều không tốt

Lý luận rẽ đôi [Bifurcation]

Xem xét sự vật tương phản tuyệt đối mà không thừa nhận có những cái khác tồn tại giữa chúng

[cách nói khác: sai lầm dạng: either/or; sai lầm dạng trắng-và-đen; sai lầm dạng song đề].

Ví dụ: "Anh hoặc là về phe tôi, hoặc là chống lại tôi"

Lập Lại Vấn Đề [Begging the Question]

[1]lập luận bằng cách phát biểu lại kết luận bằng lời lẽ khác [A bởi vì B, trong khi B giống A]

Ví dụ: "Điều kỳ diệu hoàn toàn không thể [A] vì chúng không thể xảy ra [B]."

[2] Lập luận một cách vòng vo và cuối cùng lấy bản thân kết luận ra để chứng minh [[A bởi vì B, trong đó B phụ thuộc vào A]

Ví dụ: "Chúa Tồn Tại [A]." "làm sao anh biết?" "KINH THÁNH NÓI NHƯ vậy [B]." " Làm sao anh biết kinh thánh nói đúng." "VÌ KINH THÁNH LÀ lời NÓI của CHÚA"

[3] Đưa một vấn đề đi đến chỗ phức tạp hơn, có tính khái quát rộng hơn mà không thể chứng minh [có A bởi vì B, nhưng B lại còn không đáng tin bằng A]

Ví dụ: "Rõ ràng ông ta là kẻ vô thần [A]; thế có đúng ông ta là nhà triết học không?"

[vấn đề có tính khái quát rộng hơn: Mọi nhà triết học đều là người vô thần???]

Lảng tránh vấn bằng cường điệu hoá ngôn ngữ [Question-Begging Epithets]

Dùng ngôn ngữ có tính biểu cảm mạnh để diễn tả vấn đề mà không chứng minh [thường những tính ngữ được sử dụng có ý đồ bài xích, nhưng đôi khi chúng cũng có ý tán dương.]

Ví dụ: "Những nỗ lực mù quáng, những kế hoạch của Ban giáo dục cuối cùng cũng đã có kết quả", hoặc "chắc chắn rằng không có gì phải nghi ngờ về người đàn ông này. Anh ta là một con người tuyệt vời"

Câu hỏi phức hợp [Complex Question]

Dạng nghi vấn của lảng tránh vấn đề [câu hỏi có ý định làm thừa nhận một vấn đề khác chưa được nêu ra].

Ví dụ: "Tại sao phụ nữ lại quan tâm đến tôn giáo hơn nam giới?"

Hãy tự hỏi bản thân: câu hỏi đó dựa trên cơ sở nào? Thực sự có phải là như thế không? Khi ra câu hỏi trên, có phải là tự thừa nhận phụ nữ quan tâm đến tôn giáo hơn, và đi tìm lý do "tại sao".

Sự biện hộ đặc biệt [Special Pleading]

Áp dụng tiêu chuẩn kép để đánh giá.

Ví như, mình thì thế này, người ta thì thế khác. Cục đất mình thờ thì cho đó là Thượng Đế, còn cục đất ngươì khác thờ thì gọi là "hình nộm" [idoltry]. Mình đọc kinh sáng trưa chiều tối, thì gọi là sùng đạo; còn người khác đọc kinh thì gọi là mê tín hay cuồng tín.

Sự tương đồng giả tạo hay sai [False Analogy]

Đạt được một kết luận bằng làm cho tương tự nhau hoặc hoặc so sánh hai sự vật không đúng, [hãy chỉ ra hai sự việc có vẻ tương tự nhau nhưng không ở khía cạnh có thể đưa ra kết luận cho vấn đề].

Ví dụ: "Làm sao bạn có thể dạy bọn trẻ con không được lấy tiền của người khác trong khi chính phủ nơi nó sống lại luôn làm điều đó?"

Chính phủ lấy tiền qua hệ thống thuế, và con nít lấy tiền [bằng cách ăn cắp] có giống nhau không ? Tại sao lại đánh đồng như vậy chứ [hãy chỉ ra hai sự việc này được cho là tương đương nhau ở những khía cạnh tầm thường, và khác nhau ở những khía cạnh quan trọng.]

Sai nguyên nhân [False Cause]

Suy luận ra mối liên hệ nhân quả giữa hai sự việc nhưng thực tế lại không có mối liên hệ đó [một sự kiện xảy ra trước một sự kiện khác thì không thể xem là nguyên nhân]

Ví dụ, "anh có để ý rằng hàng hoá bán chạy thế nào sau khi chúng ra xây dựng chiến lược quảng cáo? Thành công đó thật rõ ràng."

Hàng hoá bán chạy vì chiến lược quảng cáo, hay chất lượng của hàng hóa tốt. Không thể đơn thuần dùng một sự kiện trước [eg, quảng cáo] để là quan hệ nhân quả cho sự kiện sau [bán chạy].

Lý luận Rập Khuôn Slippery slope

Giả định một cách không đúng rằng một đề xuất, một quan điểm nếu được áp dụng thì sẽ gây nên một chuỗi sự kiện không mong muốn và không kiểm soát được.

Ví dụ, "Ngày nay là phá thai, nhưng ngày mai là người có bệnh tâm lý, sau đó là người ốm yếu rồi người già -- hoặc bất cứ người nào"

Luận điểm không phù hợp [Irrelevant Thesis]

Chứng minh một điều không được bàn đến [có thể xảy ra dưới hai dạng [1] thu hút sự quan tâm đối với quan điểm của người khác một cách không hợp lý [2] bảo vệ quan điểm cá nhân không hợp lý ]

Ví dụ, [1] "những người ủng hộ việc bảo tồn tự nhiên lập luận rằng nếu chúng ta tuân thủ các quy luật của tự nhiên thì sẽ tốt hơn là không tuân thủ. Họ đã sai lầm, thật dễ nhận thấy rằng bảo tồn tự nhiên không tạo thành một thiên đàng trên trái đất."

Ví dụ, [2] "Tôi không hiểu tại sao sắn bắn lại bị coi là tội ác trong khi nó mang lại niềm vui cho nhiều người và thậm chí tạo ra việc làm nữa."

TỔNG KẾT

Chương này đã trình bày ba loại giả thuyết sai lầm, những lập luận cho những giả thuyết chưa được tìm ra hoặc chứng minh được trình bày dưới chiêu bài những lập luận hợp lý.

Trong loại sai lầm giả thuyết đầu tiên, như chúng ta đã thấy, lỗi nằm trong việc bỏ qua những yếu tố cơ bản của sự việc. Ba dạng sai lầm thuộc loại này đã được xem xét.

Tổng quát hoá: là việc áp dụng cái đã được khái quát vào một trường hợp cụ thể hoàn toàn nằm ngoài phạm vi điều được khái quát. Ví dụ như: cưỡi ngựa là việc nên làm đối với người có bệnh về tim.

Kết luận vội vàng lại trái ngược hẳn với sự khái quát hóa. Ở đây một sự kiện riêng biệt, mang tính ngoại lệ, được sử dụng một cách sai lầm nhằm chứng minh cho một kết luận chung. Ví dụ như: nêu ra quá khứ không tốt với người chồng cũ để chứng minh rằng mọi người đàn ông đều không tốt.

Lý luận rẽ đôi lại bỏ qua rất nhiều khả năng khác nằm giữa hai cực của khả năng lựa chọn. Ví dụ như khẳng định rằng: Nếu bạn biết về xe BMW thì hoặc là bạn sở hữu một chiếc hoặc là bạn muốn có một chiếc.

Trong loại giả thuyết sai lầm thứ hai: lỗi nằm trong việc lảng tránh sự thật. Ở đây chúng ta đã xem xét 4 dạng khác nhau.

Lặp lại vấn đề dùng những lời lẽ tương tự đã được đưa ra để chưng minh cho một luận điểm. Ví dụ như khẳng định rằng tự do thương mại là tốt cho quốc gia này vì tự do thương mại là tốt cho quốc gia này.

Lảng tránh vấn đề bằng cường điệu hoá ngôn ngữ là việc nói quá, cường điệu lên một vấn đề mà không hề chứng minh. Loại sai lầm này đã sử dụng phương tiện ngôn ngữ để thể hiện thái độ cá nhân của mình. Ví dụ như trong cụm từ sau: dùng những từ sau "những kẻ bất lực, kiêu căng.... " để chỉ những người không theo nhà thờ.

Câu hỏi phức hợp là việc dùng câu trả lời nhất định cho một câu hỏi trước đó mà chưa được đưa ra. Ví dụ: John đã từ bỏ thói quen xấu của anh ta chưa?

Sự biện hộ đặc biệt là việc áp dụng tiêu chuẩn kép [hai tiêu chuẩn khác nhau]: tiêu chuẩn đặc biệt để đánh giá bản thân, và tiêu chuẩn còn lại để đánh giá những người khác. Loại sai lầm này lảng tránh sự thật bằng cách có thái độ thiên vị đối với một bên. Ví dụ như: dùng từ hy sinh, cống hiến để chỉ quân đội phe mình, còn dùng những từ như cuồng tín, ác độc để chỉ quân địch.

Loại sai lầm cuối cùng là bóp méo sự thật, nó gồm có các dạng sau:

Sự tương đồng giả tạo là việc bóp méo sự thật bằng cách so sánh vấn đề đang được bàn luận tương đương với một vấn đề khác, nhưng sự thực lại không phải như vậy. Ví dụ như so sánh của Bacon: việc quốc gia gây chiến tranh để tăng thế lực với rèn luyện sức khoẻ của cá nhân là có sự tương đương.

Sai nguyên nhân cho rằng hai sự kiện có quan hệ nhân quả với nhau nhưng thực tế thì lại không phải như vậy. Ví dụ như người ai cập cổ thờ cúng loài cò quăm vì họ nghĩ rằng khi chúng di cư đến sông Nile làm cho dòng nước phù sa tràn vào đồng ruộng.

Slippery slope nếu một quan điểm được chấp nhận, một tình thế được áp dụng.. Sẽ tạo ra một chuỗi những hậu quả không mong muốn. Ví dụ như lập luận của David Reuben chống lại việc sử dụng Flo.

Luận điểm không phù hợp là việc bóp méo vấn đề bằng cách thay thế một vấn đề khác cho vấn đề được bàn luận. Ví dụ như lập luận sau: bởi vì việc bảo tồn tự nhiên không bảo đảm cho chúng ta một vườn địa đàng nên chúng ta không nên thực hiện nó như một phương sách tốt nhất hiện có.

Trong nhóm đầu tiên, sai lầm được thực hiện xảy ra khi các yếu tố quan trọng có liên quan đã bị bỏ qua. Trong sai lầm của sự khái quát hoá, lỗi nằm trong giả định là những gì đúng trong một hoàn cảnh nhất định thì sẽ đúng đối với mọi hoàn cảnh. Trong lỗi của sự khái quát hoá vội vàng, lỗi nằm trong giả định mà những chứng cứ luận điểm này dựa trên đã đầy đủ để đưa ra kết luận nhưng thực tế thì các chứng cứ đó đã không được trình bày hoặc là trình bày không đầy đủ. Cuối cùng, sai lầm do chẻ đôi, điều này xảy ra trong trường hợp chúng ta trình bày luận điểm và những luận cứ đưa là được cho là duy nhất, nhưng thực tế vẫn tồn tại những luận cứ khác.

SAI LẦM CỦA SỰ KHÁI QUÁT HOÁ.

[The Fallacy of Sweeping Generalization]

Khi xem xét sự khái quát hoá tổng thể [fallcy of composition] và khái quát hoá vội vàng chúng ta cũng nên nhận thấy rằng, mặc dù có sự tương tự về mặt cấu trúc so với những sai lầm do chia tách hoặc gộp đã thảo luận trong chương trước, nhưng hai nhóm này có sự khác nhau. Trong khi nhóm trước tập trung vào mối quan hệ tổng thể và thành phần hoặc ngược lại, những cái được xem xét ở đây mang tính vật chất; những sai lầm của việc khái quát hoá tổng thể và khái quát hoá vội vàng lại tập trung vào những vấn đề áp dụng sai những yếu tố có tính trừu tượng như cái tổng quát, các quy tắc, nguyên tắc đối với từng trường hợp, sự kiện cụ thể.

Sai lầm của sự khái quát hoá xảy [The Fallacy of Sweeping Generalization] ra khi một nguyên tắc chung được áp dụng cho một trường hợp đặc biệt trong khi điều đó là không thể do những đặc điểm riêng biệt của trường hợp đó không cho phép. Hãy xem xét ví dụ sau:

a] Mọi người điều có quyền đối với tài sản thuộc sở hữu của họ. Do đó, mặc dù Jones bị tuyên bố là mất khả năng nhận thức, thì cũng không ai có quyền lấy đi các vũ khí của anh ta.

Cơ sở đầu tiên của luận điểm này là một nguyên tắc chung được thừa nhận rộng rãi. Tuy nhiên nó lại không thể được áp dụng trong trường hợp cụ thể này, một người bị mất lý trí và một phần tài sản anh ta có là vũ khí.

Nguồn gốc của tính thuyết phục trong trường hợp trên là có một sự tương tự như các luận điểm hợp lý trong đó các trường hợp cụ thể nằm trong phạm vi có thể được giải quyết bằng nguyên tắc chung. Điều cần phải nhớ ở đây là sự tổng quát được tạo ra chỉ để áp dụng đối với những trường hợp chung nhất chứ không phải cho các trường hợp cụ thể, đặc biệt nào đó.

Sẽ là một sự hợp lý hiển nhiên khi lập luận rằng: Mọi người trên đời này đều phải chết, do đó Socrates cũng phải chết [do bệnh tật, chết già... ]

b] Bởi vì cưỡi ngựa là môn thể thao tốt cho sức khoẻ, Harry Brown phải luyện tập thường xuyên hơn vì nó tốt cho bệnh tim của anh ta.

Điều gì tốt cho sức khoẻ của một người bình thường thì không nhất thiết phải tốt cho người có vấn đề về sức khoẻ. Sai lầm của sự tổng quát hoá đôi khi được gọi là sai lầm ngẫu nhiên, tình cờ để nhấn mạnh đặc tính bất thường của một trường hợp cụ thể mà điều đã được tổng quát không thể áp dụng.

Mặc dù các ví dụ trên đã phân tích một cách tương đối rõ ràng, nhưng đôi khi những sai lầm như vậy vẫn khó có thể được nhận ra khi các yếu tố liên quan đến một luận điểm phức tạp hơn. Xem xét ví dụ sau:

c] Tôi tuân thủ vào một quy tắc vàng: sẽ là trách nhiệm đương nhiên khi làm việc gì đó cho người khác giống như những gì mà họ có thể làm giúp tôi. Nếu tôi gặp khó khăn trong việc trả lời câu hỏi trong một buổi thi thì tôi sẽ nhờ người bên cạnh giúp đỡ. Do đó sẽ là trách nhiệm của tôi phải giúp người ngồi bên cạnh nếu họ nhờ tôi trả lời giúp các câu hỏi thi.

Một yếu tố quan trọng đã bị bỏ qua trong luận điểm trên. Mục đích của một kỳ thi là đánh giá mức độ hiểu biết của mỗi người như thế nào và mục đích đó sẽ không đạt được nếu xảy ra việc giúp đỡ nhau. Do đó quy tắc vàng sẽ không được áp dụng trong những tình huống tương tự như vậy.

Luận điểm thuộc loại mà chúng ta đang xem xét ở đây gồm hai phần: nguyên tắc chung và trường hợp cụ thể. Nếu một luận điểm mà không phù hợp thì đó là trường hợp mà chúng ta áp dụng quy tắc chung đó là trường hợp ngoại lệ và sẽ không thuộc phạm vi áp dụng của nguyên tắc chung. Để phát hiện ra những lỗi như thế, điều cần phải làm là tách quy tắc ra, sau đó việc hiểu một cách đúng đắn sẽ cho thấy rằng trường hợp cụ thể nào sẽ không thể áp dụng các quy tắc chung. Trở lại các ví dụ trên chúng ta có thể nói như sau: [a] mọi người có quyền đối với tài sản thuộc sở hữu của họ, nếu anh ta hoặc cô ta không bị mất trí; [b] cưỡi ngựa sẽ tốt cho sức khoẻ của một người nếu tình trạng sức khoẻ của anh ta cho phép; [c] chúng ta phải giúp đỡ người khác nhưng không phải ở trong phòng thi.

Như trong một số sai lầm mà chúng ta đã nghiên cứu, sai lầm của sự khái quát hoá cũng dẫn đến những hiệu quả gây cười. Một thí dụ nổi tiếng được trích ra từ tác phẩm Decameron, một tuyển tập các truyện cổ hài hước từ thế kỷ 14 ở nước Ý.

Một số đoạn đã bị lược bỏ, câu chuyện diễn ra như sau:

d] Một người hầu trong khi đang nướng một con cò cho ông chủ của anh ta đã bị cô người tình nhân thuyết phục hãy cắt một chân của con cò cho cô ta ăn. Khi con cò được mang đến bàn ăn, ông chủ muốn biết chuyện gì đã xảy ra với cái chân kia của con cò. Anh người hầu trả lời rằng con cò chỉ có một chân. Ông chủ rất tức giận nhưng quyết định "làm cứng họng" anh người hầu trước khi trừng phạt anh ta. Ngày hôm sau ông đưa anh ta ra ngoài đồng, nơi đó họ thấy bầy cò đang đứng trên một chân như chúng vẫn thường làm. Anh hầu quay vẻ mặt vui mừng hướng sang phía ông chủ. Sau đó, một tiếng động phát ra, lũ cò thả cái chân còn lại xuống và bay đi mất. Anh người hầu nói" Ồ thưa ngài, tối hôm qua ngài đã không quát thẳng vào con cò; nếu ngài làm như vậy chắc nó đã chìa cái chân còn lại ra rồi"

Quy luật mà anh người hầu đã dựa vào đó để biện hộ cho mình trong trường hợp trên có thể được diễn đạt như sau: Loài cò có thói quen đứng một chân, nhưng nó sẽ thả chân kia xuống khi nghe tiếng động. Tuy nhiên quy luật này sẽ không thể áp dụng vào trường hợp con cò khi sinh ra chỉ có một chân hoặc con cò đã bị nướng chín.

Chúng ta nên lưa ý rằng, mặc dù sự tổng quát có thể bị lạm dụng nhưng chúng vẫn rất hữu ích trong logic. Sự khái quát hoá cho phép chúng ta suy ra quy tắc chung với một mức độ hợp lý khi chúng ta không có khả năng kiểm ta tất cả mọi trường hợp cụ thể. Để trở nên chính xác, chúng ta cần tránh việc khái quát hoá bởi vì sẽ có nhiều trường hợp nằm ngoài phạm vi các quy tắc mà chúng ta đã tổng quát hoá. Một luật sư với sự hiểu biết pháp luật và óc quan sát tốt nhiều khi sẽ mang điều lợi lại cho khách hàng của anh ta do dựa trên những vấn đề chuyên môn mà trong hoàn cảnh khác những vấn đề đó có thể bị xem là vặt vãnh. Nhưng đó là vấn đề trình độ của một người. Nếu không nhận ra được các tình tiết giảm nhẹ khi phán xử một người thì đó là việc chỉ tuân thủ các câu chữ trong luật chứ không phải tinh thần của nó. Nếu như vậy sẽ là áp dụng một cách máy móc trong khi lại bỏ qua những chi tiết quan trọng của vụ việc.

Sai lầm của sự tổng quát hoá sẽ diễn ra khi áp dụng nguyên tắc chung không đúng.

Những quy tắc, sự việc được khái quát được tạo ra để áp dụng cho những trường hợp thông thường nhất chứ không nhất thiết phải áp dụng cho tất cả mọi trường hợp, và điển hình là trường hợp đặc biệt hay ngoại lệ.

Sự khái quát hoá không giống với sai lầm do chia tách. Trong khi sai lầm do chia tách xem xét mối liên quan mang tính vật chất giữa cái tổng thể và cái thành phần thì sự khái quát hoá lại xem xét vấn đề áp dụng sai những quy tắc, nguyên tắc trừu tượng hoặc những điều được tổng quát đối với những trường hợp không nằm trong phạm vi của những điều được khái quát đó.

SAI LẦM CỦA VIỆC KHÁI QUÁT VỘI VÀNG

[The Fallacy of Hasty Generalization]

Sai lầm của sự khái quát vội vàng [The Fallacy of Hasty Generalization] trái ngược hoàn toàn với sự khái quát hoá. Khái quát vội vàng là việc một trường hợp cá biệt được xem như là cơ sở cho việc đưa ra một kết luận chung một cách tuỳ tiện. Xem xét hai ví dụ sau đây:

a]Tôi đã có khoảng thời gian tồi tệ chung sống với người chồng cũ. Từ đó đã hiểu rằng mọi đàn ông đều không tốt.

b]Tôi biết một người là đại diện của Liên đoàn, bà ta là một con người khủng khiếp. Tôi không nên tin bất cứ ai trong số họ.

Hai luận điểm trên đây là không hợp lý bởi vì họ đã cho rằng một điều gì đã đúng trong một hoàn cảnh cụ thể nhất định sẽ đúng trong mọi hoàn cảnh khác. Những bằng chứng được đưa ra chỉ cho phép một kết luận cụ thể chứ không phải là một kết luận chung nhất. Một lần nữa chúng ta cần nhớ rằng không thể hoặc không cần thiết phải kiểm tra tất cả mọi khả năng. Trừ khi một số lượng vừa đủ đã được kiểm nghiệm nếu không những kết luận sẽ là quá vội vàng và do đó không đáng tin cậy.

Trong một số trường hợp sai lầm do sự kết luận vội vàng có thể nguyên nhân từ việc kết luận dự trên những trường hợp ngoại lệ và do đó không có tính tiêu biểu. Chúng ta sẽ sai lầm khi nói , "Anh ta nói hay đến mức mọi người có thể nhận ra là anh ta đã học qua lớp đóng phim," hoặc"Đây hẳn là những viên thuốc vì vị của nó thật đắng". Trong cả hai ví dụ trên, những trường hợp cụ thể có liên quan đến quy tắc chung nhưng không mang tính bản chất.

Truyện Sherlock Holmes của Conan Doyle có rất nhiều minh hoạ cho sự lý giải phức tạp của nhà thám tử bậc thầy. Chỉ vài giây sau khi được giới thiệu với bác sĩ Watson, Holmes đã quả quyết rằng Watson vừa mới từ Afghanistan trở về.

c] Đây là một thầy thuốc, nhưng ông ta lại có dáng vẻ của một quân nhân. Rõ ràng đó là một bác sỹ quân y. Ông ta vừa trở về từ vùng nhiệt đới, vì khuôn mặt đen và đó không phải là màu da tự nhiên của ông ta và cổ tay khá lớn. Ông ta vừa trải qua một giai đoạn khó khăn và bệnh tật, vẻ mặt phờ phạc đã nói lên điều đó. Cánh tay trái của ông ta bị thương, ông ta giữ nó với vẻ cứng nhắc và không tự nhiên. Ở khu vực nào của vùng nhiệt đới lại có nhiều bác sỹ quân y phải trải qua những khó khăn và bị chấn thương ở tay như vậy? Rõ ràng là ở Afghanistan. [Vụ án ở Scalet, phần 1, chương 2]

Rõ ràng là Watson có thể mang dáng vẻ của một quân nhân mà chẳng cần phải kinh qua quân đội; ông ta cũng có thể có khuôn mặt rám nắng mà không cần phải sống ngoài nước Anh.. Holmes đã kết luận một cách vội vàng khi mà các bằng chứng chưa đầy đủ.

Một biến thể của sự kết luận vội vàng xảy ra khi chỉ những luận chứng hỗ trợ cho luận điểm được sử dụng trong khi những bằng chứng phản biện lại bị bỏ qua.

d] Dưới hệ thống tư bản chủ nghĩa có nhiều người nghèo, lao động và tài nguyên bị lãng phí, cạnh tranh khốc liệt, bản chất hám lợi bộc lộ, khủng hoảng và suy thoái.. Tất cả những điều này đã chứng minh hệ thống này là thối nát và đáng bỏ đi.

Thậm chí khi những bằng chứng được đưa ra là đúng, chúng ta cũng chưa có đầy đủ cơ sở để đi đến một hành động quyết liệt là phải xoá bỏ nó. Cố gắng sửa chữa những khuyết điểm đó bằng cách xoá bỏ nó chẳng khác nào quăng đứa trẻ ra ngoài cùng với nước tắm. Những ưu điểm của hệ thống này đã không được đề cập đến, điều đó có thể làm giảm đi những khuyết điểm của nó.

Những suy nghĩ ẩn dấu đằng sau luận điểm [d] là một dạng của sự hợp lý hoá [duy lí], những lý giải có vẻ hợp lý được đưa ra để bào chữa cho niềm tin đối với cái khác, thường có cơ sở kém chắc chắn hơn. Sự duy lý được sử dụng bởi những người có các lợi ích phải bảo vệ. Thay vì kiểm tra mọi bằng chứng, họ chỉ lựa chọn những gì có lợi nhất cho lợi ích cho lý luận của mình. Cùng lúc đó, họ cố gắng gây ra một ấn tượng rằng mọi bằng chứng đã được kiểm tra và những bằng chứng đó đều có lợi cho họ. Một số chính trị gia đánh giá những thành công của mình với niềm hãnh diện và đánh giá thành công của người khác với nỗi lo lắng. Họ thuyết phục để được bầu bằng chiêu bài giảm thuế nhưng lại không chú ý rằng các dịch vụ công cộng sẽ bị giảm do sự cắt giảm thuế đó. Các công ty cho vay nhấn mạnh việc bảo toàn vốn và các khoản lợi tức hàng tháng mà không chú ý đến việc tỷ lệ lãi suất cao hoặc một số người không có khả năng hoàn trả vốn vay.

Việc đưa ra những bằng chứng theo cách một chiều như vậy dường như có thể được chấp nhận tại toà án, trong đó mỗi bên sẽ đưa ra những chứng cứ có lợi nhất cho mình. Tuy nhiên nguyên tắc đối chất sẽ được áp dụng để bảo đảm rằng thẩm phán và bồi thẩm đoàn đã xem xét tất cả các bằng chứng và đã nghe hết toàn bộ sự thật.

Mặc dù những lý lẽ phản chứng có thể được tìm ra để phản biện lại một luận điểm, nhưng người tranh luận không nhất thiết phải bày tỏ thiện chí của mình bằng cách đưa ra những lý lẽ đó. Sai lầm của việc kết luận vội vàng sẽ mắc phải khi chúng ta không đưa ra những lý lẽ phản chứng như thế.

Trong khi sự khái quát hoá xảy ra khi một người áp dụng những điều khái quát một cách không đúng, thì sự khái quát vội vàng lại là việc một người đã vội vàng khái quát một vấn đề nào đó một cách sai lầm khi chỉ dựa trên những sự việc cụ thể, mang tính ngoại lệ và không đặc trưng cho điều được khái quát.

Sự khái quát vội vàng không giống sai lầm do kết hợp ở chỗ: sai lầm do kết hợp liên quan đến những mối quan hệ có tính vật chất giữa cái tổng thể và cái thành phần, sự kết luận vội vàng lại liên quan đến những tình tiết và sự việc được tổng quát và những tình tiết chúng ta áp dụng vào.

Khái quát vội vàng đồng nghĩa với lối lý luận "vơ đũa cả nắm". Một cá nhân không tốt, đâu có nghĩa là cả làng đều không tốt. Dùng 1 cá nhân hay 1 sự việt, để khái quát cho một tập thể là vi phạm khái quát vội vàng.

SAI LẦM DO LÝ LUẬN RẼ ĐÔI [The Fallacy of Bifurcation]

Sai lầm do lý luận rẽ đôi là luận điểm cho rằng một yếu tố nào đó là hoàn toàn và duy nhất trong khi thực tế lại có những cái khác tồn tại. Lý luận rẽ đôi có liên quan mật thiết với sự nhầm lẫn trong cấu trúc hoặc là giống như trong lập luận của Bertrand Russel năm 1948 "Hoặc là chúng ta phải chiến tranh với nước Nga trước khi họ có bom nguyên tử hoặc là chúng ta quỳ xuống để họ thống trị". Trong một số cuộc tranh luận một số người nói "Thà chết còn hơn theo phái cánh tả" trong khi một số người khác lại nói "Thà theo phái cánh tả còn hơn chết", cả hai bên tranh luận đã bỏ qua một luận điểm thứ 3 khác "thà hơi thiên về cảnh tả còn hơn tuyệt chủng".

Lý luận rẽ đôi đưa ra hai nhóm luận điểm trái ngược nhau có vẻ như mâu thuẫn. Hai luận điểm được cho là trái ngược nhau khi không xảy ra trường hợp cả hai luận điểm đó cùng đúng nhưng lại có thể xảy ra trường hợp cả hai cùng sai. Nếu chúng ta nói rằng Jane có thể giàu hoặc có thể nghèo nghĩa là cô ấy không thể cùng một lúc vừa giàu lại vừa nghèo, mà chỉ có thể là một trong hai trường hợp đó. Hai luận điểm được cho là mâu thuẫn là hai luận điểm không cùng đúng hoặc không cùng sai. Ví dụ: hoặc là ông ta còn sống hoặc đã chết; hoặc là hôm nay là sinh nhật của bạn hoặc không phải. Nếu điều này là đúng thì điều kia phải sai hoặc ngược lại. Sai lầm của lý luận rẽ đôi xảy ra khi hai yếu tố được cho là có tính trái ngược nhau được sử dụng như là hai yếu tố mâu thuẫn.

Bởi vì ngôn ngữ đầy những yếu tố đối lập, nên xu hướng xảy ra sai lầm như thế này là thường xuyên. Trong cuộc sống chúng ta thường thiên về một trong hai thái cực như "có" và "không có", "cái tốt" và "cái xấu", "cái bình thường" và "cái bất thường", nhưng chúng ta lại quên rằng giữa chúng có những cái mang trạng thái trung gian, có thể xem như là một lựa chọn khác cho hai thái cực đó.

Lý luận chẻ đôi cũng giống như một quan chức đang cao giọng rằng "Hãy cho tôi biết báo cáo này là tốt hay tồi" mà không thấy rằng báo cáo đó chứa đựng cả hai yếu tố đó. Điều này cũng giống như những người có tư tưởng chống lại những gì liên quan đến nước Nga một cách mạnh mẽ trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

a] Hãy để tôi nói một cách nghiêm túc. Chỉ có thể có một thủ đô, Washington hoặc Moscow. Chỉ có thể có một lá cờ, Cờ các ngôi sao với các vạch ngang [cờ nước Hoa Kỳ] hoặc Cờ búa liềm [Cờ Liên xô]. Chỉ có một bài quốc ca "Star-Spangled Banner" hoặc "Quốc tế ca"

Trong lúc bực tức một người có thể phản ứng lại với một lời than phiền như sau: "Vậy anh cho rằng món súp này quá nguội? Tôi lại cho rằng anh thích một cái gì đó nóng thì phải". Xét về khía cạnh logic, kiểu tranh luận như trên đã đẩy chúng ta vào hoàn cảnh khó khăn là phải lựa chọn một trong hai trường hợp trên trong khi thực tế lại cho phép chúng ta có những lựa chọn khác nữa.

Suy nghĩ thiên về một thái cực đôi khi giúp chúng ta bớt tốn kém về sức lực hơn là xem xét toàn bộ khía cạnh của vấn đề. Các nhà quảng cáo thướng cố ý gạt bỏ những suy nghĩ không tốt của chúng ta về một sản phẩm bằng cách hướng chúng ta đến một khía cạnh nào đó phù hợp với mục đích của họ.

b] Nếu bạn biết về xe BMW, bạn đang có một cái hoặc là bạn muốn có nó một chiếc.

Đôi khi những định kiến làm cho ta không biết được rằng vấn đề mà chúng ta đang gặp phải còn có cách giải quyết khác, nhưng đôi khi định kiến đó lại phản ánh mong muốn của chúng ta về một giải pháp đơn giản cho một vấn đề phức tạp. Ví dụ đưa ra sau đây sẽ chứng minh: chính sách ngoại giao của chúng ta dựa trên nguyên tắc các quốc gia khác là bạn hoặc là kẻ thù của chúng ta.

Trong nhiều ví dụ về sai lầm so lý luận rẽ đôi, hai lập luận được đưa ra có vẻ mâu thuẫn nhau nhưng thực tế lại không phải như vậy:

c] Chúng ta phải lựa chọn giữa an toàn và tự do. Và bản chất của một người Mỹ chân chính là lựa chọn rủi ro và chấp nhận nguy hiểm.

Tự do và an toàn không hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên luận điểm trên đây đã làm cho chúng ta bỏ qua những yếu tố khác có liên quan.

Bifurcation có nguồn gốc từ tiếng La tinh, có nghĩa là "hai hướng" [Bi theo tiếng La tinh là một tiếp đầu ngữ [tiền tố] có nghĩa là "hai", và furca có nghĩa là "đoạn rẽ" hoặc "nhánh"]

Sai lầm của bifurcation là những luận điểm cho rằng một yếu tố riêng biệt nào đó là hoàn toàn và duy nhất khi mà trong thực tế còn có những yếu tố khác cho chúng ta giải quyết vấn đề có liên quan.

Những cặp từ được sử dụng trong bifurcation là những cặp từ biểu thị hai thái cực khác nhau như [giàu/nghèo, tốt/xấu, bình thường/bất thường]. Chúng ta quên mất rằng chúng chỉ đại diện cho hai cực của trạng thái khác nhau và ở giữa đó còn nhiều cấp độ trạng thái khác.

** Đôi khi còn gọi là lý luận trắng đen, "black and white" argument. Lối lập luận chỉ liệt kê ra hai điều, ví dụ trắng hay đen, trong khi thực tế có nhiều vấn đề khác ngoài trừ trắng và đen [như đó, xanh, vàng, v.v...].

Diễn đàn tôn giáocó khẩu hiệu rằng "Tự do Tôn Giáo hay là Chết". Ở một phương diện, nếu không có tự do tôn giáo, sao mấy người đấu tranh đó không đi chết đi? Và ngược lại, họ vẫn còn sống tức thì có tự do tôn giáo rồi; vậy họ đấu tranh cái gì? Ở một phương diện khác, chỉ có một trong 2 sự chọn lựa sao? Có tự do, nhưng vẫn phải chết hay là không có tự do, nhưng vẫn phải sống thì sao? Những sự chọn lựa đó chưa thấy được bàn thảo.

Sau khi nước Mỹ bị giựt sập hai toà nhà cao ốc, Tổng Thống Bush phát biểu về "Axis of Evil", cho rằng thế giới này chỉ có hai cái chọn lựa, làm bạn nước Mỹ hay là kẻ thù nước Mỹ. Ngoài hai sự chọn lựa đó ra, đứng ở tư thế trung dung như Thụy Điển không được sao?

LẢNG TRÁNH SỰ THẬT [Evading the Facts]

Trong loại sai lầm giả định này, những lỗi mắc phải không chỉ là việc bỏ qua một số yếu tố khác mà còn là việc tạo ra cho chúng ta cảm giác rằng luận điểm đó đã giải quyết tất cả các vấn đề liên quan nhưng thực tế lại chưa hề giải quyết. Những luận điểm như vậy đánh lừa chúng ta bằng cách nói rằng một vấn đề nào đó đã được đề cập đến nhưng thực tế lại hoàn toàn khác.

Có bốn kiểu sai lầm trong loại sai lầm này. Sai lầm do không đi thẳng vào vấn đề [lặp lại vấn đề] là việc giải quyết vấn đề bằng cách lặp lại nó. Không tập trung vào vấn đề theo kiểu epithet là việc lảng tránh một kết luận hợp lý bằng cách xét đoán các yếu tố. Câu hỏi phức hợp lảng tránh sự thật bằng cách tranh luận về một vấn đề khác với vấn đề đang bàn. Cuối cùng, sự biện hộ đặc biệt làm cho chúng ta xem xét vấn đề trên quan điểm thiên vị.

Ngụy Biện do Lập Lại Vấn Đề [Fallacy of Begging the Question]

Lai lầm do lặp lại vấn đề xảy ra khi thay vì đưa ra lời chứng minh hay giải thích cho một kết luận thì người nói lại nhắc lại vấn đề đó theo một cách khác. Những luận điểm như vậy làm cho chúng ta tin rằng một điều đã được thừa nhận nhưng thực tế thì nó chỉ mới được diễn đạt lại. Nếu là một luận điểm đơn giản thì có rất ít điều để nói.

a] Niềm tin vào Chúa là phổ biến vì mọi người tin vào Chúa.

Trong ví dụ này từ "phổ biến" và từ "mọi người" có tính tương đương với nhau, luận điểm này chỉ nhắc lại vấn đề mà không chứng minh nó. Lập luận như vậy thiếu những cơ sở do đó thay vì chứng minh nó chúng ta lại lập luận bằng cách nhắc lại những điều đã được nói ra dưới một cách khác. Nhắc lại kết luận dưới một dạng khác không nên được sử dụng một cách sai trái để chứng minh cho kết luận đó.

Thiếu tá Richard Daley đã áp dụng cách lập luận này một cách hỏm hỉnh để lảng tránh sự thật khi ông được hỏi tại sao Thượng nghị sĩ Hubert Humphrey lại thất bại trong cuộc bầu cử ở Bang Illinois. Daley đã trả lời rằng "Vì ông ta không có đủ số phiếu" trong khi câu hỏi kia thực sự là: Tại sao ông ta không có đủ số phiếu? Một ví dụ khác Tổng thống Calvin Coolidge đã có lần nói rằng "Khi một số lượng lớn người không có việc làm, nạn thất nghiệp sẽ xẩy ra". Lập luận trên đây chỉ thuần tuý diễn giải lại điều được nói trước đó chứ không đưa ra được sự chứng minh hoặc cái giải thích hợp lý. Trong vở kịch nổi tiếng của Mô-Li-E, một nhà tâm lý học đã giải thích về tác dụng gây buồn ngủ của thuốc phiện bằng cách nêu ra thuộc tính gây buồn ngủ của loại thuốc này. Đây chính là việc giải thích một vấn đề bằng một vấn đề tương tự cần giải thích. Có thể nói là một sự giải thích luẩn quẩn và chúng ta có thể xem đó không phải là sự giải thích thực sự. Ví dụ: Tom đã tự tử vì anh ta muốn chết, hoặc anh ta ngã vì anh ta đã rơi từ trên cao xuống. Những kiểu giải thích như vậy chẳng nói gì hơn ngoài việc Tom tự tử hoặc người đàn ông kia bị ngã.

Trong nhiều trường hợp chúng ta rất khó khăn để phát hiện ra sự giải thích lặp lại này. Hãy xem xét ví dụ sau:

b] Tự do thương mại sẽ tốt cho quốc gia này. Lý do hoàn toàn rõ ràng. Những hoạt động thương mại không bị hạn chế sẽ mang lại lợi ích cho nước này khi việc buôn bán giữa các nước không bị trở ngại.

Cụm từ "quan hệ thương mại không bị hạn chế" là một cách nói khác của tự do thương mại và cách lập luận dài dòng cũng chỉ để nói rằng "điều này tốt cho quốc gia đó".

Kiểu lập luận như vậy là cách nói lòng vòng, luẩn quẩn. Cách lập luận này đã sử dụng khả năng của ngôn ngữ có thể diễn đạt vấn đề theo một cách khác. Cũng giống như câu chuyện ba người đàn ông buộc ngựa: mỗi người buộc con ngựa của mình vào con ngựa của người kia và nghĩ rằng như thế sẽ giữ được lũ ngựa. Sau đó lũ ngựa đã chạy đi mất bởi vì chúng được buộc vào nhau theo hình mỏ neo chứ không phải buộc vào một vật cố định nào đó.

Sau đây là một ví dụ về sự giải thích luẩn quẩn đó. Chuyện xảy ra tại một công ty cho vay vốn:

c] QUẢN LÝ: làm sao công ty chúng tôi biết được ông là người trung thực và đáng tin, thưa ông Smith?

SMITH: Ồ, tôi nghĩ là ông Jones sẽ bảo đảm cho tôi.

QUẢN LÝ: Tốt. Chúng tôi có thể tin vào lời của ông Jones không?

SMITH: Tất nhiên là có rồi thưa ông? Tôi chắc chắn về những gì ông Jones làm.

Nếu ông Jones bảo đảm cho ông Smith và ngược lại, thì chúng ta lại trở lại điểm khởi đầu.

Kiểu lý luận lòng vòng này có thể tóm tắt như sau: A có những đặc điểm nào đó là do có B. Nhưng B chỉ đúng khi A đúng. Vấn đề là A có đúng hay không lại chưa được làm rõ. Vấn đề lại được lặp lại. Sau đây là một ví dụ nữa:

d] Chúa tồn tại! [A]

Làm sao anh biết?

Vì Kinh thánh nói như vậy. [B]

Làm sao anh biết Kinh thánh nói đúng?

Bởi vì Kinh thánh là lời nói của Chúa! [A=B]

Kiểu lập luận như vậy đôi lúc còn được gọi là "lập luận vòng tròn" [vicious circle] để chỉ ra rằng dù chúng ta có cố gắng thế nào thì chúng ta cũng bị quay trở lại vấn đề. [TQ hiệu đính, ai có thể chứng minh kinh thánh là lời nói của Chúa?].

Một ví dụ khác:

e] Con người ta không thể không hành động trong trường hợp đó

Tại sao?

Bởi vì họ luôn làm theo những động cơ mạnh mẽ nhất.

Vậy cái động cơ mạnh mẽ nhất đó là gì?

Đó là cái khiến họ phải làm theo.

Một lập luận thuyết phục phải đưa ra những căn cứ, lý do xác đáng để chứng minh cho một kết luận. Nhưng nếu những lý lẽ, căn cứ lại là chỉ là nhắc lại lời kết luận đó theo một cách khác thì lập luận đó là không có căn cứ và chỉ là nguỵ biện.

Một dạng phổ biến của sai lầm do lặp lại vấn đề là việc sử dụng những cái được tổng quát không có căn cứ để chứng minh cho một kết luận mà kết luận đó sẽ nằm trong cái được tổng quát đó nếu đó là một kết luận đúng.

Ví dụ:

f] Sở hữu nhà nước đối với các dịch vụ công cộng là một học thuyết nguy hiểm, bởi vì đó là xã hội chủ nghĩa.

Nếu một luận điểm rộng hơn [chủ nghĩa xã hội là nguy hiểm] được thừa nhận thì vấn đề chủ yếu được thảo luận ở đây - nhà nước sở hữu các dịch vụ công cộng - là phù hợp. Những người có quan điểm đối lập có thể xem giả định này là tương đương.

Hãy xem xét ví dụ sau:

g] Sự tàn nhẫn của anh ta là do tính nhút nhát trong chính bản thân anh ta, vì mọi người nhút nhát đều tàn nhẫn.

Ở đây, một cái có tính khái quát rộng hơn đã được sử dụng để chứng minh cho vấn đề đặt ra. Trong khi tính đúng đắn của cái có tính khái quát rộng hơn vẫn chưa được chứng minh thì cái được khái quát rộng hơn lại được sử dụng để chứng minh cho vấn đề đặt ra, và như vậy chúng ra lại lặp lại vấn đề. Nếu một vấn đề cần chứng minh [là một ví dụ của cái được khái quát rộng hơn], thì chắc chắn rằng cái được khái quát rộng hơn đó cũng cần phải chứng minh.

Sai lầm do lặp lại vấn đề có thể mang [xảy ra dưới] hình thức ngược lại. Tức là nếu một cái đã được khái quát nhưng chưa được chứng minh được dùng để chứng minh cho một vấn đề cụ thể thì cũng có thể xảy ra trường hợp ngược lại một vấn đề cụ thể nào đó chưa được chứng minh lại được sử dụng để chứng minh cho một cái được tổng quát.

Xem ví dụ sau:

h] Tôi không cần nghe thêm bằng chứng cho vấn đề này, vì tôi đã hiểu rõ nó. Đó có phải là một trường hợp nữa về một người trẻ tuổi đã giết chết một người già? Tôi biết rằng những việc như vậy đều là do môi trường sống lúc còn trẻ. Vụ việc này chắc chắn phải là như vậy vì nó càng khẳng định thêm niềm tin của tôi là mọi vụ người trẻ giết người già có nguyên nhân là những trải nghiệm ở thời thơ ấu của kẻ giết người.

Đây là một vụ án mà tội phạm được cho rằng đã được thực hiện do ảnh hưởng của môi trường xấu lúc còn nhỏ. Luận điểm này lại được sử dụng để chứng minh cho một điều rộng hơn là: những tội phạm như thế [trẻ con giết người lớn] đều có nguyên nhân từ ảnh hưởng của môi trường sống lúc còn nhỏ. Nhưng điều được khái quát rộng hơn này vẫn đang còn không rõ ràng, nó cần được chứng minh rõ hơn. Trường hợp cụ thể này [vụ án đang đề cập] không thể được sử dụng để chứng minh cho điều đã khái quát do bản thân trường hợp này cũng cần được chứng minh. Có hai khía cạnh cần làm rõ để phân biệt một lập luận thuyết phục và cách lập luận mà chúng ta đang bàn đến.

Thứ nhất, những luận điểm thuyết phục chứa đựng các luận cứ nhằm xác nhận lại các thông tin trong kết luận mà không phải là lặp lại nó. Thứ hai, một lập luận thuyết phục chứa đựng các cơ sở chính xác và rõ ràng chứ không phải là những luận điểm chưa được chứng minh. Những luận điểm chính xác và rõ ràng, ví dụ như: một người không thể ở hai địa điểm khác nhau trong cùng một lúc; đây là luận điểm mà khi sử dụng không cần phải chứng minh gì thêm. Nhưng lập luận theo kiểu vòng vo lại thuyết phục người nghe bằng cách đưa ra những chứng cứ không rõ ràng, chưa được chứng minh.

Sai lầm do lặp lại vấn đề sẽ dễ dàng nhận biết nếu chúng ta xem xét các lập luận trên quan điểm chúng ta chỉ chấp nhận những điều thuộc phạm vi của vấn đề được đặt ra. Nếu có ai đó nói rằng, tự sát là tội phạm vì đó là tội phạm giết chính mình. Chúng ta không bị bắt buộc phải chấp nhận ý kiến cho rằng một người tự lấy đi mạng sống của mình là phạm tội giết người [chính mạng mình].

Lặp lại vấn đề hoặc không tập trung vào vấn đề là việc sử dụng các yếu tố giống như yếu tố chúng ta đã đặt ra trước đó để chứng minh, điều này gây nên sự lảng tránh hoặc bỏ qua vấn đề cần chứng minh.

Những cố gắng tạo chứng minh cho một quan điểm bằng cách sử dụng những lời giải thích giống như quan điểm đã đặt ra cũng là sai lầm.

Sai lầm có thể xảy ra dưới dạng:

A như vậy là bởi vì B; trong khi B cũng giống như A hoặc B phụ thuộc vào A hoặc B thậm chí không đáng tin bằng A.

A đúng vì B đúng; nhưng B chỉ đúng nếu A đúng. Vấn đề vấn chưa được giải quyết là liệu A có đúng hay không? Đó là việc lặp lại vấn đề.

Sai Lầm Do Ngôn Ngữ Cường Điệu hay Thành Kiến [Fallacy of Question-Begging Epithets]

Trong kiểu sai lầm này, lỗi xảy ra khi việc sử dụng ngôn ngữ mang tính thành kiến để khẳng định lại cái chúng ta muốn chứng minh nhưng vẫn chưa chứng minh. [Epithet là từ hoặc nhóm tính từ miêu tả được sử dụng để đặc định hoá một người, vật hoặc một ý kiến]. Ngôn ngữ cường điệu là một công cụ được thường xuyên sử dụng trong thơ văn, nhưng nó lại không thích hợp với lý luận hay logic. Chúng ta đã biết rằng lặp lại vấn đề, hoặc lảng tránh vấn đề là việc sử dụng những luận điểm đang còn tranh cãi để chứng minh cho một vấn đề khác. Chúng ta sẽ thấy khả năng của ngôn ngữ, trong đó một từ hoặc một cụm từ tạo cho ta cảm giác rằng một vấn đề nào đó đã được giải quyết hoặc chứng minh nhưng thực tế thì không phải như vậy. Bởi vì nhiều từ chứa đựng khả năng mô tả và đánh giá, nên việc lảng tránh vấn đề theo kiểu dùng ngôn ngữ cường điệu xảy ra rất nhiều.

Hãy xem xét ví dụ sau:

a] Con người này đã bị kết vào tội xấu xa nhất đối với loài người.

Một người có thể nói "người này đã bị buộc tội giết người" để đảm bảo công bằng cho sự thật còn hơn là gán vào những ý kiến gây tổn hại khi đề cập đến cùng một vấn đề.

Khái niệm ăn cắp, không chỉ thuần tuý là diễn tả một hành vi mà nó còn mang ý nghĩa phán quyết đối với hành vi đó, rằng hành vi đó là không đúng. Khi nói người đàn ông này đã ăn cắp thức ăn để cứu đứa con trai khỏi bị chết đói, việc dùng từ "ăn cắp" ở đây sẽ là lảng tránh vấn đề, bởi vì trong tình huống này hành vi của người đàn ông có thể được xem xét một cách phù hợp hơn.

Việc lảng tránh vấn đề ở đây là điều không đúng, bởi vì nó đánh thức những cảm xúc, định kiến thông qua việc sử dụng những ngôn từ mang tính áp đặt. Bằng cách nói qúa vấn đề, nhạo báng, nịnh bợ, lạm dụng... Người nói, người viết đã tạo cho người đọc, người nghe tin rằng những từ ngữ đó đã được sử dụng một cách chính xác để diễn tả người, hoặc sự việc nhưng có thể là không phải như vậy.

Sau đây là một số ví dụ:

b] Khi một người phản ánh chương trình bảo hiểm thất nghiệp đã khuyến khích sự lười biếng của những kẻ ăn bám trong các khu nhà ổ chuột đã dẫn đến một chế độ phúc lợi giả dối như thế nào thì đã đến lúc chúng ta phải nhận thức rằng những sự trục lợi được hợp pháp hoá đó cần được xoá bỏ.

c] Những lời đề xuất gây căm phẫn của các thành viên hội đồng được cho là sẽ phá vỡ những mong muốn chính đáng của những công dân lao động vất vả.

d] Không một người Mỹ biết suy nghĩ nào có thể ủng hộ biện pháp này, một âm mưu xảo quyệt đã được ngấm ngầm đặt ra trong một căn phòng đầy khói thuốc của những kẻ làm ra luật.

Việc sử dụng sự lảng tránh vấn đề theo kiểu epithet trong các luận điểm trên đây là không thể chấp nhận được bởi vì nó đã thể hiện thái độ đồng ý hoặc không đồng ý về một vấn đề mà không đưa ra được các bằng chứng để chứng minh rằng những thái độ như thế là công bằng. Bằng cách gọi ai đó "kẻ lừa bịp để nhận trợ cấp xã hội" hoặc "những công nhân lao động vất vả" không thực sự đề cập một cách đúng mức những con người đó; hoặc gọi những biện pháp nào đó là "âm mưu xảo quyệt" hoặc "gây căm phẫn" không thể làm cho vấn đề trở nên có tính chất như vậy.

Chúng ta có thể thấy, một người không đề cập thẳng vào vấn đề có thể có ý đồ bài xích, chê bai một người khác hoặc cũng có thể với ý ca tụng, tán dương. Khi chúng ta nói đến một sự kiện lịch sử nhất định trong "thời kỳ cải cách", chúng ta có thể chịu ảnh hưởng của các nhà sử học cho rằng đó là những sự kiện còn phải bàn cãi về tính tích cực hoặc tiêu cực, do khái niệm "cải cách" không chỉ có nghĩa là thay đổi mà còn mang nghĩa thay đối theo hướng tốt. Tương tự, "người Mỹ biết suy nghĩ" là một kiểu nói để tán dương "người Mỹ".

Một ví dụ nổi tiếng về sự bài xích là những lời nhận xét của cựu Phó tổng thống Spiro Agnew về những người biệt giáo: trong một bài phát biểu tại New Orleans, Agnew đã nói:

e] Linh hồn của những kẻ bạo dâm chiến thắng, được ủng hộ bởi một số kẻ bất lực, tinh vi và trơ tráo, những kẻ tự cho rằng mình là con người khôn ngoan.

Nhà vẽ tranh biếm hoạ Al Capp đã có những lời châm chọc ác ý khiến một nhóm sinh viên xuống đường biểu tình khi ông đang giảng bài ở Harford: "Này! Đừng đi. Tôi đang cần một hành vi súc vật [thú tính]."

Nhà ngôn ngữ học S.I. Hayakawa đã đưa ra một ví dụ hóm hỉnh về sự nhầm lẫn giữa sự thật và những suy nghĩ được ẩn chứa trong sai lầm do không tập trung vào vấn đề bằng cách dùng ngôn ngữ thành kiến. Ông đã phác hoạ một bức tranh về một cuộc đối chất trong phiên toà:

f] Nhân chứng: Kẻ hai mặt bẩn thỉu đó, Jacobs đã phản bội tôi.

Luật sư biện hộ: thưa quý toà, tôi phản đối.

Quan toà: phản đối được chấp nhận. Nhân chứng hãy kể chính xác chuyện gì đã xảy ra.

Nhân chứng: hắn ta đã chơi trò hai mặt với tôi, kẻ bẩn thỉu, đồ phản bội dối trá.

Luật sư biện hộ: thưa quý toà, tôi phản đối.

Quan toà: phản đối được chấp nhận. Nhân chứng hãy nói thẳng vào sự thật.

Nhân chứng: nhưng thưa quý toà, tôi đang nói với ngài về sự thật. Hắn ta đã chơi trò hai mặt với tôi.

"Sự việc có thể tiếp diễn mà không thể kết thúc", Hayakawa chỉ ra "trừ khi người chất vấn bằng sự khéo léo của mình có thể tìm thấy được sự thật ẩn dấu đằng sau lời phán quyết đó. Đối với nhân chứng thì sự thật chính là anh ta bị chơi trò hai mặt. Việc xét hỏi liên tục phải kiên trì là điều cần thiết để tìm ra sự thật làm cơ sở cho phán quyết của toà" [Ngôn ngữ trong suy nghĩ và hành động, xuất bản lần thứ 4, New York: Harcourt Brace Jovanovich, 1978, trang 37-38]. Việc lảng tránh vấn đề bằng cách dùng ngôn ngữ có thành kiến là việc không đề cập vào vấn đề một cách đúng mức mà dẫn dắt người đọc, người nghe đi theo những quan điểm thiên kiến đối với vấn đề. Một lập luận thuyết phục sẽ làm cho người nghe, người đọc tin rằng sự đề cập như thế là hợp lý, tuy nhiên việc sử dụng ngôn ngữ mang tính thành kiến lại không thể được chấp nhận trong tranh luận.

Chúng ta có thể không tập trung vào vấn đề bằng ngôn từ - Epithet.

Epithet là một cách nói, mô tả một người, vật, ý kiến theo hướng cường điệu hoá vấn đề, thường mang ý nghĩa phê phán.

Việc không tập trung vào vấn đề không chỉ có ý định chê bai mà còn có ý định tán dương, ca tụng.

Cho dù là có ý định bài xích hay tán dương thì việc sử dụng epithet ở đây là không thể chấp nhận được. Thay vì mô tả vấn đề một cách chính xác thì người viết lại muốn người đọc chấp nhận những ngôn từ mà họ sử dụng.

TQ sưu tầm

"Sướng ca vô loại". Đây là ví dụ điển hình của dùng ngôn ngữ thành kiến. Khi nói ra câu này, chúng ta đã phán xét rằng những người làm nghề ca hát là không tốt. Nhưng những người ca sĩ trong ca đoàn của nhà thờ thì sao? Những ca sĩ đi uỷ lạo chiến sĩ đang đánh giặc tại mặc trận thì sao? Họ có ca hát và họ có "vô loại" không? "Sướng ca vô loại" thuộc lại lời nói quơ đũa cả nắm. Nhưng cái sai chính yếu là dùng từ ngữ có thành kiến khen chê, như "vô loại", để trình bày một tập thể con người ca hát, mà không có chứng minh rõ ràng thế nào là "vô loại" và tại sao sướng ca là vô loại.

Ở trường hợp thất học, chửi thề, lớn tiếng nạt nộ, dùng từ đao to búa lớn, đụ mẹ, đéo bà là một dạng Ngụy Biện của dùng Ngôn Ngữ Cường Điệu. Họ to tiếng để lấn áp đối phương không cho đối phương phát biểu, hay là dùng từ tục tiểu để đối phương méc cở không đáp trả. Và vì họ to tiếng, đối phương không phát biểu được, cho nên họ nghĩ rằng họ đúng. Thật ra, lấn áp đối phương đâu có chứng minh được cái lý của mình.

Còn đối với người có học, thì Ngụy Biện của Ngôn Ngữ Cường Điệu hiện hũu dưới hình thức "dùng từ cướp ý". Vị dụ, "nó là thằng ngu quá, cho nên không cần xem xét ý kiến của nó". Có thể nó ngu, nhưng biết đâu ý kiến đó đúng thì sao? Chê nó ngu đâu có phản chứng ý kiến của nó sai bao giờ, và cũng đâu có chứng minh được ý kiến của người phát biểu là đúng.

Sai Lầm Do Phức Tạp Hóa Vấn Đề [Những câu hỏi phức hợp]

The Fallacy of Complex Question

Sai lầm do phức tạp hoá vấn đề [những câu hỏi phức hợp] là dạng nghi vấn sai lầm do không tập trung vào vấn đề. Cũng giống như không tập trung vào vấn đề, sai lầm do câu hỏi phức hợp làm cho người khác tin rằng một câu trả lời nhất định cho một câu trả lời trước đó đã được trả lời theo một cách nhất định, trong khi câu hỏi trước chưa được đặt ra. Sai lầm này có thể được gọi bằng nhiều tên khác nhau: câu hỏi đánh lừa, câu hỏi dẫn dắt, sai lầm do câu hỏi sai, sai lầm của nhiều câu hỏi. [TQ hiệu đính, nghành luật thường sử dụng loại ngụy biện này nhất. Ví dụ, vị luật sư hỏi: "anh ăn cắp nhiều không?" Trả lời nhiều hay không, thì người bị hỏi đã tự thú là "có ăn cắp" rồi. Vấn đề cần phải được bàn thảo trước là "anh có ăn cắp không?". Và nếu có, thì "ăn cắp nhiều không?" mới hợp tình hợp lý].

Vua Charles II của nước Anh đã có lần hỏi các thành viên của Hội đồng Hoàng gia tại sao nếu bỏ một con cá đã chết vào cái bát thì làm cho nước tràn ra, trong khi nếu đó là con cá còn sống thì nước lại không tràn. Các thành viên của Hội đồng đã suy nghĩ rất lâu, một số người đã có lời giải thích nhưng không thực sự thuyết phục. Cuối cùng một thành viên của Hội đồng đã quyết định làm thí nghiệm về vấn đề này. Ông này đã phát hiện ra rằng không có sự khác nhau nào đáng kể khi đặt một con cá sống hay một con cá chết vào bát nước.

Cho dù câu chuyện trên đây có thực sự đúng hay không thì nó cũng chứa đựng một bài học quan trọng. Trước khi cố tìm ra giải đáp cho một vấn đề chúng ta nên đặt ra những nghi vấn cho vấn đề đó. Mọi vấn đề đều chứa đựng những giả thiết phù hợp cho những câu trả lời được tìm ra, và đôi khi những giả thiết đó cũng dẫn đến những cách lập luận sai lầm. Ví dụ:

a] John đã từ bỏ thói quen xấu đó chưa?

b] Anh vẫn còn nghiện rượu à?

Trong hai câu hỏi trên đều ẩn chứa câu trả lời cho một câu hỏi trước đó. Liệu John có một thói xấu nào không? Đây là câu hỏi đã không nêu lên trong khi câu trả lời lại ẩn chứa trong câu hỏi [a]. Chúng ta không nên đưa ra câu trả lời nào cho câu hỏi [a] cho đến khi câu hỏi trước đó được giải quyết [TQ hiệu đính, nếu trả lời câu hỏi [a] trước khi tìm ra câu trả lời cho câu hỏi "Liệu John có một thói xấu nào không?", chẳng khác nào ta đã thú nhận John có tật xấu, cho nên John đã từ bỏ hay chưa từ bỏ. Loại câu hỏi này là loại câu hỏi phức hợp, vì nó ngụ ý một hay nhiều câu hỏi khác, mà những câu hỏi khác

Video liên quan

Chủ Đề