Cách đánh của nhà trần trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống quân mông-nguyên (1258) là

[Bqp.vn] - Ba lần kháng chiến chống Nguyên - Mông không chỉ là cuộc đọ sức quyết liệt giữa một đế quốc đầu sỏ cỡ thế giới với một dân tộc nhỏ bé nhưng kiên quyết đứng lên chống xâm lược để bảo vệ đất nước, mà còn là cuộc đấu tranh gay gắt về tài trí giữa hai nền nghệ thuật quân sự của Đại Việt và của đế quốc Nguyên - Mông.

1. Chiến lược

Trong lần kháng chiến thứ nhất [1258], sau một số trận đánh chặn kỵ binh Mông Cổ ở biên giới Tây Bắc và nhất là quân trận Bình Lệ Nguyên, vua Trần cũng như Lê Tần đều biết rằng không thể tiếp tục quyết chiến khi thế và lực quân địch còn rất mạnh, cho nên đã chủ trương rút lui để bảo toàn lực lượng. Trong lần kháng chiến thứ hai [1285], Trần Quốc Tuấn đã đóng đại bản doanh và chuẩn bị thế trận ở Nội Bàng để chặn đánh địch.

Nhưng trước sức tấn công như vũ bão của hàng chục vạn quân Nguyên, nhận thấy nếu tiếp tục quyết chiến với địch ở đấy thì chắc chắn ta không cản nổi địch mà còn bị tổn thất, nên Trần Quốc Tuấn đã kịp thời thay đổi ý định chiến lược, cho quân rút lui, trước mắt là bảo toàn được lực lượng và phá kế hoạch hợp vây của chúng. Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba, do rút được kinh nghiệm hai lần trước, ta không chủ trương quyết chiến khi quân Nguyên đang ào ạt tiến công, mà vừa đánh chặn để tiêu hao địch, vừa rút lui để bảo toàn lực lượng, đồng thời dẫn dắt Thoát Hoan và Ô Mã Nhi vào thế trận ta đã chuẩn bị sẵn.

Để làm cho địch hao mòn suy yếu theo kế "dĩ dật đãi lao" - tức là lấy nhàn chờ mệt, lấy mạnh chờ yếu, lấy sung sức chờ hao mòn - tạo ra thế và thời cơ có lợi để phản công, bí quyết của thời Trần là phát huy sức mạnh của "cả nước đánh giặc", vận dụng linh hoạt các cách đánh: đánh nhỏ, đánh phân tán và đánh lớn, đánh tập trung, kết hợp chặt chẽ các hoạt động tác chiến của các lực lượng: quân triều đình, quân các lộ, các vương hầu và dân binh.

Chính nhờ tạo được thế trận chiến tranh nhân dân, cả nước đánh giặc, kết hợp được các cách đánh và các lực lượng cùng đánh nên quân và dân nhà Trần đã có được khả năng to lớn và tiến công địch ở khắp mọi nơi, mọi lúc, cả trước mặt và sau lưng; khiến quân thù đông mà tản, nhiều hóa ít, mạnh hóa yếu, từng bước bị tiêu hao, suy yếu, mệt mỏi và cuối cùng bị phản công - tiến công tiêu diệt. Kỵ binh Mông Cổ cũng như kỵ binh, bộ binh nhà Nguyên đều nổi tiếng là thiện chiến nhất đương thời; đặc biệt kỵ binh Nguyên - Mông đã từng chiến thắng ở khắp nơi, nhưng khi đến Đại Việt lại không thể "thi thố được tài năng" như ở những nơi khác. Vì chúng đã gặp phải một phương thức chống đối hoàn toàn khác lạ: đó là cuộc chiến tranh toàn dân dưới sự chỉ huy tài tình của một bộ tham mưu thống nhất. Đó là cách đánh "dĩ đoản chế trường", biết hạn chế sở trường của giặc, phát huy mặt mạnh của ta, từng bước chuyển hóa lực lượng; ta càng đánh càng mạnh, càng thắng, địch càng đánh càng yếu, càng thua.

Biết tránh quyết chiến khi tình thế không có lợi, nhưng khi đã tạo ra được thời cơ, tổ tiên ta ở thời Trần đã biết kịp thời nắm lấy thời cơ, kiên quyết tiến lên tiến công, phản công địch, giành thắng lợi quyết định.

Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất, các nhà lãnh đạo nhà Trần đã kịp thời phát hiện được thời cơ chỉ sau 9 ngày quân địch vào được Thăng Long và đã nhanh chóng chuyển sang phản công. Cách thức phản công là chỉ giáng một đòn, dùng hình thức tập kích, ban đêm bất ngờ đánh úp vào kỵ binh Mông Cổ đang ngủ say trong lêu trại ở dã ngoại - nghĩa là vào nơi, vào thời điểm mà kỵ binh tỏ ra yếu nhất, thất thế nhất. Với cách đánh thông minh như thế của ta, kỵ binh Mông Cổ còn tên nào chỉ còn biết tìm đường mà chạy tháo thân.

Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai khi thời cơ đến, ta tiến hành phản công theo cách: tiêu diệt từng bộ phận địch, đánh cánh quân yếu trước, đánh cánh quân mạnh sau, rồi từ tiêu diệt một bộ phận tiên lên tiêu diệt đại bộ phận.

Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba, với thế trận đã chuẩn bị sẵn, ta chuyển sang phản công đồng thời, trên cả hai hướng thủy bộ và đánh địch trong một tình huống có lợi nhất: đó là lúc chúng đã hết sức suy yếu, mất tinh thần và đang tìm cách tháo chạy vê nước.

Để đôi phó với một kẻ địch đông, mạnh, có nhiều kinh nghiệm tác chiến chiến trường xa và luôn chủ trương đánh nhanh thắng chóng, tổ tiên ta đã khôn khéo biết khoét sâu vào yếu điểm cơ bản của chúng là vấn đề lương thảo, hậu cần.

Vì thế trong cả ba lần chiến tranh, đều chủ trương bằng mọi cách hạn chế, triệt đường lương thảo của chúng, gây cho địch một khó khăn tổ tiên ta không thể khắc phục được.

2. Chiến thuật

Nghệ thuật tổ chức và thực hành các trận quyết chiến chiến lược như Đông Bộ Đầu [1258], Chương Dương - Thăng Long [1285] và Bạch Đằng [1288] đã để lại những bài học về việc tạo thời cơ, chuẩn bị lực lượng cho địa hình, đánh vận động, đánh tiêu diệt trong một trận quyết chiến. Trong các trận đó, nổi bật nhất là trận Bạch Đằng [1288]. Trần Quốc Tuấn đã thực hành một kế hoạch tác chiến được tính toán kỹ càng, chuẩn bị chu đáo, từng bước dẫn dắt địch hành động theo ý định của ông, đưa chúng vào trận địa đã chuẩn bị sẵn và đúng thời điểm thuận lợi, kết hợp quân mai phục thủy bộ với bãi cọc ngầm được đóng sẵn và lợi dụng quy luật lên xuống của nước triều, để đánh trận tiêu diệt chiến lược.

Trong quá trình chiến tranh, các hình thức chiến thuật như tập kích, phục kích, đánh tiêu hao, quấy phá địch bằng các lực lượng đã được vận dụng linh hoạt và có hiệu quả. Khi quân Nguyên muốn đánh lớn thì ta đánh nhỏ, khi quân giặc muốn tập trung thì ta lại phân tán, buộc chúng đánh theo cách đánh của ta. Khi quân địch đã suy yếu thì ta phản công, tổ chức những trận đánh lớn, bất ngờ, địch không kịp và không thể tập trung đối phó được.

Trong những lần quân Nguyên đuổi theo đánh và định bắt vua Trần, quân ta thường khéo léo áp dụng các thủ đoạn nghi binh, đánh lừa địch, khiến cho tướng giặc tức tối, lồng lộn và cuối cùng bị sa vào bẫy phục kích của ta.

Khi địch mạnh, quân ta thực hiện vừa đánh chặn, vừa rút lui; khi địch thua, tháo chạy thì quân ta chặn đánh và truy kích kiên quyết, có hiệu quả v.v...

[Bách khoa Tri thức Quốc phòng toàn dân]

Hay nhất

Cách đánh giặc độc đáo:

- do thế giặc mạnh vua Trần cho lui quân để bảo toàn lực lượng

- nhân dân Thăng Long thực hiện chủ trương " vườn không nhà trống" để đánh giặc

11/30/2021 9:39:30 AM

Với ba lần đánh thắng quân Mông – Nguyên xâm lược, Quân và dân nhà Trần đã làm nên những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Thắng lợi đó là minh chứng hùng hồn, khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của vương triều Trần cùng tinh thần tự lực, tự cường, ý chí cố kết cộng đồng và quyết tâm bảo vệ non sông, bờ cõi của quân, dân Đại Việt.

Sau khi chinh phục được nhiều quốc gia và xây dựng nên một đế chế hùng mạnh từ bờ Đông biển Hắc Hải đến bờ Tây Thái Bình Dương, quân Mông Cổ tiếp tục tấn công hòng chinh phục Nam Tống và đánh chiếm các nước ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á. Để thực hiện mưu đồ này, Đại hãn Mông Cổ cho quân đánh chiếm Đại Việt làm bàn đạp tiến công Nam Tống và tiến hành “kế ở lâu dài” phát triển xuống khu vực Đông Nam châu Á. Tháng 01 năm 1258, khoảng bốn vạn quân Mông Cổ do tướng Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy tiến hành xâm lược Đại Việt, tuy nhiên đội quân này đã bị quân và dân nhà Trần đánh bại. Sau cuộc tiến công lần đầu không thành, năm 1285, quân Mông - Nguyên tiến hành đánh chiếm nước ta lần thứ hai với quy mô lớn nhất [khoảng 60 vạn quân], mức độ ác liệt hơn, song vẫn không giành được thắng lợi. Không chấp nhận thất bại, năm 1288, quân Mông - Nguyên tiếp tục tiến công xâm lược lần thứ ba với mục đích rửa “nỗi nhục” tại đất nước nhỏ bé này và một lần nữa chúng lại phải cúi đầu khuất phục trước quân, dân Đại Việt.

Về phía Đại Việt, sau khi nắm quyền từ tay nhà Lý, nhà Trần tiếp tục đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, làm nên hào khí Đông A với những chính sách ưu việt, nổi bật là việc chăm lo củng cố triều chính, binh bị, bố phòng đất nước, khoan thư sức dân, v.v. Khi biết tin quân Mông - Nguyên chuẩn bị xâm lược nước ta, vua tôi nhà Trần đã đoàn kết một lòng cùng với nhân dân cả nước khẩn trương làm công tác chuẩn bị để đánh giặc giữ nước. Trong vòng 30 năm [1258 - 1288], dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của vương triều Trần, quân và dân Đại Việt đã ba lần đánh bại quân Mông - Nguyên xâm lược, bảo vệ vững chắc giang sơn, bờ cõi. Có được chiến thắng trước đội quân xâm lược hùng mạnh là do nhiều yếu tố hợp thành; trong đó, yếu tố cơ bản, quan trọng là “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức” và sự chỉ đạo chiến lược sáng suốt, tài tình của Bộ Thống soái Đại Việt, đứng đầu là các vua Trần và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.

1. Tránh đối đầu trực diện quy mô lớn với địch, chủ động rút lui, bảo toàn lực lượng, từng bước đưa chúng vào thế trận chuẩn bị trước, đánh trận quyết định

Với quyết tâm bảo vệ vững chắc non sông, bờ cõi, nên khi được tin quân Mông - Nguyên chuẩn bị xâm lược Đại Việt, vua Trần đã xuống chiếu cho cả nước khẩn trương sắm sửa vũ khí, làm công tác chuẩn bị chống giặc; cử Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn thống lĩnh đại quân cùng nhân dân cả nước đánh giặc, giữ nước. Năm 1258, khi quân giặc tiến quân xâm lược nước ta, nhận thấy không thể đối đầu trực diện với đội quân Mông Cổ thiện chiến, quen đánh trận ngay từ đầu, Bộ Thống soái nhà Trần chỉ đạo quân và dân các lộ từng bước chặn giặc, làm giảm nhịp độ tiến công của chúng, đồng thời tổ chức cho quân chủ lực triều đình rút lui, bảo toàn lực lượng và có thời gian bàn phương lược phản công. Cùng với đó, chia quân ra trấn giữ những nơi hiểm yếu, thực hiện các cuộc tấn công nhỏ, lẻ, làm suy yếu quân giặc, khi thời cơ đến tổ chức các cuộc phản công quy mô lớn đánh đuổi quân giặc ra khỏi bờ cõi.

Thực hiện kế sách đó, quân và dân Đại Việt đã kiên cường, dũng cảm chiến đấu, đích thân vua Trần Thái Tông đi tiên phong, tự mình đốc thúc quân sĩ đánh giặc. Thấy rõ sức mạnh của địch, tướng Lê Phụ Trần đề nghị với nhà vua hãy tạm rút lui để bảo toàn lực lượng, không nên “dốc túi đánh nước cuối cùng”1. Được sự tham mưu của tướng sĩ, nhận thấy chưa thể đánh bại ngay được quân giặc, vua Trần cùng Bộ Thống soái đã tổ chức lui quân từ Bình Lệ Nguyên về Phù Lỗ rồi về Thăng Long. Trước thế tiến công mạnh mẽ của giặc, nhằm bảo toàn lực lượng và có thời gian chuẩn bị phản công, triều đình nhà Trần đã quyết định rút lui khỏi kinh thành. Việc lui quân khỏi Thăng Long đã giúp nhà Trần bảo toàn gần như nguyên vẹn quân triều đình và giành thắng lợi quyết định trong cuộc phản công tại Đông Bộ Đầu [Hà Nội ngày nay] vào ngày 20/01/1258.

Cũng như cuộc kháng chiến lần thứ nhất, năm 1285, khi 60 vạn quân Mông - Nguyên xâm lược nước ta, nhờ chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến chu đáo, động viên tinh thần tướng sĩ kịp thời, cùng với đánh giá chính xác tình hình quân giặc, Bộ Thống soái nhà Trần, đặc biệt là Trần Quốc Tuấn đã thay đổi ý định tác chiến, tránh quyết chiến chiến lược trong điều kiện bất lợi, từng bước ngăn chặn giặc, chủ động rút lui khỏi kinh thành để bảo toàn lực lượng. Quá trình lui quân ra Quảng Yên, rồi vào Thanh Hóa, nhà Trần từng bước củng cố, bổ sung lực lượng, nên thế và lực quân ta lại mạnh thêm. Cùng với đó, chỉ đạo quân các lộ, quân vương hầu từng bước nhử giặc vào thế trận đã chuẩn bị sẵn, làm cho quân giặc muốn đánh nhanh, giao chiến với quân triều đình cũng không được. Trong khi quân chủ lực nhà Trần vẫn chưa phải giao chiến lớn, sức mạnh vẫn bảo toàn thì quân giặc ngày càng mệt mỏi, hoang mang do phải dàn mỏng lực lượng từ Lạng Sơn đến Thăng Long để đối phó với các cuộc tiến công nhỏ, lẻ của ta2. Khi thời cơ chín muồi, Bộ Thống soái nhà Trần chỉ đạo quân và dân ta thực hiện những trận phản công chiến lược tại Tây Kết, Hàm Tử Quan, Chương Dương Độ, Thăng Long, Vạn Kiếp tiêu diệt lớn quân giặc, đánh bại cuộc tiến công xâm lược quy mô lớn nhất của địch, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ hai.

Trong cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ ba [năm 1288], cũng như hai lần trước, mặc dù quân giặc thay đổi thủ đoạn xâm lược, nhưng nhờ nắm chắc mưu đồ của chúng, Bộ Thống soái nhà Trần đã không bố trí quân triều đình tại khu vực biên giới, mà tập trung tại những nơi dự kiến sẽ diễn ra trận quyết chiến chiến lược. Ở những khu vực hiểm yếu mà quân giặc sẽ đi qua, vua Trần và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cũng bố trí lực lượng vừa phải chặn đánh, làm giảm tốc độ tiến công của chúng và có thể rút lui an toàn. Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Bộ Thống soái nhà Trần, quân và dân ta đã tập trung xây dựng thế trận bí mật, hiểm hóc, có thế đánh, thế lui tại Bạch Đằng Giang và từng bước lừa dụ quân giặc vào để đánh trận quyết định, qua đó kết thúc vang dội cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ ba. Có thể thấy, việc quân và dân nhà Trần tránh đối đầu trực tiếp quy mô lớn với quân Mông - Nguyên khi chúng đang mạnh, thực hiện việc lui quân chiến lược để bảo toàn lực lượng, chờ quân giặc mệt mỏi, suy yếu rồi mới phản công là để “tránh cái thế hăng hái ban mai của giặc” và “sức dùng một nửa, công được gấp đôi”.

2. Triệt để tiến hành kế “thanh dã”, cắt đứt đường tiếp tế lương thảo của giặc

Đi đôi việc thực hiện các cuộc rút lui chiến lược, tránh đối đầu quy mô lớn nhằm bảo toàn quân chủ lực, Bộ Thống soái nhà Trần còn thực hiện có hiệu quả kế “thanh dã” và chặn đánh đoàn thuyền tải lương, cắt nguồn tiếp tế, cung cấp lương thảo khiến chúng rơi vào cảnh thiếu thốn, đói khát; quân tướng hoang mang, lo sợ, giảm sút ý chí chiến đấu. Trước nguy cơ đói khát, dịch bệnh hoành hành, quân giặc đã chia quân thành tốp nhỏ, đánh ra các hương, ấp xung quanh kinh thành để cướp lương thảo. Dưới sự chỉ đạo của vương triều nhà Trần, nhân dân các hương, ấp đã cất giấu lương thực, vũ khí, tiến hành những trận phục kích, tập kích nhỏ vào đội hình quân giặc. Liên tục bị quân và dân nhà Trần tiến công, cộng thêm khó khăn về lương thảo, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, tướng sĩ Mông Cổ hoang mang, lo sợ, giảm sút nhuệ khí chiến đấu, đó chính là cơ hội để quân và dân nhà Trần thực hiện trận phản công chiến lược tại Đông Bộ Đầu giành thắng lợi. Năm 1285, mặc dù đã có sự chuẩn bị chu đáo về lương thảo, nhưng khi chiếm được Thăng Long và các khu vực lân cận, chúng vẫn gặp không ít khó khăn về hậu cần và cũng không thể kiểm soát được nơi đã chiếm. Bởi, các đội quân của triều đình có nhiệm vụ ở lại đã cùng với quân các lộ, dân binh các hương, ấp thực hiện có hiệu quả kế “thanh dã” - “vườn không, nhà trống” và tiến hành kháng chiến lâu dài theo kế hoạch của triều đình. Ngoài ra còn thường xuyên tổ chức các đợt tấn công vào đội hình quân giặc nhất là đội quân đi cướp lương thảo trong dân. Những hoạt động đó của quân và dân ta đã khiến việc bảo đảm lương thảo của giặc gặp rất nhiều khó khăn, đường vận chuyển, tiếp tế bị cắt đứt, đẩy chúng rơi vào cảnh thiếu lương thực, thực phẩm; khu vực đóng quân bị quấy rối, đe dọa, lực lượng tiêu hao, tinh thần hoảng loạn. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ ba, chỉ bằng một trận đánh tại Vân Đồn - Cửa Lục, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ đoàn thuyền tải lương của giặc, làm cho kế hoạch xâm lược của chúng gặp muôn vàn khó khăn, lương thảo không đủ để cung cấp, sức chiến đấu bị giảm sút. Việc chỉ đạo thực hiện có hiệu quả kế “thanh dã” - cắt đứt nguồn lương thảo tại chỗ, đánh phá, chặn cắt nguồn tiếp tế, cung cấp lương thảo giữa tuyến trước và tuyến sau của giặc khẳng định sự chỉ đạo tài tình, sáng suốt, độc đáo của Bộ Thống soái nhà Trần.

Như vậy, trong cả ba cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên, nhờ nắm chắc tình hình, đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu, sở trường, sở đoản của giặc, Bộ Thống soái nhà Trần đã có những chỉ đạo chiến lược: thực hiện các cuộc rút lui nhằm bảo toàn lực lượng; kéo dài thời gian kháng chiến để chuẩn bị phản công; tiến hành triệt để kế “thanh dã”, cắt đứt nguồn cung cấp, tiếp tế lương thảo của giặc, qua đó, làm cho chúng rơi vào tình cảnh khốn đốn, tinh thần hoang mang, ý chí chiến đấu giảm sút và không thực hiện được ý định đánh nhanh, thắng nhanh. Sự chỉ đạo chiến lược của triều đình nhà Trần là nhất quán, xuyên suốt trong ba cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên và là sách lược duy nhất đúng trong cuộc đối đầu với đội quân hùng mạnh, thiện chiến, quen trận mạc. Sự chỉ đạo chiến lược đó khẳng định tầm nhìn, tư duy sáng tạo, khả năng tổ chức của Bộ Thống soái Đại Việt, đứng đầu là các vua Trần và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, đồng thời là bài học quý cần vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

HÀ THÀNH
________

1 - Đại Việt Sử ký toàn thư, Tập II, Nxb KHXH, H. 1998, tr. 28.

2 - Cứ 30 dặm chúng lập một trại, 60 dặm dựng một trạm ngựa. Mỗi trại, trạm có 300 quân đóng giữ.

Video liên quan

Chủ Đề