Cách đề phòng các bệnh lây qua đường tiêu hóa

Y tế trường học đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền thông giáo dục sức khỏe để học sinh và các bậc phụ huynh quan tâm thực hiện những biện pháp phòng ngừa nhằm chủ động tránh mắc phải một số bệnh thường gặp tại học đường do sự lây nhiễm qua đường tiêu hóa. Ngoài “thức ăn đường phố”, loại hình “quà vặt cổng trường” cũng là mối nguy cơ làm cho học sinh dễ mắc bệnh vì ăn uống không bảo đảm vệ sinh.

Các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa thường gặp ở học sinh tại các trường học là tiêu chảy cấp tính, tả, lỵ trực khuẩn, thương hàn, viêm gan A, tay chân miệng và nhiễm giun. Vì vậy, cần biết một số đặc điểm của bệnh và cách phòng bệnh để chủ động việc phòng ngừa.

Bệnh tiêu chảy cấp tính

Thường gặp ở những trẻ em lứa tuổi mầm non và những năm đầu của cấp tiểu học. Bệnh có thể gây tử vong cho trẻ vì bị mất nước và các chất điện giải trầm trọng. Nguyên nhân gây nên bệnh tiêu chảy cấp tính do trẻ ăn uống những loại thức ăn, nước uống không thích hợp, có khả năng dinh dưỡng không tốt; có thể bị nhiễm khuẩn đường ruột do các loại Rotavirus, trực khuẩn E.coli, trực khuẩn lỵ, shigella, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn thương hàn. Ngoài ra, cũng có thể do bị viêm nhiễm ngoài ruột như viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm phổi sau khi bị mắc bệnh sởi hay ho gà.

Tiêm vắc-xin để phòng bệnh học đường lây qua đường tiêu hóa [ảnh minh họa].

Yếu tố thuận lợi tạo điều kiện cho bệnh tiêu chảy cấp tính phát triển tại các trường học do điều kiện vệ sinh môi trường kém, khí hậu nóng ẩm giúp vi sinh vật gây bệnh phát triển. Đối với học sinh bị suy dinh dưỡng sẽ dễ dàng mắc bệnh tiêu chảy cấp tính, nếu bị mắc thì bệnh kéo dài hơn và tỷ lệ tử vong cũng cao hơn. Ngoài ra, học sinh mầm non dưới 2 tuổi, bị rối loạn vi khuẩn đường tiêu hóa cũng dễ bị nhiễm bệnh tiêu chảy cấp tính.

Để phòng bệnh tiêu chảy cấp tính ở học sinh, về chế độ dinh dưỡng, cần cho trẻ bú sữa sớm ngay từ khi mới sinh, khi trẻ được 6 tháng thì cho ăn bổ sung với thức ăn bảo đảm đủ chất dinh dưỡng. Đối với vệ sinh ăn uống, các loại dụng cụ dùng để chế biến và ăn uống của trẻ phải được giữ sạch, thường xuyên tráng nước sôi trước khi sử dụng; không cho trẻ ăn thức ăn bị ôi thiu, nấu chưa chín; rau quả tươi phải rửa sạch, gọt, bóc vỏ; nước uống phải được vô trùng; dặn dò học sinh không được ăn quà vặt ở các gánh hàng rong; các bảo mẫu trước khi chế biến thức ăn và cho trẻ ăn phải rửa sạch bàn tay, đồng thời cũng phải rửa tay sạch cho trẻ, phải cắt ngắn các móng tay; bếp ăn ở trường học nội trú hoặc bán trú phải được thiết kế một chiều và bảo đảm vệ sinh. Về vệ sinh môi trường, phải sử dụng nguồn nước sạch để ăn uống và sinh hoạt trong trường học; các khu nhà vệ sinh phải bảo đảm yêu cầu; có hệ thống thu gom xử lý rác thải và nước thải. Đồng thời cũng cần chú ý đến các biện pháp diệt côn trùng truyền bệnh, ngăn chặn ruồi nhặng bay vào bám đậu ở những nơi sinh hoạt, học tập của trẻ. Một điều nên nhớ là phải cho trẻ thực hiện đầy đủ các loại vaccin phòng bệnh theo quy trình và lịch quy định.

Bệnh tả

Đây là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính do vi khuẩn Vibrio cholerae thường được gọi là phẩy khuẩn tả gây ra. Độc tố của vi khuẩn gây nôn mửa và đi tiêu chảy nặng kèm theo mất nước nhiều. Bệnh dễ có nguy cơ phát triển, lây lan nhanh gây ra dịch bệnh và cũng dễ dàng dẫn đến tử vong nếu không được xử trí điều trị kịp thời, tích cực. Hiện nay, bệnh tả vẫn còn có khả năng lưu hành ở một số vùng và thường xuyên xảy ra những vụ dịch nhỏ. Tuy vậy, phẩy khuẩn tả thường dễ chết dưới tác động của nhiệt từ ánh nắng mặt trời, ở nhiệt độ trên 55oC trong vòng 1 giờ và ở nhiệt độ 80oC sau 5 phút.

Phòng ngừa mắc bệnh tả bằng cách chú ý việc truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh thực hiện việc ăn chín, uống chín và vệ sinh cá nhân; không nên ăn rau sống, kể cả rau đã được rửa sạch trong thời gian có dịch bệnh lưu hành. Giáo dục và vận động học sinh thường xuyên rửa tay bằng nước sạch với xà phòng, tham gia sử dụng vaccin phòng bệnh tả. Y tế trường học tham mưu và đề xuất việc xây dựng cũng như sử dụng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn trong nhà trường. Khi phát hiện học sinh có tiêu chảy và nôn nhiều, y tế trường học nên chủ động bù nước và chất điện giải bằng dung dịch oresol uống, đồng thời đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để có điều kiện bù nước và chất điện giải bằng đường tĩnh mạch. Y tế trường học phải phối hợp tích cực với cơ sở y tế tại địa phương xử lý dịch bệnh kịp thời, hiệu quả, triệt để khi có dịch bệnh xảy ra.

Bệnh lỵ trực khuẩn

Lỵ trực khuẩn là bệnh do trực trùng Shigella thuộc họ Enterobacteriacae - loại vi khuẩn gram âm gây ra. Bệnh thường lưu hành ở những vùng nhiệt đới và ôn đới; có khả năng lưu hành tản phát quanh năm ở nhiều địa phương nhưng thường gia tăng, phát triển vào mùa hè thu; đồng thời có thể làm xảy ra dịch bệnh lỵ trực trùng trong một số nơi.

Phòng ngừa bệnh bằng cách phát hiện sớm học sinh bị mắc bệnh và học sinh lành mang vi khuẩn; đồng thời khi phát hiện thì người bệnh phải cách ly. Các chất thải của bệnh nhân được tẩy uế bằng vôi sống 20%, nước vôi 10%; dụng cụ, quần áo cũng cần sát khuẩn, ngâm dung dịch chloramin 2%; tẩy uế buồng bệnh, phòng y tế trường học bằng dung dịch cresyl 5%. Cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân như vào ngày đầu chỉ cho ăn nhẹ, sau đó ăn gần bình thường nhưng không ăn hạn chế quá từ 3 - 4 ngày. Tránh ăn thức ăn nhiều chất xơ, cứng, nhiều chất mỡ và gia vị. Nếu nhân viên nhà trường bị mắc bệnh là cấp dưỡng, nấu ăn, tiếp phẩm thì không nên bố trí tiếp tục ở vị trí này sau khi xuất viện. Cần chú ý ngăn chặn sự tiếp xúc của côn trùng trung gian truyền tại các bếp ăn trong nhà trường như thực phẩm tươi sống nên cất vào tủ, nơi chế biến thức ăn phải có lưới ngăn ruồi nhặng; không cho học sinh ăn rau sống, quả tươi chưa được xử lý an toàn. Định kỳ có kế hoạch tổ chức biện pháp diệt ruồi nhặng và côn trùng trong nhà trường. Tuyên truyền, vận động học sinh việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, ăn chín, uống sôi; kiểm tra vệ sinh môi trường ở các phòng học, lớp học, phòng nghỉ, nhà ăn, nhà bếp trong trường học.

Mời xem tiếp trên SK&ĐS số 88 ra ngày 4/6/2014

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh


Do đặc điểm khí hậu Việt Nam là nhiệt đới ẩm gió mùa nên mùa hè tới các vi khuẩn có cơ hội sinh sôi, phát triển gây ra nhiều dịch bệnh đặc biệt là bệnh lây qua đường tiêu hóa. Dưới đây là một số bệnh lây qua đường tiêu hóa thường gặp bạn nên lưu ý để phòng tránh.

 Các bệnh lây qua đường tiêu hóa thường xuất hiện vào mùa hè

Bệnh thương hàn: lây qua đường tiêu hoá do trực khuẩn Salmonella gây nên, là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân. Triệu chứng của những người mắc bệnh này đó là sốt cao kéo dài, bụng đau quặn và đi đại tiện nhiều lần trong ngày. Bệnh cần được đi cấp cứu kịp thời để tránh bị thủng dạ dày và biến chứng xuất huyết tiêu hóa.

Bệnh lỵ trực khuẩn: Bệnh thường liên quan đến thực phẩm và nguồn nước. Đây bệnh lý nhiễm trùng cấp tính đường tiêu hoá, chủ yếu gây ra tổn thương ở ruột già. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn Shigella. Những biểu hiện của bệnh: sốt cao, đi tiêu phân lỏng hoặc nhầy máu, đi đại tiện nhiều lần [số lần có thể lên tới 20-30 lần/ngày] kèm mót rặn, đau quặn bụng dọc khung đại tràng.

Bệnh tiêu chảy: Bệnh thường xảy ra vào mùa hè nguyên nhân do ruồi nhặng, nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Đây biểu hiện của bệnh rối loạn về tiêu hoá, số lần đi đại tiện trên 3 lần/ngày [trẻ sơ sinh chưa cai sữa trên 5 lần/ngày]. Biểu hiện là đi ngoài sống phân, sền sệt, lỏng hoặc toàn nước, đôi khi lẫn máu, màng nhầy như đờm

Bệnh tả: Là một bệnh nguy hiểm lây qua đường tiêu hóa dễ phát triển thành đại dịch. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn Vibro cholerae gây nên. Biểu hiện đi đại tiện liên tục, từ 20 đến 50 lần/ ngày, phân có mùi tanh khó chịu, có khi toàn nước hay phân trắng đục như nước vo gạo. Bệnh nhân rất dễ bị sốc do mất nước và điện giải, cần được cấp cứu kịp thời.

Bệnh lỵ Amíp: Bệnh do ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn. Nguyên nhân gây bệnh là do ký sinh trùng Entamoeba histolytica. Triệu chứng của người mắc bệnh này là mót rặn khi đi đại tiện, đau quặn bụng, đại tiện ra chất nhầy lẫn máu.

Đảm bảo vệ sinh ăn uống, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh giúp bạn phòng tránh các bệnh lây qua đường tiêu hóa

Để phòng tránh những bệnh lây qua đường tiêu hóa, chúng ta nên giữ môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát. Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ăn chín uống sôi… Trong trường hợp gặp triệu chứng liên quan, bạn cần tới ngay các cơ sở y tế để kiểm tra và đưa ra các biện pháp điều trị kịp thời

Video liên quan

Chủ Đề